Vào năm 1892, khi rời tàu của Hãng Vận tải đường biển, Alexandre Emile John Yersin gia nhập Sở Y tế thuộc địa theo lời khuyên của Calmette – người thiết lập chi nhánh viện Pasteur ở Sài Gòn vào năm 1890 theo đề nghị của Pasteur.

img-about

Những tình huống bất ngờ đã mang đến cho Yersin một hướng đi mới và đem lại cho ông nhiều vinh quang trong sự nghiệp của mình tại Đông Dương.

Năm 1895, sau khi lập Viện Pasteur Nha Trang, ông trở về Pháp, nơi mà bác sĩ Roux và Calmette đã bắt tay vào điều chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch. Ông tham gia nghiên cứu cùng với họ và trở lại Viễn Đông vào năm 1896 với một lượng nhỏ huyết thanh dự phòng đã được thử nghiệm khá hiệu quả trong việc chữa trị cho một số loài vật tại phòng thí nghiệm. Còn công dụng của nó trong việc điều trị cho người thì sao? Lúc này, dịch bệnh không còn hoành hành ở Hồng Kông song nó lại lan sang Quảng Châu và Hạ Môn (Trung Quốc). Yersin lên đường sang Quảng Châu. Khi vừa đặt chân tới nơi, một vị giám mục đã gọi ông đến cạnh một chủng sinh người Hoa mắc các triệu chứng của dịch hạch xoài. Sau khi truyền huyết thanh, các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm và cậu bé đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm bệnh dịch hạch tại đây ngày càng giảm rõ rệt. Yersin lại tiếp tục lên đường đến Hạ Môn nơi ông đã điều trị cho 27 bệnh nhân, trong đó 25 người đã khỏi bệnh. Hiệu quả của huyết thanh chống bệnh dịch hạch đã được chứng minh.

Yersin trở lại Đông Dương, nơi mà ông dành gần như toàn bộ thời gian cho Viện Pasteur Nha Trang, ông chỉ rời xa nơi này vào các năm 1902-1904 khi Toàn quyền Paul Doumer mời ông từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y hoặc để tham gia những chuyến về Pháp ngắn ngủi nơi mà ông có tình hữu nghị anh em đặc biệt với bác sĩ Roux.

Ở tuổi 30, vinh quang đã đến với ông và cái tên Yersin trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ông khước từ mọi lời mời từ những người lớn tuổi và đồng nghiệp, những người muốn ông trở về nghiên cứu cùng với họ. Ông đã biến Đông Dương thành quê hương của mình. Yersin đã sống và làm việc ở đó cho đến khi mất – giữa tình yêu thương và lòng tôn kính của các học trò và người dân Annam mà ông rất thấu hiểu và trân trọng.

Từ năm 1905-1918, ông giữ chức Viện trưởng hai Viện Pasteur Nha Trang và Sài Gòn. Năm 1925, ông được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra các viện Pasteur ở Đông Dương.

Từ khi thành lập Viện Pasteur Nha Trang, Yersin đã tập trung nghiên cứu các căn bệnh nhiễm khuẩn làm chết hàng loạt gia súc trên toàn cõi Đông Dương. Trước tiên, ông nghiên cứu loại vi khuẩn gây tử vong cao nhất và có mức độ lây nhiễm nhanh nhất An Nam, đó chính là bệnh dịch hạch ở trâu, bò. Cùng với các cộng sự, Yersin tiếp tục nghiên cứu các chứng bệnh khác như barbone, sura và piroplasmose.

Song song với đó, ông còn cho lập một số trạm thử nghiệm giống cây trồng nhiệt đới. Các loại cây như guttapercha, coca, cacao, cây cọ dầu châu Phi, cây canh ki na và nhất là cây cao su lấy giống ở Mã Lai đều được ông mang về trồng tại đồn điền Suối Giao. Trước đó không lâu, việc trồng thử nghiệm cây cao su đã được thực hiện tại Gia Định nhưng Yersin mới chính là người đầu tiên thử nghiệm và kiểm soát chặt chẽ dưới góc độ khoa học, cho phép ông xác định được nhiều địa điểm phục vụ việc khai thác triệt để các loại cây và quá trình đông tụ của nhựa mủ cây cao su, đồng thời chuẩn bị cho việc phát triển giống cây trồng này trên toàn Đông Dương.

Năm 1918, ông lại thử trồng cây canh ki na để sản xuất thuốc kí ninh trên đảo Hòn Bà (sau khi thất bại tại Suối Giao) nhưng kết quả không như mong đợi do đất granit cằn cỗi không phù hợp với loại cây trồng này. Ông lại đi tìm những vùng đất màu tốt, khí hậu thích hợp như Dran, Diom, Di Linh và cao nguyên Lang Biang nhỏ. Cây canh ki na trồng ở những địa phương này cho năng suất kí ninh khá cao, tương đương với năng suất kí ninh của vùng Java. Đông Dương được giải phóng và trở nên thịnh vượng là nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Yersin và nhờ sự kiểm soát nghiêm ngặt về mặt khoa học mà ông đã thực hiện trong quá trình thử nghiệm cây canh ki na trong suốt 25 năm.

Ngôi nhà của A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà, nguồn: sưu tầm

Trên đây là một số nét chính trong sự nghiệp của Yersin, nhà vi khuẩn học lỗi lạc, nhà thám hiểm dũng cảm, nhà nông học tài ba. Ông khát khao khám phá mọi thứ xung quanh mình từ việc thuần hóa gia súc, gia cầm, khí tượng học, điện khí quyển, bức xạ mặt trời… Vài tuần trước khi mất, ông vẫn theo dõi mực thủy triều.

Mặc dầu là Giám đốc danh dự của Viện Pasteur Paris, thành viên của Viện và của Viện Hàn lâm Y học, được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng nhì nhưng Yersin là người cực kỳ khiêm tốn và sợ hãi danh vọng. Chính bởi lẽ đó mà người ta luôn ngưỡng mộ và biết ơn ông.

1892_1_2

Không quan tâm đến những thứ không thuộc về hành động và mục tiêu đặt ra, không bận tâm đến vinh quang, không màng tới những thứ xa hoa, Yersin sống một cuộc sống tách biệt, giản dị của một nhà truyền giáo, khép mình trong hiu quạnh.

Năm 1943, giới khoa học phải gánh chịu tổn thất lớn còn Đông Dương vô cùng thương tiếc khi phải tiễn biệt người con ưu tú của mình. Bác sĩ Yersin qua đời tại Nha Trang, nơi mà trong gần một nửa thế kỷ, ông đã theo đuổi sự nghiệp đẹp đẽ nhất và vẻ vang nhất. Giờ đây, ông yên nghỉ giữa rừng cao su Suối Giao, trong lòng đất An Nam mà ông vô cùng yêu mến.

Giáo sư Lacroix thuộc Viện Hàn lâm Khoa học đã nhận định về A. Yersin như sau: “Sự nghiệp của ông giống như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu thực sự, nhưng là một cuốn tiểu thuyết sống động, đầy ắp những thành tựu mà ông đã mang lại cho khoa học, cho nhân loại và cho sự phồn thịnh của đất nước chúng ta”.

Thành viên cuối cùng của Viện Pasteur không còn nữa nhưng tâm hồn khát khao cháy bỏng của ông sẽ còn sống mãi với chúng ta và truyền cho chúng ta niềm tin vào sức mạnh của khoa học, của nhân loại.

Hình ảnh lễ tang của A.Yersin tại Nha Trang, nguồn: sưu tầm

Nguồn:

– TC 827, Tạp chí Đông Dương, số 133 ngày 18/3/1943 bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Hoàng Hằng - Minh Phúc (lược dịch)

Theo TTLTQG