Vua chúa ngày xưa đi lại bằng gì? Đó là câu hỏi mà nhiều du khách thường đặt ra cho hướng dẫn viên du lịch khi họ đến thăm Huế, kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 – 1945). Đi bộ dùng xe, đi thủy dùng thuyền; đi xa dùng xe, đi gần dùng kiệu. Đó là những gì được ghi lại trong các nguồn sử liệu của triều Nguyễn và được phản ánh qua những hình ảnh và hiện vật còn lưu lại ở cố đô Huế.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, đã dành hẳn chương Nghi vệ (quyển 79) để miêu tả các loại xe kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi, số lượng xe kiệu cùng các nghi trượng đi kèm các loại xe kiệu này, tùy thuộc vào thời thế, địa vị và thứ bậc của người sử dụng. Theo đó, dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), “đội xe” của vua có 4 chiếc, gồm 1 chiếc ngọc lộ, 1 chiếc kim lộ và 2 chiếc kim bảo dư. Sang triều Minh Mạng (1820 – 1841), “đội xe” của vua có 5 chiếc, được đặt tên là cách lộ, kim lộ, ngọc lộ, tượng lộ và mộc lộ. Tùy mục đích chuyến đi, nhà vua quyết định dùng loại xe nào.

Ngự giá rước vua Khải Định đến thăm cung An Định, nơi ở của Đông cung hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại). (Ảnh tư liệu)

Tháp tùng ngự giá (xe vua) còn có 2 con voi và 2 con ngựa để vua cưỡi trong những lúc ngài ngự nổi hứng rời xe lên ngựa (hoặc voi), cùng với 20 con voi đi chầu. Nhưng ngự giá không chỉ có xe kiệu và voi ngựa mà còn có các thứ cờ, quạt, tán, lọng, gọi chung là lỗ bộ, do binh lính thuộc vệ Loan giá và vệ Cẩm y đi theo để khiêng vác, hộ tống, mỗi khi ngự giá xuất cung.

Ngự giá rước vua Bảo Đại đi tế Nam Giao vào năm 1935. (Ảnh tư liệu)

Dưới triều Gia Long, lỗ bộ theo hầu ngự giá khi vua đi tế Nam Giao, tế Xã Tắc, tế miếu Lịch đại đế vương hay khi vua ra cày ruộng Tịch điền bao gồm: 1 lá cờ Bắc đẩu, 1 lá cờ Bát môn, 1 lá cờ hiệu của dàn trống, 1 cờ hiệu của dàn chiêng, 1 lá cờ Nhị thập bát tú kỳ; 4 lá cờ Phong (gió) – Vân (mây) – Lôi (sấm) – Vũ (mưa), 1 lá cờ Mặt trời, 1 lá cờ Mặt trăng, 4 lá cờ Thanh long (rồng xanh) – Bạch hổ (cọp trắng) – Chu tước (chim sẻ đỏ) – Huyền vũ (rùa đen), 4 lá cờ đuôi báo, 4 lá cờ phướn, 24 chiếc quạt tròn trang trí hình rồng, 6 chiếc quạt vuông trang trí hình phượng, 36 chiếc tán màu vàng thêu 9 con rồng, 22 chiếc lọng vàng, 28 thứ binh khí như giáo, rìu, đinh ba, trượng, kích… Riêng khi đi tế Văn Miếu, do vua thường đi đường thủy vì nơi này ở sát sông Hương nên lỗ bộ cũng giảm bớt. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng cho biết: khi vua đi chơi thì không dùng đầy đủ nghi vệ như khi vua đi cúng tế ở các đàn miếu, chỉ sử dụng 1 chiếc lọng vàng thêu hình rồng để che mưa nắng, có đội quân tiền đạo và hậu hổ đi theo hộ tống. Dưới triều Minh Mạng, nhà vua quy định: ngự giá đi trong phạm vi Hoàng Thành thì phải giảm bớt một nửa số cờ quạt và không cần voi ngựa hộ tống để tránh “kẹt đường”.

Xe tứ mã rước vua Bảo Đại đi tế Nam Giao năm 1935. (Ảnh tư liệu)

Kiệu rước vua Bảo Đại đi vào đàn tế trong lễ tế Nam Giao năm 1935. (Ảnh tư liệu)

“Đội xe” của hoàng thái hậu, gọi là từ giá, cũng hoành tráng không kém, gồm 1 xe phượng dư và 1 xe phượng liễn. Lỗ bộ tháp tùng từ giá có 2 lá cờ rồng 2 lá cờ phượng 2 lá cờ thanh đạo 8 lá cờ phướn 2 quạt thêu hình rồng phượng màu vàng 4 quạt thêu hình rồng phượng màu đỏ 4 quạt thêu hình loan phượng màu xanh 20 thứ binh khí… Trong khi đó, xe của thái tử chỉ có 1 chiếc, gọi là xe bộ liễn. Lỗ bộ tháp tùng xe này chỉ có 1 cờ lệnh, 2 cờ xanh, 2 cờ đỏ, 2 cờ vàng, 2 cờ trắng, 2 cờ đen, 8 lá cờ phướn, 1 chiếc tán hình tròn thêu hình 7 con rồng, 4 chiếc tán hình vuông, 4 chiếc lọng màu đỏ, 6 lọng chiếc màu xanh vẽ rồng mây…

Kiệu rước vua Bảo Đại đi vào đàn tế trong lễ tế Nam Giao năm 1935. (Ảnh tư liệu)

Kiệu rước vua Bảo Đại từ Trai Cung sang đàn tế trong lễ tế Nam Giao năm 1935. (Ảnh tư liệu)

Quan lại triều Nguyễn thì không được phép dùng xe kiệu mà chỉ ngồi võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm trật của vị quan ngồi trên võng. Võng bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm chỉ có 1 người vác lọng theo hầu.

Năm 1835, khi đúc Cửu đỉnh đặt trước Thế Tổ Miếu ở trong Hoàng Thành, vua Minh Mạng cho đúc lên Huyền đỉnh, hình một cỗ xe tứ mã.

Hình cỗ xe tứ mã khắc trên Huyền đỉnh.

Hình khắc này cho thấy những chiếc xe của vua chúa thời Nguyễn là do ngựa kéo. Trên thực tế, cửa Đông Nam của Kinh Thành Huế thường được người dân Huế gọi là cửa Thượng Tứ. Nguyên do là vì cửa này nằm gần Thượng Tứ Viện, là nơi đóng quân của vệ Phi kỵ và vệ Khinh kỵ của quân đội triều Nguyễn. Đây cũng là nơi đặt các chuồng ngựa của triều đình, gọi là Mã Khái Sở, chuyên cung cấp ngựa kéo xe và ngựa cưỡi cho các đoàn ngự giá, từ giá… của triều đình.

Sang triều Khải Định (1916 – 1925), nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc xe hơi nhân lễ Tứ tuần đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi). Từ đó, ngoài việc dùng ngự giá truyền thống trong các dịp tế lễ, thi thoảng, vua Khải Định còn dùng xe hơi để du ngoạn hay đi săn bắn ở bên ngoài Hoàng Thành. Trước đây, triều đình có cho dựng ở phía trước Ngọ Môn 2 tấm bia đá, trên bia có ghi 4 chữ Hán: Khuynh cái hạ mã, nghĩa là khi đi ngang qua đây thì mọi người phải nghiêng lọng và xuống ngựa. Kể từ khi vua Khải Định dùng xe hơi, thì 2 tấm bia này không còn thích hợp nữa. Vì thế, triều đình đã cho nhổ 2 tấm bia này đưa vào cất giữ trong kho của Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Đây cũng là nơi đang trưng bày chiếc kiệu sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi Hoàng Thành Huế. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng này đang lưu giữ chiếc kiệu mà vua Bảo Đại đã từng dùng khi đi tế Nam Giao vào năm 1935.

Chiếc kiệu chạm rồng, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đồ án “lưỡng long triều nhật”, chạm lộng, sơn son thếp vàng, trang trí trên chiếc kiệu của vua Bảo Đại.

Đầu rồng sơn son thếp vàng, trang trí ở phần đầu hai đòn khiêng của chiếc kiệu của vua Bảo Đại.

Phục dựng ngự giá rước vua từ điện Thái Hòa đến Ngọ Môn để dự lễ Truyền lô trong Festival Huế 2006.

Phục dựng ngự đạo xuất cung đi tế Nam Giao trong Festival Huế 2008.

Vậy thì, nếu có dịp viếng thăm cố đô Huế, du khách cũng nên ghé qua Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc xe kiệu, từng được vua chúa triều Nguyễn sử dụng một thời

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn