Vân Đồn tại tọa độ 21,104981, 107.482350 ở vị trí chiến lược nằm trên đường thủy, từ Trung Quốc xâm nhập Việt Nam. Sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư 1, của Cố Viêm Vũ đời Thanh khảo cứu các con đường xâm nhập Việt Nam với tiêu đề: Nhập Giao Tam Đạo tức 3 tuyến đường xâm nhập Giao Chỉ được hoạch định sẵn; gồm đường thủy xuất phát từ châu Khâm thuộc tỉnh Quảng Đông cũ [nay là Khâm Châu thị, Quảng Tây] gọi là Tây Nam Hải Đạo, và 2 đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam.
Về đường thủy tác giả mô tả như sau:
“Theo bờ biển mà đi thì từ lãnh Ô Lôi [châu Khâm] đi thuyền 1 ngày đến Bạch Long Vĩ [huyện Phòng Thành, Quảng Tây], từ Bạch Long Vĩ 2 ngày tới cửa Ngọc Sơn [Mũi Ngọc, Quảng Ninh, Việt Nam, tọa độ 21.458697,107990832], lại 1 ngày đến châu Vạn Ninh [tây bắc Quảng Ninh], từ Vạn Ninh 2 ngày đến Miếu Sơn, từ Miếu Sơn 3 ngày đến phủ lỵ Hải Đông, từ phủ lỵ Hải Đông 2 ngày đến xã Kinh Thục, có đê đá do nhà Trần xây để ngăn quân Nguyên. Lại 1 ngày đến cửa sông Bạch Đằng [ranh Quảng Ninh, Hải Phòng], qua tuần ty Thiên Liêu, phía nam đến cửa biển An Dương [sông Cấm, Hải Phòng], rồi theo nam đến cửa biển Đa Ngư [sông Văn Úc, Hải Phòng]; mỗi cửa đều có nhánh cảng để vào Giao Châu.”
Chiếu theo lời trích dẫn, con đường thủy từ cửa Ngọc Sơn gần biên giới Việt Trung đi đến cửa sông Bạch Đằng, bắt buộc phải qua Vân Đồn. Từ đó chúng hoạch định sẵn 5 con đường sông, dùng để tấn công vùng châu thổ sông Hồng hoặc kinh thành Thăng Long. Năm đường sông như sau:
• Đường rẽ vào sông Bạch Đằng, Tây Nam Hải Đạo mô tả đường rẽ vào sông Bạch Đằng cho đến thượng lưu sông Đuống, giáp với thành Thăng Long [Hà Nôi]:
“Từ cửa Bạch Đằng vào, phải qua 2 huyện Thuỷ Bàng, Đông Triều [Quảng Ninh], đến phủ Hải Dương lại qua huyện Chí Linh [Hải Dương], qua sông Hoàng Kính, Bình Than [khúc dưới sông Đuống] đi vào.”
• Đường rẽ vào cửa Cấm qua các huyện An Dương [Hải Phòng], Nam Sách [Hải Dương]: thuỷ đạo này dẫn vào nội địa nước ta; Tây Nam Hải Đạo đề cập về con đường này như sau:
“Từ cửa biển An Dương [cửa Cấm, Hải Phòng], qua huyện An Dương đến phủ Hải Dương, lại qua sông Hoàng Kính, rồi theo phía bắc các huyện Nam Sách [Hải Dương], Thượng Hồng [Hải Dương] mà vào.”
• Đường rẽ vào sông Lạch Tray Hải Phòng đâm thẳng đến kinh đô Cổ Trai của nhà Mạc; ngoài ra còn có thể noi theo các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh để xâm nhập nội địa. Tây Nam Hải Đạo ghi:
“Từ Đồ Sơn vào, thì qua Cổ Trai [sông Lạch Tray, Hải Phòng], đến huyện Nghi Dương [Kiến Thuỵ, Hải Phòng], qua phía bắc huyện An Lão [Hải Phòng], đến huyện Bình Hoà, qua phía nam các huyện Nam Sách, Thượng Hồng [Hải Dương] mà vào.”
• Ngả rẽ vào sông Văn Úc Hải Phòng, qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, để vào nội địa; ngoài ra còn có thể đánh bọc phía nam kinh đô Cổ Trai của nhà Mạc. Tây Nam Hải Đạo chép:
“Từ cửa biển Đa Ngư [sông Văn Úc], mà vào, phải qua 2 huyện An Lão, Tân Minh [Tiên Lãng, Hải Phòng ] đến sông Tố Hồng tại huyện Tứ Kỳ [Hải Dương], đến Khoái Châu [Hưng Yên] qua Hàm Tử quan [Khoái Châu] đi vào.”
• Một ngả rẽ khác noi theo sông Thái Bình rổi chuyển qua sông nhỏ để vào huyện Khoái Châu, Hưng Yên, cũng noi theo Hàm Tử quan rồi đến sông Hồng Hà. Tây Nam Hải Đạo chép trong đoạn cuối như sau:
“Từ phía nam Đa Ngư theo cửa biển sông Thái Bình, qua 2 phủ Thái Bình [tỉnh Thái Bình], Tân Hưng [phía nam Hưng Yên], đến Hàm Tử quan tại Khoái Châu, rồi theo sông Phú Lương [Hồng Hà] mà vào. Đó là đại lược về đường thuỷ.”
Về phương diện kinh tế, Vân Đồn là nơi đầu tiên thuyền bè ngoại quốc đến buôn bán, thời nhà Lý cho lập thương cảng tại nơi này:
“Mùa xuân tháng 2 năm Đại Định thứ 10 [1149] thuyền buôn 3 nước Trảo Oa [Java], Bồ Lạc [chưa rõ nước nào], Tiêm La [Thái Lan] vào Hải Đông [Quảng Ninh] xin buôn bán, bèn cho lập ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương.” 2
Theo Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi 3:
“…Lái buôn các nước không được thiện tiện vào nội trấn, cho họ ở Vân Đồn và Vạn Ninh.”
Trách nhiệm chỉ huy tại Vân Đồn rất nặng nề: một mặt phải ngăn chặn quân địch xâm lăng, một mặt lo quản lý người nước ngoài. Lịch sử ghi nhận danh tướng Trần Khánh Dư đời Trần đã hoàn thành nhiệm vụ đó, trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau:
Khi ấy, thuỷ quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thuỳ cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi Thượng hoàng được tin, sai Trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với Trung sứ:
– Lấy quân pháp mà xử tôi xin chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mong lập công rồi chịu tội búa rìu cũng không muộn.
Trung sứ theo lời xin đó.
Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói:
– Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt, sợ nó chưa biết có thể còn hung hăng chăng?
Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. 4
Tuy nhiên Trần Khánh Dư cũng bị chỉ trích rằng bắt quân dân địa phương dùng nón Ma Lôi [một loại nón lá được sản xuất tại hương Ma Lôi] để phân biệt với người Tàu, rồi cho người nhà mua nón Ma Lôi, chở trên thuyền đậu trong cảng để bán đắt lấy lời. Sự việc không rõ thật giả như thế nào, nhưng ông không bị nhà vua trị tội. Riêng lời tuyên bố của ông xét thấy hữu lý:
“Quân trấn giữ Vân Đồn để ngăn ngừa giặc Hồ [Tàu], không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái tất bị phạt.” 5
Xét về việc này, thấy kiến thức về an ninh của tướng Trần Khánh Dư đã đi kịp với thế kỷ thứ 21; vì hiện nay hầu như tại các công sở, xí nghiệp đều dùng bảng tên, để ngăn ngừa kẻ lạ trà trộn. Với đường lối cai trị như vậy, lẽ dĩ nhiên người Trung Quốc không ưa ông, nên đã làm thơ đả kích:
“Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh”
[Vân Đồn gà chó thảy đều kinh]
Lời chê “Gà chó thảy đều kinh” còn nói lên sự kiện [fact] tích cực là mọi người đều sợ hãi phải tuân theo; đây là yếu tố then chốt giúp ông làm nên chiến thắng. Với chiếc nón Ma Lôi giúp nhận diện được phe ta và phe địch, để tìm cách trấn áp kịp thời, nên trong buổi đầu thất bại trước quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy, những thuyền buôn người phương Bắc không dám lợi dụng nổi lên quấy phá. Rồi mưu đồ cuộc phục kích đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, phải điều động hàng trăm chiến thuyền, nhưng bí mật không bị tiết lộ, bởi thuyền phương Bắc sợ hãi, thúc thủ trước lệnh giới nghiêm, không dám lân la dò xét.
Cuối cùng thì sử, chí hai nước đều công nhận chiến thắng tại cửa Lục [tọa độ 20.952476,107.062843] gần vịnh Hạ Long; Nguyên Sử xác nhận Trương Văn Hổ đánh chìm thuyền lương tại biển Lục Thuỷ; riêng Đại Nam Nhất Thống Chí chép về Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Yên như sau:
“Phó tướng Vân Đồn là Trần Khánh Dư đánh thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ ở biển Lục, thuyền lương đều đắm ở biển tức chỗ này.” 6
Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Chú thích:
1. Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư, quyển 106, Quảng Tây, trang 11.
2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, NXB Khoa Học Xã Hội: Hà Nội, 1998, tập 1, trang 317.
3. Dẫn theo Đại Nam Nhất Thống Chí. NXB Thuận Hóa: Huế, 2006, quyển 4, trang 44.
4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tập 2, trang 60.
5. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tập 2, trang 61.
6. Đại Nam Nhất Thống Chí, sđd, quyển 4, trang 45.
trithucvn