Thắp hương là một phong tục đẹp được lưu truyền từ bao đời nay. Hương được thắp nhiều vào dịp Tết và những dịp quan trọng khác như lễ động thổ, nghênh xuân, tịch điền, hội hè… Nghề làm hương cũng đã có từ lâu, không chỉ là một nghề nuôi sống nhiều người mà còn là một nét đẹp văn hóa ở nhiều làng quê Việt Nam.

Năm 1910, ông Jacques Pouchat, Quyền Hiệu trưởng Trường Bách nghệ Hà Nội (Ecole professionnelle de Hanoi)[1] thực hiện một nghiên cứu về nghề làm hương ở Bắc Kỳ. Nghiên cứu được đăng lần đầu trên Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) số 12 (tháng 12/1910) và số 01 (01/1911). Nhận thấy lợi ích của công trình nghiên cứu công phu này đối với việc phổ biến và phát triển nghề làm hương, tháng 02 năm 2011, Phòng Thương mại Hà Nội đã giao Nhà in Viễn Đông in 400 bản bằng chữ quốc ngữ và 200 bản tiếng Pháp để phát cho các tỉnh ở Bắc Kỳ. Bản dịch sang chữ quốc ngữ do ông Phạm Văn Thùy, trợ giáo nông học ở Trường Bách nghệ Hà Nội thực hiện. 276 bản đã được phát đi 29 tỉnh, với sự ưu tiên rõ rệt dành cho các tỉnh Hà Nội (30 cuốn); Hà Đông (25 cuốn); Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định (mỗi tỉnh 20 cuốn)[2].

Theo tài liệu này, xứ Đông Dương thường nhập khẩu hương từ Quảng Đông và Hong Kong của Trung Quốc. Năm 1907, ước tính số hương nhập khẩu đạt 1.511.900kg. Ngoài ra, Đông Dương cũng mua 25.820kg keo và 120.950kg gỗ thơm của Trung Quốc và Singapore để làm hương hoặc làm trầm đốt lư lương ở đền chùa và các nơi thờ tự khác.

Người Hoa bắt đầu lập xưởng làm hương ở Hà Nội và Hải Phòng từ năm 1890. Đến năm 1910, hai địa phương này có khoảng 10 xưởng hương của người Hoa với 7 xưởng ở Hà Nội, chủ yếu ở phố Hàng Buồm. Số liệu xưởng hương của người An Nam ở Hà Nội trong thời gian này vào khoảng 20 xưởng, nằm ở các phố Hàng Lược, Ngõ Gạch, Hàng Đồng, Hàng Cót, Hàng Cá, Thuốc Bắc.

Xưởng hương của người Hoa khá nhỏ, mỗi xưởng ngày thường chỉ thuê 3 thợ, ngày tết lên 6 thợ. Ngoài tiền công, thợ được nuôi ăn và cung cấp chỗ ngủ. Tuy nhiên, nghề làm hương khá vất vả do phải phải đứng hoặc cúi nhiều, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, thời gian làm việc liên tục và kéo dài khiến sức khỏe của người thợ suy giảm. Một người vừa ngào thuốc, vừa se hương có thể l làm được 7.500 đến 8.000 nén hương mỗi ngày nếu làm từ 5 rưỡi sáng đến chín, mười giờ tối. Xưởng của người An Nam thường do người trong gia đình tự làm, ít thuê người.

Nguyên liệu làm hương bao gồm: cống đàn[3], bạch đàn, bắc hướng, hoa sản hay kỳ nam, mộc hương, mạt cưa, bột gỗ trắng, bột gỗ vàng, keo vàng (thường làm từ vỏ ré hương, vỏ thủy liên giao mộc, vỏ bạch diện giao mộc), keo xanh (làm bằng lá cây thanh giao mộc và thạch giao mộc), quế chi, cam thảo, an tức hương, hợp dầu, nhũ hương, thảo quả, địa liền, đinh hương, tiểu hồi, đại hồi, hoa ngâu, đường cát, muội đèn, rượu, phẩm điều, phẩm hồng[4].

Cối giã mạt cưa (nguồn: TTLTQGI)

Nghiên cứu nêu rõ quy trình làm hương với nhiều công đoạn: cưa gỗ, giã gỗ, rây bột gỗ, ngào thuốc, làm hương, phơi hương. Ngoài những dụng cụ chung như cân, gáo, cối chày, cưa, bàn chải, chiếu, giần sàng, giàn phơi…, mỗi loại hương lại yêu cầu những dụng cụ riêng:

– Hương se: bàn se hương, ghế, ván se hương, dao, mẹt đựng hương, chậu sành để ngào bột…

– Hương vòng: cối đồng, bàn ép, tiêm để thông vòi chì, vân quấn hương, bàn, miếng chì, mẹt, nong…

– Hương nhúng: bàn, thùng, vại, ván dỗ hương, ghế dài.

Giàn phơi hương (nguồn: TTLTQGI)

Hương làm xong phải gói lại để giữ mùi thơm. Túi giấy đựng hương cũng là lĩnh vực người Hoa chiếm ưu thế. Các mẫu túi giấy do người An Nam in đều học theo mẫu của người Hoa đặc biệt là của các hiệu Trần Quảng Hinh, Quảng Bình An và Lương Vĩnh Hinh. Cách in được mô tả như sau: “ […] người ta lấy nước có rựa, ở giưới đảy sải sơn, rồi lấy bàn chải dấp nước ấy vào con giấu, sau mới ấp cái giấy vuông ấy vào. Đương khi chữ còn ấm thì người ta giắc vàng bột vào chải đi một lượt thì song[5]”.

Giống như nhiều mặt hàng hiện nay, hương của người bản xứ dù thơm hơn nhưng không được ưa chuộng như hương Tàu. Nguyên nhân nằm ở mẫu mã “không được lịch sự bởi vì bó bằng lạt che không được đẹp mấy […]. Chông những cái bao sặc sỡ mà hình vẽ đẹp cũng đủ làm cho Annam ta tối mắt lại không còn nói đến sự giả hay thực”.

Mẫu túi giấy gói hương (nguồn: TTLTQGI)

Nhận thấy tiềm năng của nghề hương cũng như những nhược điểm của hương trong nước, Trường Bách nghệ Hà Nội đã tiến hành đào tạo nhân lực trong ngành với hi vọng Bắc Kỳ sớm tự sản xuất đủ hương phục vụ nhu cầu trong xứ mà không cần tiếp tục mua hương từ Trung Quốc[6]. Năm 1910, đã có một số học sinh của trường tốt nghiệp ra làm công ở các xưởng hoặc mở cửa hàng riêng.

 


[1] Ông Phạm Văn Thùy dịch là Trường Bác học. Chúng tôi dùng từ thường gặp trong các tài liệu đương thời là Trường Bách nghệ.

[2] Tài liệu này thuộc hồ sơ 40125 phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, gồm cả 02 bản tiếng Pháp và chữ quốc ngữ.

[3] Theo giải thích trong nghiên cứu, cống đàn là một loại gỗ rất thơm, thường mang từ Trung Quốc sang. Gỗ này cưa thành mạt cưa thật nhỏ rồi trộn vào thuốc làm hương nhiều hay ít tùy theo chất lượng hương tốt hay xấu. Còn bắc hướng là thứ gỗ đỏ mùi thơm ngát mà hơi chua, giống mùi gỗ hoàng đàn trồng ở Lạng Sơn.

[4] Một số loại nguyên liệu chúng tôi chưa tra được thông tin cụ thể.

[5] Các đoạn trích dẫn được giữ nguyên chính tả trong bản gốc.

[6] Thư của Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Nội gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày 15 tháng 02 năm 1911, RST40125.

Bùi Hệ

Theo TTLTQG