“Sến” không chỉ được gói gọn trong phạm trù những ca khúc, mà nó còn bàng bạc trong nhiều mặt như: ăn mặc, hành vi, lời nói, phong cách của con người. Ở đây tôi chỉ nói ” Chất Sến ” trong âm nhạc.
Có nhiều, rất nhiều, ca khúc sến được viết ra bằng cảm xúc chân tình đã lay động con tim chai đá của tôi. Từ ấy, trong tôi nắng chiều rực rỡ, tôi giác ngộ và yêu sến ! Hiểu ra rằng phần lớn các nhạc sĩ viết nhạc sến vì họ có tài thể hiện mình, được thuận tay hơn, trong thể loại nhạc này, chứ không phải vì họ chạy theo số đông thính giả. Một ca khúc phổ thông gồm có hai phần: phần ca từ và phần giai điệu. Thật sai lầm khi cho rằng ca từ phải là lời thơ, phải có thi tính, hay phải mang các yếu tính về tu từ pháp của thơ. Thật ra, nó không nhất thiết phải theo đúng niêm luật, số chữ, số câu của bất cứ thể thơ cổ điển nào. Nó cũng có thể lập đi lập lại, mở ra rồi khép vào; hay chấm câu, xuống dòng rất tùy tiện không khác với kỹ thuật tu từ của thơ tự do. Tiết tấu tự nhiên của ca từ phải theo đúng với tiết tấu của dòng nhạc kẻ phía trên nó. Sai nguyên tắt này sẽ bị xem là “cưỡng”. Chúng ta bắt gặp rất nhiều những câu hát bị cưỡng như thế. Ví dụ, “Xuyên lá cành trăng lên lều vái (lều vải)” chẳng hạn.
Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy là vì tôi muốn chứng minh rằng, việc viết ca từ là một sân chơi đặc thù với những luật chơi riêng của nó. Nhưng khi ngôn ngữ được trau chuốt mượt mà quá, mượt mà đến mức son phấn hóa ngôn ngữ, thì sẽ thành ra sến. Chẳng hạn nếu ta hát, “Người yêu tôi đi lấy chồng, tôi buồn quá!” thì không có gì để nói. Nhưng nếu ta đặt tay lên ngực rồi thổn thức, “Em lên xe hoa rồi con tim tôi nhuốm máu, giọt lệ sầu thánh thót tuôn rơi” thì sến, sến quá.
Chất sến không chỉ hiện diện trong ca từ, mà còn trong phần giai điệu nữa. Giới chuyên môn cho rằng sở dĩ như vậy là do tác giả sử dụng quá nhiều những quãng (interval) thuận, hay là lạm dụng quá nhiều dấu hoa mỹ (luyến, láy). Nhưng tính sến sẽ giảm nhiều nếu ca khúc được phối với hòa âm của nhạc Jazz. Lại có người cho rằng ca khúc viết theo điệu Boléro là sến. Không hẳn vậy. Những bài boléro của Argentina nói riêng và Châu mỹ La tinh nói chung thì rất sang, không chút sến nào cả. Ở Việt Nam, những bài boléro của Hoàng Nguyên (Ai lên xứ hoa đào), Lê Uyên Phương (Còn nắng trên đồi) được nhiều người cho là sang trọng ở cả hai mặt ca từ và giai điệu. Và Trúc Phương, người đã viết rất nhiều ca khúc boléro tài hoa theo lối kể chuyện, tâm tình (récitatif) rất lạ, đôi khi mang âm hưởng dân ca Nam bộ (Ai cho tôi tình yêu). Tác phẩm của ông đã tạo thành một điệu boléro rất riêng. Điều này không phải ai cũng làm được.
Đáng buồn là trong khi người ta kiếm bạc tỉ với nhạc của Trúc Phương, thì chính tác giả lại sống và qua đời trong đói nghèo. Những ca khúc sến thật ra dễ hiểu và dễ viết, nhưng viết được cho hay lại là không dễ tí nào. Có những bài viết ra với mục đích thương mại, nhưng có những bài được viết với tất cả chân tình. Vì sự chân tình đó, sức truyền cảm của chúng rất mạnh, chinh phục cả giới trí thức lẫn bình dân. Thật lòng, tôi nghĩ rằng nếu thủ tiêu tất cả ca khúc sến ra khỏi âm nhạc của Việt Nam, chúng ta sẽ chẳng còn bao nhiêu nhạc sang để nghêu ngao. Hơn nữa, những nhạc sĩ có khả năng viết nhạc sang không phải là nhiều. Cách giải quyết xem ra ổn nhất là, thôi cứ xem cả sang và sến như là hai “mặt hàng” khác nhau. Ai thích gì cứ mua nấy. Thế là xong…!
Dã Mai