Với sự từ bỏ của Trung Hoa bá quyền cổ xưa của nó trên Việt Nam câu chuyện của chúng ta đã đến hồi kết cuộc, nhưng ngay trong Việt Nam sự chinh phục của Pháp còn lâu mới được hoàn tất. Trong tháng Bẩy năm 1885, một tháng sau khi Lý Hồng Chương tại Thiên Tân đã ký kết hiệp ước chính thức nhìn nhận sự bảo hộ của Pháp, Triều Đình Huế, đã không làm gì cả để hợp tác với Trung Hoa khi mà hành động như thế có thể rất hữu hiệu, sau hết đã nổ tung thành một cuộc phản kháng vô vọng. Quân đồn trú của Pháp dễ dàng đẩy lui một cuộc tấn công vào Trụ Sở Sứ Đoàn, và tràn ngập Hoàng Cung, trong khi nhà vua trẻ tuổi Hàm Nghi, với một đoàn voi mang theo công khố của ngài, chạy trốn vào vùng đồi núi. Khi nghe được tin vị quốc vương đã vũ trang chống lại quân xâm lược, cả nước lấy làm phấn khởi và nổi dậy để tự vệ. Người Pháp đã phản ứng với sự hà khắc độc ác nhất, sẽ mãi mãi được ghi nhớ như một vết ô nhục trên danh dự dân tộc của họ, nhưng phải chờ mãi đến khi bước sang thế kỷ mới sự đàn áp bằng quân sự mới có thể được nói là đã hoàn tất. Nhà vua Hàm Nghi bị treo giá tìm bắt vẫn còn tự do mãi cho đến tháng Mười Một năm 1888, khi ngài bị phản bội bởi một kẻ điềm chỉ, đã bị bắt và tống xuất ra nước ngoài. Sau khi nhà vua bỏ trốn, người Pháp đã thay thế ngài trên ngôi bằng một người con nuôi của vua Tự Đức, kẻ bằng lòng phục vụ như một vị vua bù nhìn. Có vẻ là danh xưng Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi bề mặt của trái đất này. Ngay chính xứ sở, trên nguyên tắc “chia để trị”, bị phân chia làm ba phần, mỗi phần được quy định với các luật lệ và định chế cách biệt, với hy vọng rằng cư dân thay vì nghĩ mình là người Việt Nam, sẽ dần quen mình là công dân của Bắc Kỳ, của An Nam (bởi danh hiệu cổ xưa đó được giữ lại cho miền trung) hay của Nam Kỳ (Cochinchina). Tại An Nam, một chế độ quân chủ ma được duy trì như một trò múa rối tại Huế. Cùng với Lào và Căm Bốt, xứ sở bị giết chết như thế lại được chắp vá để tạo thành một quái vật địa lý chính trị, mệnh danh Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina).


Quân Pháp tấn công thành Bắc Ninh (nguồn: Image d’Epinal)

Tại Trung Hoa, Lý Hồng Chương đắc thắng ngoi lên. Trong mười năm kế đó ông lên đến đỉnh cao quyền lực và ảnh hưởng của mình. Một liên minh cộng tác chặt chẽ xuất hiện giữa ông và bà Thái Hậu Từ Hy, và ông hiểu rõ cách thức hay nhất để giữ được sự ưu ái. Sự triệt hạ hạm đội ở Phúc Châu cho thấy một cách bất khả bác bỏ nhu cầu về một sự thành lập hải quân thích đáng, và trách nhiệm để tạo dựng một lực lượng như thế đương nhiên được đặt trên vai của người xem ra có khả năng tốt nhất để hỗ trợ nó, tức chính ông Lý. Rồi từ đó trở đi, Hải Cảng Port Arthur và Weihaiwei đã là những trung tâm không cần tranh luận của các khát vọng hải quân của Trung Hoa, và các ngân khoản dồi dào đã được dành cho chương trình xây dựng đáng nể sợ, vốn đã sẵn sàng để khởi đông. Tuy nhiên, như mọi chuyện có thể xảy ra, Thái Hậu vẫn để tâm đến khu vực giải trí thời thanh xuân của bà, vườn Viên Minh, đã bị hỏa thiêu một cách man rợ bởi người Anh hồi năm 1860; và không gì làm bà thấy thỏa mãn ngoại trừ một Cung Điện Mùa Hè mới phải được gắng sức tìm cách xây lại trên tàn tích của cung điện cũ, vài dậm bên phía tây của Bắc Kinh. Điều cần ghi nhận là viên Đại Thái Giám [chỉ Lý Liên Anh, thái giám được ân sủng nhất bởi Từ Hy Thái Hậu, chú của người dịch] có mối giao hảo tốt với ông Lý, đến mức độ có lần tham dự vào một cuộc thanh tra xưởng đóng tàu ở phía bắc, mặc dù ý nghĩa chân thật của tình bạn đã không được nhận thức rõ rệt sau vài năm. Rồi thì, trong năm 1894, bá quyền của Trung Hoa trên Triều Tiên (Korea) bị đe dọa bởi sự xâm lăng của Nhật Bản, và đối diện với một sự xúc phạm như thế ngay trước ngưỡng cửa của chính mình, ngay cả Lý Hồng Chương cũng không thể giữ yên lục quân và hải quân yêu dấu của ông trong nhà kho đông lạnh được. Khi chiến tranh bùng nổ, không ai trên thế giới, ngoại trừ chính người Nhật Bản, lại có một sự ngờ vực nhỏ nhoi nhất về sự chiến thắng vang lừng của Trung Hoa. Sự tẩm liệm xảy ra hoàn toàn cho nước lớn hơn khi mà các chú lùn hải đảo đã quét sạch các chiến thuyền của Trung Hoa trên mặt biển, phái một đoàn quân vượt qua sông Áp Lục tiến vào Mãn Châu, đổ bộ một lực lương lục quân chiếm giữ hải cảng Port Arthur, và sau hết tràn ngập căn cứ Weihaiwei, bắt buộc tàn dư của hạm đội Trung Hoa phải đầu hàng. Trong tháng Tư năm 1895, Lý Hồng Chương, nhà thương thuyết duy nhất mà Nhật Bản chấp nhận, đã ký kết một hòa ước nhục nhã tại Shimonoseki. Ngoài việc phải trả một khoản bồi thường khổng lồ, chủ quyền trên bán đảo Triều Tiên bị từ bỏ, và tệ hơn nữa đảo Đài Loan và quần đảo Pescadores [nằm trong eo biển Đài Loan, chú của người dịch] bị nhường cho Nhật.

Trong mười năm, các đối thủ của họ Lý bị bắt buộc kiềm chế sự bất mãn của họ, nhưng giờ đây họ có thể đưa ra sự phát biểu tự do của sự hờn oán bị giam giữ. Hầu Tước họ Tăng [tức Tăng Kỷ Trạch, chú của người dịch] đã chết hồi năm 1890, nhưng hồn ma của ông ta hẳn phải cảm thấy khuây khỏa bởi cảnh tượng của những gì đang diễn ra. Từ khắp chốn trong Đế Quốc, đã có một lời kêu gào dữ dội đòi hỏi trả thù. Các quan lại khả kính đã đưa ra các bản ghi nhận đệ trình lên Ngai Vàng trong đó họ đã tuyên sự thỏa mãn nếu được ăn thịt Lý Hồng Chương; một lối nói bóng bẩy, chắc chắn như thế, nhưng là một điều không thoải mái khi phải nghe. Nếu không phải vì sự bảo vệ cho Thái Hậu, họ Lý gần như chắc chắn là sẽ bị mất đầu. Chính bà ta trong mọi khía cạnh không kém phần phạm tội như vị Kinh Lược Sứ của bà — hiện nay, điều được nói một cách công khai, mà trước đây chỉ được nói bóng gió, rằng các ngân khoản hải quân đã bị sử dụng một cách sai trái để thanh toán cho khu vườn giải trí của bà, và ngày nay các du khách đến thăm Cung Điện Mùa Hè [tức Di Hòa Viện, ngoại ô Bắc Kinh, chú của người dịch], giờ được gọi là Công Viên Nhân Dân, có trưng bày một chiếc thuyền bằng đá cẩm thạch trên hồ nước như bằng cớ của sự tham nhũng và điên khùng của chế độ quân chủ. Như đã xảy ra, họ Lý đã không chỉ sống sót mà vẫn còn tiếp tục đóng giữ một vai trò trong sinh hoạt chính trị, mặc dù lục quân yêu dấu của ông đã bị sụp đổ và binh chủng anh em của nó là hải quân không còn hiện hữu nữa, ông chỉ còn giữ lại một hình bóng của uy quyền to lớn trước đây. Chỉ vào ngay lúc cuối đời, ông ta mới quay trở lại ánh sáng chính trường. Vào năm 1900, Thái Hậu và một số cận thần ngu dốt nhất đã bị dẫn dụ để chịu chung số phận với nhóm người bài ngoại cuồng tín được mệnh danh là các “Võ Sĩ” (phong trào Nghĩa Hòa Đoàn). Trong cuộc bùng nổ phát sinh các phái bộ truyền đạo Thiên Chúa tại các tỉnh miền bắc bị tấn công và trong vài tuần lễ các trụ sở ngoại giao tại Bắc Kinh bị bao vây. Dĩ nhiên các biến cố này dẫn đến một sự can thiệp ồ ạt bởi các Cường Quốc và một lực lượng viễn chinh liên minh đã tiến tới Bắc Kinh để giải cứu các nhà ngoại giao và trút đổ sự trả thù trên Trung Hoa. Triều đình bỏ trốn sâu vào trong nội địa, và với sự vắng mặt của nó, Lý Hồng Chương một lần nữa lại đăng đàn lên vũ đài quốc tế như một chính khách Trung Hoa mà thế giới bên ngoài ưa thích giao thiệp hơn. Các điều kiện của sự dàn xếp thì nặng nề, nhưng vào lúc họ Lý chết đi, tháng Mười Một năm 1901, rõ ràng là ít ra ông đã cứu vãn cho triều đại, mặc dù sự suy vong đe đọa đã chỉ được né tránh trong mười năm. Thái Hậu đáng nể sợ băng hà trong năm 1908, và triều đại Mãn Châu đã thoái vị vào đầu năm 1912.

Trong khi đó, vào năm 1895 các kẻ thù của họ Lý đã quyết tâm bắt ông ta phải chịu đựng một sự sỉ nhục cùng cực. Nhiệm vụ khả ố về việc chuyển giao Đài Loan cho Nhật Bản được giao phó cho đứa con trai cả của ông. Kẻ đóng vai hung thần đáng thương này đã đến hải cảng Keelung ngày 1 tháng Sáu năm 1895, nhưng thẳng thừng từ chối không chịu lên bờ. Thay vì thế, vào ngày kế tiếp anh ta đáp lên một chiến thuyền Nhật Bản và tại đó đã ký kết văn kiện đầu hàng. Người ta không thể chỉ phiền trách anh ta không thôi: sau đây là một mẫu của loại bích chương đã được dựng lên ở mọi thị trấn trên hòn đảo:

“Chúng tôi, dân chúng đảo Đài Loan, thề sẽ không đội trời chung với Lý Hồng Chương. Nếu chúng tôi bắt gặp ông ta, con cháu ông ta, hay bất kỳ thân thích nào của ông ta, bất luận đi ngang qua trong một chiếc xe trên đường phố, hay trong một nhà trọ hay một văn phòng chính phủ, chúng tôi sẽ hạ sát chúng ngay tại chỗ, nhân danh Trời Đất và các Tổ Tiên của chúng tôi, để trả thù sự tổn hại mà Lý Hồng Chương đã gây ra cho mồ mả cha mẹ chúng tôi và cho sinh mạng cùng tài sản của gia đình chúng tôi!”

Không lâu trước khi xảy ra chiến tranh với Nhật Bản, Đài Loan, cho đến lúc đó được quản trị như một phần của tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện bên kia Eo Biển, nơi mà từ đó đa số cư dân được lôi cuốn sang, đã được tạo lập thành một tỉnh riêng biệt của nó; và vị Tổng Đốc vào lúc này không ai khác hơn là người quen biết cũ của chúng ta, Đường Cảnh Tùng (T’ang Chinh-sung), viên quan lại cố vấn của Lưu Vĩnh Phúc, kẻ đã cùng vị anh hùng của ông ta bối rối quay trở về Trung Hoa từ Bắc Việt sau sự đình chiến hồi năm 1885. Trong mười năm qua, trong khi họ Đường leo dần lên bậc thang công vụ, họ Lưu được trình diện ra trước sự ngưỡng mộ của đồng bào ông. Được dành cho danh dự yết kiến Thái Hậu, quân hàm Tướng Quân của ông được xác nhận và ông giờ đây đang được cử giữ một chức vụ quân sự tại tỉnh Quảng Đông.

Lúc sắp diễn ra chiến tranh với Nhật Bản, họ Đường đã thực hiện việc tăng cường quân đồn trú bằng cách sắp xếp việc thuyên chuyển binh sĩ từ lục địa, và lẽ đương nhiên là họ Lưu sẽ phải là người trong số chiến sĩ đáp ứng lời kêu gọi. Theo đó vào mùa hè năm 1895 ông đã đóng quân tại thành phố Đài Nam phía nam hòn đảo, trong khi họ Đường ở lại Đài Bắc, tỉnh lỵ nơi phía bắc. Ở đó họ Đường đã nhận các mệnh lệnh từ Bắc Kinh để chấm dứt các hoạt động của mình và trở về lục địa, và điều có thể được phỏng đoán là không còn điều nào khác mà ông ta lại thích làm hơn. Rắc rối duy nhất là người dân Đài Loan sẽ không để ông ra đi, và khi cơn xúc động của họ lên đến cao độ, nhất định sẽ là điều liều lĩnh để đề cập một đề nghị như thế với họ.

Mặc dù là những người nhiệt thành yêu nước, người dân đảo vẫn nhận thức được rằng Trung Hoa khó có thể làm được nhiều điều để giúp họ. Họ tìm kiếm ở một nơi nào khác, tìm bất kỳ giải pháp nào xem ra đáng lựa chọn hơn là bị nuốt gọn vào Đế Quốc Nhật Bản. Ý nghĩ đầu tiên của họ có lẽ là Anh Quốc, nước xem ra có khuynh hướng mở rộng sự kiểm soát của nó bao trùm phần mặt địa cầu càng lớn càng tốt, có thể được khuyến dụ để thu nhận Đài Loan vào sự bảo hộ của nó, trong khi Trung Hoa vẫn giữ chủ quyền địa chủ. Khi Luân Đôn quay mặt đi trong sự e sợ, đề nghị tương tự được đưa ra với nước Pháp mà cũng không có sự thành công khá hơn. Rồi thì, khi hết phương kế, người dân Đài Loan tự tuyên bố mình là một nước cộng hòa, và cưỡng bách vị Tổng Đốc, Đường Cảnh Tùng, đảm nhận vai trò của Tổng Thống. Trong lời tuyên cáo của mình, vị tân Quốc Trưởng nói rõ rằng sự tách biệt phải được nhìn như một biện pháp chỉ có tính cách tạm thời, và rằng trong khi chờ đợi sự tái nhập tối hậu về đất mẹ, hòn đảo sẽ đóng vai trò một nước chư hầu của Bắc Kinh. Một cách kín đáo, ôntg ta thông tin cho các giới chức thẩm quyền Mãn Châu rằng ông ta ở lại Đài Loan dưới sự cưỡng bách và ngụ ý rằng ông sẽ nắm lấy cơ hội đầu tiên để bỏ trốn. Trong thực tế, ông ta không cần lo sợ. Trong vòng mười hai ngày, “thủ đô” của ông, Đài Bắc, rơi vào tay Nhật Bản, và ông chạy sang thành phố Amoy [còn gọi là thành phố Xiamen, chú của người dịch].

Tuy nhiên, sâu xuống phía nam, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Lưu Vĩnh Phúc, người kết tội họ Đường là kẻ hèn nhát, tuyên bố rằng, đã gần sáu mươi tuổi đời, ông là một người sống đủ lâu và sẽ đối diện cái chết với sự bình thản. Trong thực tế, trong khoảng đôi ba tháng, lời tuyên bố này có vẻ có thực chất nhiều hơn là một cử chỉ anh hùng rơm. Quân Cờ Đen đã thực hiện các kỳ công trong việc cầm cự cuộc kháng chiến, mãi cho tới khi ưu thế về quân trang và quân số của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực. Ngay trong tháng Chín họ Lưu đã có ý định đầu hàng, nhưng bị bóp chết bởi binh sĩ của ông. Vào giữa tháng Mười vị thế trở nên tuyệt vọng đến nỗi ông tìm đương quay trở về lục địa và để các thuộc hạ tự xoay sở việc vận chuyển. Vào cuối tháng, người Nhật Bản đã có thể báo cáo rằng “công cuộc bình định” đảo Đài Loan được hoàn tất.

Điều không phải lúc nào cũng được nghĩ là cần thiết, ở Trung Hoa hay ở nơi nào khác, rằng một vị tướng phải ở lại với binh sĩ của mình, và chỉ trong thời đại hiện nay của chúng ta và bởi các sử gia Cộng Sản, sự bỏ chạy của họ Lưu mới được trình bày dưới một lối nhìn bất tín nhiệm. Ngay dù thế, phe Cộng Sản cũng không quá nghiêm khắc đối với ông: họ có khuynh hướng tảng lờ hành vi không mấy vinh dự độc nhất này khi xét đến thành tích của ông mặt khác không có gì đáng chê trách. Vào thời buổi đó, sự trốn thoát của ông được xem là một cuộc phiêu lưu ly kỳ, và trong suốt quãng đời còn lại ông nhận được sự mến chuộng gia tăng nhờ các chiến tích ở Đài Loan của ông. Ông tiếp tục được tuyển dụng cho đến những năm cuối cùng của triều đại bởi chính quyền tỉnh Quảng Đông, và được nói là một người đánh dẹp nổi tiếng quân thổ phỉ ăn cướp và một kẻ hòa giải được sự thù nghịch giữa các bộ lạc, hai tai họa song sinh của vùng thôn quê miền nam Trung Hoa. Sự trổi dậy của nền Cộng Hòa hồi năm 1912 diễn ra khi ông đã về hưu, quan tâm nghe ngóng các tin tức về sự vụ công cộng khi người khác đọc cho ông từ báo chí, bởi bản thân ông chưa bao giờ học đọc chữ. Dù thế, ông vẫn sống nhiều với quá khứ trong phần lớn thời gian. Ông sẽ lấy ra xem chiếc đồng hồ đeo tay của [Francis] Garnier và chỉ cho thấy tấm hình của người vợ trẻ của anh ta bên trong lớp vỏ bọc ngoài. Ông sẽ kể cho nghe sự thách thức của ông đối với [Henri] Rivière và mô tả trận đánh ở ô Cầu Giấy (Paper Bridge). Nhưng ông sớm chán ngấy chuyện về các ngoại nhân ma quỷ không thể hiểu được, và thay vào đó hướng vào chuyện mà đối với ông vượt quá mọi sự so sánh, chuyện nghiêm chỉnh nhất trong cuộc đời của ông. Câu chuyện khi đó hoàn toàn hướng về các nhóm quân Cờ Đen và Cờ Vàng, và những năm dài của các mối tử thù và căm ghét trong vùng rừng núi phủ đầy bệnh sốt rét và trên các phụ lưu im lặng của dòng sông lớn. Quyển hồi ký được ấn hành của ông, nhờ các tưởng nhớ của ông đã được trang trọng viết xuống thành văn bản, có chủ đề chính là câu chuyện của mối tử thù truyền kiếp không dứt giữa các người Trung Hoa ở hải ngoại. Nhưng khi ông từ trần, trong tháng Giêng 1917, do sự áp chế của một nước ngoài thù địch, vị anh hùng mà những thành tích bị phủ nhận bởi sự hèn nhát của chính phủ của chính ông, đã được để tang bởi các đồng bào ông, và đó là cách mà họ vẫn còn tưởng nhớ đến ông.

Bởi chúng ta không nên bị ngạc nhiên thấy rằng Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen của ông lại xuất hiện với một sự khẩn cấp khác thường trong đầu óc của Trung Hoa ngày nay [bài viết này được ấn hành vào khoảng cuối thập niên 1960, khi sự tham chiến của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam lên đến cực điểm, chú của người dịch], khi mà một lần nữa các địa danh như Hà Nội, cùng Bắc Ninh và Nam Định lại trội bật trong các tin tức, và tiếng bom rơi nghe vang vọng trong tầm tai tại vùng biên giới tỉnh Quảng Tây. Nó làm hồi nhớ rằng sự chinh phục của Pháp tại Việt Nam đã khởi sự, trong năm 1858, như là một phân cảnh của một cuộc chiến tranh của Anh và Pháp chống lại ngay chính Trung Hoa và rằng mục đích của cuộc chinh phục có hai mặt. Bên trên và bao trùm lên sự khai thác thuộc địa tại ngay chính Việt Nam, nước Pháp nhắm đến việc sử dụng lãnh thổ như một căn cứ để xâm nhập về thương mại vào vùng nam và tây Trung Hoa. Điều này trở nên hoàn toàn rõ ràng khi chúng ta nhớ đến cơ sở đầu tiên ở Sàigòn, và giấc mơ khai mở một thủy lộ đi ngược sông Cửu Long lên tới Vân Nam. Ngay khi dự án này được chứng minh là không thực tế, sự chú tâm đã được nhắm tới con sông Hồng, và số phận của Bắc Kỳ đã bị kết liễu.

Trong nhiều thế kỷ Trung Hoa đòi hỏi can thiệp vào mọi vấn đề của Việt Nam, và hài lòng với một sự nhìn nhận tượng trưng cho chủ quyền của nó. Hành động của nó chống lại Tây Sơn vào năm 1788, trên bề mặt là một ngoại lệ, trong thực tế là một bằng cứ vững mạnh để chứng minh cho một quy luật, theo đó một sự thất trận quân sự nhục nhã đã tức thời đuợc bỏ qua, một khi kẻ địch đưa ra một sự thần phục trên lý thuyết. Chỉ khi điều này trở nên minh bạch, trong thập niên 1870, các dự án của Anh và Pháp về Miến Điện và Việt Nam được nhắm tối hậu vào chính nó mới làm cho Trung Hoa bắt đầu lo sợ, và ngay khi đó, nếu không phải vì sẵn có sự hiện diện tình cờ của quân Cờ Đen tại Bắc Kỳ và vì các chiến thắng của họ đối với Garnier và Rivière thu hút được sự tưởng tượng của quần chúng, điều mà ta phải ngờ vực là một chính sách can thiệp sẽ có thể được đẩy xa đến đâu, ngược với các ý muốn của Lý Hồng Chương. Về những tình huống của sự đối đầu trực tiếp giữa Trung Hoa và Pháp trong các năm 1884-85, thật không thể nào hòa hợp được các báo cáo được đưa ra bởi hai phía. Chắc chắn là người Trung Hoa có khuynh hướng phóng đại các sự thành công của họ, nhưng rồi thì chỉ có một kẻ cực kỳ ngu ngốc mới chấp nhận được các lời trần thuật của Pháp theo y như sự trình bày của chúng. Ít nhất có một điều chắc chắn. Phe chủ chiến của Trung Hoa thường nhiều ý kiến lộn xộn và ngu ngơ, và không giỏi giang trong sự lập luận để chống lại một Lý Hồng Chương cẩn trọng, bình tĩnh. Song họ có lý khi tin rằng bởi một cuộc kháng chiến kéo dài, Trung Hoa có thể đòi một giá mà không một chính phủ Pháp nào có thể yêu cầu dân của nó trả được. Ngay lúc ở trên đỉnh cao của các sự chiến thắng của Pháp hồi tháng Hai năm 1885, tình trạng nội bộ rơi vào hoàn cảnh đến nỗi Jules Ferry [Thủ Tướng Pháp lúc bấy giờ, chú của người dịch] đã phải sửa đổi lớn lao các điều kiện hòa bình nguyên thủy của ông ta. Chúng ta có thể không hoàn toàn tin tưởng các câu chuyện của Trung Hoa về các sự thoái lui của Pháp tại Lạng Sơn, nhưng có sự kiện rằng các báo cáo đầu tiên của viên chỉ huy quân sự của Pháp từ chiến trường đã là điều kéo sập chính phủ của Jules Ferry. Điều hoàn toàn khó tưởng tượng được là sau sự sụp đổ của Ferry, bất kỳ chính phủ nào của Pháp lại sẽ được bỏ phiếu cấp cho một sự gia tăng khổng lồ trong kinh phí được xem là cần thiết cho một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Hoa. Về khía cạnh nào, ở bất kỳ mức độ nào, Halliday Macartney và Hầu Tước họ Tăng đã phô bày một sự sáng suốt nhưng bất hạnh thay lại bị vứt bỏ trong hoạt động của Triều Đình tại Bắc Kinh. Liên quan đến các điều kiện hòa bình, điều được vạch ra bởi các người chống đối họ Lý khi đó, cũng như bởi các sử gia cộng sản ngày nay, rằng các nhà thương thảo Anh Quốc hành động nhân danh Trung Hoa đã không lợi dụng bất kỳ điều gì của tình thế thay đổi, nhưng đã thỏa mãn với cùng các điều khoản mà Ferry đã đề nghị vào lúc đang thắng thế của ông ta. Thực ra, Lý Hồng Chương không phải là không có những người ngưỡng mộ, phần lớn, như có thể ước định, đang lưu vong ngày nay tại đảo Đài Loan, nhưng khó mà đồng ý được với sự phán đoán của cộng sản cho rằng ông là một kẻ phá hoại các quyền lợi quốc gia Trung Hoa.

Cũng là điều đáng học hỏi nếu chúng ta nhìn phớt qua trong chốc lát ảnh hưởng của sự hiện diện của Pháp tại Bắc Kỳ đối với Trung Hoa. Trước tiên và trên hết là một sự xâm lăng về kinh tế của Pháp vào tỉnh Quảng Tây và đặc biệt đối với Vân Nam qua sự xây dựng đường xe hỏa Côn Minh – Hà Nội. Khi triều đại Mãn Châu sụp đổ, và nền Cộng Hòa Trung Hoa sinh ra từ đó rơi vào một thời kỳ chiến tranh giữa các sứ quân, ảnh hưởng này có nghĩa là Pháp có thể mang đến sự hậu thuẫn cho các chế độ quân sự địa phương độc lập với Bắc Kinh, giống y như sự quan tâm của Anh Quốc đối với Hồng Kông đưa đến việc Luân Đôn hỗ trợ cho một chính quyền ly khai tương tự tại thành phố Quảng Châu. Trong trường kỳ các mưu kế của đế quốc này có một hậu quả không đáng kể. Trong năm 1917, Tôn Dật Tiên, cha đẻ Chủ Nghĩa Quốc Dân Trung Hoa, chán ghét sự phản bội các nguyên tắc của ông tại Bắc Kinh, ẩn náu tại thành phố Quảng Châu với một số các thuộc hạ mà ông đã tổ chức thành một cơ quan tuyên xưng là chính quyền chính đáng hợp pháp của Trung Hoa. Nó kích thích sự ngông cuồng của viên lãnh chúa quân phiệt địa phương muốn đặt phong trào như thế dưới sự kiểm soát của ông ta, mặc dù sự bảo trợ của ông ta thì cực kỳ bấp bênh, và ông Tôn đáng thương thường phải ôm hành lý đi sang Hồng Kông và Thượng Hải. Tuy nhiên, khi vào năm 1923 Liên Bang Nga Sô Viết đã quyết định ủng hộ họ Tôn, và một liên minh đã được thành lập giữa phe Cộng Sản và phe Quốc Dân Trung Hoa, tình hình đã thay đổi một cách quyết liệt. Vào năm 1924, một sự liên kết mới nắm quyền kiểm soát tại thành phố Quảng Châu, và quân đội của nó, được huấn luyện bởi Tưởng Giới Thạch, tiến hành việc áp dụng ưu thế quân sự của nó để đặt các sứ quân tỉnh Quảng Tây vào khuôn khổ. Trong năm 1926, một năm sau ngày từ trần của họ Tôn, một lực lượng vĩ đại bao gồm tất cả những phần tử này đã lên đường bắc tiến để thực hiện cuộc Cách Mạng Trung Hoa. Chế độ quân phiệt tại Bắc Kinh bị lật đổ và một Chính Phủ Quốc Gia được thành lập tại Nam Kinh, nhưng trong diễn tiến của các sự việc này mặt trận thống nhất đã bị tan vỡ, phe Cộng Sản bị đánh đuổi về nơi hoang dã, và giới quân phiệt tại Quảng Tây với sự cổ võ của Pháp và Nhật Bản một lần nữa quay lại chống họ Tưởng. Trong mùa hè năm 1936, một cuộc chiến tranh của miền nam chống lại trung ương chỉ được tránh khỏi trong gang tấc. Rồi đến cuộc xâm lăng của Nhật Bản năm 1937, đưa đến một sự hưu chiến tạm thời giữa các phe phái Trung Hoa, mang lại cho Việt Nam một tầm quan trọng mới và hung hiểm. Sau khi có sự đầu hàng của Pháp năm 1940, chính phủ Vichy đã đồng ý cho phép Nhật Bản được sử dụng các phi trường ở Bắc Kỳ để dội bom các thành phố Trung Hoa.

Vào cuối cuộc Chiến Tranh Thái Bình Dương, linh hồn của Lưu Vĩnh Phúc và của Hầu Tước họ Tăng phải lấy làm khuây khỏa khi nhìn thấy quân sĩ Trung Hoa một lần nữa nhập đất Việt, bởi theo một thỏa ước của đồng minh các lực lượng của Tưởng Giới Thạch được giao cho nhiệm vụ chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản tại miền bắc đất nước này. Chỉ khi đó, vào năm 1945, như một phần của chiến dịch này, chính phủ trung ương Trung Hoa mới áp đặt sự kiểm soát của nó trên các sứ quân địa phương của tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, tập đoàn tỉnh Quảng Tây, mặc dù là một phần tử cấu thành của Quân Đội Quốc Gia, hãy còn giữ lại nhiều ác cảm xa xưa, như được phơi bày trong năm 1966 khi mà nhân vật còn sống sót then chốt của họ, Tướng Li Tsung-jen, Phó Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, sau khi trải qua nhiều năm lưu vong tại Hoa Kỳ thay vì sống tại đảo Đài Loan với Tưởng Giới Thạch, đã làm hòa với Cộng Sản và đi về Bắc Kinh.

Nếu có một bài học cho Trung Hoa để rút ra từ những biến cố của một thế kỷ cộng một phần tư thế kỷ vừa qua, đó là sự yếu kém quân sự về phía nó sẽ tạo ra một lời mời gọi không thể ngăn cản được cho sự xâm lược từ bên ngoài, và rằng Việt Nam, dưới sự kiểm soát của một kẻ thù tiềm ẩn, nhất định bao giờ cũng cấu thành một mối đe dọa sinh tử kỳ lạ cho nền an ninh quốc gia của nó./-

—–

Phụ Chú của người dịch:

Quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc là một tác nhân trong một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn được sử sách Tây Phương gọi là Cuộc Chiến Tranh Trung-Pháp 1884-1885. Để độc giả tiện tham khảo và tìm hiểu toàn cảnh của vấn đề, người dịch có bổ túc các phụ lục như sau:

Phụ Lục 1: Sơ Lược Quan hệ Trung Pháp giai đoạn 1856-1885, Nguyên Nhân, Diễn Tiến và Hậu Quả Cuộc Chiến Tranh Trung Pháp.

Phụ Lục 2: Lưu Vĩnh Phúc trong sử liệu Việt Nam.

Phụ Lục 3: các nhân vật chính trị Trung Hoa và các quan điểm liên quan đến cuộc Chiến Tranh Trung Pháp, theo sử liệu của Trung Hoa.

***

Phụ Lục 1:

Sơ Lược Quan hệ Trung Pháp trong giai đoạn 1856-1885 – Nguyên Nhân, Diễn Tiến và Hậu Quả của Cuộc Chiến Tranh Trung Pháp năm 1884-1885.

Vai trò của Pháp trong Cuộc Chiến Tranh Mũi Tên (Arrow War): Ngay sau cuộc Chiến Tranh Nha Phiến (Opium War), Pháp đã dành được nhiều thành quả qua việc ký kết một hiệp ước với Trung Hoa nhằm mở rộng các hoạt động mâu dịch của nó tại Trung Hoa. Pháp cũng đã đồng lòng với Anh trong việc đòi hỏi một sự tái duyệt hiệp ước với Trung Hoa từ nằm 1852. Pháp đã phóng ra chính sách lấn tới trước với Trung Hoa qua việc phát động một cuộc chiến tranh đánh Trung Hoa vào năm 1856. Sự gia nhập của Pháp vào cuộc tranh chấp với Trung Hoa được kết tụ từ vụ linh mục Chapdelaine. Vụ này xảy ra khi một vị linh mục Công Giáo người Pháp, linh mục Chapdelaine, đi giảng đạo tại tỉnh Quảng Tây năm 1853. Hoạt động như thế là vi phạm các sự quy định của hiệp ước giữa hai nước. Tổng Đốc tỉnh Quảng Đông Yeh Ming-chen khi đó đã yêu cầu lãnh sự Pháp đình chỉ các hoạt động của Chapdelaine. Lời yêu cầu này bị từ chối, và Chapdelaine tức thời bị hành quyết bởi quan án sát tỉnh Quảng Tây vào năm 1856. Lãnh sự Pháp đòi hỏi sự trừng phạt nghiêm khắc về vụ hành quyết nhưng bị bác bỏ bởi Tổng Đốc Yeh Ming-chen. Phản ứng tức thời của Pháp là cử Nam Tước Gros sang Trung Hoa để trợ giúp người Anh phát động một cuộc chiến tranh chống lại Trung Hoa. Ý định của Napoleon III khi hành động như thế là nhằm dành được một uy tín tinh thần to lớn cho chế độ của ông khi can thiệp nhân danh các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa La Mã. Ông ta cũng hăng hái tiếp tục sự hợp tác Pháp-Anh tại Trung Hoa. Hai nước đồng ý thống nhất trong việc đòi hỏi một sự bồi thường cho sự hạ sát Chapdelaine, cho việc giải quyết thỏa đáng các hành vi thù nghịch thực hiện bởi dân Trung Hoa tại thành phố Quảng Châu (Canton) và những nơi khác, và cho sự tu chỉnh các hiệp ước được yêu cầu trước đây.

Hiệp Ước Thiên Tân (1858) và Quy Ước Bắc Kinh (1860) – Liên quân Anh-Pháp hoàn toàn đả bại Trung Hoa. Tương tự như Anh Quốc, nước Pháp thu đạt được từ Hiệp Ước Thiên Tân một khoản bồi thường, một sự mở rộng các cơ sở mậu dịch tại nhiều hải cảng hơn theo hiệp ước, và một sự thỏa thuận quan thuế biểu ưu đãi hơn. Ngoài ra, chiến thuyền của Pháp được phép thả neo tại các hải cảng ghi trong hiệp ước để bảo vệ các thương nhân và các nhà truyền giáo. Các giáo sĩ Pháp cũng được quyền truyền đạo trong nội địa Trung Hoa.

Sau một sự tái diễn chiến tranh ngắn ngủi với việc đốt cháy Viên Minh Viện (Yuan Ming Yuan), một Quy Ước Bắc Kinh mới được ký kết để xác nhận những điều khoản của Hiệp Ước Thiên Tân. Ngoài ra, Thiên Tân cũng được mở cửa như một hải cảng mới được ghi trong hiệp ước. Sau hết, các nhà truyền giáo người Pháp được phép mua đất đai cho mục đích xây dựng trong nội địa nước Pháp.

Tác động hỗn hợp của hai bản quy ước đã mở cửa Trung Hoa rộng hơn nữa cho sự xâm nhập để truyền giáo. Các sự tiếp xúc tiếp diễn và lan rộng giữa người Trung Hoa và các giáo sĩ người Pháp đã làm gia tăng các sự tranh chấp giữa hai nước. Nhưng trong một lúc quan hệ giữa Trung Hoa và Pháp được xoa dịu với việc đưa ra chính sách hợp tác tại Trung Hoa trong thập kỷ 1860. Phái bộ Burlingame năm 1867 đã là cực điểm cho sự tình thân thiện giữa Trung Hoa với các nước ngoài.

Cuộc Tàn Sát tại Thiên Tân năm 1870 — Với sự ký kết Quy Ước Bắc Kinh, các hoạt động truyền giáo ngoại quốc bắt đầu tăng trưởng và mở rộng tại Trung Hoa. Vào năm 1870, ước lượng đã có 400,000 người Trung Hoa cải đạo tại nước này. Nhưng quảng đại quần chúng nhìn một sự xâm nhập tôn giáo như thế bằng một cung cách thù nghịch. Người ta kết án các linh mục ngoại quốc loan truyền tà đạo và làm xáo trộn cuộc sống và địa lý phong thủy của Trung Hoa. Các cảm tính chống lại giáo sĩ truyền đạo như thế đã vươn lên đến cực điểm trong Cuộc Tàn Sát tại Thiên Tân năm 1870. Các nạn nhân chính yếu là các linh mục người Pháp.

Ngoài sự thù nghịch đối với các nhà truyền giáo, chủ nghĩa bài ngoại của Trung Hoa cũng đóng một vai trò trong sự bùng nổ cuộc tàn sát. Thiên Tân đã trải qua hai lần từng bị chiếm đóng bởi quân đội ngoại quốc và một bộ phận của liên quân Anh-Pháp vẫn còn trú đóng tại Taku cho mãi đến năm 1865. Sự hiện diện của họ thường là nguồn gốc của sự bất hòa cho cả hai bên. Ngoài nguyên nhân đó, sự điều hành một cô nhi viện của người Pháp đàng sau các bức tường rào xây cao vây quanh cũng gây ra sự nghi ngờ của người Trung Hoa. Dân chúng ở Thiên Tân tin rằng các nữ tu người Pháp tại cô nhi viện đã móc mắt trẻ em để làm thuốc.

Vào ngày 21 tháng Sáu năm 1870, một đám đông dân chúng nổi giận vây quanh cô nhi viện yêu cầu một cuộc tổng lục soát và công bố sự thực. Lãnh sự Pháp Henri Fontanier và viên phụ tá M. Simon, không giữ được bình tĩnh trong cơn lo sợ, đã nổ súng vào đám đông. Hành vi này đã khơi ngòi cho sự kháng cự toàn diện và cô nhi viện bị thiêu hủy trọn vẹn. Người Trung Hoa đã hạ sát viên lãnh sự, 12 nhà truyền giáo và một số người ngoại quốc. Cuộc khủng hoảng đã phá tan một thập niên hợp tác ngoại giao giữa Trung Hoa và người tây phương. Các chiến thuyền ngoại quốc tức thời được triệu tập về Thiên Tân và các lời phản kháng mạnh mẽ đã được chuyển tới Tổng Lý Nha Môn.

Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết bằng các nỗ lực khó khăn và nhức đầu của Tăng Quốc Phiên, và sau này của Lý Hồng Chương. Trung Hoa phải trả một khoản bồi thường là 400,000 lạng vàng cho Pháp và hành quyết các viên chức chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát. Một phái bộ tạ lỗi được cầm đầu bởi Chung-hou được gửi sang Pháp để đệ trình một bức thư xin lỗi. Quan hệ Trung-Pháp được êm dịu trong một thập niên nữa cho đến khi gặp các rắc rối về An Nam.

Các nguyên do của cuộc tranh chấp Trung-Pháp về An Nam — Sự xâm nhập của Pháp vào Đông Dương bắt đầu với sự cập bến của các giáo sĩ người Pháp hồi đầu thế kỷ thứ 17. Với dòng thời gian, nước Pháp đã can thiệp vào nhiều cuộc tranh chấp thường xuyên gây ra nhiều rắc rối cho các quốc gia trong vùng. Từ thập niên 1860 nước Pháp đã gia tốc chính sách lấn tới của họ tại An Nam. Năm 1862, Pháp chiếm đoạt miền nam Việt Nam, Cochinchina, qua việc ký kết một hiệp ước với hoàng đế Việt Nam. Vào lúc đó, Pháp bắt đầu khai phá một thủy lộ đi từ Việt Nam đến miền Tây Nam Trung Hoa. Trong năm 1872, Pháp nắm quyền kiểm soát Bắc Việt (Tonkin). Hoàng Đế An Nam bị cưỡng bách ký kết một hiệp ước với Pháp năm 1874. Trong thực tế, An Nam đã bị biến thành một xứ bảo hộ của Pháp. Trung Hoa từ chối nhìn nhận một hiệp ước như thế bởi họ tuyên bố là có chủ quyền trên An Nam. Đây là nguồn gốc cuộc tranh chấp giữa Trung Hoa và Pháp.

Sự bùng nổ chiến sự — Trong một thập niên trước khi có cuộc chiến tranh năm 1884, các sự tranh chấp Trung-Pháp đã bùng nổ dọc theo biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Việt (Tonkin). Quân Cờ Đen dưới sự lãnh đạo của Lưu Vĩnh Phúc đã xâm nhập vào khu vực và được khuyến khích bởi hoàng đế An Nam để tấn công các nhà mậu dịch Pháp tại đó. Quân đội chính quy của Trung Hoa cũng được phái đến để trợ giúp Lưu Vĩnh Phúc. Pháp chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Trung Hoa. Pháp đã làm điều này bằng cách chiếm lấy Hà Nội trong năm 1882. Các cuộc xung đột khác diễn ra tại Lạng Sơn, Bắc Việt trong năm 1883. Trong năm 1884, Pháp đã tấn kích Keelung tại đảo Đài Loan để trả thù Trung Hoa.

Về phía Trung Hoa, Lý Hồng Chương chống đối việc giao chiến với Pháp. Ông nghĩ rằng Trung Hoa thiếu lực lượng hải quân để kháng cự nước Pháp và bảo vệ bờ biển Trung Hoa. Cùng lúc, Trung Hoa vẫn còn lúng túng trong vấn đề gây nhiều khúc mắc về Cao Ly (Hàn quốc) với Nhật Bản. Vì thế ông tán thành một sự giải quyết mau chóng xuyên qua các sự thương thảo với nước Pháp. Nhưng có các quan điểm đối kháng khác tại Trung Hoa. Một nhà ngoại giao hay lên tiếng chỉ trích, Tăng Kỷ Trạch, tán đồng một lập trường cứng rắn hơn đối với nước Pháp. Ông nhận xét rằng nước Pháp thiếu sức mạnh quân sự và khả năng tài chính để theo đuổi một cuộc chiến tranh kéo dài. Ông cảm thấy rằng nếu Trung Hoa chấp nhận một chính sách cứng rắn với nước Pháp và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, nước Pháp sẽ không dám phát động một cuộc chiến tranh chống lại Trung Hoa.

Sự nổi dậy của phe chủ chiến Ch’ing-liu tại Trung Hoa — Phe chủ chiến tại Trung Hoa được biết đến dưới danh hiệu Ch’ing-liu t’ang (Thanh Lưu đường: The Purists) phát sinh từ cuộc khủng hoảng ở vùng Ili với nước Nga. Phái này được thành lập bởi các học giả của Hàn Lâm Viện đứng đầu bởi Chang Chih-tung (xem tiểu sử nhân vật này nơi Phụ Lục 3). Phe này chủ chiến để bảo vệ danh dự nước Trung Hoa và quốc gia triều cống An Nam. Phe này kết án chính sách nhượng bộ yếu hèn của Lý Hồng Chương. Các thành viên của Thanh Lưu đường nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần của Trung Hoa, tuyên bố rằng chiến tranh được chiến thắng nhờ ở lòng can đảm và đạo đức hơn là vào vũ khí. Phái Thanh Lưu là những người tán đồng mạnh mẽ nhất việc thúc đẩy Trung Hoa khai chiến với nước Pháp. Triều đình Mãn Châu bị kẹt giữa các quan điểm khác biệt và khá lưỡng lự để quyết định nên chiến hay nên hòa.

Chiến tranh và hòa bình — Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đại Tá Henri Rivière đánh chiếm thành Hà Nội, thủ đô của Bắc Việt vào ngày 25 tháng Tư năm 1882. Rivière bị hạ sát trong khi tảo thanh quân Cờ Đen ra khỏi vùng đồng bằng Sông Hồng vào mùa xuân năm 1883, khuấy động một đợt sóng ngầm các cảm xúc chủ chiến tại Pháp.

Vào ngày 25 tháng Tám năm 1883, Hiệp Ước ở Huế, nhường Bắc Việt cho Pháp làm đất bảo hộ, được ký kết giữa Hoàng Đế An Nam và nước Pháp. Trung Hoa bác bỏ hiệp ước này, và di chuyển lực lượng vào Bắc Việt. Mặc dù cả Trung Hoa lẫn Pháp đều không tuyên chiến với nhau, các cuộc giao chiến đã khởi sự trong mùa thu 1883. Các lực lượng tuần giang của Pháp chiếm giữ các thành Bắc Ninh, Sơn Tây, và Tuyên Quang.

Trong các hiệp ước Thiên Tân ngày 11 tháng Năm, 1884 và ngày 9 tháng Sáu năm 1884, Trung Hoa đã thừa nhận Hiệp Ước tại Huế. Tuy nhiên, trong tháng Sáu 1884 tại ấp Bắc Lê, các lực lượng Trung Hoa tấn công một đội quân Pháp được phái đến để chiếm đóng xứ sở chiếu theo các hiệp ước. Sự kiện này đưa đến việc mở rộng chiến tranh. Mặc dù các tư lệnh hải và lục quân tại chiến trường thúc dục một cuộc tấn công trực tiếp vào kinh đô nhà Thanh tại Bắc Kinh, thủ tướng nước Pháp Jules Ferry đã giới hạn các cuộc hành quân ở khu vực Đông Dương và vùng biển Nam Trung Hoa, bởi ông lo sợ một cuộc tấn công vào Bắc Kinh sẽ khích động sự đáp ứng của các cường quốc Âu Châu khác, đặc biệt là từ Anh và Nga. Hải quân Pháp, dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Amédée Courbet, đã phong tỏa các hải cảng Keelung và Tamsui của Đài Loan và mở một cuộc hành quân đổ bộ đánh quân Thanh đồn trú trên đảo…

Trong tháng Tám 1884 tại trân đánh ở Phúc Châu (Foochow), quân Pháp đã hủy diệt hoàn toàn hạm đội hải quân Trung Hoa – đang thả neo ở đó — một cách mỉa mai, đoàn tàu này được xây dựng dưới sự giám sát của Prosper Giequel, một công dân Pháp sống tại Trung Hoa. Bên Pháp không hề tuyên chiến và trận đánh diễn ra trong vòng chưa đến ba mươi phút. Tuy nhiên, tại Bắc Việt, mùa gió nồm đã loại bỏ các cuộc tấn công của Pháp, cho phép quân Trung Hoa tiến quân đến sát bờ viền đồng bằng sông Hồng. Trong chiến dịch này, quân Trung Hoa bao vây thành Tuyên Quang, dẫn đến sự cố thủ nổi tiếng bởi một tiểu đoàn quân đánh thuê (legion) của Pháp. Một lực lượng viễn chinh của Pháp gồm hai lữ đoàn tiến lên mạn ngược của Bắc Việt và chiếm giữ Lạng Sơn hồi tháng Hai năm 1885. Một lữ đoàn sau đó đã ra đi để tiếp viện cho Tuyên Quang, để lữ đoàn kia đơn độc ở lại Lạng Sơn. Viên chỉ huy lữ đoàn này, tìm cách đẩy lui sự củng cố sức mạnh tấn công của quân Trung Hoa, vượt qua biên giới để tấn công, và bị thất trận tại Trấn Nam Quan (Zhennam Pass) [tức Ải Nam Quan, chú của người dich]. Tiếp theo sau một cuộc phản công không thành công của quân Trung Hoa (chủ yếu là các đội dân quân gốc dân Choang dưới sự chỉ huy của Feng Zicai [Phùng Tử Tài?, chú của người dịch], viên quyền tư lệnh Pháp đã vội vã rời bỏ Lạng Sơn vào ngày 28 tháng Ba, năm 1885, tin tức đã đưa đến sự sụp đổ của chính phủ Jules Ferry tại Pháp.

Hậu quả — Bất kể có sự triệt thoái, sự thành công trước đây trong các trận đánh trên đánh liền tại Bắc Việt và đảo Đài Loan, sự thiếu ý chí tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh của chính phủ Trung Hoa, và ưu thế áp đảo của Pháp trên mặt biển đã đưa cuộc chiến tranh Trung-Pháp đến chỗ kết thúc.

1. Hiệp ước chấm dứt chiến tranh được ký kết hôm 9 tháng Sáu năm 1885, trong đó Trung Hoa thừa nhận Hiệp Ước Huế và từ bỏ quyền chủ tể của họ trên Đế Quốc An Nam.

2. An Nam và Bắc Việt (Tonkin) được sáp nhập vào Đông Dương thuộc Pháp không lâu sau đó.

3. Pháp rút quân khỏi Đài Loan và quần đảo Pescadores.

4. Trung Hoa không phải bồi thường, nhưng phải gánh chịu tổn hại kinh tế lớn lao khi theo đuổi cuộc chiến tranh.

5. Chiến thắng của Pháp soi tỏ rõ sự bất quyết trong việc ấn định chính sách của chính phủ Trung Hoa, và sự thiếu nỗ lực động viên toàn dân để kháng cự ngoại xâm.

6. Chiến thắng của Pháp trên Trung Hoa tại Việt Nam trong cuộc chiến năm 1884-1885 đánh dấu một sự bành trướng quan trọng của chủ nghĩa đế quốc của Tây Phương tại Á Châu.

7. Chiến thắng của Pháp đã làm mất lòng tin nơi sự thực hiện chiến lược “tự cường” của triều đình nhà Thanh.

8. Chiến thắng của Pháp khuấy động các cảm nghĩ dân tộc tính tại miền nam Trung Hoa.

9. Sự thất bại của Trung Hoa cho thấy tình trạng vô năng lực của Thanh triều trong việc củng cố và bảo vệ các mối quan hệ thiên triều-triều cống cổ truyền với các quốc gia chung quanh. Việt Nam sau hiệp ước Thiên Tân bị bỏ rơi một mình để kháng cự lại chủ nghĩa thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, và đây cũng là một bài học lịch sử mà người dân Viêt Nam phải ghi nhớ.

10. Bên Pháp có số tử trận và bị thưong khoảng 2,100 người trên tổng số quân tham chiến khoảng 15,000 đến 20,000 người (kể cả quân tình nguyện Tây Ban Nha và Phi Luật Tân). Số tử trận và bị thương của Trung Hoa và Việt Nam khoảng 10,000 người trên tổng số quân tham chiến khoảng 25,000 đến 35,000 quân.

11. Thanh triều không rút được kinh nghiệm sau lần thất trận trước người Pháp để nắm lấy cơ hôi tiến hành cải cách và còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong trận chiến với Nhật Bản mười năm sau đó trên một tình hình tương tự tại bán đảo Triều Tiên.

12. Liên quan trực tiếp đến biên

Ngô Bắc (dịch và chú giải 3 kỳ)

Nguồn: Black Flags In Vietnam: The Story of A Chinese Intervention – The Tonkin War of 1884-85, Henry McAleavy, New York: The Macmillan Company, 1968

Henry McAleavy - Ngô Bắc dịch

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông