Đồ gốm là chất liệu còn tồn tại rất lâu dài, trường tồn, thủy chung, không thể tách rời được trong lòng mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là trong đời sống tâm linh con người Việt Nam.
Trong cuộc sống, hai chữ tâm linh đã có thời bị nhiều người hiểu là mê tín, hủ tục, đồi bại, làm hư hỏng và đẩy lùi sự tiến bộ xã hội. Nhận thức như vậy khiến quá trình nhìn nhận và bảo vệ các di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, không tránh khỏi sai sót nghiêm trọng, thậm chí trầm trọng, dẫn đến sự mất mát lớn lao những sản phẩm đầy tâm huyết, trí tuệ của cha ông.Chính nhận thức còn hạn chế cùng với chiến tranh giặc giã và thiên tai khắc nghiệt làm cho lịch sử dân tộc có những khoảng mơ hồ tư liệu thành văn, tư liệu hiện vật mang tính xác thực. Khoảng trống mơ hồ này một phần đã được các nhà khoa học phối hợp liên ngành lấp dần với đầy đủ bằng chứng, vật chứng của cha ông từ xưa để lại.
Trong số di sản, di vật của tiền nhân để lại cho hậu thế, có những sản phẩm gần như trường tồn với thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng cũng có những sản phẩm rất mong manh, dễ bị xâm hại, rất cần được nâng niu gìn giữ, bảo vệ, như đồ giấy, đồ gốm sứ, đồ ngọc… chẳng hạn.
Các tài liệu gia phả cổ tuy thất lạc và mất mát rất nhiều nhưng cũng đã bổ sung phần nào tư liệu và hiện vật cho quá trình nghiên cứu văn hóa, lấp dần những ngờ vực và khoảng trống về tư liệu. Trong số những tư liệu và hiện vật đáng quý đó, có sự góp mặt của đồ gốm, sành, sứ. Chính vì thế, sự giao lưu, kế tục các ngành nghề truyền thống (ông tổ nghề, thành hoàng làng…) cũng như các công nghệ, bí quyết nghề cổ truyền của các nghệ nhân – nghệ sĩ dân gian, tuy gặp rất nhiều khó khăn, cản trở, vẫn được lưu truyền để linh hồn nghề nghiệp được tiếp nối liên tục, không đứt gãy.
Uống nước nhớ nguồn, lưu giữ truyền thống và phát huy di sản truyền thống, các nghệ nhân gốm sứ đã và đang có nhiều đóng góp nhằm duy trì và nối tiếp truyền thống của cổ nhân và những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong hệ thống di tích linh thiêng trải khắp Việt Nam, hỏi có nơi đâu không có mặt của đồ thờ liên quan đến đồ gốm sứ?
Địa hình sông núi Việt Nam với đất đai phì nhiêu, đa dạng, biển bạc rừng vàng, nhiều sản vật quý, khoáng vật hiếm như vàng, bạc, niken, sắt, thiếc… trong đó có những mỏ cao lanh, đất sét với trữ lượng dồi dào chính là nguồn tài nguyên vô giá do thiên nhiên ưu ái để cha ông ta có thể tạo ra những sản phẩm gốm sứ phong phú, đa dạng ở nhiều địa phương trên dải đất Việt Nam.
Hơn nữa, chính sự đa dạng địa chất, địa hình nên nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm sứ cũng phong phú. Vùng núi cao, vùng thung lũng, vùng đồng bằng và vùng ven biển duyên hải là những kiểu địa hình gắn với các nhu cầu khác nhau trong sử dụng và khai thác các sản phẩm khác nhau phục vụ đời sống.
Sự ưu việt của dòng sản phẩm gốm sứ gia dụng đã được cha ông ta phát hiện từ rất sớm. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, các sản phẩm nhà nông (ngư, thương) rất dễ bị hư hỏng, mốc, mối mọt, thối nát, ôi thiu. Sản phẩm đồ đựng, đồ bảo vệ bằng chất liệu gốm sứ bổ sung vào các sản phẩm mây tre đan giúp ích đắc lực để tránh tác hại của chuột bọ, kiến, gián, côn trùng, sinh vật của miền nhiệt ẩm gió mùa. Chất liệu gốm sứ khiến vật được bảo vệ không bị ô nhiễm, không ngấm nước, không bị độc hại, thậm chí, trong một số trường hợp còn khiến cho vật được chứa đựng trong đó có chất lượng cao hơn (như vò, hũ sành đựng rượu trắng, rượu cần, ang đựng nước mắm, mắm tôm, tương, vại muối cá, cà). Trong cuộc sống thường ngày, sự có mặt của đồ gốm là một điều bình thường như nó vẫn có vậy.
Gốm sứ là vật liệu tuần hoàn theo nhịp sống mà không vật liệu nào bì kịp. Chỉ trong vòng thời gian không lâu, dưới bàn tay người thợ, các sản phẩm gốm đa dạng xuất hiện và hòa vào dòng chảy cuộc sống. Sản phẩm gốm giản dị, nhẹ nhàng thâm nhập vào cuộc sống mọi nơi trên thế gian này, dù ở các nước phát triển hay nghèo nàn lạc hậu. Bên cạnh các sản phẩm công nghệ cao dùng trong vũ trụ, công nghiệp (ceramic) nung ở độ cao 8000C mà độ bền trên cả sắt thép, vàng bạc, bạch kim, ta vẫn gặp các sản phẩm dân dã đời thường như chum, chóe, bát đĩa, ang chậu, cốc chén… Trong các công trình dinh thự, vua chúa, khách sạn 5 sao hay nhà người dân bình dị vẫn đều thấy dáng dấp đồ gốm sứ có mặt để phục vụ con người. Gốm sứ len lỏi vào mọi mặt cuộc sống bất chấp sự vươn mình chiếm lĩnh nhanh chóng của các sản phẩm nhựa, gỗ, cao su hay các vật liệu mới mẻ tân tiến hiện đại khác.
Từ đất đai và bàn tay khối óc con người, các sản phẩm đồ gốm sứ xuất hiện, nhập cuộc phục vụ đời sống và chấp nhận quy luật đào thải tự nhiên. Những sản phẩm tốt, đẹp, bền bỉ, ích lợi sẽ trường tồn và những hàng phế phẩm sẽ bị quá trình sử dụng đào thải ra khỏi quy trình sự sống. Dẫu vậy, nhìn chung, các sản phẩm gốm vẫn đóng góp được những giá trị mang tính vĩnh hằng vượt lên thời gian và không gian.
Riêng đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, các sản phẩm gỗ và gốm có lẽ chiếm vai trò quan trọng áp đảo. Không tính đến sản phẩm đồ gỗ, sự có mặt của đỉnh hương, nồi hương, bát hương trong di tích thiêng và ngay tại các gia đình riêng là điều gần như khẳng định chắc chắn. Chúng tôi thấy rằng, chính bát hương được đặt ngay ngắn giữa ban thờ đã trở thành biểu tượng thiêng ở dạng chất liệu gốm nhờ sự liên thông chặt với thế giới thiêng qua hành động thắp hương nối tâm linh con người từ cõi thấp lên cõi cao.
Đi cùng bát hương còn có chén nước, be/ nậm rượu, bình hoa, đĩa quả. Ở các di tích còn có những chóe to đựng nước thánh – là vật dụng đựng nước thiêng để chiêu tịch dâng cúng quanh năm. Đối với loại chóe to này, không chỉ dừng ở việc chứa đựng nước thiêng, mà nó còn là vật thiêng để trưng ra – để ngắm, để khoe, làm sang trong di tích.
Hơn thế nữa, đồ gốm trong tâm linh còn bao gồm cả đồ tam sự, ngũ sự là bát hương, bình hoa, chân đèn, hạc, đỉnh.
Tượng thánh, tượng Phật như tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Di Lặc, tượng thần Tài, ông Địa rất phổ biến.
Tượng Tam đa, tượng danh tướng Quan Vũ, tượng bát tiên, Lão tử, Thái Thượng Lão Quân… cũng phổ biến và được nhiều đền, điện, am, tĩnh sắm sửa tôn vinh.
Tượng hổ phù, tượng các quan hầu, tượng phỗng bằng gốm sứ cũng xuất hiện trong di tích đã nói lên sự phong phú về cách thức con người dùng biểu tượng để chuyển tải ý thiêng bên trong các di tích.
Phía ngoài di tích cũng có sự góp mặt của đồ gốm sứ nhằm làm đẹp và linh thiêng di tích như các mảng chạm khắc, phù điêu xung quanh đền, đình, lăng tẩm… Những nghê, hổ phù, rồng chầu mặt nguyệt, các hình tượng long ly quy phượng, cá, trăng, dơi, hình bát quái, âm dương thái cực, chữ vạn… từ chất liệu gốm, sứ, đất đắp… chẳng những thể hiện bàn tay tài khéo của nghệ nhân mà còn là niềm tự hào của bản thân di tích.
Truyền thuyết cho biết sự xuất hiện của đồ gốm, đồ sứ như một điều bí hiểm, linh thiêng: “Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”(1). Trong quan niệm của văn hóa cổ truyền phương Đông, đất – là thổ, một trong ngũ hành được coi là hành trung tâm sản sinh ra các hành khác. Thổ là chỗ dựa, nền tảng duy trì và kéo dài sự vững chắc, bền bỉ, kiên định không thay đổi. Sự bền vững của Thổ được các nhà nho ví với lòng nhân của con người.
Trong bát quái, đất đai được ứng với quẻ khôn, đó là phần âm, là chỗ dựa của quẻ Càn (Trời). Khi tổ hợp 2 quẻ càn – khôn sẽ cho đáp án tạo thế diên niên phúc đức là sự hợp lý của tạo hóa, tạo ra may mắn, sự kéo dài trường tồn, thỏa mãn được ước mong của lòng người. Tổ hợp diên niên phúc đức chính là kết quả của thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Đất còn biểu tượng cho mẹ, người phụ nữ khởi nguyên, bà mẹ thế gian sản sinh ra muôn loài muôn vật, trong đó con người là siêu sản phẩm – tinh túy nhất.
Có lẽ chính nắng, lửa, nước và quy trình lao động vất vả để có được sản phẩm này đã tạo nên sự trường tồn của dòng sản phẩm đồ gốm. Độ nóng của lò nung các sản phẩm thô sơ để bên bếp lửa sưởi ấm và tránh thú dữ, nướng thức ăn sống thuở sơ khai đã được hoàn thiện bằng các đống lửa đốt sản phẩm gốm tập trung (như của người Chăm hiện nay vẫn tồn tại), rồi tiến lên các dạng lò cóc thô sơ, lò dài, lò rồng, lò ga, lò điện… đã hun đúc cho những sản phẩm từ đất mẹ những tác dụng đặc biệt. Ấy chính là tiếng nói của người xưa truyền lại qua những sản phẩm gốm đào được từ các di chỉ khảo cổ học (cả ở dưới nước, trong xác các con tàu đắm).
Tiếp cận theo khu vực địa lý và vùng miền văn hóa, chúng tôi thấy đồ gốm sứ tâm linh ở mỗi vùng đất có những điểm khác nhau về hình thức thể hiện. Nếu như ở miền Bắc, thường những linh vật trong di tích có độ tinh xảo, màu sắc hài hòa, đẹp, tinh tế, chế tác cầu kỳ, xương gốm ít khi thô nặng, màu men sang trọng và giản dị, toát ra vẻ đẹp tinh xảo; thì đồ gốm ở miền Trung thường dày, nặng, màu men đục, thô hơn (không kể trường hợp ngoại lệ đối với cung đình Huế nhà Nguyễn là vương triều với các sản phẩm triều cống của các vùng miền trong nước và nước ngoài). Những sản phẩm gốm trong tâm linh của dân Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng có đặc điểm gần như vậy, mặc dầu đã có sự lai tạp, xen trộn với dòng gốm sứ của miền Nam.
Gốm sứ miền Nam có đặc điểm nhiều sắc màu, tương đối thô mộc, đơn giản, thiên về hình khối và màu sắc hơn là sự tinh xảo của đường nét. Những lò gốm ở Gia Định Sài Gòn, Đồng Nai… ảnh hưởng nhiều nét trang trí của người Hoa, người Khơme. Trong đó, sản phẩm các loại linh tượng ông địa, thần tài là rõ nét hơn cả.
Về cơ bản, các đồ gốm sứ trong di tích hay tư gia, hoặc triều đình mang tính thiêng đều phải qua những công đoạn nhất định để làm linh thiêng đồ vật.
Với hệ thống vật dụng dành cho vương triều và quan lại thì sẽ có những lò chế tác riêng những sản phẩm đặc biệt để phục vụ đối tượng cao cấp này. Dạng lò gốm quan thường được đặt gần kinh đô, triều đình hoặc thuận tiện giao thông thủy bộ. Sản phẩm lò gốm quan thường được đánh dấu, lưu bút men qua các biểu tượng như rồng 5 móng, 4 móng, phượng, chữ nghĩa, niên hiệu, niên đại… hoặc biểu tượng mỹ thuật từng triều đại. Có khi còn là sự vương giả đài các thể hiện qua các sản phẩm như đồ tế khí, minh khí, đồ ngự dụng, pháp lam cực kỳ riêng biệt.
Quá trình linh thiêng đồ gốm được bắt đầu ngay từ khâu tuyển chọn nơi sản xuất, chọn người thợ cả, chọn hình thức trang trí (rồng, phượng, tứ linh, tứ quý, bát quái, âm dương…) – đối với dòng sản phẩm vương triều, quan lại.
Đối với thường dân, quá trình này được bắt đầu khi quyết định mua sản phẩm. Sản phẩm ngay từ khi đó, với ý niệm thiêng – phục vụ đời sống tâm linh sẽ được tiến hành mua vào ngày phiên chợ có thời tiết tốt, lòng người thanh thản, thơ thới. Các khâu vận chuyển, bao sái, dâng cúng… đều được tiến hành trong niềm tin thiêng liêng. Kết hợp với ánh nến, mùi hương thơm, tấm lòng thành kính, những đồ gốm trở nên có sức linh trong niềm tin tổng hòa của nhân thế.
Lò gốm dân thì du di phong phú hơn, thường phụ thuộc vào nơi xuất hiện mỏ nguyên liệu. Về sau, có thể nguồn nguyên liệu tại chỗ hao kiệt thì dân làng nghề sẽ phải mua nguyên liệu từ nơi thích hợp về tiếp tục phát triển nghề nghiệp.
Ngày nay, dòng sản phẩm gốm dành cho đời sống tâm linh đã gia tăng sự phong phú về chủng loại mặt hàng, kiểu dáng, kích thước, màu sắc. Nếu lấy tiêu chuẩn cổ vật mà xét thì có lẽ những đồ gốm tâm linh hiện nay không thể so đọ với các sản phẩm đã có bề dày thời gian từ quá khứ. Nhưng nếu xét về tiêu chuẩn chất liệu và hình thức thì rõ ràng, các sản phẩm đồ gốm phục vụ đời sống tâm linh hiện nay thật là phong phú và đẳng cấp về chất lượng kỹ/mỹ thuật.
Người tiêu dùng sản phẩm gốm tâm linh ngày nay có rất nhiều lựa chọn. Có thể chọn dòng sản phẩm miền Bắc, miền Trung, miền Nam sản xuất hoặc các sản phẩm của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, về cơ bản, đại đa số dòng sản phẩm được lựa chọn thuộc các nước Đông Á vì vốn đồng chủng đồng văn; hơn nữa, giá cả và thị hiếu khá tương hợp với sức tiêu thụ của thị trường.
Dẫu vậy, các sản phẩm trong nước, tính theo vùng miền địa lý vẫn có sức mua bán thịnh vượng hơn cả. Có một số ý kiến cực đoan khẳng định chắc chắn rằng: Bát hương sứ Bát Tràng bao giờ cũng linhhơn bát hương Trung Quốc. Hoặc lọ hoa, độc bình, bát đĩa đồ thờ, tượng thờ của miền Nam được đồng bào miền Nam ưa chuộng hơn đồ sản xuất tại miền Bắc, miền Trung!
Bước đầu chúng tôi đi tìm câu trả lời cho sự lựa chọn đồ gốm tâm linh vừa theo tư cách là một vật dụng trong cuộc sống, vừa tìm về bản nguyên hiện tượng mua – bán trên đây. Niềm tin tâm linh có sức lay động mãnh liệt và cụ thể. Đa phần, sự lựa chọn hàng hóa nói chung bị/ được chi phối bởi tâm lý và thói quen cộng đồng. Tập tính sinh hoạt lặp đi lặp lại trở thành phong tục tập quán với niềm tin dân dã thô sơ: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá có lẽ là cội nguồn sâu xa nhất của tất cả những niềm tin gắn với đời sống tâm linh. Chính sự giản đơn mà thiết thực đó đã trở nên bền chặt gắn đất người, nghề, nhân tình thế thái và tâm linh trong mối quan hệ tổng hòa đầy cảm tính có nguồn gốc từ trí tuệ dân gian.
Vậy nên, sự lựa chọn dòng sản phẩm đồ gốm sứ trong sinh hoạt vừa có cái gì đó tự nhiên đến mức dĩ nhiên, vừa có cái gì đó mới mẻ và tươi tắn.
Con người sống nhờ ăn uống hằng ngày, đồ đựng, đồ nấu, đồ bảo quản biết bao nhiêu vật dụng có nguồn gốc gốm sứ. Lớn lên, trưởng thành, bệnh tật và chết đi cũng trở về với đất qua mộ chum (thời xưa), các đồ minh khí kèm theo, tiểu sành, lọ tro. Rồi con người được thiêng hóa qua sự thờ cúng – tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc và cả sự thờ phụng thần thánh – với các đồ gốm tâm linh là cả một chu trình khép kín gồm những chặng khác nhau nhưng logic.
Cùng với các đồ thờ bằng chất liệu gỗ, đá quý, da, kim loại, giấy, các đồ thờ bằng chất liệu gốm sứ đã thâm nhập với đời sống dương gian thật phong phú và đời sống tâm linh thật cụ thể, sống động.
Dường như đồ gốm là chất liệu còn tồn tại rất lâu dài, trường tồn, thủy chung, không thể tách rời được trong lòng mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là trong đời sống tâm linh con người Việt Nam!
———————————————
Chú thích:
1. Nguyễn Bá Vân, Đồ gốm, trong hai tập Mỹ thuật thời Lý – Trần, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1973-1977.
Theo TCVHNT