Trong xã hội cạnh tranh hiện đại ngày nay, rất nhiều người cho rằng, càng giỏi mưu tính, càng chiếm được lợi nhiều thì càng tốt, còn người thật thà là kẻ hèn yếu, là người xuẩn ngốc. Nhưng thời xưa, từ bậc Thiên tử đến dân thường đều vô cùng tôn kính người thật thà, trung thực.
Trong văn hóa của người cổ xưa không thiếu truyền thống “thành tín”. Trong hiện thực lịch sử, những người thành thật và giữ chữ tín luôn được mọi người tôn sùng, trân quý, dưới đây là một điển hình như vậy:
Trong “Mộng khê bút đàm” có ghi lại một câu chuyện xưa:
Yến Thù (991 -1055) làm quan thời Bắc Tống. Thời Yến Thù vẫn còn là thiếu niên, Ngự sử trung thừa Trương Tri Bạch đã tiến cử ông với triều đình. Hoàng thượng đã triệu ông tới cung điện, đúng lúc gặp kỳ thi đình để chọn tiến sỹ. Vì thế, Hoàng thượng liền lệnh cho Yến Thù dự thi luôn cùng mọi người.
Yến Thù vừa xem đề thi liền nói: “Mười ngày trước, thần đã dùng đề bài này làm bài rồi, bản thảo của bài phú ấy thậm chí vẫn còn, khẩn cầu được xin đổi đề khác”. Hoàng thượng nghe những lời ấy thì rất thích sự thành thật của Yến Thù.
Về sau, đúng lúc Yến Thù nhậm chức cũng vừa đúng lúc thiên hạ thái bình. Vì thế, triều đình cho phép quan lại được lựa chọn nơi nào tốt mà làm yến tiệc vui chơi. Lúc ấy, các quan sỹ đại phu nhậm chức đều đi du lịch khắp nơi, đến nỗi các nơi như chợ phiên hay cao lầu tửu quán, thường thường đều có những chỗ đặc biệt dành riêng cho các vị quan sỹ đại phu đến du lịch nghỉ ngơi.
Yến Thù lúc đó rất nghèo, không có tiền nên không thể ra ngoài du ngoạn được. Vì thế, ông ở nhà cùng các huynh đệ nghiên cứu học tập.
Một ngày triều đình tuyển quan lại cho Đông cung (nơi ở của Thái tử), đột nhiên từ trong cung truyền ra lệnh của Hoàng thượng muốn bổ nhiệm Yến Thù làm quan đại thần. Ngay cả vị đại thần chấp chính việc này cũng không biết rõ nguyên do vì sao.
Sang ngày thứ 2 các vị đại thần chấp chính yết kiến chờ xét duyệt, Hoàng thượng mới giải thích cho họ rằng: “Gần đây, Trẫm nghe nói các quan viên đều đi vui chơi, cả ngày lẫn đêm, chỉ có Yến Thù đóng cửa ở nhà, cùng với các huynh đệ đọc sách học tập. Yến Thù cẩn thận đôn hậu như thế, chính là người có thể đảm nhiệm được chức quan ở Đông cung”.
Sau khi Yến Thù được bổ nhiệm, còn chưa biết lý do thì liền được mời vào cung diện kiến. Hoàng thượng bấy giờ mới trực tiếp nói rõ nguyên nhân vì sao bổ nhiệm chức vị này cho ông nghe. Yến Thù ngay thẳng, trả lời rằng: “Thần không phải là không thích đi vui chơi du ngoạn, chỉ vì quá nghèo không có tiền đi. Thần nếu có tiền cũng sẽ đi vui chơi, chỉ vì không có tiền, nên không có cách nào khác đó thôi”.
Hoàng thượng nghe xong những lời này của Yến Thù thì càng thêm tin tưởng và coi trọng sự thành thật của ông. Hoàng thượng cho rằng ông là người hiểu được đạo lý quan trọng trong việc phụng sự cho vua. Vì thế, Hoàng thượng cũng ngày càng ân sủng Yến Thù hơn.
Trong thời vua Nhân Tông tại vị, Yến Thù trước sau đều luôn được trọng dụng. Bởi vì thành thật, nên ông luôn được Hoàng thượng trọng dụng, thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý.
Thời xưa, các bậc thánh nhân vô cùng đề cao phẩm chất thành thật này. Khổng Tử cũng từng viết: “Dân vô tín tắc bất lập”, ý tứ chính là nếu người dân mà mất niềm tin thì không tồn tại được.
Trong sách “Đại học” cũng viết rằng: “Thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong sách “Trung dung” có câu nói về nguyên tắc: “Thành, ngũ thường chi bổn, bách hành chi nguyên dã”, tức là thành tín là gốc rễ của ngũ thường, cũng là nguyên lý của trăm đức hạnh.
Kỳ thực, thành tín ở cách chúng ta cũng không xa xôi gì. Nó ở ngay trong chính nội tâm của chúng ta, chỉ là chúng ta có nguyện ý làm hay không mà thôi. Người ta thường sợ rằng thành tín sẽ bị tiệt, nhưng trong lịch sử sở dĩ các doanh nhân có thể vang danh thiên hạ, cũng là dựa vào uy lực của “thành tín”.
Ngày nay, rất nhiều người không còn tin tưởng vào luật nhân quả, người ta mất đi sự ràng buộc của nội tâm, lạc lối mà chạy theo tiền của, quyền lực, tôn sùng bạo lực và lừa dối. Mỗi người trong tâm đều khát vọng chân thành, nhưng nếu bị người khác âm mưu làm tổn hại, thì trong lòng lại nảy sinh ý lừa gạt lẫn nhau. Trong cảnh sống ấy, mỗi người đếu sống thật là mệt mỏi, buồn khổ và phiền não.
Từ xưa đến nay, những kẻ làm hại người thành tín, làm hại chính tín thì chưa ai đạt được mục đích. Hoàng đế La Mã xưa vì để tăng cường thống trị, hạ lệnh phá hủy giáo hội, những môn đồ Cơ đốc giáo không buông bỏ tín ngưỡng bị thiêu sống, bị treo cổ, bị ném vào trường đấu cho ác thú cắn chết. Về sau Đế quốc La Mã liên tiếp xảy ra 4 trận đại ôn dịch, dần đi đến diệt vong. Gian thần Triệu Cao giết hại trung lương, dối trên lừa dưới, cuối cùng cũng nhận kết cục bi thảm. Những chuyện “kinh người” tương tự như thế đã từng xảy ra rất nhiều trong lịch sử. Cho nên, lấy sử để soi xét, nhận rõ đúng sai, thật giả là điều quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.
An Hòa (dịch và t/h)