(1) Người Hoa là một trong những tộc người hiện diện và sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Ở Sài Gòn nói riêng, cộng đồng người Hoa vẫn tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà họ đã đem theo khi di cư sang Việt Nam. Đó là hành trang quý giá của những thế hệ đi trước muốn trao truyền lại cho con cháu thế hệ sau. Những giá trị văn hóa truyền thống chính là công cụ giáo dục ý thức về cội nguồn, quê hương của các thế hệ người Hoa. Ngày nay, khi mà đi du lịch đang trở thành một xu hướng chung, được nhiều người quan tâm thì việc khai thác những giá trị văn hóa của người Hoa vào hoạt động du lịch cũng đang được chú ý, đặc biệt là tại Sài Gòn – một đầu tàu về phát triển du lịch của quốc gia. Và như chúng ta cũng biết, người Hoa tại Việt Nam nói chung và tại Sài Gòn nói riêng đã cho thành lập những nơi sinh hoạt cộng đồng để thiết lập, bảo tồn các mối quan hệ kinh tế – xã hội khi xa rời cố hương vì mục đích mưu sinh tại vùng đất khách. Những cơ sở sinh hoạt cộng đồng được đề cập ở đây chính là cáchội quán.
Bản thân tác giả bài viết đang công tác trong lĩnh vực du lịch. Có đôi lúc tôi cảm thấy không được thoải mái khi nghe người khác gọi là “Chùa Ông” hay “Chùa Bà Thiên Hậu”, …Nói cách khác, người ta đã đánh đồng khái niệm về cơ sở thờ tự với cơ sở sinh hoạt cộng đồng. Có thể xem đây là một điều chưa hay vì hội quán chính là một trong những biểu hiện rõ nét cho đặc trưng tính cách của cộng đồng người Hoa: tính tương trợ. Trong khi đó, cơ sở thờ tự thì lại liên quan đến yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Dân tộc nào cũng có, xã hội nào cũng có. Việc ngộ nhận tương đồng như vậy vô hình trung đã khiến cho giá trị văn hóa của cộng đồng người Hoa bị phai nhạt một cách không đáng có. Đề cập về vấn đề này, nhà nghiên cứu Phan Thị Yến Tuyết đã có những nhận định rất chính xác: “Trong dân gian có thói quen gọi vắn tắt hội quán của các cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ là chùa, miễu, bất kể là giao lưu văn hóa gì thì vô hình trung cũng quy hội quán vào phạm trù cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng, dễ dẫn tới cách hiểu sai lệch về tính chất và chức năng chủ yếu của hội quán…” [8: 116].
Với vài lý do trên, mặc dù nghiên cứu về tổ chức cộng đồng của người Hoa ở Việt Nam không phải là một chủ đề mới, đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và tìm hiểu, song, tôi vẫn muốn một lần nữa được nhắc lại nó thông qua việc hệ thống lại về quan điểm phân biệt cách gọi, nhận biết đâu là hội quán, đâu là miếu và đâu là chùa. Hành động này cũng có thể xem như một tiếng nói góp phần vào sự bảo tồn những giá trị nhân văn sâu sắc mà người Hoa đã tạo dựng nên từ quá khứ của lịch sử cho đến ngày hôm nay. Cũng cần nói rõ, vì điều kiện thực tế không cho phép, do đó mà không gian đề cập của bài viết chỉ được xác định trong phạm vi Sài Gòn.
(2) Đề cập về vấn đề này, trước tiên cần phải tiếp cận một cách phổ quát về khái niệm của ba định nghĩa “hội quán” – “miếu” – “chùa”, trên cơ sở đó mới có thể làm rõ chức năng của chúng.
Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, chùa (寺) là cơ sở tôn giáo phục vụ mục đích tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Có thể xem chùa là một sản phẩm vật chất của Phật giáo trong tiến trình hình thành và phát triển. Trong bài viết này, tác giả chỉ là đưa ra khái niệm một cách tổng quan nhất; bởi vì trong Phật giáo, sự biến động trong lịch sử phát triển đã kéo theo sự phân chia các tông phái khác nhau và ở mỗi nhánh phát triển đó, ngôi chùa (hiểu ở cấp độ chung nhất là cơ sở thờ tự của Phật giáo) lại được xây dựng và có nhiều cách gọi khác nhau. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào lý giải chúng. Mặt khác, vì là cơ sở đại diện cho một tôn giáo (Phật giáo) mà do đó, đối tượng thờ cúng chính của các ngôi chùa là Đức Phật Thích Ca – người đã khai sáng là Phật giáo. Tuy nhiên như đã đề cập, vì sự phân tách thành nhiều tông phái khác nhau mà do đó, trong chùa thường có sự phối thờ (hoặc không) thêm các vị Bồ Tát, La hán và các vị thần khác. Song suy cho cùng thì Phật Thích Ca vẫn là đối tượng chính được thờ cúng trong một ngôi chùa.
Tại Sài Gòn – Gia Định, tên gọi cũ của Sài Gòn ngày nay, quá trình cộng cư giữa cộng đồng người Việt từ Thuận Quảng di cư vào với cộng động người Hoa từ Trung Quốc đến đã diễn ra. Trong số lớp lưu dân ấy, dù là Việt hay Hoa đều có sự hiện diện của các nhà sư. Chính sự có mặt của những vị sư này đã tác động không nhỏ đến việc nhiều ngôi chùa đã sớm được xây dựng ở Sài Gòn. Một vài ngôi chùa cổ có thể kể đến như: Chùa Kim Chương (đã bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc, ngay góc đường Nguyễn Trãi và Cao Thắng ngày nay), chùa Giác Lâm (là ngôi chùa cổ nhất còn tồn tại ở Sài Gòn ngày nay, do ông Lý Thụy Long vốn là người Minh Hương), chùa Khải Tường (gắn liền với sự ra đời của Hoàng tử Đảm – vua Minh Mạng sau này), … Ngoài ra, “Nhiều ngôi chùa Hoa, do các tổ khai sơn là những thiền sư Trung Quốc, có thể đã có mặt tại Gia Định đồng thời với cuộc di dân, nhưng trong quá trình lịch sử, nhiều chùa đã dần dần được Việt hóa, trở thành những ngôi chùa Việt…” [6: 449]. Chi tiết này tác giả muốn đề cập đến là bởi vì tôi muốn đặt ra một giả thuyết, rằng sự hợp cư trong một tiến trình lịch sử lâu dài giữa người Việt và người Hoa liệu có phải là chất xúc tác để làm cho chức năng của các cơ sở tổ chức và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng bị đồng nhất hay không ? Hay nói cách khác, người ta gọi các hình thức cơ sở này theo bản năng nhiều hơn là theo chức năng vốn có của chúng. Nếu đúng là vậy thì ta càng thấy rõ dấu ấn của sự hợp cư này là vô cùng rõ nét. Chúng chính là minh chứng cho nhận định Nam Bộ là vùng đất mở.
(3) Thứ hai, về khái niệm “miếu” (廟),nếu chùa là cơ sở tôn giáo thì miếu lại là cơ sở tín ngưỡng, mang đậm tính dân gian. Vì là cơ sở tín ngưỡng dân gian mà do đó, trong miếu thường thờ thì đối tượng thờ cúng chính rất đa dạng, có thể là một vị nhân thần (là một nhân vật lịch sử, một nhân vật truyền thuyết) hoặc là một người vô danh (Cô, cậu, bà, …) nhưng có tác động đến yếu tố tâm linh của người dân bản địa nên được phụng thờ.
Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu khi phân loại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thường phân cấp đình lớn hơn đền, đền lớn hơn miếu, miếu lớn hơn miễu. Song, theo quan điểm của tác giả, tùy góc độ phân loại mà ta mới có thể nhận định sự phân chia như vậy là không có cơ sở khoa học hay không. Bởi vì thứ nhất, việc phân chia này phải căn cứ vào bản chất của công trình là thờ ai ? Thứ hai, nếu tiếp cận thử cách phân chia cơ sở thờ tự của cộng đồng người Hoa thì không có khái niệm phân biệt đình, đền hay miếu mà tất cả đều được gọi bằng “miếu” (廟). Thành hoàng thường được thờ trong đình, đền thường thờ Thánh, … song suy cho cùng thì dù là Thành hoàng hay Thánh thì họ tuyệt đại đa số cũng đều là những vị nhân thần mà thôi.Thứ ba, “Đối với người Việt, vị thần cai quản từ kinh đô xuống phủ huyện đến làng xã đều gọi là thần Thành Hoàng, tất nhiên thứ bậc khác nhau. Còn đối với Trung Quốc, thần Thành Hoàng chỉ có từ kinh đô xuống phủ huyện. Riêng xã thôn chỉ có Phước Đức Chánh Thần, tức thần Thổ Địa” [1: 49-50].
Do vậy, nhận định này của Võ Thanh Bằng cũng cho phép ta lý giải được nguyên nhân tại sao trong tiếng Hán lại không có từ chỉ “đình” mà chỉ có từ chỉ “miếu”. Thêm vào đó, đối tượng được nghiên cứu trong bài viết này là hướng đến hội quán của người Hoa, hay nói cách khác là soi các tổ chức cộng đồng hay tôn giáo tín ngưỡng không từ góc độ văn hóa Việt Nam. Do vậy mà bài viết chủ yếu tập trung vào phân biệt ba dạng cơ sở là: Chùa – miếu – hội quán.
(4) Cuối cùng, “hội quán” là gì ? Nếu chùa và miếu là những cơ sở mang đậm màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng thì hội quán lại mang những sắc thái của một tổ chức xã hội thu nhỏ và chỉ có ở cộng đồng người Hoa. Đó là cách nhìn nhận từ bản chất của các tổ chức này. Một bên là tổ chức tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh; một bên là tổ chức xã hội (thu nhỏ), phục vụ nhu cầu gắn kết các cá nhân trong một cộng đồng với nhau. Quay lại một chút về lịch sử hình thành của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, ta thấy rất rõ một chi tiết là những người Hoa này đến Việt Nam vì chịu tác động từ những biến động xã hội to lớn tại Trung Hoa lúc bấy giờ, đó chính là sự thay đổi chế độ cầm quyền, nhà Minh bị lật độ bởi người Mãn Thanh. Những người thuộc nhà Minh vì không chịu khuất phục trước người Mãn Thanh nên đã di dân khỏi Trung Quốc và tìm ngày “phản Thanh phục Minh”. Ra đi trong tình hình xã hội rối ren như vậy, khi đến một vùng đất mới, nhu cầu tập trung đồng hương lại là một nhu cầu vô cùng bức bách của cộng đồng người Hoa. Do đó, có thể xem những hội quán của người Hoa ở Việt Nam chính là sản phẩm của một quá trình lịch sử.
Trong hai bài viết của mình, Nguyễn Đệ đã chỉ ra các dạng tổ chức xã hội mà tại đó, “… tạo nên “mạng lưới tộc người” trong xã hội…” [3: 310]. Các dạng tổ chức xã hội đó bao gồm: Tổ chức đồng hương – Tổ chức thân tộc (Hội họ) – Tổ chức nghề nghiệp (Hội nghề nghiệp) – Hội Công thương – Nghiệp đoàn Đầu bếp – Tổ chức bảo trợ – Tổ chức liên kết các Hội đoàn người Hoa [3, 4]. Trong các tổ chức xã hội đã liệt kê ở trên, tổ chức đồng hương chính là nguồn gốc ra đời của các hội quán. Như vậy, có thể tóm gọn lại cách hiểu của hội quán như sau: “Hội quán là những tổ chức cộng đồng theo nhóm dân tộc của người Hoa ở Việt Nam, được hình thành do nhu cầu thiết lập, cố kết cộng đồng trong quá trình sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam”.
Hội quán ở Sài Gòn nói riêng và ở Nam Bộ nói chung thể hiện ba chức năng cốt lõi: Trụ sở hành chính – trụ sở đồng hương – trụ sở hội liên lạc công thương trong bang (Bang ở đây được hiểu là sự phân nhóm dân tộc Hoa theo tiêu chí ngôn ngữ; hiện nay trên thực tế tồn tại năm bang người Hoa: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ (Khách Gia)) [8: 118].
Mang trong mình không chỉ một chức năng là một tổ chức xã hội thu nhỏ của cộng đồng người Hoa, hội quán có thể được xem như: “… không gian văn hóa thỏa mãn nhu cầu nhiều mặt của người Hoa: sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi gặp gỡ trao đồi, bàn chuyện làm ăn (…) hội quán chính là nơi hội tụ tập trung nhất những sắc thắc văn hóa Hoa…” [3: 311].
Như vậy, từ cách nhìn ở một góc độ chung nhất, rõ ràng ta thấy ba khái niệm “chùa” – “miếu” – “hội quán” đều có sự khác nhau về nguyên nhân hình thành, chức năng của mỗi loại công trình.
(5) Ở các quan điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu sẽ nhận diện những tiêu chí khác nhau để phân biệt, song trong bài viết này, tôi tập trung vào 5tiêu chí sau: (1) Nguyên nhân hình thành; (2) Chức năng; (3) Địa bàn phân bố; (4) Kiến trúc và quy mô công trình; (5) Đối tượng thờ phụng; (6) Đối tượng tham gia. Làm rõ sự khác biệt của 6 tiêu chí được liệt kê trên có lẽ là đủ cơ sở để nhận biết đâu là chùa, miếu và hội quán. Bảng tổng hợp bên dưới, về cơ bản sẽ hệ thống hóa lại các tiêu chí để nhận diện 3 loại tổ chức trên.
Cơ sởTiêu chí | Chùa | Miếu | Hội quán |
Nguyên nhân hình thành | Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương. | Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương. | Đáp ứng nhu cầu quy tụ, tập hợp những người Hoa chung Bang (ngôn ngữ). |
Chức năng | Cơ sở thờ tự của Phật giáo | Cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian | Là trụ sở hành chính – đồng hương – liên lạc. |
Địa bàn phân bố | Rộng khắp trên địa bàn thành phố | Rộng khắp trên địa bàn thành phố | Chủ yếu tại những nơi tập trung đông người Hoa sinh sống. |
Kiến trúc và quy mô công trình | Thường theo dạng chữ Nhất, Nhị, Tam, Đinh, Công, Nội công ngoại quốc, … quy mô có thể lớn hoặc nhỏ. | Kiến trúc đa dạng, có thể phỏng theo kiến trúc của các ngôi chùa, quy mô có thể lớn hoặc nhỏ | Thường theo dạng hình ống, tương tự kiểu nhà ở Hội An; quy mô khá lớn. |
Đối tượng thờ phụng | Phật Thích Ca (hoặc có thêm Bồ Tát, La Hán, các vị thần…), tùy thuộc vào các chi phái khác nhau | Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân và phối thờ với nhiều vị thiên và nhiên thần khác | … |
Đối tượng tham gia | Bất kể mọi dân tộc, tầng lớp xã hội đều có thể viếng | Không kể mọi dân tộc, tầng lớp xã hội đều có thể viếng | Cộng đồng các nhóm người Hoa. |
Với mục đích ban đầu là muốn góp một phần tiếng nói của bản thân người viết vào một thực trạng tồn động hiện nay trong xã hội, đó là nhận thức chưa cao của người dân trong cách gọi và phân biệt giữa Chùa – miếu – hội quán của người Hoa, tác giả đã cố gắng sưu khảo tài liệu để đề cập lại đôi nét về chức năng của các hình thức cơ sở đó, thông qua đó làm tiền đề đưa ra vài tiêu chí cơ bản nhất để phân biệt ba dạng thức công trình: Chùa – miếu – hội quán của người Hoa. Thực ra, sự phân biệt các dạng công trình này không phải là khó, chẳng qua phát xuất từ tâm lý xem nhẹ những giá trị văn hóa của cha ông đi trước để lại cho ta mà thôi. Bài viết hoàn thành có thể xem như một sự sơ khởi cho quá trình tái nhận thức của người dân về những công trình văn hóa đó – những di sản quý báu của cộng đồng người Hoa trong thời hiện đại tại Sài Gòn trong đời sống ngày hôm nay !
Tài liệu tham khảo
[1] Võ Thanh Bằng (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
[2] Phạm Đức Dương, Phạm Thanh Tịnh (Cb) (2014), Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
[3] Nguyễn Đệ (2015), “Tổ chức xã hội của người Hoa ở Nam Bộ hiện nay” in trong Nhân học và cuộc sống (tập 3), Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
[4] Nguyễn Đệ (2014), “Tổ chức xã hội của người Hoa ở Nam Bộ” in trong Nhân học và cuộc sống (tập 2), Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
[5] Lý Thị Minh Ngọc (2015), “Ngôi chùa trong đời sống văn hóa người Việt Nam Bộ” in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Trải nghiệm ý tưởng Việt Nam”, Đại học Sài Gòn.
[6] Trần Hồng Liên (2013), “Chùa ở thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử” in trong Văn hóa một số vùng miền ở Việt Nam, Nxb Thời đại.
[7] Trung tâm Thông tin Du lịch (2012), Di sản thế giới ở Việt Nam, Nxb Thanh niên.
[8] Phan Thị Yến Tuyết, Cao Tự Thanh (2013), Người Hoa ờ Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.
Sài Gòn, 22/06/2016.
Theo nghiencuulichsu