Tôi nghe em vừa bật khóc
Nông trường, đất đỏ Đài Loan
Chân non, hụt hẫng bờ hoang
Ngơ ngác, cạnh chàng khuyết tật…

Mấy câu thơ nho nhỏ trên đây, tôi viết đã mười mấy năm trong bài thơ “Nghe em lấy chồng Đài Loan”, khi đọc được những mẩu tin, những câu chuyện thật thương tâm của các cô dâu Việt xứ Đài. Thời điểm đó, làn sóng di dân ra ngoại quốc bằng các cuộc hôn phối mới bắt đầu rộ lên. Năm 2005, tổng số các cô dâu Việt ở Đài Loan gia tăng một cách kinh khủng, đã có khoảng 118 ngàn 300 người, Cộng thêm, số người Việt ở Đài Loan qua đây để giúp việc, hay lao động lên tới khoảng hơn 60 ngàn (2005).

Bi hài kịch của các người con Việt đem thân đi gả hay làm mướn xứ người từ đó đến nay, tôi tưởng đã giảm nhưng không, nó vẫn xảy ra liên tục từng ngày. Tôi thường xuyên theo dõi các vấn đề liên hệ trên báo mạng trong nước, hay qua những hoạt động xã hội cứu giúp công nhân và các cô dâu của cha Nguyễn Văn Hùng. Bằng chứng là mới đây, nhân có cơ hội ghé chơi xứ Đài vài tuần, tôi được tận tai, nghe và thấy một vài tấm thảm kịch đã và đang xảy ra cho người Việt.

Tôi theo chân một chị bạn đến Đài Loan dự một buổi hội ngộ bè bạn cũ của những người Việt gốc Hoa từng sinh sống ở Việt Nam trước năm 1975. Sau buổi tiệc, ngày hôm sau, cả đoàn tổ chức một cuộc đi chơi, thăm thú vài nơi danh tiếng trong tỉnh Đài Bắc. Cô M, con gái một cựu nữ giáo chức, đã tình nguyện dẫn toàn nhóm chúng tôi lên đỉnh núi Dương Minh Sơn (Yangminhshan National Park) ở Đài Bắc ngoạn cảnh. Cô là một Việt kiều gốc Hoa ở Việt Nam, theo mẹ di cư qua Đài Loan từ bé, lấy chồng, lập nghiệp, có cơ sở kinh doanh và rất thành công ở Đài Bắc. Trên đường đi, cô M nhận được một cú điện thoại rất đặc biệt. Vì đứng sát bên cô, (cô M nói tiếng Việt với người đầu dây bên kia rất lớn, cô cũng không có vẻ dấu diếm) nên tôi tình cờ nghe được cuộc điện đàm cùng nội dung câu chuyện.

Một cô gái Việt Nam qua đây lấy chồng Đài gọi cho cô M nhờ giúp đỡ. Cô và mẹ cô bị chồng đánh có thương tích. Cô muốn mượn tiền cô M mua vé máy bay cho mẹ, cô và hai con về lại Việt Nam. Cô M khuyên cô và mẹ trước tiên phải vào nhà thương lấy giấy chứng thương để làm bằng, sau này nếu có ra toà còn có chứng cớ hành vi bạo hành của chồng cô. Cô M thêm, cô không thể đem hai đứa con về nước, làm thế là phạm pháp vì chưa có sự đồng ý của người cha.

Cô M kể cho tôi nghe chi tiết của câu chuyện. Tạm gọi cô dâu Việt là H. Cô H qua xứ Đài theo diện hôn nhân, đã có với người chồng Đài hai mặt con. Mẹ H vì chán ở với người con trai nghiện ngập ở Việt Nam, nên bay qua Đài thăm con gái và tiện thể ở lại trông cháu dùm cho con gái. Không biết đây là lần thứ mấy, H và mẹ, bị chồng đánh đập. Cô M ra tay giúp đỡ, đem dấu họ đi một nơi và người chồng cứ liên tiếp gọi cô M để tìm vợ và hăm doạ cô M vì ông ta nghi ngờ cô đã dấu họ.

Tôi tò mò hỏi cô M, M có quen biết gì với H không mà giúp vậy. M cười nói, người ta giới thiệu em cho H, vì em biết tiếng Hoa, hay giúp đỡ và thông dịch dùm cho người Việt nên họ tìm tới. Cô thêm, tại em bị cái bịnh thích “làm bà tám” thành ra bận rộn luôn. Mấy ngày nữa, em phải ra toà thông dịch cho một vụ cháy nhà làm chết một gia đình người Việt. Cô M vì ở Đài lâu, biết rành rẽ luật pháp, lại nói được tiếng Quan Thoại nên tiếng tăm cô M hay giúp người lan xa. Tôi được thể hỏi tới: “Chuyện cháy nhà chết người Việt ra sao em, kể chị nghe luôn đi”. Khuôn mặt cô M ánh lên vẻ thông minh. Cô lanh lẹ thao thao kể về một ông già người Đài Loan vì nấu ăn sơ ý gây ra hoả hoạn. Ông bị thiệt mạng cùng hai cô gái Việt. Đây là thông tin trên báo chí về vụ này:

Ngày 21 tháng 10, 2014, nhà chức trách Đài Loan cho biết có một vụ cháy đã bùng lên trong một căn nhà 3 tầng ở Đài Bắc vào sáng sớm hôm thứ Ba, khiến một người đàn ông Đài Loan và 2 phụ nữ Việt Nam thiệt mạng. Ba nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy này được xác định là ông cụ người Đài Loan ngoài 80 tuổi họ Kao và hai phụ nữ mang quốc tịch Việt Nam sống trong ngôi nhà này. Một người đàn ông khác và cô con gái họ Nguyễn đến từ Việt Nam cũng bị thương trong vụ hỏa họan này. Họ được lính cứu hỏa giải cứu khi đang mắc kẹt trên tầng ba của ngôi nhà với nhiều vết thương trên người nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Được biết gia đình người Việt Nam trên mang theo một phụ nữ ngoài 50 tuổi đến thuê trọ ở tầng 3 ngôi nhà của ông Kao. (Trích trang mạng tin24h)

Tôi đến Đài Loan vào ngày kỷ niệm Song Thập Quốc Khánh tháng mười, năm 2015, vậy là vụ này đã xảy ra cách đây một năm. Cô M nhận lời giúp đỡ thông dịch cho gia đình nạn nhân người Việt. Cô nói thật tội, họ lại không biết gì về luật pháp, phải chịu thiệt thòi, nên cô “vác ngà voi” giúp họ. Cô giúp họ tìm luật sư kiện hãng bảo hiểm vụ cháy căn nhà, đòi bồi thường cho gia đình hai cô gái Việt bị chết. Vụ kiện đã một năm mà chưa xong vì mức bồi thường không thoả đáng nên cô M đã giúp khiếu nại lên toà trên đòi thêm tiền bồi thường.

Tôi thấy cảm phục người con gái trẻ này, không quản thời giờ, công sức bỏ ra giúp người đồng hương hoạn nạn. Thật là một tấm lòng vàng. Trên đường về nhà, cô cần ghé cửa hàng có chút việc, nên tình cờ, tôi được thăm viếng cơ xưởng lắp ráp đồng hồ Garmin Walking Watch của vợ chồng cô. Hy hữu hơn, tôi được thấy những cô gái Việt đang lắp ráp các chiếc đồng hồ thể thao hiệu Garmin để đo nhịp tim cùng số calories lúc chạy hay tập thể thao. Họ đều là những cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan. Điều đặc biệt khiến tôi chú ý là trên những tờ hoạ đồ thiết kế mẫu hay các hộp chứa dụng cụ điện tử được viết bằng tiếng Hoa, đều có ghi chú thêm bằng tiếng Việt. Thấy tôi chụp hình những mẩu chữ ghi chú, cô cười, đỏ mặt lên vì mắc cỡ, nói: “Em ghi thêm bằng tiếng Việt cho các cô dễ hiểu mà làm, mắc cỡ chết, chị đừng chụp”. Tôi không nói gì. Lòng tôi thấy vui vui, tự nhủ thầm: “Xá gì ba cái lẻ tẻ M ơi, tấm lòng bao la, nhân ái của em hay giúp người hoạn nạn, lại còn mướn nhân công, tạo việc làm cho người Việt, mới là đáng kể, quý báu biết bao nhiêu.”

Xứ Đài, bến đục hay trong?
Dụng cụ điện tử có ghi chú tiếng Việt.

Trước khi rời xưởng điện tử, tôi có cơ hội nói chuyện cùng một cô thợ còn trẻ. Cô sang đây đã được 15 năm, lấy chồng Đài theo diện hôn nhân. Cô làm cho cô M đã 5 năm. Vì phải đi gấp tôi không có dịp hỏi han thêm về cuộc sống của cô cũng như cơ duyên nào đưa đẩy cô vào làm cho cô M.

Cuộc du lịch xứ Đài ngắn hạn của tôi chấm dứt với một cú điện thoại đàm đạo cùng cô M về cuộc sống của các người con Việt. Dưới đây là một số thông tin tôi thâu lượm được. Tôi không thể đoán được mức chính xác tới đâu nhưng tôi biết chắc những nan đề của người Việt ở xứ Đài có xảy ra và vẫn còn đó.

Người Việt hiện ở Đài Loan tính đến năm 2014 có khoảng từ 200 ngàn tới 400 trăm ngàn người, bao gồm các cô dâu, học sinh, sinh viên du học, kể cả các người giúp việc hay công nhân xuất khẩu lao động. Con số các cô dâu Việt tới Đài Loan vẫn còn nhưng ít thôi, riêng số người xuất khẩu lao động tăng lên nhiều. Chuyện bạo hành, hiếp đáp, các cô dâu và người lao động vẫn xảy ra rất thường. Tôi hỏi cô thường giúp họ những gì? Cô bảo, cô thuê nhà hay tìm nơi trú ẩn cho nạn nhân bị bạo hành. Giúp họ đi bệnh viện, lấy giấy chứng thương, báo hay đưa họ đến sở xã hội nhờ giúp đỡ mọi thứ kể cả việc thuê nhà miễn phí. Nạn nhân bị bạo hành nhiều hơn sau này phải kể là các người Việt hợp tác lao động. Họ bị hiếp đáp, xâm hại tình dục, đánh đập đến mang thương tật và không có tiền để trị liệu hay mua vé máy bay về nước. Cha Nguyễn Văn Hùng và Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Cô dâu Việt Nam ở Đào Viên, Đài Bắc đã trợ giúp họ nhiều nhất. Tổ chức của cha cung cấp các lớp học tiếng Hoa, phòng trọ, tiền cơm và tư vấn pháp lý. Đôi khi tổ chức còn cung cấp nơi trú ẩn cho các cô dâu bị chồng Đài đánh đập. Ngoài ra ở đây, có một hội phụ nữ Việt Nam cũng cùng một mục đích, giúp đỡ các cô dâu Việt.

Đứng ở phi trường Đài Bắc trước giờ lên máy bay về Hoa Kỳ, lòng tôi chợt chùng xuống, lao xao cảm xúc. Cũng nơi này, mười mấy năm xưa, tôi trông thấy những thiếu nữ trẻ đi loanh quanh, lạc lõng, tìm người thông dịch. Họ bị đám con buôn ngụy trang dưới lớp “dịch vụ hôn nhân” gạt người một cách hợp pháp lấy gần hết số tiền công mai mối, rồi “đem con bỏ chợ”. Họ bị bỏ mặc, tự lo liệu lấy, biết tiếng Anh hay không mặc kệ, làm sao thì làm. Người Việt bây giờ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Con số phụ nữ Việt Nam bị lưu lạc tha hương vì đủ mọi lý do còn nhiều hơn bao giờ. Họ liều mình đem số phận tình duyên mình đi đánh đổi một cuộc sống khác, tốt đẹp hơn cầm bằng cái rủi nhiều hơn cái may.

Ôi!! Những giọt nước lăn về xứ Đài, bến đục hay trong, ai mà biết?

Trịnh Thanh Thủy
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr)

TH/ST