Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 (?) , trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở làng Tân Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là người được nhiều nhà phê bình đánh giá là đa tài trong các lĩnh vực văn học và thi ca.

Trong các tác phẩm của mình, ông ký nhiều bút danh như Tân Phong, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền, Tâm Trí… Từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Vỹ đã xuất hiện trên văn đàn, tham gia viết trên tạp chí Văn học, Tiểu thuyết thứ năm, Hà Nội báo, Phụ nữ… ở Hà Nội. Ông cũng là một cây bút chính luận trên các tờ báo thời bấy giờ như Le Sygne, L’ami du peuple, La patrie Annamite

Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, Nguyễn Vỹ đã thể hiện tư tưởng chống Pháp và chống phát xít Nhật trong nhiều bài báo của mình. Chính vì thế, năm 1937, ông bị nhà cầm quyền bắt giam 6 tháng tù ở Hà Nội vì một bài báo chống Pháp. Năm 1940, ông lại bị Nhật Bản bắt cầm tù ở Phú Yên. Năm 1945 mới được thả tự do. Từ sau năm 1946, ông sinh sống ở Sài Gòn.

Trong các thập niên 1950 đến 1970, Nguyễn Vỹ đã sáng lập và điều hành nhiều tờ báo như Dân ta, Bông lúa, Bán nguyệt san Phổ thông, Tuần báo Thiếu nhi Thằng Bờm.Trong  đó, đáng kể nhất là tờ Phổ thông xuất bản năm 1958. Đây là tờ tạp chí có nhiều chuyên mục về đủ các thể loại như văn chương, văn hóa, lịch sử, khoa học…Đặc biệt, trong đó có đăng nhiều kỳ câu chuyện thu hút đông đảo người đọc bấy giờ; đó là chuyện nhiều kỳ “Tuấn, chàng trai nước Việt” mà tác giả chính là Nguyễn Vỹ; chủ bút của tờ tạp chí này.

Hình minh họa trong tác phẩm là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, mặc chiếc áo dài cổ truyền, đầu đội mũ cối rộng vành đã trở thành thân thuộc với đông đảo độc giả. Theo Nguyễn Vỹ, tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt” không phải là tiểu thuyết, không phải là hồi ký, cũng không phải là tự truyện. Ông đã viết về những con người, những sự kiện chân thật với tư cách là nhân chứng khách quan của thời đại. Chính vì vậy, ông gọi tác phẩm của mình là “chứng tích thời đại“. Nguyễn Vỹ viết về xã hội Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945; viết về chân dung cuộc sống của một thế hệ cùng thời với ông, mà ông đã gọi là “thế hệ Tuấn – chàng trai nước Việt”. Tác giả đã ghi chép một cách sáng tạo các sự kiện; đúng hơn là rất nhiều sự kiện đầy hấp dẫn, phong phú và chân thật.

Nhiều độc giả nhận xét, tác giả là người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn. Từ chuyện ăn mặc, thời trang, tóc tai, học hành, thi cử, chuyện làng xã, chính trị… Từ đời sống sinh hoạt của một vùng đất, của một đất nước chuyên sống bằng nông nghiệp lạc hậu, tiếp xúc với những phương tiện hiện đại, cơ giới, máy móc tự động của phương Tây; đến tình cảm và suy nghĩ của một thế hệ đối với đất nước và dân tộc.

Nội dung tác phẩm gồm 45 chương dài ngắn khác nhau, lấy nhân vật Tuấn làm trung tâm để miêu tả những sự kiện diễn ra trong từng thời kỳ cho đến năm 1945, khi đất nước chứng kiến những sự kiện lịch sử làm thay đổi gốc rễ của một xã hội Việt Nam trước đó. Trong phần “Lời tựa”, tác giả viết:

Bạn đọc thân mến!

Bộ sách này không phải một tiểu thuyết.
Cũng không phải là một ký ức cá nhân.

TUẤN là một nhân vật điển hình, tiêu biểu những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên đất nước từ đầu thế kỷ. Chàng lớn lên giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội cổ kính đang bắt đầu biến chuyển dần dần theo định mệnh do sự xâm nhập của người Pháp hoàn toàn xa lạ từ Tây phương đến đô hộ xứ ta. Họ đã đương nhiên để lại những dấu tích sâu đậm của một văn minh mới, và tạo ra một vận mệnh mới cho dân tộc Việt Nam.

Với tư cách một nhân chứng vô tư của Thời Đại, TUẤN thuật lại rất khách quan và chân thật, không màu mè chải chuốt, tất cả những biển đổi phi thường ấy, về lịch sử, xã hội, phong hóa, tập tục, kinh tế, trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân Việt Nam từ 1900 đến naỵ Một đời sống dồi dào sinh lực, đầy thử thách và kinh nghiệm.

Những người Việt sinh trưởng vào đầu thế kỷ có thể chứng nhận rằng những sự kiện, thấy, nghe, sống, những phong trào, nhân vật, biến cố lớn hay nhỏ, ghi lại trong tác phẩm này đều hoàn toàn xác thực. Ở đây, không có chỗ cho tưởng tượng, cũng như cho chủ quan, thành kiến.

Những thế hệ hôm nay và hậu lai sẽ tìm nơi đây những yếu tố để suy nghiệm về Lịch Sử dân ta.”

Có thể nói Tuấn, chàng trai nước Việt đã phản ánh một thời kỳ của lịch sử nước nhà thời cận đại và chính tác giả là một trong những chứng nhân của thời đại đó. Do đó, nhân vật Tuấn mang phần nào hình ảnh con người cá nhân ông và cũng là đại diện cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời đó. Lý lịch, xuất thân của Tuấn không hoàn toàn trùng với tác giả, nhưng tư tưởng, các sự kiện trong cuộc đời hoạt động báo chí và văn nghệ có nhiều điểm tương đồng. Nhân vật Tuấn luôn ý thức về cá nhân và thế hệ của mình với tinh thần thái độ dấn thân: nhà nghèo nhưng sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, tham gia bãi khóa và bị đuổi học, không có tiền, đi làm cho hãng rượu, dám cãi lại với chủ Pháp khi ông ta khinh rẻ người Việt, bị đuổi việc, không xu dính túi nhưng vẫn đi thăm thú khắp nơi, gặp gỡ những nhà chí sĩ mà Tuấn ngưỡng mộ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…Bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tuấn đã tham gia đấu tranh vì lý tưởng và kiên định với chính kiến của mình. Do bài viết phản đối chế độ thuộc địa, Tuấn bị phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền, sau đó vì tư tưởng chống Nhật một lần nữa lại rơi vào cảnh lao tù. Trong tù, Tuấn vẫn không thôi quan tâm đến tình hình trong nước và thế giới, và trước tình cảnh An Nam bị mê hoặc bởi thần chú “Thống chế Pétain” của nước Pháp, Tuấn “hai tay bị xiềng trong khóa sắt, bước vô lao tù, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước với lòng tin tưởng rằng hiện tượng phi lý đó sẽ tan như bọt xà phòng…”.

Nhiều nhà phê bình cho rằng toàn bộ tác phẩm là một bức tranh xã hộ Việt Nam rộng lớn, phong phúc với rất nhiều vấn đề về chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo…Ở đó, người tường thuật là nhân vật Tuấn như trung tâm nhận tin và tham gia vào quá trình làm chuyển biến xã hội. Không gian địa lý tác phẩm bắt đầu từ quê hương Quảng Ngãi ở miền Trung rồi ra Huế, ra Hà Nội, vào Sài Gòn..

Về hình thức, tác phẩm dung hợp dung hợp được nhiều thể lọai diễn đạt nội dung lịch sử-văn hóa Việt Nam. Dù ở đầu tác phẩm, tác giả nói rằng “không có chỗ cho tưởng tượng, cũng như chủ quan, thành kiến”, nhưng tác phẩm thực sự là một sáng tạo mới về nghệ thuật rất đáng được ghi nhận, nhất là mặt sáng tạo ngôn từ rất phong phú và độc đáo.

Qua tác phẩm, người đọc thấy rõ hoàn cảnh, cuộc sống của Việt trong từng giai đoạn lịch sử, cũng như hiểu được tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, những tập quán xã hội của nước ta trong thời gian đầu thế kỷ XX. Do đó, có thể nói tác phẩm Tuấn, chàng trai nước Việt là nguồn tư liệu quý giúp ích cho những nhà nghiên cứu, biên soạn, trích dẫn những phong tục tập quán, những sinh hoạt trong đời sống, những chuyển biến lịch sử của đất nước trong thời kỳ đầu của thế kỷ XX.

Tôn Thất Thọ