Câu thành ngữ ám chỉ cảnh sống bó buộc, tù túng, mất tự do.
Chuyện kể:
Ngày xưa, có một nhà giàu nọ rất chơi thích chơi chim cảnh. Người nhà giàu thường nhốt chim sáo trong lồng treo trước cửa nhà để mua vui. Rồi một ngày, người nọ lại bắt được một con cá vàng, bèn thả vào chậu đặt cạnh lồng chim để làm cảnh. Ngày ngày, người chủ đem thức ăn đến cho chim và cá, cốt để thưởng thức tiếng hót của chim, dạy chim nói tiếng người và xem cá lượn lờ tung tăng trong chậu.
Một hôm, người chủ đi vắng, con cá nói với con chim rằng:
– Chị còn sung sướng nỗi gì mà còn nhảy nhót liên hồi, lại còn líu la líu lô. Chị có biết chị đang ở đâu?
Thấy con cá cùng cảnh ngộ bắt chuyện, con sáo mới giãi bày:
– Tôi thấy chị cứ lượn lờ bơi quanh cái chậu, còn nhởn nhơ nỗi gì, tôi thấy ấm ức cho chị lắm thay. Còn tôi, trước đây, sống ở trời đất bao la rộng bằng ngàn, bằng vạn chiếc lồng. Vườn là rừng, sông suối chỗ nào tôi cũng biết. Tôi muốn bay, muốn đậu, mặc sức, rồi líu lô suốt ngày trên vách đá cùng họ hàng chim muông. Giờ đây bị nhốt trong lồng, muốn đạp mà ra, tôi có hót là hót cho đỡ nhớ rừng, nhớ đàn, chứ nào có sung sướng gì.
Lúc ấy cá mới nói:
– Tôi và chị cùng chịu chung số phận. Tôi sống ở sông. Sông nước mênh mông, họ hàng nhà cá chúng tôi từng đàn lượn tung tăng, đến ngày con nước trẩy hội đông vui. Tôi nhớ sông, nhớ đàn mà quẫy quanh nơi thành chậu, để mà vươn ra chứ đâu có nhởn nhơ nỗi gì.
Một con mèo suốt ngày rình bên chậu nước và chiếc lồng, chỉ chờ thời cơ cá nhảy ra khỏi chậu là ngoạm lấy, rồi tìm cách thò tay vào lồng mà tóm ngọn con chim, nghe thấy chúng than thở với nhau, đành góp lời vào:
– Khổ thân cho chúng mày. Cá chậu chim lồng. Số phận đã run rủi vậy, con than vãn nỗi gì.
Cảnh đời không gì khổ hơn, nguy hiểm hơn cảnh “cá chậu chim lồng”, đã bị nhốt ở nơi chật hẹp lại bị đối xử không ra gì, số phận không biết đâu mà lường, sống chết không biết đâu mà tránh.
Ai ơi cá chậu chim lồng
Một ngày bằng cả năm gông ngồi tù
Ấy nên ngay cả con chim, con cá cũng muốn tự do, huống hồ là con người.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – NXB Thông tấn