Những người yêu mến Lý Tiểu Long hẳn không thể quên ngày 20/7/1973 định mệnh. Đó là ngày mà ngôi sao điện ảnh và thiên tài võ học ấy ra đi, để lại bao nhiêu tiếc nuối và hụt hẫng cho cuộc đời.

Lý Tiểu Long là một giáo viên, một nghệ sĩ dũng cảm, một nhà triết học đã trở thành biểu tượng của văn hóa. Nhiều di sản ông để lại vẫn bền bỉ trước thời gian và vẫn truyền cảm hứng cho cả thế giới. Nhưng cũng có những điều đã hóa ra dở dang, và dần mai một – mà “Triệt quyền đạo” – môn võ do ông sáng lập – là một trong số đó.

Cái chết bất ngờ của Lý Tiểu Long diễn ra khi “Triệt quyền đạo” chưa được hoàn chỉnh về nhiều mặt. Chỉ trong bốn năm xây dựng, các đòn thế không có sự hệ thống và triết lý võ học còn nhiều thiếu sót. Tài năng của ông rất khó có thể bắt kịp, vì thế lớp hậu bối gần như không có thêm bất kỳ sự đóng góp nào để nâng tầm cho Tiệt quyền đạo thời gian sau đó. Môn võ này được truyền dạy trong quy mô nhỏ bởi những người bạn tập hay học viên thành thục tại trường võ của Lý Tiểu Long, ban đầu là tại Mỹ sau đó lan rộng sang các nước ở châu Á và một bộ phận ở châu Âu. Đến nay, độ danh tiếng của Triệt quyền đạo đã phai nhạt rất nhiều so với thời điểm Lý chưa ra đi.

Vậy tại sao người ta không tiếp bước được con đường Lý đã đi?

Bởi vì người ta rất khó lĩnh hội được thứ quan trọng nhất mà Lý Tiểu Long muốn truyền tải, thứ mà cũng chính nhờ nó ông đã làm chấn động nước Mỹ và thế giới – đó là nội hàm thâm sâu của chữ Đạo trong Võ.

“Nước” hay “Hãy trở thành Nước” là một trong những danh ngôn nổi tiếng nhất của Lý Tiểu Long.

Danh ngôn “Nước” đại diện cho một tinh thần biết thích nghi, biết học hỏi. Chính nguyên lý Nước của Lý Tiểu Long đã mở đường cho ông khám phá tài năng của chính mình, tạo nên bộ môn võ thuật mà ngoại trừ chính ông ra chưa từng có ai sánh được. Và cũng chính tư tưởng này đã tạo nên một nét đẹp vĩ nhân – biết tôn trọng và đề cao giá trị của con người trong cuộc sống, động viên, phấn khích tất cả những con người bình thường trở nên phi thường như ông.

Danh ngôn Nước xuất hiện lần đầu trong phim truyền hình trinh thám dài tập Longstreet. Phim kể về hành trình điều tra nhiều vụ việc của thanh tra bảo hiểm Mike Longstreet. Lý Tiểu Long xuất hiện trong 4 tập phim (đều được công chiếu trong năm 1971) với vai diễn Li Stung – người bạn và cũng là người thầy dạy võ cho Longstreet. Dù là một diễn viên khách mời nhưng Lý Tiểu Long được quyền tự viết lời thoại cho mình cũng như góp ý với đạo diễn về các phân cảnh võ thuật. Vì thế ông đã có dịp thể hiện những triết lý và tinh thần của Triệt Quyền Đạo vào phim. Trong một đoạn phim, khi Li Stung dạy võ Longstreet, Longstreet than phiền rằng “Mọi thứ quá nhiều và khó nhớ”. Li Stung trả lời:

“Loại bỏ tạp niệm để đầu óc bạn trở nên vô dạng, vô hình như nước kia.

Nếu bạn để nước vào một cái ly, nó trở nên cái ly.

Bạn để nước vào một cái bình, nó trở nên cái bình.

Bạn để nước vào một cái ấm, nó trở nên cái ấm.

Giờ, nước có thể chảy hoặc có thể phá hủy.

Hãy là nước, bạn của tôi”.

(Empty your mind, be formless, shapeless – like water.

Now you put water into a cup, it becomes the cup,

You put water into a bottle, it becomes the bottle,

You put it in a teapot, it becomes the teapot.

Now water can flow or it can crash !

Be water, my friend.)

Bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về nước từ nông cạn đến thâm sâu.

Khoảng 70% khối lượng cơ thể con người là nước. Mà nước thực tế không chỉ là một chất hóa học vô tri. Nước có khả năng ghi nhớ, tinh thể nước biết thay đổi hình dạng theo tinh thần – tóm lại, nước là một thực thể sống động. Võ học là sự lắng nghe cơ thể, và sự uyển chuyển của nước chiếm vai trò lớn – nếu không làm sao người ta có thể đứng tấn trên vành rổ?

Thực ra danh từ “nước” không phải chỉ là H2O, danh từ “nước” cũng như “khí” trong võ học và Đạo học, hay ether trong Thần học Phương Tây cổ đại – là một dạng thực thể sống, một dạng môi trường – năng lượng… điều gây nên thứ mà con người gọi là “truyền sóng”, “sự tương tác”.

Cũng như người không chân tu để biết nội hàm của Kinh Phật mà chỉ coi thành chuyện phiếm triết học, giờ đây, những người không luyện võ một cách chân chính sẽ chỉ có thể coi những danh từ này như khái niệm biểu tượng.

Hãy nói một cách trực quan hơn, nếu nói cốt lõi của “Triệt Quyền Đạo” hay võ học Lý Tiểu Long là “nước” – thì cũng tương hợp với võ học truyền thống – vốn hay lấy chữ Thiện, bỏ tâm tranh đấu mà đào tạo đệ tử.

Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố cơ ư đạo”.

Tạm dịch: Người thiện ví như dòng nước, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, chịu ở nơi mọi người ghét, nên gần với Đạo.

Ứng dụng trong rèn luyện võ học, có người còn cầu kỳ chia ra bảy cảnh giới dựa theo đặc tính của nước.

Một, càng trong hoàn cảnh khắc nghiệt càng cứng rắn, ấy là ý chí kiên cường.

Hai, hơi nước tụ lại rất nhanh gây ra áp lực lớn, ấy là tụ khí sinh lực.

Ba, nước có thể mang chứa vật bẩn rồi tự làm sạch, ấy là vô trở.

Bốn, nước nhìn như không có lực, chảy xuôi từ chỗ cao xuống chỗ thấp, nước chảy đá mòn, ấy là lấy nhu thắng cương.

Năm, nước có thể dâng cao cũng có thể hạ xuống thấp, ấy là co được giãn được, tiến được thoái được.

Sáu, nước không tranh không đấu, còn nuôi sống vạn vật trên thế gian nhưng lại không đòi báo đáp ấy là dưỡng.

Bảy, nước sau một vòng tuần hoàn có thể tán ra thành vô ảnh lơ lửng giữa đất trời, ấy là công thành thân thoái.

Tiếc cho Lý Tiểu Long, cuộc đời ông chưa ghi nhận bước thứ bảy này. 32 tuổi mà đã ra đi, quả là quá sớm. Bởi vậy dù “Triệt Quyền Đạo” do ông sáng lập vẫn được truyền thừa, nhưng lại gặp vấn đề rất to lớn.

Trong “Triệt Quyền Đạo”, không có công thức rập khuôn, môn sinh phải rèn luyện phản xạ, tùy ý sử dụng các dạng chiêu thức. Cái dở là nếu không có chân sư chỉ dạy thì người học có thể hiểu sai lệch mà tập loạn, lãng phí thời gian, thậm chí tiền mất tật mang. Vậy mới nói rằng sự ra đi của Lý Tiểu Long là một tổn thất không thể bù đắp.

Ngày nay chúng ta có thể bắt gặp những người cả đời có khi chẳng xếp chân tĩnh tọa cho ngay ngắn mà lại hay triết lý về Thiền tông, rằng vô vi, không lời, tự ngộ, cái gì cũng là không. Điên điên khùng khùng. Trong võ học cũng vậy, không hiếm người tập luyện không hề nghiêm túc, lười biếng không theo nổi hệ thống nhưng bao biện rằng “vô chiêu thắng hữu chiêu”, hoặc học môn này một chút môn kia một chút không tới đầu tới đũa, tựa như chộp giật đánh nhau đường phố. Than ôi, những lời của người đắc Đạo, của Thánh nhân mà qua miệng của họ đã bị tùy tiện loạn giải hết cả rồi.

Lý Tiểu Long tập luyện theo hệ thống truyền thừa nhiều đời, hoàn chỉnh không thừa không thiếu của Vịnh Xuân, khi tốt nghiệp rồi mới có thể theo đuổi sáng tạo. Thực tế sau khi trải qua một quá trình rèn luyện trọn vẹn trong một hệ thống, người học võ đã biết khai thác khả năng nội tại của cơ thể, từ đó mà có thể tiếp thụ những điều mới lạ khác. Vấn đề chính ở điểm này. Sau khi ông chết, nhiều người đã cố gắng cắt gọt và biến “Triệt Quyền Đạo” thành một môn võ sát thủ, ra đòn ngắn giết người nhanh, vì họ nghĩ rằng như vậy là chí giản chí dị – như một câu cửa miệng liên quan đến Phật, Đạo. Và như vậy cả một hệ thống bị phá hoại, nếu nói về hiệu quả giết người thì có khi môn võ này không thể so đọ với Systema hay Krav Maga, thậm chí cả Boxing.

Lý Tiểu Long đã từng phát biểu một cách rất Thiền tông rằng : “Muốn lý giải Triệt Quyền Đạo, cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy, nhất thiết không được nhầm lẫn ngón tay thành mặt trăng, càng không nên chỉ chú tâm vào ngón tay mà bỏ qua bao cảnh đẹp xung quanh. Tác dụng của ngón tay tôi là chỉ đến “ánh sáng”, còn việc bạn gặt hái được bao nhiêu, tầm mắt nhìn được bao xa thì phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân bạn để lĩnh hội và thu hoạch”.

Ngón tay, ánh trăng, kiến Phật – đó là câu chuyện kinh điển về việc phân biệt chân tướng, giả tướng – điều chỉ có được sau một thời gian lâu dài không ngừng thanh lọc tạp niệm trong đầu não.

Chính Lý Tiểu Long đã nói : “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá”.

Vấn đề của 10.000 cú đá đó là sự tập trung chăm chú, là lực nhẫn nại và quên lãng sự chộn rộn của thế tục. Quá trình gian khổ đó chính là quá trình gọt bỏ chướng ngại trong tâm. Tại sao những người thành công lại ít tự hào về nỗ lực bản thân trong khi những người khác trầm trồ – không phải vì họ tỏ ra khiêm tốn đâu, mà điều đó rất tự nhiên vậy. Bởi vì họ đã nhận ra rằng, rốt cuộc thành công không phải đến từ 10.000 cú đá kia, đó chỉ là một hình thức, cốt lõi của thành công là định lực con người đã được hoàn thiện.

Không chỉ trong võ thuật, bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống, nếu không bắt tay vào thực hành, chịu khổ chịu nạn thì rất khó để ngộ ra và thăng hoa đến cảnh giới của các bậc minh sư.

Sau tất cả, không phải ngẫu nhiên mà Lý Tiểu Long được xưng tụng là võ sư có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20. Biết bao giấy mực đã viết về ông, biết bao chàng trai say mê tập luyện theo ông. Và nếu có gì để nói nữa, thì có lẽ chỉ là hai chữ vỏn vẹn : “Huyền Thoại” – mà thôi.

TH/ST