Cung Diên Thọ nằm ở phía tây Tử Cấm Thành trong Kinh Thành Huế, phía trước cung Trường Sanhvà phía sau điện Phụng Tiên. Cung Diên Thọ được dùng làm nơi ở và sinh hoạt hàng ngày cho Hoàng Thái Hậu (mẹ vua), Thái Hoàng Thái Hậu. Xét về kiến trúc, đây là một hệ thống công trình có kiến trúc độc đáo với khoảng 20 công trình lớn nhỏ. Hàng năm vào các dịp lễ tết, Hoàng thượng cùng các quan trong triều thường lui tới để thỉnh an các Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu để tỏ tấm lòng hiếu đễ.

Các công trình trong quần thể cung Diên Thọ vừa phong phú về loại hình (điện, tạ, lầu, các) vừa đa dạng về phong cách kiến trúc, bởi chúng được xây dựng, cải tạo trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Chính điện Diên Thọ, điện Thọ Ninh, Trường Du tạ, Khương Ninh các, Tịnh Minh lầu… Có thể nói, khu vực cung Diên Thọ là một tập hợp điển hình các phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Dưới thời Nguyễn cung Diên Thọ cũng đã trải qua các lần tu bổ sửa chữa do tác động của môi trường khí hậu và những biến cố lịch sử. Châu bản Khải Định ngày 22 tháng 4 năm 1917 đã viết rằng: “Bản tấu của Bộ Công về việc phụng xét, điện Phụng Tiên, đền Kiên Thái Vương và cung Diên Thọ vừa qua đã phụng tờ phiến chuẩn trích tiền tu bổ. Điện Phụng Tiên sẽ tu bổ vào ngày mùng 7 tháng tới, đền Kiên Thái Vương tu bổ vào ngày mùng 4 tháng tới và cung Diên Thọ sẽ tu bổ vào ngày 27 tháng này. Các cung đền đều tiến hành khởi công tu bổ và do Bộ Lễ chọn ngày tốt để rước thánh vị cho kịp khởi công. Còn cung Diên Thọ tư cho Thị vệ xứ trước kỳ gửi tấu xin ý chỉ”1

Châu bản, tập 2, tờ 102, Khải Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn                       

Cung Gia Thọ: thuộc phường Tây nhất, phía bắc điện Phụng Tiên, bốn chung quanh bao thành bằng gạch; phía Nam là cửa Thọ Chỉ (đối diện với cửa Bắc điện Phụng Tiên), có 3 cửa hướng nam, đát lát đá xanh, trên gác lầu chồng. Phía trong cửa, bên đông là nhà Tả Túc, bên tây là nhà Hữu Túc, sân lát gạch sắt, ngăn bằng tường gạch, trong tường xây bức hình che; bên tả bên hữu mở 2 cửa, bên tả là cửa Thụy Quang, bên hữu là cửa Trinh Ứng. Chính giữa phía bắc tường là Tiền điện, nền cao 8 tấc, 1 phân. Điện làm theo kiểu nhà vuông, trên mái nhà lợp ngói phẳng, đất lát gạch sắt, bên đông bên tây đều 3 bệ, 1 cấp; bên tả là 2 hành lang dài, 1 nhà chè; bên hữu là 1 hành lang dài, 1 nhà chè. Phía bắc Tiền điện là Chính điện, nền cao 1 thước 4 tấc, phía trước 3 bệ đều 1 cấp, phía sau 2 bệ mỗi bệ 2 cấp, thềm, bệ đều xây bằng đá xanh; nếp chính 3 gian, bên đông bên tây 2 hiên, nếp trước 5 gian, đều mái chồng, đầu đao mép rồng, nóc gắn cái bầu báu lợp bằng ngói âm dương, bên tả bên hữu mỗi bên một hành lang vòng. Phía trước hiên đông hơi lùi về phía bắc có cái hồ vuông, giữa hồ là nhà tạ Trường Du, lợp bằng ngói lưu ly xanh, phía đông nhà tạ là một hành lang vòng, mở ra phía đông là cửa Thiệu Khánh (đối diện với bên hữu cửa Gia Tường). Phía trước hiên tây đắp một quả núi, trở ra phía tây là cửa Địch Tường (đối diện với đài Tây Khuyết); bên hữu sân sau điện là một hành lang dài; bên hữu hành lang là am Phúc Thọ. Phía bắc sân là điện Thọ Ninh, nền cao 1 thước 4 tấc, phía trước phía sau đều 3 bệ, bệ có 2 cấp, thềm, bệ đều xây bằng đá xanh, nếp chính 7 gian, bên đông bên tây 2 hiên, nóc gắn cái hồ báu, lợp bằng ngói âm dương, mặt đất lát ván màu. Bên tả điện là một hành lang vòng, một nhà bếp, bên hữu là một nhà kho. Sâu sau điện ngăn bằng tường gạch, trong tường xây bức bình chắn, ngoài tường là thành gạch, mở một cửa là Diễn Trạch; tên gác lầu chồng là cửa Bắc Cung (đối diện với phía nam cung Trường Ninh)2

Khuôn viên cung Gia Thọ lúc này được bao quanh bằng tường gạch, phía nam có cửa Thọ Chỉ, phía bắc là cửa Diễn Trạch, phía đông là cửa Thiện Khánh, phía Tây là cửa Địch Tường. Ở trung tâm là chính điện Diên Thọ quay mặt về hướng nam. Hiên đông của điện, hơi lùi về phía bắc là nhà tạ Trường Du. Một hành lang vòng từ tạ Trường Du nối ra cửa Thiện Khánh qua cửa Gia Tường vắt ra sau điện Càn Thành. Trước hiên tây của điện đắp một quả núi, mang dáng dấp hoa viên. Phía nam Chính điện là Tiền điện. Nền điện cao 8 tấc 1 phân (tức là gần 32,4 cm), xây theo kiểu nhà vuông, trên mái lợp ngói phẳng, sàn lắt gạch sắt, hai phía đông tây điện 3 bậc, bên đông điện có 2 hành lang dài nối với nhà chè (có lẽ là nhà Tả Trà), bên tây điện cũng có 1 hành lang dài nối với nhà chè. Phía bắc Chính điện là sân sau, hai bên đông tây sân đều có hành lang. Phía tây hành lang bên tây sân là am Phước Thọ hay còn gọi là gác Khương Ninh. Phía bắc sân là điện Thọ Ninh hướng về phía nam, hai bên đông tây điện là nhà bếp và nhà kho. Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã sống tại cung Gia Thọ trong suốt 53 năm từ năm 1849-1902. Sau khi bà Từ Dũ mất, mẹ của vua Thành Thái là Hoàng thái hâu Từ Minh được chuyển đến đây ở, cung Gia Thọ cũng được đổi tên thành cung Ninh Thọ.

Năm 1916, vua Khải Định lên ngôi, cung Ninh Thọ được trùng tu, sửa chữa lớn, đồng thời đổi tên thành cung Diên Thọ, trở thành tên chính thức của khu vực cung cho đến ngày nay. Lúc này hoàng quý phí của vua Đồng Khánh là bà Thánh cung ở trong cung này. Bà Thánh Cung mất năm 1940. Cung Diên Thọ thành chỗ ở của bà Tiên Cung (mẹ sinh vua Khải Định, sau được tôn phong là Hựu Thiên Thuần hoàng hậu) đến năm 1944 rồi bà Từ Cung (tức Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ sinh vua Bảo Đại). Bà Từ Cung cũng là bà Hoàng thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn được ở trong cung Diên Thọ. Như vậy, tổng cộng có 8 vị Hoàng thái hậu, 4 vị Thái hoàng thái hậu nhà Nguyễn đã sống ở cung Diên Thọ. Tuy nhiều lần sửa chữa từ khi xây dựng đến sau này nhưng kiến trúc cung Diên Thọ hiện nay về cơ bản vẫn giữ kết cấu xây dựng thời Tự Đức.  Cũng có công trình bị phá đi hoặc xây mới, chẳng hạn, năm 1927, lầu Tịnh Minh, tòa lầu hai tầng theo phong cách kiến trúc Pháp, được xây mới ở phía tây nam chính điện, đối xứng với nhà Tả Trà. Sau năm 1945, nhà Nguyễn sụp đổ, trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình trong Đại Nội bị tàn phá nặng nề hoặc biến mất nhưng toàn bộ khuôn viên cung Diên Thọ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Đến năm 1993, cung Diên Thọ nằm trong danh mục 16 di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới và hiện nay tiếp tục được đầu tư tu bổ và phục nguyên lại các kết cấu kiến trúc cũ. Về kiến trúc: Trong khu vực cung Diên Thọ có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Các công trình này vừa phong phú về loại hình (điện, tạ, lầu, các) vừa đa dạng về phong cách kiến trúc, bởi chúng được xây dựng, cải tạo trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Có thể nói, khu vực cung Diên Thọ là một tập hợp điển hình các phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Chính điện Diên Thọ, điện Thọ Ninh, Trường Du tạ, Khương Ninh các, Tịnh Minh lầu…

– Chính điện Diên Thọ: Là công trình trung tâm của cung Diên Thọ. Tòa điện được xây dựng theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” rất đồ sộ, tiền điện bảy gian hai chái nối với chính điện năm gian hai chái bằng bộ vì vỏ cua chạm trổ tinh xảo. Hệ thống vì kèo tiền doanh làm theo kiểu chồng rường giả thủ, chạm trổ tỉ mỉ, thanh nhã. Trên nóc chính điện gắn quả bầu báu, đầu đao mái nhà trang trí hình chim phượng (để tượng trưng cho nơi ở của phụ nữ hoàng tộc nhà Nguyễn), lợp ngói lưu lý vàng. Giữa hai tầng mái là cổ diềm, được trang trí các ô hộc khảm tranh bằng sành sứ rất sinh động. Tòa Diên Thọ chính điện được chống đỡ bằng hệ thống cột gỗ và vì kèo tiền doanh theo lối chồng rường giả thủ, chạm trổ tỉ mỉ, thanh nhã. Ba gian giữa tòa điện đặt bục gỗ, kê bàn ghế làm nơi Hoàng thái hậu tiếp khách. Toàn bộ cửa trước được gắn cửa kính, lối xây dựng du nhập từ phương Tây. Hai gian hai bên được ngăn riêng thành buồng kín làm nơi ăn ở của Hoàng thái hậu, ba gian giữa đặt bục gỗ, kê bàn ghế làm nơi Hoàng thái hậu tiếp khách. Nội thất điện còn khá nguyên vẹn và có giá trị, đặc biệt là bức hoành phi Diên Thọ cung được làm từ năm 1916 và tám bức tranh gương vẽ các cảnh nổi tiếng của xứ Thần kinh như: Thiên Mụ chung thanh, Thường Mậu quan canh, Cao các sinh lương, Thanh trì hương luyện…. Ngay phía trước điện chính là một tấm bình phong dài bằng gạch, mặt trước có trang trí đắp nổi rất sinh động, ở phía đông của bình phong này là hành lang nối thông qua Tử Cấm thành để nhà vua thường ngày có thể đi bộ theo hành lang này để vấn an Thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu. Hệ thống hành lang ở cung Diên Thọ đều có mái che lợp ngói, nối thông tất cả các công trình kiến trúc chính trong cung. Vì vậy, sự có mặt của hệ thống trường lang này vừa tạo nên sự thống nhất bền vững của quần thể các công trình, vừa tạo được vẻ mềm mại, uyển chuyển của tổng thể kiến trúc trong khu vực cung. Trang trí ở đây phần lớn đều lấy hình ảnh chim phượng hoàng làm chủ đề vì chim phượng hoàng tượng trưng cho phái nữ.

          

Cung Diên Thọ

– Lầu Tịnh Minh: Được xây dựng vào năm 1927 đời vua Bảo Đại trên nền của Thông Minh đường – một trong số nhà hát tuống trong Đại Nội. Đây là tòa nhà xây theo lối kiến trúc hiện đại kiểu phương Tây, dành cho bà Từ Cung mẹ nhà vua sinh sống. Năm 1950, tòa nhà được mở rộng quy mô để làm nơi sinh hoạt tạm thời cho Bảo Đại. Ngày nay tòa nhà là văn phòng Trung tâm phối hợp nghiên cứu đào tạo và Bảo tồn di tích Huế.

– Nhà Tả Trà được dựng đối xứng với Tịnh Minh lầu dùng làm nơi chờ cho những ai vào yết kiến Hoàng thái hậu. Tòa nhà ba gian hai chái xây bằng gạch và gỗ, được cải tạo bằng bê tông vào năm 1927. Năm 1968 gần như vụ bom đánh sập, từ năm 2011 đến nay dự án khôi phục nguyên trạng nhà Tả Trà được triển khai. Khu này ngày nay trở thành một phòng trưng bày cổ vật. Hiện vật đáng chú ý nhất nơi đây là chiếc xe kéo của mẹ vua Thành Thái. Đây là hiện vật được đấu giá thành công của tỉnh Thừa Thiên Huế tại Chaeau de Cheverny (Pháp) vào tháng 6/2014. Để sở hữu chiếc xe này, tỉnh Thừa Thiên Huế phải bỏ ra 55.800 Euro (khoảng1,5 tỉ đồng). Một hiện vật đặc sắc khác là chiếc kiệu cổ của Hoàng thái hậu Từ Cung (1890-1980, vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại).

Cung Diên Thọ cũng là nơi lưu giữ nhiều cây cổ thụ vào loại quý nhất của Đại Nội, đều có ý nghĩa và phù hợp cảnh quan của cung. Chẳng hạn, cây tùng la hán nằm sau lầu Tịnh Minh. Đây là loài cây thể hiện sự trường thọ vì cây sống rất lâu năm mà lá mãi xanh (do đó còn gọi được gọi là cây vạn niên thanh hoặc Phật bà). Có một thời, cây tùng này bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng sau đó đã cứu vãn được. Ở cung Diên Thọ còn có hai cây me toả bóng xanh rợp cả một khoảng sân rộng và hai cây nhãn cổ gốc to, mấy người ôm không xuể. Cây ngọc lan cổ thụ của cung chính là giống cây gốc của hàng ngọc lan ven đường cửa Hòa Bình (phía bắc Hoàng thành Huế) bây giờ. Hệ thống cây cổ thụ góp phần tôn thêm giá trị cảnh quan của cung.

Chú thích:

  1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, tập 2, tờ 102, Khải Định.
  2. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Công, quyển 205.

Hoàng Nguyệt

Theo TTLTQG