Khi Lạc bộ Trãi di cư đến V.N. thì họ chưa biết nông nghiệp, theo tiền sử học.

Nhưng theo nhơn chứng là Lạc bộ Mã (nhóm Mường) di cư đến sau bọn Trãi 2500 năm thì nhơn chứng đó đã thấy Trãi có vua chúa, tức đã giỏi nông nghiệp, và bọn đó đành thần phục bọn vua chúa ấy (Hùng Vương). Tiền sử học cho biết rằng Lạc bộ Mã đã biết nông nghiệp hồi còn ở bên Tàu, mà vua Hùng Vương không mất nước thì hẳn vua Hùng Vương phải đã tiến lên giỏi hơn bọn đến sau (vào năm 500 T.K)

Thế thì bọn Trãi đã tự lực tiến lên nông nghiệp tại Việt Nam, và dĩ nhiên là họ sáng tác danh từ. Tuy nhiên, không phải là họ sáng tác tất cả mọi danh từ, mà họ có học với thổ dân. Thổ dân văn minh nhứt ở Đ. N. A. thuở ấy, là chủng Mê-la-nê. Nhưng chủng đó, mãi cho đến ngày nay vẫn chưa tiến lên nông nghiệp.

Nhưng không vì thế mà họ không có danh từ để dạy ta học, vì vẫn có chuối rừng, bí rừng, bầu rừng.

Vậy làm thế nào để biết danh từ nào ta học của họ, danh từ mà ta sáng tác. Tưởng có thể biết được không tới 100%, nhưng vẫn biết được hơn 70%, bằng cách dựa vào sự kiện nầy là chủng Mê-la-nê rời rạc chớ không có thống nhứt. Chủng Mã Lai giỏi hơn, mà mãi cho đến ngày nay, ta vẫn nói khác hơn Sơ Đăng thì cách đây 5000 năm Mê-la-nê rất bời rời về ngôn ngữ. Thế thì những danh từ nào mà người Mạ ở Lâm Đồng lại nói giống Bắc Việt, thì chắc chắn đó là chủng tộc cùng nhau sáng tác.

Đừng nói chi là các món mới mà ngay cả thiên nhiên cũng bị gọi khác thì hẳn phải có ảnh hưởng của Mê-la-nê. Thí dụ chúng tôi thấy rằng về núi non, có ba hệ danh từ, cả ba đều là của Mã Lai:

PHU NÔNG { Đẻ ra đa số danh từ }

GU NÔNG

NÚI, chỉ có Việt Nam với Sơ Đăng là có

NGÀN, chỉ có Việt Nam với Sơ Đăng là có

Nhưng người Chàm Ninh Thuận thì lại chỉ núi bằng danh từ CHỚK mà không tìm thấy cả ở vùng Đa Đảo nữa, thì hẳn đó là danh từ của Mê-la-nê ĐỊA PHƯƠNG, vì Đa Đảo xưa cũng do Mê-la-nê làm chủ mà họ không có thì tiếng Chớk phải là danh từ riêng của Mê-la-nê miền Trung Việt.

Ta thử tìm xem trong các thứ thổ sản, ta đã sáng tác thứ gì. Về tên loài cá nhiệt đới là 4 loại lóc, trê, rô, sặc, xem ra giống nhau cả, tức cùng nhau sáng tác tại chỗ, tuy mỗi nhóm mỗi học khác nhau chút ít nhưng thấy là biết rằng cùng nhau sáng tác, bởi nếu học của Mê-la-nê, thì Mạ không thể nói giống Bắc Việt được vì Mê-la-nê ở hai nơi đó nói khác nhau.

Về rau đậu, chúng tôi nhận thấy điều nầy lạ lắm là nhóm đầu dọc là nhóm Sơ Đăng gọi Bầu, Bí, Dưa gì cũng bằng danh từ PẤU hết.

Có lẽ đó là sáng tác đầu tiên của nhóm Trãi. Các nhóm khác, có địa bàn tương đối tốt hơn, nên tương đối văn minh hơn, mới có phân biệt về sau.

Họ phân biệt bằng cách nào? Dưa thì không nấu, ăn vẫn được, còn bầu bí, phải nấu.

Vậy PẤU có thể đẻ ra BẦU và BÍ và các danh từ của các nhóm khác như Bol, Buôn, v.v. nhưng ta chỉ nói đến ta ở đây mà thôi.

Chữ BÀO và cả chữ HỒ LÔ của Tàu, xem ra là chữ phiên âm, chớ không phải tiếng nguyên thủy, vậy không có vấn đề vua Hùng Vương chưa biết Bầu, đợi Mã Viện tới, ta mới học Bào của Tàu. Xem ra thì cái gì Tàu cũng học của ta cả. Thí dụ ta và Thượng Việt gọi MÍT là TRÁI MÍT và hồi xưa, ta gọi là B’LÁI MÍT mà Tàu thì là BA LA MẬT. Thế thì BA LA MẬT là phiên âm B’ LÁI MÍT chắc một trăm phần trăm. CHUỐI cũng thế, DỪA cũng vậy v.v.

Nhưng PẤU không thể đẻ ra DƯA. Một sự lạ hiện ra nữa, là người Sơ Đăng gọi tất cả là PẤU chỉ trừ bí đỏ (bí ngô) thì họ gọi là TUA là TƯA. Có lẽ rồi chủng tộc chỉ lấy TUA, TƯA để gán cho DƯA, thuộc loại khác.

Về việc sáng tác danh từ, xem ra thì các dân tộc không cần nhọc xác cho lắm, cứ gán ghép bậy bạ cho có mà thôi. Thí dụ trong tiếng Anh thì họ chỉ thêm danh từ NƯỚC và trái MELON, là nó hóa ra DƯA HẤU, mặc dầu hai thứ đó khác nhau một trời một vực. Trái Melon, bề ngoài mường tượng như bí ngô, thịt lại giống đu đủ, chẳng dính líu gì đến dưa hấu hết.

Sẽ có bạn cho rằng chúng tôi chỉ suy luận để đoán mò. Nhưng thật ra đã có người làm như thế, đó là Ăng lê đã biến Melon thành Dưa hấu bằng cách thêm tiếng NƯỚC vào.

Báo 'Tiếng dân' ra đời năm 1927 qua ký ức người đương thời - Xuất bản

Vậy PẤU của Sơ Đăng biến thành BẦU và BÍ của ta.

TUA, TƯA của Sơ Đăng biến thành DƯA của ta.

Có DƯA rồi thì lại phải sáng tác nữa vì nó lu bù thứ dưa. Nhưng ông tổ Sơ Đăng đã gọi DƯA HẤU là PẤU thì ta cũng cứ gọi trái đó là TƯA PẤU cho xong, rồi thì TƯA PẤU biến hóa thành DƯA HẤU.

Thuở bé chúng tôi đọc tiểu thuyết Quả dưa đỏ, và không nhớ tác giả hay ông thầy của chúng tôi giải thích rằng Dưa Hấu, do DƯA HẢO tức DƯA NGON của Tàu mà ra. Nhưng giờ xét lại thì không thể có. Câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Vương mà dân ở Quảng Đông chưa bị nhà Tần đánh chiếm, thì ta làm thế nào để biết tĩnh từ HẢO của Tàu. Mà Tàu gọi Dưa Hấu là Dưa Tây chớ không bao giờ gọi là Dưa Hảo.

Vậy DƯA HẤU do TƯA PẤU đẻ ra thì hữu lý hơn, mặc dầu theo ngôn ngữ Sơ Đăng thì TƯA PẤU có nghĩa là BÍ NGÔ DƯA, còn theo Việt ngữ cổ thì DƯA HẤU có nghĩa là DƯA DƯA, tức hơi kỳ kỳ, nhưng có kỳ thế nào cũng chỉ kỳ như Melon + Nước = Dưa hấu của Ăng lê là cùng.

Vấn đề Bầu, Bí, Dưa đã được giải quyết. Nhưng PẤU không thể đẻ ra được Mướp. Nhưng bọn Lạc bộ Mã đến sau, gọi Mướp là TI MUN, TA MƯN, TI MĂN, tất cả đều có thể đẻ ra MƯỚP được hết.

Đó là sáng tác thuở ban đầu từ 5000 đến 2500 năm nay.

Sáng tác về sau thì lại khác nữa, vì lại có nhiều thứ bí. Bí đỏ, bị gọi là bí ngô khiến có nhiều người tưởng rằng là ở bên Ngô (bên Tàu) đưa sang. Nhưng Nhựt Bổn, Nam Dương và Ấn Độ đều gọi bí ngô là trái dưa Kocbuja, tức gốc nó ở Cao Miên, và bên Tàu không có Bí Ngô vào thời đó. Bí ngô thật đã làm cho ta bí.

Nhưng BÍ gọn lỏn, mà miền Nam và miền Trung gọi là BÍ ĐAO, thì rất dễ biết do đâu mà ra. Tự điển K.T.T.Đ định nghĩa rằng vì loại bí đó dài và quăn như lưỡi đao nên bị gọi là bí đao. Thật sự thì BÍ không bao giờ quăn cả. Hơn thế ta đã phải có danh từ trước khi ta bị Tàu chinh phục để ta học tiếng ĐAO với họ. Bí đao chỉ là tiếng Chàm. Họ gọi nó là Dak và DAK không hề có nghĩa là ĐAO. Đó là danh từ nguyên thủy của họ để chỉ TRÁI BÍ, không có nghĩa nào khác hết. Họ gọi nó là BO DAK nghĩa là TRÁI DAK chớ họ không có danh từ BÍ.

Nhưng CHUỐI thì chắc chắn là ta học của chủng Mê-la-nê, vì các nhóm đều gọi khác hết.

Việt Nam:      Chuối

Chàm:       Patay

Thái:          Kluay

Mạ:            Prit

Không thể nối kết Kluay và Patay được vì không có cái khoen nối kết nào cả. Cũng không thể nối kết CHUỐI và KHUAY vì không có khoen nối kết.

Cây MÍA cũng bê bối lắm:

Sơ Đăng:       Kôtếo

Mạ:                Chao

Nam Dương:            Tơbu

Việt Nam:     Mía

Cao Miên:     Ompâu

Ta hiểu được sự kiện nầy dễ dàng. Chủng Mê-la-nê không biết nấu nướng nên không ăn bí, ăn bầu, ăn mướp gì hết, không có đặt tên, thành ra ta phải sáng tác, nên các nhóm đều giống nhau, còn chuối rừng, mía hoang thì ăn được nên họ có đặt tên, ta học với họ, hóa ra mỗi nhóm mỗi nói khác.

Trái DỪA cũng ở trong trường hợp đó. Tuy nhiên Việt Nam, Sơ Đăng và Mạ vẫn nói khá giống nhau, tức Trãi cùng sáng tác với Trãi, Chuy cùng sáng tác với Chuy, Mã cùng sáng tác với Mã, chớ không học của Mê-la-nê, mặc dầu Mê-la-nê có danh từ Dừa.

Ta và các nhóm khác còn học của Mê-la-nê nhiều thứ nữa chớ không phải chỉ có hai danh từ ấy. Nhưng Chương nầy không là tự vựng Mê-la-nê ngữ ở Việt Nam.

Riêng danh từ DỪA thì Chàm, Giarai và Rađê nói theo Nam Dương, nhưng có biến dạng, Cao Miên nói theo Dravidien Nam Ấn, còn Việt Nam, có lẽ chỉ biến DƯA thành DỪA, bởi đã bảo loài người sáng tác danh từ rất là lấy lệ, hai thứ đó khác nhau, nhưng họ mặc kệ.

Cũng nên biết rằng DƯA của ta lại cũng có nghĩa là LÉGUME. Bất kỳ thực vật nào ngâm nước muối cũng được gọi là Dưa hết, mà cơm của trái dừa thì đôi khi cũng được ăn như ăn Légume.

Ta cứ ngỡ Măng cụt là tiếng Mã Lai, nhưng không. Đó là tiếng Cao Miên và chắc đất đai Phù Nam xưa là nơi sản xuất loại trái đó nên ta và Thái Lan đều gọi theo Cao Miên, cả Chàm và vài nơi cũng gọi theo Cao Miên, và Măng cụt có lẽ là sáng tác riêng của Phù Nam, khi mà chỉ một mình họ có loại trái đó, thuở ban đầu ở Đ.N.A lục địa.

Mã Lai có danh từ Mang kok, nhưng nó chỉ vật dụng chớ không phải trái cây, còn măng cụt thì họ gọi khác.

Trầu thì toàn thể Đ.N.A LỤC ĐỊA và Nam Dương đều gọi như nhau, có lẽ là sáng tác tại chỗ và tập thể của Lạc bộ Trãi, Lạc bộ Mã tới sau, học với Lạc bộ Trãi.

Ta không biết Bí ngô tại sao lại bị gọi là bí ngô, nhưng ta biết Bắp tại sao được gọi là Lúa ngô. Người Chàm gọi Bắp là NGƠI, T’NGƠI. Ta bắt chước Chàm chớ xưa kia, Bắc Việt vẫn gọi là Bắp y hệt như Thái (POT) và Cao Miên (POT).

Phụ chú

CHUỐI, ta nói là CHUỐI, còn Quan Thoại thì nói là CHÉO thế thì ai học của ai?

I) Chuối không thể mọc ở xứ lạnh được.

II) Ngô Sĩ Liên, dựa vào sử Tàu, chép rằng Sĩ Nhiếp, dưới thời Tam Quốc, thường biếu xén chúa Ngô nên rất được tin dùng. Trong các của lạ Giao Chỉ, có CHUỐI và DỪA.

Vậy ai ham làm học trò của Tàu, cứ tin rằng ta biến CHÉO thành CHUỐI.

Một số nhà bác học Mỹ tin rằng Đ.N.A đã biết nông nghiệp 15.000 năm rồi, khiến trí thức V.N đã theo dõi nghiên cứu của họ, có ngộ nhận phần nào. Nên nhớ rằng các nhà tiền sử học không phải là sử gia. Họ chỉ tìm biết loài người ở một nơi nào đó, vào một thời nào đó, mà không cần biết con người ấy là ai.

Vậy nếu quả Đ.N.A đã biết nông nghiệp từ 15.000 năm thì đó là nông nghiệp của chủ đất trước khi chủng Mã Lai đến, tức của chủng Mê-la-nê, chớ không phải là tổ tiên ta đã có mặt ở đây từ 15.000 năm.

Tuy nhiên họ cũng chỉ có chứng tích cổ nhứt là 5.000 năm, phù hợp với thời điểm định cư của Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Chuy ở Đông Nam Á. Thời điểm 15.000 năm chỉ là thời điểm ước đoán mà không có chứng tích.

Sự kiện chủng Mê-la-nê dạy Hoa tộc nông nghiệp cũng chỉ là sự ước đoán mà không có chứng tích nào hết, ngược lại còn có chứng tích „phản đề”, vì Hoa tộc trồng lúa mì hồi thượng cổ, tuyệt đối không biết lúa gạo, còn Đông Nam Á thì trồng lúa gạo, tuyệt đối không biết lúa mì.

Cách thức thuần hóa hai loại mễ cốc ấy khác hẳn nhau, dân trồng lúa gạo không thể dạy dân trồng lúa mì được và ngược lại.

Tóm lại, chưa có đủ chứng tích thật chính xác về văn minh của kẻ đi trước chủng Mã Lai, và cái gì cũng được giao lại ở thời điểm 5.000 năm là thời điểm định cư của hai thứ dân: Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Chuy.

Tuy nhiên, trước Mỹ, Pháp cũng đã biết rằng Mê-la-nê ở Miến Điện, Đông Ấn Độ văn minh cao bằng bọn đến sau, nhưng ở V.N thì không. Mê-la-nê ở V.N kém hơn Mê-la-nê ở các nơi khác. Họ còn tồn tại giữa ta. Đó là phụ nữ Mường KHÔNG NHUỘM RĂNG ĐEN NHƯ ĐÀN ÔNG MƯỜNG, và thấp bé hơn đàn ông Mường. Họ giỏi giang y như phụ nữ ta, nhưng đồng bào của họ trên Trường Sơn thì không biết trồng trọt. Đó là bằng chứng họ đã học với Lạc bộ Trãi chớ không phải đã văn minh rồi khi Lạc bộ Trãi đến nơi

Bình Nguyên Lộc