Mang kiến trúc độc đáo, thành Bát Quái là một công trình phòng thủ quan trọng, giúp các vua Nguyễn giữ vững an ninh vùng Gia Định trong một thời gian dài.Chùm ảnh: Giải mã diện mạo thành Bát Quái nổi tiếng Sài Gòn xưa

Thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy, thành Gia Định) là một tòa thành của nhà Nguyễn nằm ở Trấn Gia Định tồn tại từ năm 1790 – 1835 ở khu vực mà ngày nay là trung tâm TP HCM. Ảnh: Mô hình thành Bát Quái năm 1790, hiện vật của Bảo tàng TP HCM.

Thành xây dựng theo kiến trúc Vauban, mặt bằng gần như hình bát giác, có tám cổng theo mẫu bát quái tượng trưng cho bốn hướng chính cùng với các hướng phụ.

Đối chiếu với bản đồ TP HCM ngày này thì tòa thành nằm trong diện tích giới hạn bởi các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Đinh Tiên Hoàng/Tôn Đức Thắng, đường Lê Thánh Tôn và đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Bản đồ thể hiện mặt bằng thành Bát Quái tương ứng các trục đường của TP HCM.

8 cửa thành Bát Quái gồm: Phía Nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh, phía Bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiền, phía Đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấm Chí, phía Tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt.

Thời Minh Mạng đổi tên thành các cửa Gia Định, Phiên An, Củng Thần, Vọng Thuyết, Phục Viễn, Hoài Lai, Tĩnh Biên và Tuyên Hóa.

Các công trình trong thành gồm Hoàng cung (A, nơi vua ở), Hậu điện (B, nơi mẹ vua ở), Thế điện (C, nơi hoàng tử ở), y viện (D), kho đồn điền (E), xưởng thợ (F), trại súng (G), kho thuốc súng (H)… Vị trí Hoàng cung ngày nay là bên ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du. Xưởng thợ là phần đất nhà thờ Đức Bà.

Đến đời vua Minh Mạng, năm 1830, Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của mình từ năm 1833 đến 1835.

Sau khi đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái để lập thành Gia Định mới năm 1837. Chính vì sự phá hủy này mà thành Bát Quái còn bị gọi là Gia Định phế thành. Ảnh: Bản đồ Sài Gòn – Gia Định năm 1795 với thành Bát Quái ở trung tâm.

kienthuc