Khi nhắc đến sự tồn tại của thiên đường và địa ngục, có người tin và cũng có người không tin. Vậy thực sự thiên đường địa ngục có tồn tại hay không?
Trên thực tế bất luận là trong văn hoá phương Đông hay phương Tây cũng tồn tại vô số những ghi chép lịch sử về sự tồn tại của thiên đường và địa ngục một cách hết sức sống động và minh xác.
Theo lý thuyết về vật chất nhận định: Trong vũ trụ của chúng ta có vô lượng vô số những vật chất mà mắt thường không thể nhìn thấy cũng như chạm vào được, chúng được gọi là “vật chất tối” và chiếm tới 85% tổng lượng vật chất trong vũ trụ. Các nhà khoa học cũng phát hiện vũ trụ có ít nhất 11 tầng không gian tồn tại, mỗi một không gian lại có sinh mệnh của riêng mình, hơn nữa những không gian này lại có mối quan hệ đến không gian của chúng ta một cách mật thiết…
Âm phủ ở đâu?
Vậy nên nếu căn cứ theo luận thuyết trên, có thể tạm hiểu Âm phủ chính là một thế giới do vật chất tối cấu tạo thành.
Hòa thượng Trí Húc tự là Ngẫu Ích, một trong tứ đại cao tăng danh tiếng cuối đời Minh, ông có biên soạn một cuốn sách với tên gọi: “Kiến văn lục”, ghi chép lại những điều mà ông từng trải nghiệm, “mắt thấy tai nghe”, trong đó có đề cập đến một câu chuyện như sau:
Có một thư sinh tại đất Sở, tâm địa chính trực thiện lương, vốn đang miệt mài theo đuổi nghiệp đèn sách thi cử. Vừa hay khi đó đại điện thứ 7 của âm phủ thiếu người nên Ngọc hoàng đại đế phái thư sinh này tạm thời phụ trách công việc ở đó.
Cứ cách mấy ngày nguyên thần của thư sinh này lại ly thể đi đến âm phủ xử lý công việc của nội phủ ở cương vị đại điện thứ 7. Công việc chủ yếu của thư sinh này là chịu trách nhiệm chỉnh lý lại sổ ghi chép của âm phủ chứ không cần phải trực tiếp xử án phán tội.
Thư sinh này phát hiện mỗi một người trên trần gian khi đến âm phủ đều được căn cứ theo lượng nghiệp – đức của mình khi còn sống tại cõi trần tạo ra mà phải chịu tội báo hay được hưởng phúc phận tương ứng. Mỗi khi thư sinh này nhìn thấy người dưới âm phủ phải lên núi đao biển lửa liền vội vàng tới cứu. Nhưng càng cứu thì lại càng thảm khốc, sự đau đớn càng tăng gấp bội, thông thường đều là vô phương cứu chữa.
Một hôm trong lúc xem lại sổ sách, đột nhiên anh ta phát hiện trong sổ ghi chép tội trạng có ghi tên vợ mình, trong đó ghi tội trộm một con gà của hàng xóm, nặng cả lông là 1 cân, 12 lạng (Thời cổ một cân là 16 lạng). Vậy là thư sinh này liền gấp trang đó lại đánh dấu.
Sau khi nguyên thần trở về dương gian, chàng thư sinh mới hỏi lại vợ mình có phải đã trộm gà của hàng xóm không? Lúc đầu người vợ của anh ta phủ nhận nhưng sau đó nghe chồng mình kể lại chuyện đã thấy dưới âm phủ mới liền sợ hãi khai ra. Thì ra do gà nhà hàng xóm chạy sang ăn lương thực của nhà mình đang phơi ở sân nên cô ta lỡ tay đánh chết. Vì sợ hàng xóm chửi bới nên đã đem giấu nó đi, đến nay vẫn chưa có ai phát hiện.
Nghe vợ kể xong sự tình, hai người bèn lấy gà ra cân, quả là 1 cân 12 lạng không sai một ly, vợ chồng cùng nhìn nhau kinh ngạc, sổ âm gian quả là chuẩn xác phi thường. Cân gà xong hai vợ chồng thư sinh liền cầm gà chết và một số tiền tương ứng sang nhà hàng xóm tạ tội nhận sai, xin bồi thường.
Không lâu sau đó, thư sinh này trở lại âm phủ làm việc, liền mở sổ ghi chép ra xem thì thấy tội trạng của vợ mình đã không còn trong sổ ghi chép nữa cứ như thể chưa hề tồn tại.
Đôi chút luận bàn:
Từ câu chuyện trên chúng ta có thể thấy:
– Sổ ghi chép những việc làm của con người dương thế của âm phủ là vô cùng chuẩn xác, một chút cũng không sai lệch
– Thời gian ghi chép chuẩn xác ngay khi sự việc diễn ra mà không có sự khác biệt. Bên này làm, bên kia liền ghi chép.
– Chế độ giám sát của âm phủ đối với thế gian con người vô cùng khoa học và minh xác, tất cả đều tự động.
– Việc làm công tư phân minh, không có chuyện quan hệ thân thích được miễn giảm hay trừ tội, tất cả đều công khai.
– Cơ chế này hoạt động hoàn toàn dựa trên quy tắc đạo đức, người phạm tội nếu kịp thời hối cải và sửa sai ắt sẽ được miễn trừ.
Có thể thấy thế gian vạn sự đều có sự tương quan, việc trần vừa làm thì việc âm đã chép. Thiện ác hữu báo đó cũng là điều không còn gì có thể bàn cãi.
Vũ Minh (biên dịch)
***
(Tài liệu tham khảo: “Vạn Tân Toản Tục Tạng Kinh” quyển thứ 88 “Sử Truyện Bộ”, phần Ngẫu Ích Đại sư “Kiến Văn Tập”)