Hai từ “cống rãnh” luôn gợi đến sự liên tưởng về nơi tập trung mọi thứ cặn bã, hôi hám, bẩn thỉu của đời sống… Nhưng đối với trẻ em tại các thành phố Việt Nam từ thập niên 1990 trở về trước, cống rãnh chính là nơi khởi nguồn của một “điều kỳ diệu”.
Đó chính là những chú cá rất nhỏ bé nhưng có màu sắc thật lung linh quyến rũ, thường được gọi là cá bảy màu hay mây chiều, khổng tước.
Khoảng 2 thập niên trước, có thể bắt gặp những chú cá này ở mọi nơi của Hà Nội. Chúng tung tăng trong các hồ nước, lúc nhúc trong những rãnh mương, bơi hàng đàn dọc theo các đường cống. Thậm chí, cả những vũng nước mưa trên vỉa hè cũng đấy ắp cá bảy màu. Có lúc chúng nhiều đến nỗi tưởng như… lấy đũa cũng có thể gắp được.
Có nguồn gốc từ châu Mỹ, cá bảy màu được đưa vào Việt Nam từ năm 1970 để thả vào các ao, hồ, sông, rạch nhằm tiêu diệt bọ gậy trong chương trình diệt trừ sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác. Nhưng chẳng đứa trẻ nào cần phải biết về điều này. Với chúng, cá bảy màu đơn giản chỉ là một niềm vui khó có thể cưỡng lại.
Cứ đến những buổi chiều mùa hè, bọn học sinh cấp 1 lại í ới gọi nhau đi bắt cá bảy màu. Đồ nghề lỉnh kỉnh gồm vợt bắt cá, rổ, rá, túi ni lông, chai nhựa đựng cá… Nơi bắt cá có thể là một bờ hồ gần nhà, cũng có khi là đường cống ngay trước khu tập thể.
Càng đông thì càng vui. Buổi bắt cá diễn ra với những cảnh bủa vây, lùa, truy đuổi… trong tiếng hò hét náo nhiệt. Đứa nào cũng phấn khích khi nhìn những chú cá lấp lánh cầu vồng búng mình trong lòng vợt.
Có đứa “tham lam” làm cả một cái “gọng vó” như của các bác dân chài, mỗi lần “hớt” có thể bắt được cả đàn cá. Nhưng thông thường không phải bạ con nào cũng bắt mà phải chọn lọc kỹ càng, cá đực thì phải màu đẹp, đuôi dài, cá cái thì bụng phải chửa. Những con nhỏ chưa lên màu nhiều lỡ dính vợt có khi lại lúi húi gỡ ra thả về cống. Nhiều khi chú tâm để lùng bắt những chú cá đẹp thì thất bại, nhưng khua vợt vu vơ thì lại dính những chú “trên cả tuyệt vời”.
Bọn trẻ ở Hà Nội thường rỉ tai nhau mương Tô Lịch là nơi có cá bảy màu to và đẹp nhất. Không hiểu điều này có liên quan gì đến mức độ… hôi thối vào bậc nhất của con mương này hay không?
Chiến lợi phẩm của buổi “đánh bắt cá” thường được nuôi trong các chai, lọ thủy tinh đặt trên bàn học. Đứa nào có bể thủy tinh thì tha hồ sướng vì nuôi được rất nhiều cá. Có khi bể to, bê mỏi cả tay nhưng vẫn chăm chỉ thay nước hàng ngày vì nước trong thì nhìn cá bơi mới đẹp.
Bọn trẻ con có thể mê mẩn ngắm nhìn những chú “cá cống” lung linh màu sắc của mình cả buổi không biết chán. Mỗi chú cá bảy màu toát lên có một vẻ đẹp riêng, không bao giờ giống nhau, chú vằn vện, chú thì xanh biếc, chú đuôi đỏ, có chú đuôi lại trắng toát Có khi trên thân cá còn có cả đốm nhấp nhánh đổi màu…
Không chỉ đẹp, một điều thú vị khác khi nuôi cá bảy màu là chuyện cá… đẻ con. Dấu hiệu nhận biết cá sắp đẻ là cá cái bụng phình to, cá đực rượt đuổi theo sau để “thúc”. Nếu cẩn thận thì phải tách cá chửa ra ruôi riêng để tránh cho cá con bị các cá lớn khác ăn thịt. Ngóng chờ từng ngày để xem cá đẻ, nhưng rất dễ xem… hụt vì cá thường đẻ vào đêm, khi sáng dậy nhìn vào lọ đã thấy cả một đàn cá con nhỏ xíu bơi tung tăng.
Cá bảy màu trưởng thành nhanh và rất mắn đẻ nên chỉ sau 1 năm, từ vài cặp ban đầu, cá sản sinh ra cả một lô một lốc “con đàn cháu đống”, nuôi không xuể. Đem đi cho hết bạn này đến bạn khác mà vẫn còn nhiều, có khi phải đem ra cống đổ vì bố mẹ kêu…
Giờ đây, phần lớn các đoạn mương, cống ở Hà Nội đã ngầm hóa, nguồn nước ở nhiều nơi ô nhiễm đến độ cá bảy màu không sống nổi. Những chú cá bảy màu “hoang dã” ngày càng trở nên hiếm hoi. Niềm vui thú của trẻ em một thời dần trở thành dĩ vãng.
Đi qua những của hàng cá cảnh ngày nay, có thể thấy nhiều chủng loại cá bảy màu lai tạo có những cái tên mỹ miều, màu sắc rực rỡ, dáng vẻ thướt tha như bảy màu “pha lê” đỏ rực như lửa, bảy màu “da báo” quý phái… So sánh với chúng, những chú cá “bảy màu cống” thuở nào trông thật nhỏ nhoi và quê mùa.
Chỉ có cái cảm giác thân thương, niềm vui trong trẻo của tuổi thơ gắn với những chú cá đến từ cống rãnh là điều mà không một loài cá cảnh quý phái, đắt tiền nào khác có thể đem lại.
datviet