Danh từ hay thành ngữ “Thả cầm thi. Thả kìm thơ” nầy, tôi nghe từ nhỏ, lúc chín, mười tuổi, hay mười hai, mười ba tuổi, do một nhạc sĩ có danh là ông Nguyễn Tùng Bá, người đất Sài gòn, xuống Sốc trăng, chuyên dạy đờn. Tôi nhớ ông, người dong dải, cao ráo, là người thứ nhứt, tôi thấy thường thường ăn mặc chải chuốt ít khi thấy ông bận đồ mát, và luôn luôn khăn đóng áo dài xuyến đen, miệng ngậm xi gà, hoặc hút thuốc vấn, thì có đót ống điếu hổ phách sang trọng, rất khác cô bác và cha mẹ chúng tôi tỉnh Sốc, quen áo cụt, đi giày hàm ếch, xập sệ, ăn trầu, nhà quê. Sau tôi rõ lại, ông là con trai của ông Nguyễn Liên Phong, trước có nhà ở đường Vassoigne, Tân Định, là tác giả tập “Điếu cổ hạ kim”, in năm 1915.

Trong tập thơ bát cú nầy, ông Nguyễn Liên Phong nhắc lại sự tích các nhà tiền nhơn trong xứ, có để lại chút công danh với đời, ông gọi điếu cổ, và phần thứ hai, ông tự xuống lục tỉnh, đến viếng từng nhà, từng chỗ, mấy nhà danh giá, tỷ như ông công chức (phủ, huyện, thầy thông, thầy ký), hoặc chủ điền chủ ruộng, hoặc bà goá phụ nào biết tiếp tục khai thác sự nghiệp của chồng để lại, ông biên chép tỉ mỉ tiểu sử, sau rốt bài, ông tặng một bài thơ tám câu và mục thứ hai ấy, ông gọi “hạ kim”, tôi để ý trọn tập, ông khen nhiều, chê ít, và theo tôi, ông Nguyễn Liên Phong nầy là người trước nhứt, lấy nghề biên soạn làm sanh nhai, và có lẽ ông đáng lả bực tiền bối, nếu không nói là một ký giả đi đầu trong trong phỏng vấn và viết lách trong Nam.

Ẩm thực Sài Gòn xưa (Phần 02): Hàng quán một thời

Tiếp theo, con ông là ông Nguyễn Tùng Bá, khi ôm một cây tỳ bà, khảy bài phụng cầu hoàng, du dương ngọt xớt, khi khác, ông ôm cây đờn kìm, ông dạy Ba tôi hay là dạy những người khác, tôi nhớ trong số có ông Nguyễn Tấn Vinh, ngoài gọi Xã Vinh là một nhà phong lưu tài tử thời ấy, làm chủ điền lớn ở làng Hoà Tú, dày công theo học đủ bài đủ bản với ông Bá, và sau rốt, nài được cây tỳ bà, thùng đàn bằng gỗ trắc đen bóng, mặt đàn bằng ngô đồng đã lên màu thâm cũ và tiếng nghe rất trong, ngày nay thất lạc đã lâu nhưng tôi còn tiếc mãi, – tôi nói xuýt lạc đề, ông Nguyễn Tùng Bá, sống bằng nghề dạy đờn và bán đờn, tôi không biết đờn ấy do nơi nào làm, tôi chỉ nhớ ông Bá bán giá rất nới, cứ mỗi cây, kìm như tranh, chỉ có năm đồng bạc nhưng phải nói bạc thời ấy mới thật là “đồng bạc lớn”, tương đương một đồng năm 1915 mua được nhiều đồ vật hơn một ngàn lần ngày nay, và ông Bá dạy đờn, cũng một giá ấy, năm đồng bạc thôi, giao khi nào người học hoà đàn với ông được và thuộc rành bản Tứ đại, ông mới nhận tiền dạy, mới nghe ai cũng ham vì rẻ, nhưng rốt lại học trò của ông học đờn xong thảy đều lắc đầu ngó nhau mà nín thở, chưa nghe ai học đờn với ông Bá mà khuyến dụ được nàng “Trác văn Quân cuốn gói theo Tư mã Tương Như” nào, nhưng vì lời giao kết phải nuôi thầy, chạy ăn chạy thuốc, mà ăn, ông Bá ăn uống rất sang, uống toàn rượu cognac Robin, hút thuốc toàn xi gà nguyên hộp hiệu La Havana, Cuba chính cống. Học cho trơn tru bản Tứ đại, đờn còn lộn lên lộn xuống, ít nào cũng một tháng tròn, xem lại lúa bồ đã nhót, thêm học trò chưa thạo đờn mà đã mang bịnh rượu vì mãi hàm chấm chút với thầy, lai rai uốn nắn tiếng “xừ”, tiếng “xang”, tiếng đờn càng thêm ngọt, bịnh ghiền trà rượu càng không dứt bỏ được. Ông Nguyễn Tùng Bá- châu lưu khắp thiên hạ, Hậu giang lục tỉnh, và chính ông, sau ông Phụng Hoàng San, tác giả bản dạy đàn tranh, xuất bản nhà in Phát Toán, tháng giêng năm 1910, và tập Bài ca mới, Bát tài tử do Nguyễn Tùng Bá sáng tác, Đinh Thái Sơn (nhà in Imprimerie de l’union của ông huyện hàm Nguyễn Văn Của làm chủ), xuất bản ngày 20-8-1915, cũng như theo tôi biết, trước kia, chi có ông Tôn Thọ Tường, và ông Phan Hiển Đạo từng ra Huế, ở lâu năm để học thi cử rồi đem nghề đờn về Miền Nam, theo tôi, chính ông Nguyễn Tùng Bá là một thầy đờn kỳ cựu, có công truyền bá điệu cầm ca xuống đất Hậu giang, để sanh ra điệu đờn ca, xuống đến Bạc Liêu, pha hợp với điệu hát Tiều của người lai Triều châu xứ nầy, đẻ ra nghề hát cải lương, cho hay xưa kia khinh thường và chê “xướng ca vô loài”, nhưng nay, các nghề cao cả như luật sư, quan toà đều bó gối, đêm đêm ngồi chung quanh máy ti vi, nếu dư dả có thừa, thì đã xi nê hay chiều ý con cháu, quên sự đời trong rạp với câu ca tiếng hát, xướng ca lên chưn hơn ông chưởng toà không còn truyền rao giấy tờ nào nữa mà hòng hành nghề thừa phát lại, và khi làm như vậy, là thả cầm thi rồi đó. Tôi quen tánh lẩn thẩn, nói không chịu đứt: “Thả cầm thi”, không khác câu “lang bợt kỳ hồ”. Đúng ta, nghĩa chánh “lang bạt kỳ hồ” là dựa tích con lang đạp cái bọc da nơi trước cổ, vì vậy là lúng túng không đi đâu được, nhưng có một ông thi sĩ Bắc phương lại dùng theo nghĩa đen, nghĩa bóng gió và hiểu nghĩa nghịch hẳn là “đi nơi nầy nơi khác, không nhứt định chỗ nào”. Đến phiên tôi, tài vẫn không, nhưng lại muốn lên mặt viết lách mà chơi, tôi nhớ thành ngữ Pháp có chữ “a bâtons rompus”, đúng nghĩa là nói không liên tiếp, nói lát gừng vậy như nay: tôi đang nói không liên tiếp, nói tầm xàm, cu cu chằng chằng, căng căng chù chù, nói lát gừng hay nhát gừng cũng một thứ, vậy xin độc giả hãy cho phép tôi dùng mấy chữ có sẵn: tôi lang bạt kỳ hồ tôi chơi, tôi thả cầm thi đây, và xin miễn chấp.

Từ đây, tôi bắt hết tập nầy, đọc qua cuốn khác, gặp đâu đọc đó và thấy gì nói nấy, nói cho đỡ buồn, nếu thiếu trật tự, cũng không hơi đâu mà trách. (7-10-1983).

Xin nhắc, nơi bài tựa, tôi viết đề ngày 6-10-1983. Tiếp theo, mở đầu, bài thứ 1 lại là những bài: thử tập dịch văn Pháp (viết ngày 12-9-83), bắt qua bài nói về Boni, viết gián đoạn 12 đến 15 tháng 9, xuống bài nói về xâu chuỗi ngọc của bà Thiers (viết 19-9-83), qua bài “sinh kế, sinh hoạt” (viết 3-10-83), đó rồi nối theo là bài viết ngày 22-9-83 lược thuật những gì đã đọc trong quyển Pháp văn “La Naissance et les premières années de Sai gon” của Jean Bouchot, ngài viết lộn lạo cái trước cái sau, đã trót thương, tôi cũng xin miễn chấp luôn, vì có như vậy mới đúng là lát gừng, không tiếp xuôi thẳng giọt”.

(7-10-1983)

Tái bút. Đây là những gì đọc và nhớ lại: Bên Pháp, đại văn hào Renan, thường viết bừa rồi gởi đi nhà in. Nhà in in xong gởi trả, chừng ấy mới sửa, gọt, một lần, hai lần, ba lần, như vậy, đến lần thứ năm, ấy mới đúng là văn của Renan. (Anatole France on pantouffes, trang 78) Đến lượt ông Anatole France (D) nầy, cũng thế tỷ dụ, ông lấy y câu nầy trong một từ điển, ông chép ra giấy: “La dame de Théroude était riche et de bonne renomnlée”. Đoạn ông chỉ trích và chỉnh lại: “Com me la dame de Thérolde était riche, on la disait de bonne renomnlée”. Gọt, giũa như vậy rồi, ông cười hề hề, tự bào chữa: “Mặc kệ mụ Théroude, chết đã ba mươi đời vương, mụ đã ra cát bụi, mà câu văn như vầy mới là sống động”. Ông lại nói: “Đừng sợ trùng tự cũng đừng ngại trùng ý. Lão đây nhại đi nhại lại hoài, có sao đâu. Cũng đừng tưởng đổi cho khỏi trùng là hay là giỏi. Biết đâu đó là ý của người ấy, mình chưa hiểu cạn, đã mong lên mặt làm thầy. Giỏi không là biết cắt xén, hoặc đổi chỗ, mà cây cảnh xem hay, câu văn xem gọn”.

Nhưng những gì Tây phương làm được, có khi ở bên nầy, không thể làm được là thường thấy. Bên nước người ta, có văn phạm, in sai, sách bán ai mua? Lại nữa: bản thảo như của Anatole France, bán rất được tiền. Trái lại bên mình bản thảo in xong, vụt bỏ, mụ xã lấy lót nồi, đứa con, nói lỡ nói luôn, nó dùng chùi đít! Người nào cỏ tánh kỹ, tiếc cất để đành. Đến việc in sách, làm sao sửa chữa, vì là in khoán. Năm xưa, tôi đã từng lãnh bản thảo nơi nhà in, cắp ca cắp cùm (đính chính lỗi chính tá, rồi trả morasse về nhà in, tưởng làm như vậy là trừ khử được mấy hạt đậu sượng, Ngờ đâu, qua bữa sau, đôi ba thằng nhỏ thợ sắp chữ, bù lu bù loa chờ tự hồi nào, vừa mở cửa, chúng nhào vô, vừa chặm nước mắt, vừa mếu máo: “Ông làm mất chén cơm của chúng con, chúng con làm khoán, ông sửa mãi, chủ nhà in chê và đuổi, chúng con mất sở làm…” Không phải nói đây để bào chữa cho chính tả viết sai là tội đã đành; đến như câu văn, thử hỏi lúc xưa, thù lao được bao nhiêu mà ra công gọt đẽo? Một lần nữa, văn của nước ngoài, mình không nên so sánh. Lại nữa, văn kể chuyện có khác, không cần dệt gấm thêu hoa, cứ nói cho thông thông cho nghe được là đủ rồi, nếu viết có mạch lại thì càng may, còn viết cho có khoa học, tầm chương trích cú, tôi xin nhường cho người khác. Vì chưa ai thấy, nên nói ra đây có lẽ ít ai tin, chớ những gì tôi viết, phần lớn, đều phun bắn từ trí óc lên ngay vào máy viết, nếu cho phép tôi xài tiếng Tây, thì là “premierjet”, nếu cho tôi múa búa xài nho, có lẽ đúng là “nhứt khái quán hạ”, tự ngòi bút lông viết ngay vào giấy, có khi lỡ dùng chữ không mấy vừa lòng, thì cũng cứ để vậy, uốn nắn cho xuôi câu là kể như xong, chớ tôi không quen đẽo gọt, vì cốt ý nói và khó tránh lặp đi lặp lại”, còn ý định đó là làm văn, thì tôi chưa nghĩ tới. (ngày 25-9-1933)

Sài gòn cận đại

Nhơn đọc và lấy tài liệu trong sách Pháp:

1) La Cochinchine Contemporaine của A. Bouiais et A. pallus (nhà in Challamel ainé, xuất bản năm 1884); và cũng đọc luôn một lượt ba quyển:

2) Histoire de l’ expedition de cochinchine của Léopold pallu de la barnère (sách nầy có hai bản, bản kỳ nhứt in năm 1861, tôi không có, và chỉ đọc bản in kỳ nhì, năm 1888( nhà in Berger levrault xuất bản); –

3) les premières Années de la cochinchine của Paulin Vial (challamelainé, Paris, 1874) gồm tập 1 và tập 11;

4) Nos premières Années au Tonkin cũng của Paual (Voiron xuất bản 1889).

Bốn cuốn tham khảo nầy, tôi đọc xen kẽ một lượt lộn lạo, cho nên về tài liệu trích lục, tôi không ghi rõ được và xin cáo lỗi).

Vương Hồng Sển