Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Chúng ta chỉ mất 2 năm để học nói tuy nhiên phải dùng cả đời để học cách im lặng.

Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Cảnh giới làm người, làm việc, tu tâm của bậc trí giả - Trí Thức VN

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”

Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”

Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả”.

Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta còn chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”

Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to”.

Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to”.

Người ta vẫn thường cho rằng kẻ giỏi hùng biện mới là thông minh. Thường cho rằng một người có thể nói năng lưu loát trước đám đông thường là những người được mọi người yêu mến, cho dù có đi tới đâu cũng sẽ giống như cá gặp nước. Kỳ thực, bậc trí giả lại hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ.

Người trí tuệ, đối với sự thay đổi không ngừng nghỉ của vạn sự vạn vật, đều giữ trong tâm một thái độ trầm tĩnh, độ lượng, như vậy mới có thể dung nạp được nhiều hơn, xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn.

Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ… Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.

Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi, thong dong.

Làm người cũng như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.

“Động” và “tĩnh”, “nhanh” và “chậm” là thuộc về lý tương sinh tương khắc, trời đất cũng vì có chúng mà trở nên cân bằng. “Động” sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, “tĩnh” mới có thể lâu dài, cho nên người xưa mới giảng rằng “tĩnh lặng mới có thể đi xa”.

Nhà văn Hải Minh Uy từng nói: “Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Chúng ta chỉ mất 2 năm để học nói tuy nhiên phải dùng cả đời để học cách im lặng”. Hai năm học nói, cả đời học cách im lặng, chính là cho dù hiểu hay không cũng không nói nhiều. Nếu đã không có lời gì để nói thì đừng nói.

Trong giáo lý nhà Phật thông thường các đệ tử khi mới vào Phật môn đều được khuyên răn: Những người mới xuất gia nên nói ít và giữ nội tâm bình tĩnh.

Trong Phật giáo có đề cập tới “Chỉ ngữ”, đó chính là tự ép buộc bản thân rèn luyện năng lực kiểm soát ngôn ngữ cử chỉ bản thân. Mỗi tối trước khi đi ngủ cần tự suy ngẫm lại xem hôm nay mình đã nói những gì, những lời nào là thích hợp nên nói và lời nào là không.

Mục đích của “Chỉ ngữ” không phải chỉ đơn thuần là để tránh việc “họa từ miệng ra”, lo lắng tiết lộ bí mật gì đó trong sâu thẳm nội tâm hay vì lo lắng sẽ đắc tội với người khác; Trên thực tế đó là việc rèn luyện nội tâm của bản thân, tôi luyện sự từ bi và trí huệ của chính mình.

Kahlil Gibran, nhà văn nhà triết học nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Mặc dù sự ồn ào của ngôn ngữ như làn sóng cuộn trào sẽ mãi mãi ở phía bề mặt của chúng ta, nhưng chiều sâu của tâm hồn chúng ta vĩnh viễn là trầm lặng”. Bởi vậy học cách kiềm chế lời nói của mình mới là một loại trí huệ.

Những người nói nhiều thường hay thiếu đi phong cách điềm tĩnh

Trong “Thái Căn Đàm -Tinh hoa xử thế phương Đông” có câu: “Sử nhân hữu diện tiền chi dự, bất nhược sử kỳ vô bối hậu chi hủy; sử nhân hữu sạ giao chi hoan, bất nhược sử kỳ vô cửu xử chi yếm”. Tạm dịch là: Để người ta khen mình trước mặt, không bằng đừng để họ chê mình sau lưng; để người ta vui thích mình khi mới gặp mặt, không bằng đừng để họ chán ghét mình qua một thời gian giao tiếp lâu dài.

Câu nói trên muốn chia sẻ và dạy chúng ta cần hiểu một số cách thức giao tiếp khi trò chuyện với mọi người. Hãy giữ một chút đúng mực mới có thể làm người khác cảm thấy yêu mến ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, về lâu về dài mới có thể không làm người ta khinh ghét.

Trương Ái Linh, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc vốn có một người bạn thân tên là Viêm Anh. Tuy nhiên sau này vì không nhịn nổi tật nói nhiều hay càm ràm của bạn mà ngừng kết giao. Nguyên nhân cũng chỉ bởi Viêm Anh thích khoe khoang nói về hạnh phúc của bản thân. Sau khi Trương Ái Linh sang Mỹ, trong khi kinh tế đang có nhiều khó khăn thì Viêm Anh lại thích khoa trương bản thân mình kiếm tiền dễ dàng như thế nào thế nào. Trương Ái Linh góa chồng đã nhiều năm nhưng Viêm Anh lại liên tục chia sẻ kể về tình cảm mặn nồng của cô với chồng trước mặt bạn, mà không để ý tới sự cô đơn khốn cùng của bạn mình.

Đôi khi bạn muốn chia sẻ những chuyện vui của mình với người khác, vô tâm khoe khoang một chút mà không ngờ được đó trở thành cái gai trong lòng người khác. Bạn cho rằng sự ngay thẳng là tính cách thật của bản thân, tuy nhiên cũng cần phân biệt rõ đối tượng, phân biệt rõ hoàn cảnh trường hợp cụ thể. Những câu nói mặc dù ngay thẳng, mặc dù không cố ý nhưng vẫn vô tình như nhát dao đâm thẳng vào tim, thì dù có thân thiết tới đâu, dù có là người bạn không câu nệ chú ý tiểu tiết tới đâu cũng sẽ dần dần không thể tiếp tục thân thiết với bạn.

Tuân Tử từng dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Học cách im lặng cũng là một loại trí huệ vậy!

Im lặng và giải thoát …

Có hai dạng im lặng, im lặng bên ngoài và im lặng bên trong. Người khác đang lên án, phê bình và chỉ trích nhưng mình không nói lời nào, cái miệng không phân bua, không cần giải thích, đây gọi là im lặng bên ngoài. Tuy nhiên, có người ngoài mặt im lặng nhưng trong lòng dậy sóng, tâm đang lên kế hoạch tấn công, chờ cơ hội để thực hiện cuộc tấn công của mình.

Chúng ta thực hành im lặng bên ngoài là đã giỏi, nhưng có thể im lặng bên trong còn hay hơn nữa. Tâm không đòi hỏi phán xét, không nhìn người bằng con mắt kỳ thị, không tìm kiếm sự khác biệt để chứng minh ý niệm riêng. Mọi thứ đang im lặng trong sự vận động của nó. Vạn vật đang vận động trong im lặng. Dù có nói nhiều bao nhiêu, có bàn cãi bằng mấy, có tô điểm vẽ vời ra sao, thì sự thật vẫn là sự thật – Đó là mọi thứ đều thay đổi theo tính vô thường.

Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Muốn suy nghĩ điều gì muốn nói điều gì hãy giống như cổ nhân dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, suy nghĩ kỹ rồi mới có thể đưa ra quyết định lời nào nên nói lời nào không.

Im lặng cũng là một loại bao dung, thật hay giả của sự việc hãy để thời gian là câu trả lời tốt nhất.

Bởi vậy bạn chỉ cần cố gắng học cách làm người tốt, làm người lương thiện, học cách im lặng một cách thích hợp thì cuộc sống sẽ được thoải mái bình an.

vandieuhay