Công việc của ông Dương Văn Ngộ gắn liền với Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, tòa kiến trúc cổ kinh được xây dựng từ năm 1886 với nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc Á – Âu. Khách du lịch nước ngoài tới đây không chỉ để ngắm một trong những bưu điện cổ và đẹp nhất châu Á mà còn để được tận mắt chứng kiến công việc viết thư mướn của một nhân viên bưu điện về hưu.

Cứ đúng 17 giờ mỗi ngày, ông Ngộ môi xách túi rời khỏi Bưu điện Trung tâm Thành phố.

Ông Ngô giờ đây là người viết thư mướn độc nhất vô nhị của Thành phố Hồ Chí Minh. 20 năm có lẻ, ông Ngộ đã chứng kiến nhiều tâm trạng buồn vui của người đời và từng chắp cánh cho không ít cuộc hôn nhân của người Việt và người nước ngoài…

BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Ông Dương Văn Ngộ.

Người Đức viết gì về ông?

Vào năm 2007, tờ Spiegel nổi tiếng của Đức đã có bài viết về ông lão chuyên viết thư mướn tại Bưu điện Sài Gòn Dương Văn Ngộ, ông được gọi là người – kết – nối – thế giới bằng cây bút mực. Ông nhận được tờ báo biếu vài tuần sau đó rồi trân trọng giữ nó cho đến tận bây giờ…

Nhà báo Đức đã viết: “Vào khoảng 8 giờ sáng, tiết trời tháng 2 tại Sài Gòn khá oi bức. Dương Văn Ngộ, người đàn ông với dáng người gầy gò, đỗ xe đạp vào bóng râm của hàng cây sung dâu. Ông mỉm cười và vồn vã chào những người bán bưu thiếp rong, sắp xếp lại vị trí ngồi và bắt đầu một ngày làm việc. Chiếc bàn làm việc của ông Ngô được kê bên dưới bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ trong chiếc cặp đựng tài liệu, ông lôi ra hai quyển từ điển Anh, Pháp và một danh bạ mã thư tín Pháp. Ông cài một tấm băng đỏ lên tay áo trái để khách hàng có thể nhận ra ông ngay tức thì. Bên cạnh là một tấm biển: “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”.

Khách hàng đầu tiên của ông Ngộ là một người đàn ông từ vùng sông Mê Kông. Anh mang theo một lá thư, địa chỉ người nhận là một thương gia từ châu Âu. Anh là tài xế lái xe đưa ông chủ tới các bữa tiệc làm ăn và gặp gỡ trong hơn một năm qua. Người đàn ông này muốn nhờ ông Ngộ viết thư đề nghị thương gia châu Âu trả cho anh tiền phí bảo hiểm y tế và xin tạm ứng trước 200 USD. Nghe xong câu chuyện, người viết thư già bắt đầu viết, những dòng chữ nắn nót bằng tiếng Anh.

Bức thư được hoàn thành với đúng văn phong Anh ngữ, mang giọng điệu nhã nhặn, lịch sự của một nhân viên gửi thư đề nghị lịch sự với cấp trên. Thỉnh thoảng khi bí từ, ông Ngộ lại lật nhanh những trang từ điển tiếng Anh. Khách hàng thứ hai trong buổi sáng hôm ấy của người viết thư già là một phụ nữ trẻ với đôi môi đỏ hồng, đeo đôi găng tay dài và đội mũ che cái nắng oi ả của tiết trời Sài Gòn.

Cô lôi ra từ trong túi chiếc máy điện thoại di động Nokia và chỉ cho ông một số tin nhắn. Chúng được viết bằng tiếng Pháp và có vẻ rất lãng mạn. Ông Ngộ dịch ngay lập tức: “Khi anh đến thăm em, em đã cho anh thấy đất nước, con người Việt Nam và dạy anh học tiếng Việt. Anh không thể đợi được”. Nghe xong, cô gái mỉm cười thẹn thùng. Cô quen một người Pháp qua một trang web trên internet. Ngày mai, cô sẽ trở lại và nhờ ông Ngộ viết một bức thư.

Khi viết bất kỳ lá thư nào, ông đều chọn từ ngữ một cách cẩn thận, trình bày rõ ràng, chính xác và đúng theo văn phong của từng loại thư. Là người viết thư, ông hiểu từ ngữ quan trọng tới mức nào và đương nhiên cả sự tổn hại mà nó có thể gây ra. Ông Ngộ không chỉ đơn thuần dịch thư mà còn làm cầu nối giữa con người với con người và đưa ra những lời khuyên, động viên cho khách hàng…”.

Không chỉ báo Đức, ông đã xuất hiện trên một tờ báo của Canada, Thụy Sĩ. Cách đây không lầu, đoàn làm phim của Hungary đến quay phim về ông, một trong những nét thú vị của Sài Gòn. Đoàn phim quay xong, người ta nhét vào tay ông phong bì tiền, ông trả lại và giải thích: “Từ bộ phim này sẽ có nhiều người biết về tôi, tôi có đông khách hàng, như vậy các bạn đã giúp tôi rồi”.

Ông là vậy, một người với lòng tự trọng đáng kinh, không thích phụ thuộc con cái, ông vẫn tự kiếm tiền nuôi mình, đây cũng là một lý do khiến ông gắn bó với nghiệp” viết thư mướn cho đến ngày hôm nay…

Người viết thư thuê lâu nhất Việt Nam

Ông Ngộ làm việc theo giờ hành chính, bưu điện mở cửa, ông đi thẳng đến chỗ ngồi của mình, đặt hai túi xách sát vô chân bàn, cố thu xếp thật gọn, trông bên ngoài, ông không khác khách hàng đến ngồi viết thư dán tem. Một chai nước suối. Một chiếc túi xách đựng các cuốn từ điển, các cuốn luật dân sự, sách địa lý, lịch sử… Chiếc thứ hai đựng bản photo các bức thư ông đã viết, xếp theo chủ đề, độ tuổi, gia cảnh người gửi, thư trong nước, thư gửi ra nước ngoài, thư thăm hỏi, thư tình, cái nào ra cái đó…

Ông cười móm mém rồi kể: “Nếu tui sinh ra chậm thêm 10 phút, có lẽ cuộc đời sẽ khác nhiều. Tui sinh vào 3 giờ 20 phút ngày 3/3/1930”. Ông Ngộ trở thành nhân viên của Bưu điện Sài Gòn từ năm 17 tuổi. Ông cho biết, ông chưa bao giờ nghỉ một ngày làm việc, kể cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Ông nói tiếng Anh và Pháp khá thành thạo nhờ học tiếng Pháp trong Trường Petrus Ký và tiếng Anh từ binh lính Mỹ.

Đến tuổi hưu, ông xin ở lại và làm công việc gọi là “tư vấn thủ tục gửi thư” cho khách, được bưu điện bố trí cho ông một cái bàn để làm công việc này. Sau này, bàn làm việc của ông treo toòng teng biển “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”, trên chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh – Pháp – Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới…

Ông Ngộ cũng đã từng trải qua những năm tháng khó khăn, phải cùng các con lặn lội ở chợ Cầu Muối, Bình Đông, cầu Tân Thuận bỏ mối hột vịt, bánh mỳ kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, ông tâm sự, nhờ con chữ và kiến thức nuôi dưỡng ý chí, cuối cùng, nghiệp của ông gắn liền với giấy, viết, tem và bưu điện trung tâm này. Ông chính thức “viết thư thuê” vào năm 1990.

Năm ấy, nghề viết thư thuê rất thịnh, chưa có internet và những tiện ích 3G, có đến 5, 6 người tham gia viết thư thuê ngồi chung một dãy bàn nhỏ được bố trí dành riêng ở gian giữa bưu điện. Nhờ nghề “viết thư thuê”, nghỉ hưu, ông vẫn dành dụm đủ tiền nuôi vợ con. Vài năm trước, ông vẫn còn một số bạn cùng nghề, rồi người mất, người sức khỏe yếu nên đã nghỉ làm hết. Chỉ còn ông, mưa cũng như nắng, ngày nào cũng tới góc quen thuộc của mình ở bưu điện, vì “ngồi nhà thấy nhớ việc, nhớ mọi người”.

Mỗi ngày trung bình ông viết thư cho 3 đến 5 người khách, đồng thời ông còn dịch sang tiếng Việt các văn bản, tin nhắn, thư từ… Khách hàng nữ giới của ông Ngộ thường gọi ông là người viết thư tình… xuyên biên giới.

Chiều ấy, một phụ nữ trên 40 tuổi rụt rè đến nhờ ông Ngô viết giúp một lá thư làm quen. “Đối tượng là người nước ngoài, hay đến mua hàng nơi quầy của chị nằm trong một con hẻm ở đường Phạm Ngũ Lão. Biết nhau lâu rồi, tình trong như đã”…, nhưng chị không biết cách mở lời, vì anh không biết tiếng Việt, còn tiếng Anh thì chị chỉ mới “bập bẹ”.

Ông nghe xong, thẳng thừng… từ chối: “Vậy thì cô phải tự viết. Vì chỉ cô mới biết hai người đã có những kỷ niệm gì để nhắc và người đó ra sao để lựa lời”… Thuyết phục một hồi, ông mới đồng ý: chị sẽ viết bằng tiếng Việt và ông dịch giùm sang tiếng Anh. Một lá thư tay ngắn, giản dị:

“Bạn thân mến. Tôi là… Chúng ta quen nhau đã lâu nhưng không biết phải nói với nhau cách nào, vậy từ nay chúng ta sẽ viết thư nhé.

“Nếu bạn đồng ý, hãy trả lời bằng thư, tôi sẽ nhờ người dịch. Chờ hồi âm của bạn”.

Ông hỏi lại chị: “Dùng đúng chữ “bạn” chứ?”. Chị cười, gật đầu, lấy tiền ra trả. Ông lại lắc: “Thôi lần này chưa có gì đáng, cô cứ giữ đó. Lần sau nếu có gì đáng hơn tôi mới lấy tiền”. Nhưng chị không chịu, nhất định nhét lại tờ bạc 10 ngàn dưới mớ giấy tờ của ông Ngộ trước khi đứng lên, chị giấu một ánh vui trong mắt…

Suốt 20 năm làm nghề viết thư mướn, ông đã chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc, có vui sướng, khổ đau, hy vọng của khách hàng, chính vì thế mà ông mãi không thể bỏ được cái nghề “viết thư thuế” đầy xúc cảm này….

Ông Ngộ đặc biệt tôn trọng những chi tiết riêng tư, cho nên không bao giờ nhận “bịa” thư tình. Tức là ai đó phải tự viết, bằng xúc cảm, tình cảm của mình, mang tới và ông chỉ là người dịch lại…

Ông Ngộ cho rằng, giao tiếp bằng thư, hình thức quan trọng lắm. Lời lẽ, câu cú, cách trình bày, thậm chí cách viết dòng địa chỉ cũng cho thấy văn hóa của người gửi. Vì thế, ông viết cẩn thận bản mẫu của khách để không chỉ chuyển tải đúng ý mà còn phát hiện ra những sai sót để kịp điều chỉnh.

Với nội dung thư viết thay, ông Ngộ cân nhắc từng từ. Cũng gặp ông với tôi là một phụ nữ không còn trẻ, bà trạc 50 tuổi. Bà kể cho ông nghe về một mối tình xuyên biên giới, rồi nhờ ông viết một lá thư, cùng lời mời người đàn ông ngoại quốc sang Việt Nam và về miền Tây thăm quê bà, ông Ngộ cẩn thận sửa lại từ “miền Tây” thành các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông bảo, người Việt nói là biết “miền Tây, người nước ngoài họ đâu biết đến danh từ miền Tây, phải nói rõ như vậy, họ mới tưởng tượng được. Người phụ nữ nọ gật đầu và khẽ mỉm cười…

Có lần một cô gái ở miền Tây cất công lên Sài Gòn nhờ ông dịch lại bức thư tình của một chàng trai người Mỹ gửi về và nhờ ông viết thư phúc đáp. Chuyện tình đơm hoa kết trái, năm nào cô về Việt Nam ăn tết cũng dắt các con ghé thăm ông.

Tùy độ dài và mức độ khó hay dễ của những bức thư, ông Ngộ lấy Công 5.000 – 10.000 đồng cho mỗi lần dịch, viết thư. Không ít người nhờ ông ghi địa chỉ chuyển phát nhanh sang Mỹ, thấy thư của khách mất phí hơn 600 nghìn đồng trong khi không cần gửi gấp, ông khuyên họ chỉ nên gửi thường. Họ tiết kiệm được đáng kể chi phí và thủ tục không cần thiết. Cũng có người lớn tiếng “ông làm như tôi nói, tôi trả tiền”.

Gặp trường hợp như thế, ông lặng lẽ gấp tờ giấy, từ chối viết tiếp. Và không phải thư nào ông cũng viết. Nhiều trường hợp thích viết thư xin tiền hay chỉ giả vờ yêu thương để lợi dụng người “ở bển”, ông từ chối thẳng thừng. Với những người thợ, buôn thúng bán bưng không biết chữ tới nhờ viết cải địa chỉ, lâu lâu mới dành dụm gửi được cho gia đình ở quê 300 – 400 nghìn đồng, ông viết giúp không lấy tiền…

Cuộc trò chuyện của tôi và ông luôn bị ngắt quãng, ngay khi nghe một cô hướng dẫn viên du lịch hưởng bàn tay về ông giới thiệu, rất nhiều khách du lịch Nhật Bản đã tỏ ra thích thú với công việc của người viết thư thuê, họ đổ xô tới chụp hình ông. Cô hướng dẫn viên còn nói, nhờ những người như ông Ngộ, tòa bưu điện cổ kính này như trở nên có hồn, lãng mạn và thú vị hơn nhiều…

20 năm có lẻ, những bức thư ông viết đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhưng thỉnh thoảng, chính ông cũng nhận được những lá thư thú vị, lời cảm ơn từ khắp nơi trên thế giới gửi về địa chỉ người nhận: “Người viết thư thuê, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn”.

Như một ngày, ông Ngộ được bưu điện đưa cho một lá thư từ nước Anh mà phần địa chỉ người nhận là… tấm hình của chính ông đang ngồi làm việc tại bưu điện, kèm theo mấy dòng: Letter writer/ Translator. Central Post Office – Sài Gòn – Việt Nam (gửi người viết – dịch thư, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn – Việt Nam).

Đó là thư của bà M. Admans, một y tá ở Oxford, nước Anh xa xôi. Sau khi được ông viết giúp một lá thư bằng tiếng Việt và nhất định không nhận tiền, dù không biết tên tuổi địa chỉ, bà đã cảm động viết thư cảm ơn, kể về bản thân, gia đình, con cái mình, về cảm nhận tuyệt vời đã nhận được từ chuyến đi Việt Nam, từ con người Việt Nam mà ông là một đại diện, về cái nghề đặc biệt, và gửi… đại. Thế mà lá thư đã đến, mang cho ông một niềm vui nghề nghiệp.

Ông chưa bao giờ nhận e-mail. Ông cũng không thích máy tính và điện thoại di động, với ông từ ngữ từ máy móc không có hồn”.

Bấy nhiêu năm qua, ông Ngộ có một nguyên tắc: “Quên ngay những nội dung vừa viết nên càng được khách hàng tín nhiệm. “Mỗi lá thư là một bí mật riêng tư, họ tin mình thi mình đừng làm cho họ thất vọng”, ông tâm sự.

Thuận Thiên

Trisch Sai Gon Me