Trường thi Hương Nam Định hay trường thi Sơn Nam, là một trong 9 trường của cả nước, có từ thời Lê. Trường thi Sơn Nam vốn trước kia đặt tại thôn Hiến Nam, xã Hoa Dương, huyện Kim Động, cạnh phố Hiến nên có tên là trường Hiến Nam. Năm Gia Long thứ 18 (1819), trường Sơn Nam dời về xã Vị Hoàng, sau lại chuyển về xã Năng Tĩnh, huyện Mỹ Lộc, trấn Sơn Nam Hạ.

Năm 1824, sau khi vua Minh Mệnh đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định, trường thi Sơn Nam cũng được đổi tên thành trường thi Nam Định. Tên gọi trường thi Nam Định chính thức được sử dựng từ kỳ thi Hương năm 1825. Năm 1831, triều Nguyễn phân chia lại khu vực hành chính thành cấp tỉnh. Theo đó, ở khu vực phía Bắc có hai trường thi là trường Hà Nội và trường Nam Định.

Từ năm 1894 đến năm 1915, do chính quyền Pháp bãi bỏ trường thi Hương ở Hà Nội, nên trường thi Hà Nội và Nam Định ghép thi chung gọi là trường thi Hà Nam và tổ chức tại Nam Định[1].

Trường thi Hà Nam, Khoa thi Hương năm 1897/Sưu tầm

Thư của quyền Kinh lược Bắc Kỳ gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày mồng 09 tháng 9 năm Thành Thái 1 (tức ngày 06/10/1886) về việc tổ chức kì thi Hương ở Nam Định/ TTLTQGI

Trường thi Hương Nam Định trước kia không được xây dựng cố định, chỉ đến gần ngày thi, quan sở tại mới dựng tạm nhà lá, rào kín xung quanh, trên một bãi đất trống hay trên cánh đồng đã thu hoạch, sau khi thi xong thì dỡ bỏ.

Ngày 19 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Nam Định dâng trình bản tấu sách chi tiền gạo để xây dựng trường thi, với tồng số tiền hơn 2.240 quan và 261 phương gạo: “Bộ Hộ tâu: Sách của Nam Định trình xin quyết toán việc chi tiền gạo xây dựng trường thi. Bộ thần đã tư cho bộ Công và sức cho thuộc viên kê cứu thấy các loại nhân công vật liệu cần dùng cùng số mục đều được phù hợp. Cung nghĩ phụng chỉ: Số tiền hơn 2.240 quan, gạo 261 phương trong sách đã chi đều chuẩn cho quyết toán”[2].

Bản tấu sách của Nam Định chi tiền gạo, xây dựng trường thi Nam Định

Trường thi Hương Nam Định được xây dựng quy mô ở xã Năng Tĩnh, tổng Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc. Trường có chu vi 214 trượng, tường cao 5 thước, cả trong và ngoài có 21 tòa nhà lợp ngói. Trường chia làm 3 khu vực: nội trường (khu trong cùng), ngoại trường (khu giữa) và bên ngoài cùng là khu vực thí sinh làm bài thi. Nội trường là nơi làm việc dành cho các quan Sơ khảo, Phúc khảo, Giám sát trường thi. Ngoại trường là nơi làm việc của các quan Chánh chủ khảo, Phó chủ khảo, Chánh phân khảo, Phó phân khảo, Chánh, Phó Đề điệu. Khu vực thí sinh làm bài thi được phân chia bằng con đường chữ thập, chia khu này thành 4 vi (Giáp, Ất, Tả, Hữu), 8 cửa, tại mỗi cửa đều treo danh sách thí sinh dự thi.

Sơ đồ Trường thi Hương Nam Định/BTNĐ

Ban đầu, triều Nguyễn quy định các kỳ thi Hương cứ 6 năm tổ chức một lần (năm Mão, năm Dậu), sau đổi thành 3 năm một lần (Tý, Ngọ, Mão, Dậu)[3]. Sau năm 1915 theo thỏa thuận giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn, các khoa thi Hương truyền thống ở Bắc Kỳ bị bãi bỏ, trường thi Hương Nam Định không còn tồn tại[4].

Thư số 260 ngày 29/01/1916 của Chánh Sở Học chính Bắc Kỳ gửi hiệu trưởng các trường học ở Nam Định về việc bỏ thi hương ở Nam Định/TTLTQGI

Kỳ thi Hương tại trường thi Nam Định năm 1915 chấm dứt, đồng nghĩa với việc kết thúc chế độ giáo dục Nho học truyền thống ở miền Bắc nước ta.

Quang cảnh kỳ thi Hương cuối cùng tại Trường thi Hương Nam Định năm 1915/BTNĐ


[1] TTLTQGI/RND/5432;

[2] TTLTQGI/CBTN/Thiệu Trị/Tập 13, tập 360;

[3] TTLTQGI/HCBK/642;

[4] TTLTQGI/RND/5431

Hải Yến - Nguyễn Hằng