Nếu có một gia tộc nào đóng góp nhiều nhất cho nền tân nhạc Việt Nam, đầu tiên phải nhắc đến nhà họ Phạm của vợ chồng ông bà Phạm Đình Phụng. Những người con của họ đều là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất của âm nhạc Việt Nam: Ca sĩ – nhạc sĩ Hoài Bắc – Phạm Đình Chương, danh ca Thái Hằng và Thái Thanh, con rể là gia đình nhạc sĩ Phạm Duy – Thái Hằng.

Ngoài ra, ông Phạm Đình Phụng cũng có 2 người con khác với người vợ đầu là ca sĩ Hoài Trung – Phạm Đình Viêm trong ban Thăng Long, cùng người con đầu là Phạm Đình Sỹ.

Ông Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và cùng đào tạo những ca sĩ ở lứa tuổi mầm non trong Ban Tuổi Xanh nổi tiếng một thời ở Sài Gòn, đó cũng là chủ đề của bài viết này.

Ông bà Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh

Trong nỗi niềm thương nhớ 2 chị em ca sĩ Mai Hương và Bạch Tuyết vừa mới tại Hoa Kỳ vào năm 2020, cùng là con gái của ông bà Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ, xin nhắc lại đôi nét về Ban Tuổi Xanh, đã từng là cái nôi nghệ thuật của rất nhiều tên tuổi sáng chói ở miền Nam: Bích Chiêu, Mai Hương, Bạch Tuyết, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu, nhạc sĩ Quốc Dũng và “thần đồng” Kim Chi – Quốc Thắng.

Hai chị em Mai Hương và Bạch Tuyết, ái nữ của ông bà Phạm Đình Sỹ

Trong đó bên cạnh những tên tuổi sau này vụt sáng thành ca sĩ nổi tiếng, cũng có những người đã chuyển sang nghiệp khác. Trong đó cô Bạch Tuyết sau này trở thành dược sĩ.

Ban Tuổi Xanh là ban nhạc dành riêng cho thiếu nhi, là một phần ký ức của lứa tuổi sinh ra vào thập niên 1950-1960 ở Sài Gòn, được nuôi dưỡng tinh thần bằng những ca khúc nhi đồng vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay: Rước Đèn Tháng 8, Thằng Cuội, Mùa Thi, Em Bé Quê… với những giọng ca hồn nhiên, trong trẻo của Ban Tuổi Xanh.

Ban Tuổi Xanh, khởi đầu là ban Nhi Đồng được danh ca Minh Trang thành lập từ đầu thập niên 1950, thuộc đài phát thanh Pháp Á tại Sài Gòn, có trụ sở tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi hiện nay.

Năm 1953, gia đình Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh di cư vào Nam, sau đó một năm thì Minh Trang chuyển giao ban Nhi Đồng này lại cho bà Kiều Hạnh phụ trách, rồi đổi tên thành Ban Tuổi Xanh, với thế hệ ban đầu là Mai Hương, Bửu Minh, Bích Chiêu, Mai Hân…

Chị cả Mai Hương

Trong đó ca sĩ Mai Hương có nhạc lý vững vàng, là con gái lớn của bà Kiều Hạnh nên giúp đỡ mẹ hướng dẫn lớp ca sĩ nhỏ tuổi hơn.

Từ năm 1956, đài Phát Thanh Pháp Á của người Pháp được bàn giao lại cho chính quyền VNCH, đổi tên lại thành Đài phát thanh VTVN, và Ban Tuổi Xanh tiếp tục cộng tác với đài phát thanh hàng tuần kể từ đó cho đến năm 1975 với nhiều thế hệ tiếp nối nhau, từ Hoàng Oanh, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc cho đến Phương Hoài Tâm, Vân Quỳnh, Quốc Dũng… và thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình kể từ khi đài được thành lập giữa thập niên 1960.

Hàng 1, từ trái qua: Bạch Tuyết, Kiều Hạnh, Mai Hương – Hàng 2: Mai Lan, Ngọc Linh, Phương Nga, Oanh Oanh – Hàng 3: Phương Dung, Minh Ngọc, Phương Mai, Quỳnh Mai, Quốc Dũng – Ảnh: Viễn Kính

Nơi Ban Tuổi Xanh tập trung để tập luyện cũng chính là tư gia của bà Kiều Hạnh, ở số 92A đường Bùi Thị Xuân – Quận 1, Sài Gòn. Căn nhà không lớn, ngang 5m dài 20m, có lầu và garage ô tô. Tại đây Mai Hương tập nhạc lý cho các em nhỏ, còn Phương Mai phụ trách dạy múa.

Theo tác giả Phạm Công Luận, các thế hệ nhi đồng trong Ban Tuổi Xanh được luyện tập từ nhạc lý đến biểu diễn, không chỉ tập luyện lời ca tiếng hát mà còn được dạy múa, diễn kịch. Dù là các ca sĩ còn rất nhỏ nhưng đều ý thức xem biểu diễn nghệ thuật là việc nghiêm túc, tuy chỉ là những em bé trên dưới mười tuổi nhưng phải vững nhạc lý, biết cách thể hiện giọng ca và cảm xúc của mình. Vì vậy cũng dễ hiểu khi rất nhiều “em bé” năm xưa trong Ban Tuổi Xanh đã vụt sáng thành những tên tuổi lớn.

Sau đây, mời các bạn nghe lại Nhạc Thiếu Nhi trước 1975 do “các bé” trình bày trong băng nhạc phát hành đã hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, các bé này đã người còn, người mất, và rất nhiều trong số họ đã trở thành những tên tuổi lớn của âm nhạc miền Nam.

Đông Kha

Theo nhacvangbolero