Thường có câu “đàn ông không hư, phụ nữ không yêu”. Hay nói cách khác đàn ông quá tử tế thì khó có người yêu. Và điều này cũng đúng với cả phái nữ. Vậy nguyên do vì đâu dẫn tới kết quả đáng buồn này?

Vì sao càng tử tế càng dễ bị Người tốt luôn thất bại trong tình yêu? (Ảnh: Flickr)

Có rất nhiều chàng trai và cô gái tốt bụng luôn sẵn lòng làm mọi thứ cho người mình yêu. Nhưng theo thời gian, cái mà họ nhận được là bị “đá”, bị lừa dối, hay bị ngược đãi.

Quả thật, bất kỳ ai đối diện với kết cục trên đều rơi vào trạng thái hoang mang, bởi họ không thể hiểu tại sao tất cả lại trở nên sai lầm trong khi, ít nhất là về mặt lý thuyết, họ đã làm những điều đúng đắn. Họ không hiểu tại sao những việc làm tốt của mình lại không được đáp trả bằng tình yêu và sự tôn trọng.

Có phải cứ tặng hoa cho ai đó hay nấu bữa tối cho họ và họ sẽ yêu bạn mãi mãi… Không hẳn vậy!

Tại sao những chàng trai tử tế (và cả những cô gái) lại không nhận được cái kết có hậu?
Điều đầu tiên để nhìn rõ mọi việc là phải tạm thời đặt sang một bên mọi sự thất vọng và cay đắng. Bạn có thể có câu chuyện riêng của mình. Bạn có thể từng bị đối xử tệ bạc. Bạn có thể từng bị thua bởi một người rõ ràng kém xa bạn. Vậy tại sao “chàng của bạn” lại chạy theo những người phụ nữ lòe loẹt và lăng nhăng? Và tại sao “nàng của bạn” lại bỏ bạn vì một kẻ thất nghiệp?

Ồ, mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Nửa kia của bạn không phải là kẻ ngốc. Thế giới vẫn chưa đảo lộn. Ở đây đang tồn tại những nguyên tắc ảnh hưởng đơn giản. Những nguyên tắc này làm cho “người kém hơn” dường như trở nên có giá trị hơn trong khi bạn lại không bằng. Hãy cùng nghiên cứu họ kỹ hơn để hiểu tại sao những người tử tế lại không nhận được kết cục có hậu…


1. Bởi người “tử tế” không để cho nửa kia của mình “đầu tư”


Người nhận sự đối xử tử tế đó không phải lúc nào cũng cảm thấy yêu mến người cho (Ảnh: donbrobst)

Khi chúng ta làm những điều tốt đẹp cho người khác, chúng ta đầu tư vào họ và mối quan hệ của cả hai. Những khoản đầu tư về thời gian, công sức, và tiền bạc sẽ tăng dần theo thời gian. Những khoản đầu tư đó cũng khiến chúng ta cảm thấy đối tượng hẹn hò hay người bạn đời của mình là đáng giá, khiến chúng ta yêu họ và chúng ta cam kết cho mối quan hệ đó. Đây được gọi là nguyên tắc “chi phí chìm”. Giúp đỡ người khác và đối xử tốt với họ, dẫn chúng ta tới việc “định giá” và yêu họ.

Tuy nhiên, điều đó không đúng với vế ngược lại. Người nhận sự đối xử tử tế đó không phải lúc nào cũng cảm thấy yêu mến người cho. Thực tế, họ có thể cảm thấy bị điều khiển, trở thành gánh nặng, hay nhìn chung là không thấy biết ơn vì những việc bạn làm. Tình yêu là điều không thể mua hay kiếm được.

Điều này có nghĩa là bất cứ ai “làm ơn” sẽ đều có cảm giác đang yêu, nhưng những người “nhận ơn” có thể sẽ không cảm thấy như vậy. Người “đầu tư” cảm thấy yêu nhưng người “được đầu tư” có khi lại chẳng cảm thấy gì.
Trong “mối làm ăn này” những người tốt hầu như đều thất bại. Họ làm mọi việc. Họ luôn là người chờ đợi nửa kia của mình, làm những việc tốt, mua các món quà, trả tiền các bữa ăn.. và kết quả là họ có rất nhiều tình yêu (chi phí chìm) dành cho đối tượng hẹn hò hay bạn đời của mình. Nhưng nửa kia của họ lại không chịu đầu tư gì cả. Họ không cho đi bất cứ thứ gì. Vì vậy, họ không ở trong mối quan hệ yêu đương hay cam kết gắn bó.

Ngược lại, hãy thử so sánh với những “gã xấu xa” hay “những ả đua đòi”… Họ luôn đưa ra yêu cầu với nửa kia của mình. Họ đòi hỏi được nuông chiều, được chờ đợi và được vỗ về. Họ bắt nửa kia của mình phải “đầu tư”. Vì vậy, nửa kia của họ có hàng tấn “chi phí chìm”. Cho nên, nửa kia của họ luôn cảm thấy yêu họ và cam kết gắn bó với họ.

Mấu chốt của câu chuyện – đó là đừng “tử tế” và làm tất cả mọi việc. Hãy khiến nửa kia cũng phải đầu tư vào bạn và mối quan hệ của hai người. Hãy nhớ rằng khi họ làm điều gì đó cho bạn có nghĩa là họ đang yêu bạn. Nếu họ từ chối đầu tư vào mối quan hệ này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể sẽ không bao giờ đáp lại tình cảm của bạn.

2. Người tốt thường phải chịu những thái độ tồi tệ

Người tốt thường phải chịu những thái độ tồi tệ (Ảnh: femalesia)

Mọi người đều sẽ rút ra bài học từ kết quả hành vi của mình. Khi họ thực hiện một việc và nhận được sự khen thưởng, họ có xu hướng sẽ tiếp tục lặp lại việc đó. Ngược lại, nếu họ thực hiện một việc và bị phạt, họ sẽ né tránh việc đó trong tương lai. Lý thuyết là vậy, khá đơn giản…

Quay trở lại việc những chàng trai/cô gái tử tế thường đối xử rất tốt với nửa kia của mình vào mọi lúc, thậm chí ngay cả khi người đó không xứng đáng. Cho dù họ có bị đối xử ra sao thì những người tử tế vẫn sẽ tiếp tục đối xử tốt với nửa kia của mình.

Người tử tế thường cho rằng một ngày nào đó nửa kia sẽ nhận ra những việc làm tốt của mình. Và rằng nó sẽ khiến họ từ bỏ những hành vi tồi tệ đối với mình. Điều này có nghĩa là gì? – Bị tát má bên này lại tiếp tục đưa má bên kia. Và đó là tất cả.

Nhưng họ không nhận ra một điều rằng chính họ đang “dạy” nửa kia cách đối xử như vậy bằng chính việc luôn đối tốt với những người này vô điều kiện.

 

Về bản chất, việc họ luôn tử tế mọi lúc mọi nơi chính là một sự “khen thưởng” cho hành vi tồi tệ của nửa kia của họ. Nếu bạn vẫn nấu cho anh ấy ăn trong khi anh ấy đang tỏ ra thiếu tôn trọng bạn, có nghĩa là bạn đang “khen thưởng” và khuyến khích anh ấy tiếp tục cư xử như vậy. Nếu bạn vẫn đưa cô ấy đi chơi trong khi cô ấy không ngừng gắt gỏng và cằn nhằn, thì chắc chắn cô ấy sẽ còn tiếp tục giữ thái độ đó trong những lần sau.

Những người “không quá tốt” sẽ kiểm soát mọi việc tốt hơn. Họ chỉ “khen thưởng” nửa kia của mình khi họ xứng đáng với những phần thưởng đó. Và họ cũng sẽ loại bỏ những người có thái độ không tốt hay thiếu tôn trọng. Điều này sẽ “dậy” cho đối tượng hẹn hò hay bạn đời của họ về những gì họ sẽ hoặc không chịu được và khiến những người đó biết họ mong chờ điều gì.

Vì vậy, nếu những người tử tế biết cách chọn lọc để trao thưởng – và đôi khi giữ lại – họ sẽ nhận lại được sự đối xử tốt hơn. Họ cũng sẽ được những người khác tôn trọng hơn.

3. Luôn có sẵn quá nhiều người tốt


Luôn có một số nhận định cảm tính hỗ trợ chúng ta đưa ra quyết định. Một trong những điều đó là quy tắc khan hiếm. Nhìn chung, chúng ta tin rằng tất cả những gì khan hiếm, hay đòi hỏi phải nỗ lực để đạt được sẽ đều có giá trị. Và ngược lại, những gì quá dễ có hoặc phổ biến sẽ đều rất rẻ.

Mặc dù điều này không phải luôn đúng nhưng mức độ chính xác đủ để khiến nó trở thành một giả định vô thức và phổ biến. Nó được áp dụng cho tất cả mọi thứ… mọi người.

Thật không may cho những người tử tế, họ có thể là bất cứ điều gì nhưng không phải là sự khan hiếm. Họ luôn háo hức muốn làm hài lòng. Họ luôn dễ dàng từ bỏ cuộc sống của mình để ưu tiên cho đối tượng hẹn hò hay bạn đời. Họ hy vọng điều này sẽ khiến nửa kia biết ơn và tôn trọng họ. Bằng cách khiến bản thân luôn trong tình trạng “sẵn sàng” cho nửa kia và gạt bỏ mọi điều bất tiện, họ hy vọng sẽ khiến tình yêu được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Hay nói cách khác họ không phải là điều gì đó khan hiếm hay khó để có được. Họ tự khiến mình trở nên mất giá hay vô giá trị.

Ngược lại, những “gã xấu xa” hay “những ả đua đòi” thường “khó với tới”. Họ không bao giờ sẵn sàng cho bạn, luôn hủy hẹn, và khiến nửa kia của mình phải làm theo cách của họ. Họ chẳng làm gì ngoài việc bỏ bê và khiến người yêu cảm thấy bất tiện. Tuy vậy, người yêu của họ luôn cảm thấy họ rất lôi cuốn, thu hút và hấp dẫn (điều khiến những người “tử tế” rất thắc mắc).

Nhưng những “gã xấu xa” hay “những ả đua đòi” lại thuộc dạng hiếm. Chính sự khan hiếm này khiến họ dường như trở nên có giá trị. Việc họ luôn bận rộn và phá vỡ kế hoạch khiến họ có vẻ tự tin và quan trọng. Việc khiến người khác vất vả và tốn thời gian tạo ra cảm giác rằng thời gian của họ rất có giá trị và phải từ bỏ mọi thứ để “đánh cắp” từng khoảnh khắc bên họ và làm cho người khác phải trân trọng khoảng thời gian mà họ “dành cho”. Đó là ảo giác về sự khan hiếm.

Vì vậy, đôi khi những người tử tế cần biết cách gây “bất tiện” cho người yêu của mình và họ sẽ được lợi khi trở nên “khan hiếm”. Họ sẽ có vẻ có “giá” hơn nếu họ chấm dứt việc từ bỏ mọi thứ mỗi khi người yêu vẫy gọi. Nếu họ trở nên “cành cao” một chút, họ sẽ càng hấp dẫn hơn trong mắt người yêu của mình.

Lời kết

Một lần nữa, cần phải khẳng định rằng người yêu cũ của bạn không điên. Nhưng những xung động tâm lý khiến họ xử lý mọi chuyện hoàn toàn khác với những gì mà một người tốt thường hy vọng.

Liệu điều này có đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành một kẻ hư hỏng hay một cô nàng đỏng đảnh để có thể tìm thấy tình yêu? Tất nhiên là không. Nhưng nó có nghĩa rằng bạn cần phải xử lý thận trọng hơn với thời gian, sự quan tâm và lòng tốt của mình. Bạn không nên luôn sẵn sàng làm hài lòng người yêu nhưng cũng không trở thành kẻ đòi hỏi; bạn không nên “quá có sẵn” những cũng đừng hết tử tế.

Hãy học hỏi một số điều từ những kẻ hư hỏng và cô nàng đỏng đảnh nhưng đừng bắt chước họ hoàn toàn. Để tạo ra mối quan hệ yêu đương, tôn trọng và trân trọng, bạn cần phải nắm được “luật chơi”… và hãy chơi thật tốt.

Kim Chi / Guu

TH/ST