Khi học ngôn ngữ của các dân tộc gốc Mã Lai, chúng tôi có nhận thấy một điều Kỳ dị này là trừ ngôn ngữ Việt Nam ra, còn thì không có nhóm Mã Lai nào có loại từ CÁI hết, và có nhiều dân tộc không hề có bất cứ loại từ nào.
Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Ninh (Bách khoa số 349, ngày 15/07/1971) thì cái cây chẳng hạn, là một từ, tức là một đơn vị bất khả phân, và như thế cái không còn là loại từ nữa, như chúng tôi đã nói. Nhưng chúng tôi hơi nghi ngờ vì Việt ngữ, qua cuộc kiểm soát của chúng tôi, chỉ là Mã Lai ngữ một trăm phần trăm, mà không có nhóm Mã Lai nào có những từ có CÁI đứng trước hết.
Thí dụ ta nói Cái thang thì Mã Lai Nam Dương nói Tanga, Chàm nói Thang; Nhựt Bổn nói Tana chớ không hề nghe họ nói Cái Tanga, cái Thang, cái Tana bao giờ. Lại thí dụ ta nói Cái cửa sông thì Mã Lai nói Kưala sôngai, tức cũng không có Cái đứng trước.
Mà không riêng gì Mã Lai Nam Dương, mà Cao Miên, Thái, Chàm, hay Nhựt Bổn gì cũng thế cả, không ai có Cái hết.
Đồng bào Thượng Bru giàu loại từ nhứt, nhưng vẫn không có loại từ CÁI.
Như vậy ta phải hiểu rằng CÁI của Việt Nam là loại từ mới sáng tác về sau, do một ảnh hưởng ngoại lai, chớ gốc tổ không có, mà các nhóm khác, tuy có chịu ảnh hưởng ngoại lai, cũng không có, vì CÁI sở dĩ nảy sanh ra trong Việt ngữ chỉ vì một ngộ nhận của dân chúng Việt Nam, mà khi nói đến ngộ nhận thì phải hiểu rằng các dân tộc khác không cùng chung ngộ nhận với ta, nên họ không hề có CÁI.
Chúng tôi tìm học, mà thấy rằng CÁI chỉ mới xuất hiện sau Mã Viện thôi, chớ không có lâu đời lắm, mà, như đã nói, chỉ do một sự ngộ nhận của dân chúng Việt Nam.
Nên biết rằng trong đạo quân viễn chinh của Mã Viện, tuy có quân Dạ Lang, quân Quảng Đông, Phúc Kiến, nhưng chủ lực quân vẫn là người Hoa Bắc, vì các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến chỉ mới bị nhà Tần chinh phục trước đó không lâu, và họ chưa biến thành Tàu, và nếu có mặt họ, họ cũng nói một thứ tiếng Tàu ba trợn. Quân Dạ Lang cũng không phải là người Tàu.
Vậy ngôn ngữ được nói quanh các trại quân, phải là Quan Thoại. Mà Quan Thoại thì có danh từ CÁ (họ cũng đọc là Cá, các nhà nho ta cũng đọc như thế), nhưng danh từ ấy không phải là loại từ, nó là danh từ, và có nghĩa là Đơn vị.
Ta cứ nhìn vào một gia đình Quảng Đông ở Sài Gòn thì rõ. Dân Quảng Đông cũng nói tiếng Tàu, nhưng đọc bậy bạ cả, y hệt như các nhà nho ta, chớ không bao giờ có ngôn ngữ Quảng Đông như ai cũng tưởng.
Một ông gia trưởng Quảng Đông chia bánh cho con ông ta, và ông ta nói: Dzách cô, lượng cô, xám cô, v.v.
CÔ là CÁ đọc sai chớ không có gì, và ý ông ta muốn nói: „Một đơn vị, hai đơn vị, ba đơn vị” đấy.
Dân Lạc Việt đã nghe lính Hoa Bắc nói: Ýi cá, lèng cá bằng Quan Thoại, và ngộ nhận rằng trước tên các món vật, phải có từ CÁ (đọc sai là CÁI) mới là hay. Thế rồi ta chấp nhận từ ấy, nó biến thành loại từ của ta, và đồng thời biến hẳn văn phạm ta, vốn không có loại từ CÁI bao giờ cả, trước Mã Viện.
Nếu không hiểu như chúng tôi, thì không sao cắt nghĩa nổi tại sao không có nhóm Mã Lai nào có CÁI hết, trừ Mã Lai Việt Nam.
Trước đây, ta không biết ta thuộc chủng nào, và tin theo ông H. Maspéro rằng là ta là một chủng riêng biệt, không dính với ai cả, thì nếu chỉ có ta là loại từ CÁI, không làm ai thắc mắc hết. Nhưng nay biết chắc một trăm phần trăm rằng ta là Mã Lai, và ba bốn mươi dân tộc khác nữa cũng là Mã Lai, thì sự kiện chỉ có một mình ta có loại từ đó, phải được đặt thành vấn đề nghiên cứu và được giải đáp thỏa đáng.
Chủ trương rằng CÁI và CON không thể giao hoán với nhau cũng không ổn. Rõ ràng ca dao ta hát:
Cái cò, cái vạc, cái nông
Chẳng những CÁI đã giao hoán với Con vật, mà giao hoán cả với Con người nữa. Đó là dấu hiệu lạm dụng của buổi đầu ngộ nhận, ta dùng CÁI loạn xà ngầu, sau rồi ta mới hạn chế nó để dùng làm loại từ chỉ đồ vật bất động mà thôi.
Chúng tôi lại có bằng chứng rằng dân Lạc bộ Trãi, hồi thời Trung cổ nói Con nhà, Con đá, Con trời, thay vì nói Cái nhà, Ông trời, Cục đá như ngày nay.
Vậy Cái là loại từ khả phân. Tánh cách khả phân lộ rõ trong hai câu đối thoại sau đây:
„Bác làm gì đó?”
„Tôi đốn cây”.
Không thể nói tôi đốn Cái cây. Còn tánh cách có thể giao hoán, thì câu ca dao trên kia đã cho thấy, mà không phải tại ca dao cổ nên mới còn giữ tánh cách đó, mà cả tục ngữ hiện kim cũng còn mang tánh cách giao hoán vì ta thường nói: „Phận con ong, cái kiến” và loại từ Cái chỉ mới có mặt sau Mã Viện mà thôi.
Còn CON? Loại từ CON thì dân Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi có. Nhưng đó cũng là loại từ mới xuất hiện về sau, tuy xuất hiện trước loại từ CÁI, nhưng vẫn không lâu đời lắm.
Theo một chương tới, quý vị sẽ thấy rằng CON, KO, O chỉ có nghĩa là NGƯỜI hồi cổ thời. Nhưng danh từ NGƯỜI lại ra đời, thay cho CON, O. CON hóa ra dư dùng và người ta cho nó một cái nghĩa khác. Ta dùng nó để làm loại từ (Mot générique) đặt trước các vận động (con chim, con vụ) hoặc các vật nhỏ bị động (con dao).
Sự thay bực đổi ngôi xảy ra vào thời nào? Ở một chương tới chúng tôi cho rằng vào khoảng 500 năm trước Tây lịch, tức vào thời mà một ông Hùng Vương vay mượn KITA của Lạc bộ Mã. Thời đó, NGƯỜI đã xuất hiện, nhưng chưa mang dấu huyền và chỉ mới mang nghĩa là MẦY.
Đối với tai của người Cổ Việt còn sống sót ở đèo Mụ Già là người Khả Lá Vàng thì CON CHÓ có nghĩa là NGƯỜI CHÓ vì họ biết CON mà không biết NGƯỜI, lại không biết CON với tư cách loại từ.
Ta may mắn còn ca dao, tục ngữ xưa, nên ta mới dựng lại được xâu chuỗi biến dạng của các danh từ và nhờ thế ta mới thấy mọi thay đổi, NGƯỜI nguyên thủy, NGƯỜI cổ, NGƯỜI trung cổ ra sao.
Chúng tôi bắt gặp sự vay mượn và biến nghĩa của Con trong ngôn ngữ của người Mạ. Người Mạ là đồng bào Thượng trên Cao Nguyên Lâm Đồng, họ cũng thuộc chi Lạc bộ Trãi như ta (nhưng các ông Tây đã nói liều rằng họ là Cao Miên).
Trong ngôn ngữ Mạ, Con được dùng như danh từ và có nghĩa là Người y như nơi người Thái, nhưng nó cũng được dùng như loại từ, giống hệt như Việt Nam. Đó là chứng tích biến nghĩa nhưng chưa xong, và chứng tích đó đánh dấu thời mới biến nghĩa Con, được dùng như thế đó, tức vừa là danh từ có nghĩa là Người, vừa là loại từ.
Dấu vết thời gian còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ Mạ. Họ lạm dụng Con y hệt ta lạm dụng Cái để gọi Cái Cò, Cái Vạc, Cái Nông, vì họ nói Con Trời, Con Đá, Con Cây .
Có lẽ xưa kia, thuở ta còn ở vào trình độ của người Mạ ngày nay, ta cũng nói con trời, con đá, con cây, y hệt như người Mạ. Đó là sự lạm dụng của buổi đầu.
Người Mạ có những bài dân ca như sau:
Kúp kon sim, any tơm ta any
Kúp kon Mạ any tơm ta đuốt
Dịch nghĩa:
Bắt con chim, tôi chỉ sanh sự với tôi.
Bắt người Mạ, tôi phải đánh nhau với họ.
Chỉ trong hai câu, ta đã thấy rằng Con được dùng với cả hai nghĩa: danh từ (có nghĩa là người) ở câu dưới, và loại từ ở câu trên.
(„bắt người Mạ” là bắt các tù binh trong những cuộc chiến tranh bộ lạc, tục đó nguyên vẹn nơi người MẠ của thế kỷ 20)
Nhưng chẳng những có Con Mạ, mà lại có Con Trời nữa:
Ring tua con trô, tua tiở
Cóp tua mi, tua any
Dịch nghĩa:
Trời đồng ý với đất (con tro = con Trời)
Anh với em đồng ý với nhau
Ta lại còn một danh từ Cái rắc rối nữa, tưởng cũng nên nói rõ ra, mặc dầu danh từ này không gây ngộ nhận bao nhiêu.
Khi người Tàu nói họ đi Cái xị, tức đi Thị, đi Chợ, thì Cái ở trong trường hợp nầy, hoàn toàn không liên hệ đến những Cái khác. Cái ở đây là danh từ Tàu mà ta đọc sai là Nhai và có nghĩa là Đường phố (Rue).
Thị của Tàu, không phải chỉ có nghĩa là chợ, mà còn có nghĩa là thành phố. Vậy đi Cái xị là đi Nhai thị, tức đi qua các phố của thành phố, y hệt như Việt Nam nói Đi phố. Đi Cái Xị của Tàu, không hề chỉ có nghĩa là Đi Cái Chợ đâu, mặc dầu khi nói như vậy, họ cũng có thể đi chợ, nhưng không phải luôn luôn đi chợ, miễn có đi qua các Cái, tức các Nhai là đủ rồi.
Hiện ở Chợ lớn, ngoài các bảng tên phố của nhà nước, người Tàu thường đặt một bảng nhỏ đề chữ Tàu, để đồng bào họ biết đâu là đâu. Đại khái có một ngõ hẻm mang tên là Ô-Y-Hạng, còn đường Lý Nam Đế nguyên vào thời Pháp thuộc tên là Rue de Canton, thì nay nó mang tên chánh thức của nhà nước là đường Lý Nam Đế, nhưng có bảng nhỏ chữ Tàu để là Quảng Đông Nhai, mà họ đọc là Quảng Tống Cái.
Danh từ Cái nầy ta không có dùng trong Việt ngữ, mà chỉ biến thành Nhai trong Hán Việt mà thôi, nhưng đôi khi cũng gây ngộ nhận vì nghe người Tàu nói rằng họ đi Cái Xị, ta ngỡ họ nhứt định phải đi Cái thị, tức Cái chợ.
Luôn tiện, chúng tôi cũng xin nói rõ về tĩnh từ Cái của Việt ngữ. Cái không hề có nghĩa là giống Cái, mà oái oăm thay, lại có nghĩa là giống đực.
Trong Mã Lai ngữ, tĩnh từ Laki, bị Chàm biến thành Licáy và Việt biến thành Cái, có nghĩa là đàn ông, là giống đực, là lãnh tụ. Ngón tay Cái không phải là ngón tay của cô nào hết, mà là ngón tay to nhứt. Đường Cái không phải là đường để cho người đẹp đi dạo mà là đường rộng rãi, thợ Cái là thợ „xếp” đấy.
Con dại cái mang, không phải là Mẹ chịu trách nhiệm, mà là cha lãnh đủ, và Bố Cái Đại Vương, không phải là ông Phùng Hưng và bà Phùng Hưng, mà chỉ có ông Phùng Hưng thôi.
Hiện người Mã Lai có thành ngữ Ibu LáKi.
Ibu = Bu= Mẹ
Láki = Thủ lãnh
Và thành ngữ đó có nghĩa Mẹ là nhà lãnh đạo.
Ở chỗ này, có hơi nhiêu khê cần phải nói thật rõ. Thành ngữ Ibu Láki của Nam Dương (Lạc bộ Mã) là thành ngữ đã sẵn có của họ vào thời mà họ còn theo mẫu hệ. Nay họ đã theo phụ hệ rồi thì đáng lý gì họ phải sửa lại thành Babu Láki vì:
Babu = Bố
Láki = Lãnh tụ
Nhưng họ lại không buồn sửa. Ta người Việt Nam, ta đã sửa Ibu Láki vào thời Phùng Hưng thành Babu Licáy, vì ta đã theo phụ hệ vào thời đó. Sau ta biến mãi thì Babu Licáy trở thành Bố Cái.
Nhưng Ibu hay Babu gì cũng không quan trọng. Điều chính yếu là Licáy = Cái = Lãnh tụ, và Cái của ta là Đàn ông, là Lãnh tụ chớ không là giống Cái.
Đại Cồ Việt, cũng thế. Cồ chỉ là Láki, là Cái mà thôi. Hiện trên Cao Nguyên đồng bào Thượng dùng tiếng Cái với các nghĩa sau đây: Cái đầu, Quan trọng, Thủ lãnh.
Còn Cái có nghĩa là giống Cái là do ngữ nguyên khác tạo ra, đã nói rõ ở đầu Chương.
Miền Nam có thành ngữ „Đàn bà lại cái” để trỏ người bán nam bán nữ. Đó là tiếng Mã Lai rõ ràng.
Lại = Lagi = Mà lại còn
Cái = Đàn ông
Đàn bà lại cái có nghĩa là đàn bà mà lại còn là đàn ông.
Lagi còn để dấu ở tỉnh Bình Tuy, ở đó có một làng tên Lagi. Có lẽ người Chàm hay người Việt đã nuốt mất tiếng chớ Lagi không, chẳng có nghĩa trong địa danh. Tỉnh Bình Tuy là đất Cực Nam của Chiêm Thành, thuở Chúa Nguyễn diệt Panduranga, nên ở đó còn lắm địa danh Chàm tức địa danh Mã Lai, vì người Chàm rõ ràng là Mã Lai, Lạc bộ Mã.
Ngôn ngữ có sức sống mãnh liệt. Cách đây vài mươi năm, người Việt miền Nam có sáng tác thành ngữ ”Đàn bà lại đực”. Cũng với cái nghĩa bán nam bán nữ, vì họ quên nghĩa cũ nên lấy thành ngữ „lại cái” vô nghĩa. Họ hiểu Cái là giống cái, còn Lại là trở thành. Đàn bà lại cái = Đàn bà trở thành giống cái, thì quá vô lý.
Thế nên họ mới sửa lại, để cho nó hữu lý ra. Nhưng toàn thể người Việt miền Nam đều nhứt định dùng thành ngữ có vẻ vô lý, không ai dùng thành ngữ mới cả, mặc dầu nó có vẻ hữu lý hơn.
Tại sao cái có vẻ hữu lý lại bị tẩy chay? Vì tiềm thức và tâm để của dân tộc còn mơ màng nhớ mang máng cái nghĩa cũ, tuy ngày nay có vẻ vô lý, như ngày xưa thì đúng.
Cái đúng đó đã bắt rễ thật sâu, thâm căn cố đế nơi tâm não họ, nên cái mới, có vẻ hữu lý bao nhiêu, họ cũng gạt bỏ ra ngoài.
Đáy lòng của họ còn giữ Lagi Licáy.
Có một cuộc tranh luận rất vui vẻ về nghĩa đúng của câu đầu của bài hát Bắt cái hồ khoan. Đây là dịp mà chúng tôi trình ra sự thật để dứt khoát cuộc tranh luận sôi nổi đó, bằng vào phương pháp truy nguyên các danh từ cổ mà chúng tôi tìm lại được tất cả. Những danh từ của Lạc biến mất tại Việt Nam có hai loại, một loại còn nằm đó, nhưng thiên hạ không còn ai biết nghĩa nữa. Một loại nằm ở các quốc gia Mã Lai khác, từ Đại Hàn đến Nam Ấn, đến Trung Mỹ.
Vụ nầy chúng tôi có ám chỉ trong quyển sử của chúng tôi, nhưng không dám nói dài dòng, vì quyển sử quá dài, nhà xuất bản hết tiền in, bắt phải thu ngắn lại còn 900 trang, thành thử phải nói tắt về quá nhiều việc.
Nguyên ông M. Durand có giải thích Bắt cái hồ khoan nhưng không ổn gì hết, chỉ cắt nghĩa được có tiếng Hồ mà ông dịch là „Ohé!” một loại tiếng để cùng gọi nhau làm việc, của Pháp.
Ông Ngô Quý Sơ (Hanoi 1943) giải thích rằng: „Trước khi kéo nhau đi thành hàng thì trẻ con bắt thăm bằng cách ai rút được cái rơm nào ngắn nhứt thì làm trưởng đoàn. Như vậy, trẻ con gọi là Bắt Cái. Rồi thành ra bắt cái hồ khoan”.
Ông Lê Khánh Vân giải thích rằng Bắt Cái = bắt cá.
Còn nhiều người tầm nguyên câu nầy, nhưng chúng tôi chỉ trích những ông có tìm được chút đỉnh sự thật, hoặc có nói cái gì độc đáo mà có sai, vẫn được trích.
Ông Tân Việt Điểu ở nguyệt san Văn Hóa số 56 (1960) thấy là chưa ổn nên cho rằng Bắt cái = Bát cạy, và đó là từ ngữ Chàm mà ta mượn ở miền Trung, và Bát là Cây chèo còn Cạy là bơi chèo.
Sự thật ra sao thì ta cần biết thật rõ. Đó là hai động từ Trung cổ, mà ta mượn của người Mường tại Hồng Hà, chớ không phải là mới vay mượn về sau nầy của Chàm, mà Bát và Cạy cũng không giản dị như ông Tân Việt Điểu đã giải thích, mà nghĩa của Bắt Cái cũng không phải do Bát Cạy mà ra.
Bằng chứng là ta mượn Bát Cạy của người Mường lộ rõ ra trong tự điển K.T.T.Đ, họ có định nghĩa, mà định nghĩa rất rành rẽ hơn Huỳnh Tịnh Của rất nhiều lại có đưa thí dụ là một câu thơ Việt miền Bắc: „Một con thuyền cạy bát bên giang”.
Bắc Việt vẫn có tiếp xúc với người Chàm, nhưng chúng tôi cho rằng bắc Việt không có mượn của người Chàm, vì họ có văn thơ dùng hai tiếng đó, họ lại định nghĩa đúng hơn Đàng Trong mà đại diện là Huỳnh Tịnh Của.
Nếu chỉ là vay mượn nơi người Chàm, tại Đàng Trong thì luôn luôn tự điển K.T.T.Đ có viết: „Theo Huỳnh Tịnh Của” hoặc: „Tiếng của Đàng Trong” hay là: „Tiếng của Nam Kỳ”. Về Bát Cạy thì tự điển đó, chẳng những không có ghi như thế, lại đưa thơ miền Bắc ra làm thí dụ, thì là miền Bắc cũng có Bát Cạy, và cạnh họ đã có người Mường để họ vay mượn, không cần phải mượn xa đến thế vì Mường và Chàm là một, hồi đời xưa.
Một lần nữa, chúng tôi thấy rằng cần phải nhắc rằng ở cả ba nơi đều có Lạc bộ Mã, vì có chứng tích. Ở Bắc Hà có tổ tiên của người Mường, chưa bị Trãi hóa (chúng tôi nói Trãi hóa mà không nói Việt hóa vì Mường hay Chàm, hay Phù Nam gì cũng đều là Việt cả). Ở miền Trung, có người Chàm. Ở miền Nam có người Phù Nam mà chúng tôi sẽ chứng minh rằng họ còn tồn tại hồi đầu thế kỷ 17, thuở dân ta di cư vào Nam.
Vậy danh từ nào, vay mượn của ai, và tại đâu, đều có thể biết được cả. Không phải hễ cứ là tiếng Chàm thì nhứt định phải vay mượn ở miền Trung vì bốn dân tộc sau đây, ăn nói y hệt nhau: Mường Trung Cổ, Chàm hiện kim, Phù Nam trung cổ và Nam Dương hiện kim (có chứng tích).
Ta đã biết rằng Mường, Chàm, Phù Nam, Nam Dương, đều là Mã Lai, thứ Mã Lai mà chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II, Tây gọi là Austronésien còn Tàu cổ thì gọi là Lạc bộ Mã. Vậy tất cả các dân tộc đó đều có Bát, Cạy, nhưng dưới hình thức khác và nghĩa hơi khác một tí.
Và khi một danh từ khá cổ của ta mà gốc Lạc bộ Mã thì là ta vay mượn của người Mường tại Hồng Hà, chớ không phải là của Chàm, sau đời nhà Lý. Và nên nhớ rằng người Mường thuở xưa sống lẫn lộn với ta chớ không có biệt lập như ngày nay, và họ cũng chưa bị quá nhiều ảnh hưởng của Lạc bộ Trãi là ta, như ngày nay, mà vẫn nói tiếng Mã Lai Nam Dương, y hệt như Chàm.
Nhũng danh từ mới vay mượn của Chàm sau đời nhà Lý đều vì những tiếng đó không có dấu vết Trung cổ.
CẠY là KUẮK và nó chỉ có nghĩa là tránh né nhau trên sông, trên biển, không cứ phải bên nào.
BÁT là PỐT có nghĩa là Kéo cây chèo khó khăn. Không có tiếng nào có nghĩa là BƠI CHÈO và CÂY CHÈO cả.
Ta, người Việt Nam, Mã Lai đợt I, tức Lạc bộ Trãi, ta đã biến nghĩa, nhưng biến rất tài tình, không biến liều lĩnh mà dựa theo những ý nghĩ sâu kín của lòng dân tộc của ta là dân Mã Lai, mặc dầu ta chỉ là Mã Lai đợt I, bộ Trãi, nhưng hai thứ Mã Lai, đều đồng dân tộc tính với nhau, đồng tâm hồn với nhau.
Chúng tôi nói PỐT của Lạc bộ Mã là kéo cây chèo khó khăn. Tại sao lại khó khăn? Ta nên nhớ rằng cổ sử Trung Hoa tả dân Việt lấy bên Trái làm bên thuận. Vậy khi trạo phu phải lái từ tả qua hữu, tức đi nghịch với thói quen của họ là họ nghe khó khăn lắm.
Thế nên dân Việt mới cho PỐT cái nghĩa là lái từ tả sang hữu (trên sông) hơi khác với nghĩa thật, nhưng vẫn hữu lý, vì chính nghĩa thật cũng chỉ là một cách nói bóng bẩy rằng là lái từ tả sang hữu.
Tự điển K.T.T.Đ đã định nghĩa đúng rằng BÁT là lái từ tả qua hữu, còn Huỳnh Tịnh Của thì nói là cả hai tiếng đều có nghĩa là từ tả qua hữu, hoặc ngược lại, tức sai hơn miền Bắc tức sự vay mượn không xảy xa ở Đàng Trong mà ở Đàng Ngoài, vay của người Mường, tức thuộc vào thời Trung cổ của Việt sử, 500 T.K vậy, chớ không phải từ thời nhà Lý mà ta đánh Chàm đâu.
Còn CẠY? Chúng tôi đã giải thích rằng KUẮK chỉ có nghĩa là tránh né nhau trên mặt sông. Nhưng dân ta đã trót cho PỐT cái nghĩa là tránh từ tả sang hữu, thì tổ tiên ta phải gán cho Kuắk cái nghĩa là từ hữu sang tả, như thế mới có chủ động từ chính xác để dùng trong việc hành thuyền.
Đó là căn cội và nghĩa thật đúng của CẠY và BÁT.
Nhưng nó không liên hệ gì tới BẮT CÁI hết.
Ông Durand đã vô tình đúng, khi dịch HỒ ra OHÉ, vô tình vì ông không biết lấy một tiếng Mã Lai nào cả. Còn ông Ngô Quý Sơn thì tri tình đấy, nhưng chỉ đúng phần nào thôi, vì ông không biết ngữ nguyên của BẮT CÁI. Ông đúng vì hiện nay dân ta vẫn còn nói BẮT CÁI để diễn tả cái ý bắt thăm để làm cái, trong những cuộc đỏ đen.
Ngày nay, ở Nam Kỳ, người mình, trong giới cờ bạc, cũng thường nói „LÀM CÁI” và „BẮT CÁI”. Làm cái là gì thì ai cũng biết cả rồi. Còn bắt cái được dùng trong trò đánh cắc tê mỗi người lật một lá bài, hễ ai lớn nút thì được làm cái, tức vẫn cứ bắt thăm để làm Licáy.
Ông Tân Việt Điểu giải thích về BẮT CÁI khác với chúng tôi vì ông nghĩ rằng Bắt Cái do bài hát HẢI HỒ KHOAN của Đào Duy Từ mà ra. Đó là bài hát mà họ Đào làm ra cho thủy thủ hát, và trẻ con bỏ mất HẢI, chỉ còn chữ Hồ Khoan.
Theo ông, hễ chèo thuyền là có nói BÁT CẠY, và thủy thủ vừa hô Bát Cạy, và thủy thủ vừa hô Bát Cạy vừa hát Hải Hồ Khoan, trẻ con bắt chước, nhưng bỏ sót tiếng Hải.
Trẻ con bỏ sót một tiếng thì cũng có thể có được nhưng xem ra khó có thể lắm, vì BÁT CẠY là tiếng chuyên môn mà trẻ con cứ nhớ được thì HẢI không là tiếng khó, sao chúng lại quên?
Nhưng suy luận của chúng tôi chưa bác nổi kiến giải của ông Tân Việt Điểu đâu, vì đó chỉ là suy luận, thường thiên lệch, chớ không phải chứng tích vững. Chứng tích vững là đây:
Theo chỗ chúng tôi nhớ, thì bài hát ấy không có tên là HẢI HỒ KHOAN, mà là Quan hải hồ khoan. Vì thế mà nhà xuất bản của Đào Duy Anh ở Huế mới lấy tên là nhà xuất bản Quan Hải.
Quan = Nhìn
Hải = Biển
Đó là hai tiếng có nghĩa. Dưới đây là ba tiếng vô nghĩa:
Hải = Biển
Hồ = Hồ
Khoan = Rộng
Hải hồ khoan vô nghĩa vì nó sai văn phạm chữ nho. Văn phạm đó phải là Khoan hồ hải, và chuyển sang tiếng Việt là Biển hồ rộng. Cái tên mà ông Tân Việt Điểu đưa ra, nếu chuyển sang tiếng Việt thì là Rộng biển hồ, tức sai văn phạm.
Chúng tôi không tin rằng một bực danh nho như Đào Duy Từ lại lầm về văn phạm Tàu, khi ông đặt tên bài hát của ông là Hải hồ khoan.
Nhưng vấn đề, không phải là thảo luận về văn phạm Tàu, vì nó chẳng liên quan gì tới bài này hết, nhưng cần nói ra sự thật, vì sự thật đó, cho biết một sự thật lớn hơn, có liên hệ đến vấn đề.
Nếu Đào Duy Từ không sai văn phạm Tàu thì bài hát không thể nào là Hải hồ khoan được, mà phải là Quan hải hồ khoan, và Hồ khoan nhứt định KHÔNG PHẢI là chữ nho, bởi chữ nho phải là Khoan Hồ.
Không phải là chữ nho thì là tiếng Việt chớ không còn tiếng nào khác mà nằm ở đó được, hay đúng ra là tiếng Lạc, nhưng Lạc bộ Mã chớ không phải Lạc bộ Trãi.
Đào Duy Từ là nhà nho không cách mạng, ít lắm cũng về văn chương, văn phạm. Vậy khi ông ghép chữ Nho Quan hải vào với chữ Nôm Hồ khoan thì đích thị là Hồ khoan là một tên riêng (Nom propre), tên của một bài hát cổ hơn, vì là tên riêng nên ông không có dịch ra chữ Nho, phải để nguyên như vậy để ghép vào chữ Nho.
Thí dụ muốn viết: Tôi đọc truyện Les Misérables thì một nhà nho cẩn thận phải viết: Ngô độc Les misérables chớ không thể viết Ngô độc Bần cùng nhân truyện, vì không dịch, người đọc sẽ biết ngay sách ám chỉ là sách nào, còn dịch thì quá nguy, bởi Nhựt Bổn cũng có một tác phẩm Bần cùng truyện, mà KHÔNG LÀ bản dịch Les misérables của V. Hugo.
Ấy, Đào Duy Từ ghép chữ Nho và chữ Nôm chính vì ông là nhà nho thông minh, nhất định không dịch tên riêng sợ người đọc không hiểu ông định ám chỉ đến cái gì. Ông không dịch thì người ta biết ngay rằng:
Quan hải = Nhìn biển
Hồ khoan = để ca bài Hồ khoan của dân tộc .
Thế thì ngay trong tên của bài hát của họ Đào, nhà nho ấy đã tiết lộ rằng có một bài hát cổ hơn mà ông đã ám chỉ đến trong cái tên của bài hát của ông. Bài hát cổ hơn là bài Bắt cái hồ khoan. Vậy Bắt cái hồ khoan không phải xuất hiện do bài hát của Đào Duy Từ, như ông Tân Việt Điểu đã viết, mà ngược lại bài hát của Đào Duy Từ bắt nguồn từ bài Bắt cái hồ khoan.
Nhưng tại sao họ Đào lại không đặt tên bài hát của ông là Quan hải bắt cái hồ khoan, mà lại bỏ bớt hai tiếng Bắt Cái? Vì ông quên nghĩa BẮT CÁI, nhưng còn nhớ nghĩa của HỒ KHOAN.
Ai biết được HỒ KHOAN là gì thì hiểu được bài hát cổ và hiểu được thâm ý của Đào Duy Từ, và biết được thêm rất nhiều truyện bí mật của thời Trung cổ nước ta, tức những gì xảy ra 500 năm trước Tây lịch mà bọn Lạc bộ Mã đến ở trọ với vua Hùng Vương.
Quyển sử của chúng tôi bị xén hết 1000 trang, tức xén tất cả những gì mà Chương ngôn ngữ tỉ hiệu đã cho biết về đời sống tinh thần, đã cho ta biết cái mà giáo sư Trần Ngọc Ninh chê là tiền sử học dở, không cho biết được. Quả tiền sử học không biết nhiều chi tiết, nhưng cổ ngữ học thì vạch rõ từng ly từng tí mọi việc nhỏ nhặt nhứt.
Ông Durand đã tình cờ đúng, khi ông dịch Hồ = Ohé. Chúng tôi nói ông vô tình vì ông không biết tiếng Mã Lai.
Mã Lai Lạc bộ Mã, tổ tiên của người Mường, tại Bắc Việt có hai tiếng là AIHO và HAI, đồng nghĩa với nhau, và Chàm biến thành HỜI, HỚI, và ta biến thành HÈ, HỠI, HÔ, HỐ, ƠI và ƠI ỚI. Đó là tiếng dùng để gọi nhau.
Hồ là do ahô, còn khoan là do kuang. Bắt cái hồ khoan là :
PƠR LICÁY AHÔ KUANG!
Pơr = bắt
Licáy =Cái = lãnh tụ, thủ lãnh (Bố Cái Đại Vương)
Ahô =Ới, hè!
Kuang =Thủ lãnh, tù trưởng, chủ soái
Câu đó dịch thoát là: „Thủ lãnh ơi ta nỗ lực để bắt tướng thủy quân (của địch) hè!”
KUANG to hơn LICÁY nên ta gọi thủ lãnh của ta là Kuang còn gọi thủ lãnh địch là Licáy.
Chúng tôi đã chứng minh trong quyển sử rằng vào thời Đào Duy Từ ta còn biết tiếng của Lạc bộ Mã, chưa biến dạng. Bằng chứng là tên xưa của cửa là được Ngô Thì Sĩ phiên âm là Cô la, tức phiên âm địa danh Kưala của Lạc bộ Mã. Các sử gia xưa ta luôn luôn dịch, khi nào họ dịch được. Nếu là Cửa Lò thì họ Ngô đã gọi là Lô Môn hoặc Lô Khẩu, nhưng họ Ngô lại phiên âm tức nơi đó, vào thế kỷ 17, còn mang tên là kưala y hệt như vào thời Gia Long mà cửa Thuận An cứ còn được gọi là Eo, một danh từ của Lạc bộ Mã.
Tên của bài hát cổ gồm 4 tiếng, nhưng chỉ có 2 tiếng là danh từ chung của hai chi Lạc, đó là LICÁY và AHÔ, còn Pơr tuy hơi giống bắt, nhưng không phải là ngữ nguyên của bắt. Kuang thì không bao giờ thành Việt ngữ về sau hết, vì bị lẫn lộn với Quan.
Chủng Mã Lai vô địch về thủy vận, nhưng Lạc bộ Mã nổi danh hơn Lạc bộ Trãi, và có lẽ đó là bài hát của bọn Lạc bộ Mã xin quyền sống chung với vua Hùng Vương, phục vụ nhà vua trong thủy quân của nhà nước Văn Lang.
Xin nói rõ về AHÔ. Lạc bộ Mã có hai tiếng dùng để kêu gọi là AHÔ! Và HAI!
Chàm biến thành HỜI và HỚI. ĐỒNG HỚI là cánh đồng của người Chàm. Còn ta thì biến rất nhiều. Chỉ có hai tiếng đó mà nó đẻ ra HỞI, ƠI, ỜI ỜI, ÔI Ớ, Ê (Coi chừng: ÔHÔ là tiếng Tàu, còn Ô HAY là tiếng của Lạc bộ Chuy tức Miến Điện, Tây Tạng, Cao Miên).
Đã bảo Chàm biến Hai thành HỚI và HỜI, nhưng sao ta lại dùng Hời và Hới của họ để chỉ họ, hai tiếng đó, đâu phải là tiếng của ta? Một nhà trí thức Chàm rỉ tai cho tôi biết rằng không nên gọi họ là HỜI, là Hới, họ sẽ tức giận ghê lắm, vì đó là tiếng mà ta gọi kẻ không trọng.
Nguyên khi xưa, tại biên giới, họ không thấy ta họ cứ gọi mãi: „Hời, Hới” hoặc „ Hời! Hời”. Ta chẳng hiểu gì hết, bèn dùng hai tiếng đó để trỏ họ, một cách châm biếm, ý muốn nói rằng đó là dân ưa nói „ Hới, Hời”