Vị vua duy nhất của triều Nguyễn chỉ lấy một vợ, không lập thứ phi. Tuy lấy một người vợ Pháp, ông vẫn mặc áo dài, khăn đóng như khi ở quê nhà và vẫn dạy con nhớ về quê hương bản xứ. Ông đã từng nói với các con mình: “Các con chưa thể là một người Việt tốt, thì hãy là một người Pháp tốt”.

Vua Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch (sinh năm 1872). Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Thanh Nhàn. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh. Gia đình Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai có lẽ là một trong những gia đình vương gia đặc biệt nhất trong lịch sử khi có tới 3 người con đã từng lên ngôi vua.

Chỉ có điều lên ngôi giữa thời loạn lạc, nên vì lý do này, lý do khác mà thời gian tại vị của cả ba vị vua này đều tương đối ngắn ngủi. Hiện nay, tại Kiên Thái Vương phủ nằm trên đường Phan Đình Phùng (Thành phố Huế), những hậu duệ trong gia đình Kiên Thái Vương vẫn thờ Vua Hàm Nghi và một số vị vua khác của triều Nguyễn.

vuhamnghi

Nguyễn Phúc Ưng Lịch từ nhỏ đã cùng mẹ ruột sống ở ngoài phủ. Tuổi thơ của ông trải qua cảnh dân dã, bần hàn, chứ không được nuôi dạy trong xa hoa, phú quý.

Trước khi Vua Hàm Nghi lên ngôi, các vị vua trước đó đều có tư tưởng nhún nhường với Pháp. Đó chính là lý do mà các đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định đưa Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi vua với niềm tin rằng, một vị vua trẻ, chưa bị nhiễm các thói xa hoa, phù phiếm sẽ vẫn còn giữ được tinh thần tự tôn dân tộc, sẽ chịu đựng được gian khổ và kiên cường cùng nhân dân đứng lên chống Pháp.

Chuyện kể lại rằng năm Ưng Lịch 13 tuổi, Tôn Thất Thuyết sai sứ giả đến đón ông về để lên ngôi vua. Lúc đó, Ưng Lịch còn hoảng sợ, không dám mặc áo mũ được sứ giả dâng lên. Ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi lên ngôi, Vua Hàm Nghi mới 13 tuổi.

Tuy lên ngôi từ lúc rất nhỏ tuổi, nhưng có lẽ vì chịu ảnh hưởng của các phụ chính đại thần như Tôn Thất Thuyết, nên từ nhỏ Vua Hàm Nghi đã sớm có tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp. Năm 1885, ông theo Tôn Thất Thuyết chạy về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình, chịu không biết bao nhiêu đói khổ, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt để chống Pháp.

Nhưng càng chịu đựng gian khổ nhiều, tinh thần yêu nước của vị vua trẻ càng mãnh liệt. Ông đã viết Chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu yêu nước và nhân dân nổi dậy chống Pháp dành độc lập. Chiếu Cần Vương được Vua Hàm Nghi viết ngay tại vùng Tân Sở.

Là một vị vua trẻ, can đảm, dám từ bỏ vinh hoa phú quý để vào vùng rừng núi nuôi chí chống Pháp nên Vua Hàm Nghi nhận được sự ủng hộ đông đảo của các sĩ phu yêu nước và quần chúng nhân dân. Chiếu Cần Vương do ông viết đã tạo ra được một phong trào Cần Vương vô cùng rầm rộ những năm sau này, khiến thực dân Pháp không ít lần đau đầu tìm cách dẹp bỏ.

vuahamnghibibat

Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Vua Hàm Nghi, nhưng ông đều từ chối. Ông nói: “Ta ưa chết trong rừng hơn là về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa”. Chính vì thế mà thực dân Pháp đã tìm kế bắt ông. Năm 1888, Vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc, kẻ hầu cận cho ông làm phản. Bọn chúng đã bắt Vua Hàm Nghi đưa về nộp cho Pháp. Khi đó Vua Hàm Nghi mới 17 tuổi. Để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Vua Hàm Nghi đối với phong trào Cần Vương đang nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp đã đày Vua Hàm Nghi sang Algerie.

Thượng tuần tháng Giêng năm 1889, Vua Hàm Nghi bị Pháp đưa sang Algerie trên một chiếc tàu Pháp mang tên Biên Hòa. Nơi dừng chân của ông là Alger, thủ đô của Algerie. Tại đây, Vua Hàm Nghi bị giam lỏng cách Alger chừng vài cây số. Đây là một vùng hoang dã trên dãy đồi Mustapha Supereur. Vua Hàm Nghi sống trong một villa nhỏ ở đây, có tên gọi là Villa des pins hay còn gọi là Biệt Thự Tùng Hiên. Đó là một ngôi biệt thự nhỏ xung quanh có sân rộng, có vườn hoa và đường đi vào nhà có hai rặng thông.

Vua Hàm Nghi những ngày bị đi đày

Lúc mới bị đày sang Algerie, Vua Hàm Nghi kiên quyết không chịu học tiếng Pháp vì cho rằng học tiếng Pháp là mặc nhiên thừa nhận lũ thực dân đã cướp nước mình. Mọi việc giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh ở Algerie, Vua Hàm Nghi đều thông qua một người phiên dịch. Nhưng sau vài năm sống ở Algerie, ông nhận ra rằng Algerie tuy là thuộc địa của Pháp nhưng người dân bản địa ở đây đều là những người rất thân thiện, gần gũi và tốt bụng, hoàn toàn không mang những âm mưu, lòng dạ thâm độc như những tên thực dân sang xâm chiếm Việt Nam.

Chỉ sau một thời gian học tiếng Pháp, ông đã nói thông thạo như người Pháp và ngày càng kết bạn được với nhiều người sống ở Algerie. Tuy là một vị vua bị lưu đày và bị thực dân Pháp cho người theo dõi, quản thúc, nhưng sự xuất hiện của Vua Hàm Nghi ở xứ sở thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi vẫn là một sự kiện lớn, gây chú ý cho những người dân sống ở đây. Ông được chính quyền và nhân dân ở đây chào đón rất nhiệt liệt. Sau này, chính vì tư cách của ông, một cốt cách nhã nhặn, hài hòa nhưng vô cùng mạnh mẽ mà ông càng được người dân bản quán yêu quý.

Sau vài năm sống ở đây, Vua Hàm Nghi đã quen với nhiều trí thức cũng như văn nghệ sĩ tại Alger. Ở tuổi ngoài 20, ông đã thường xuyên sinh hoạt trong môi trường này. Cũng chính trong hoàn cảnh đó, Vua Hàm Nghi bắt đầu phát huy được năng khiếu nghệ thuật của mình. Ông học vẽ, học chụp ảnh và tham gia vào nhiều cuộc triển lãm. Nhờ tài hoa của mình nên ở Alger, Vua Hàm Nghi được giới thượng lưu trí thức ngưỡng mộ, bất kể ông là một người da vàng bị lưu đày.

Cùng quãng thời gian Vua Hàm Nghi bị lưu đày sang Alger, một vị Thẩm Phán tên là Francois Laloe cũng được điều từ nước Pháp sang giữ chức vụ Chánh Biện lý Tòa Thượng Thẩm Alger. Ông Francois Laloe là người thuộc dòng dõi quý tộc lớn tại miền nam nước Pháp. Ở Pháp, ông được xếp vào tầng lớp quý tộc được trọng vọng. Khi sang Alger, ông cũng được giới quý tộc ở đây tôn kính và là người có tiếng nói, có ảnh hưởng trong vùng.

Chánh Biện lý Tòa Thượng Thẩm Francois Laloa góa vợ. Ông chỉ có một cô con gái tên là Marcelle Laloe, lúc sang Algerie mới khoảng 16 tuổi. Là một trong những trí thức lớn, một viên chức đứng đầu của ngành Tư Pháp ở xứ thuộc địa, trong quãng thời gian sống ở Algerie, ông Francois Laloe thường xuyên góp mặt vào những buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ dành cho giới thượng lưu ở thủ đô Alger được tổ chức tại gia đình bà Nam Tước De Vialar. Đây là một gia đình rất thân thiết và quý mến Vua Hàm Nghi, nơi Vua Hàm Nghi thường xuyên qua lại, thậm chí còn sinh hoạt ở đó.

Nhờ mối quan hệ thân tình này, cũng vốn là người được số đông trong giới thượng lưu ở Alger yêu quý, nên vua Hàm Nghi và gia đình ông Francois Laloe nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông Francois Laloe đã rất khuyến khích cô con gái trẻ tuổi của mình trò chuyện giao lưu với Vua Hàm Nghi – một người dân một nước thuộc địa của Pháp đang bị lưu đày nhưng có xuất thân hoàng tộc cao quý và hơn cả là có một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp.

Tuy Vua Hàm Nghi hơn Marcelle Laloe 13 tuổi, nhưng không vì thế mà khoảng cách tuổi tác trở thành rào cản đối với họ. Được tiếp xúc với Vua Hàm Nghi nhiều lần trong những buổi sinh hoạt tại biệt thự của bà Nam tước De Vialar, Marcelle Laloe ngày càng có cảm tình với Vua Hàm Nghi. Dần dần, tình cảm của Marcelle Laloe và Vua Hàm Nghi ngày càng trở nên sâu đậm.

Tuy ông Francois Laloe có xuất thân quý tộc Pháp, nhưng mối quan hệ này của cô con gái duy nhất được ông vô cùng ủng hộ. Chỉ một thời gian sau đó, ông Francois Laloe đã đồng ý cho con gái Marcelle Laloe làm lễ đính hôn với Vua Hàm Nghi.

Quãng thời gian Vua Hàm Nghi và cô Marcelle Laloe mới nảy sinh tình cảm, người dân xứ Bắc Phi thường nhìn thấy Vua Hàm Nghi và Marcelle ngồi trên chiếc xe song mã và cùng đi chơi. Nếu Marcelle mặc trang phục của một cô gái phương Tây, thì Vua Hàm Nghi mặc trang phục truyền thống của Việt Nam: áo dài, khăn xếp.

Một cô gái da trắng và một chàng trai da vàng, với hai lối phục trang hết sức khác nhau, thường xuyên đi dạo trên cỗ xe song mã, đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với người dân bản xứ khi đó. Nhưng không vì thế mà hai người không trở nên đẹp đôi trong mắt mọi người.

vuavavo

Ngày 4/11/1904, 15 năm sau khi bị lưu đày sang Algerie, Vua Hàm Nghi kết hôn với Marcelle Laloe, con gái của ông Francois Laloe. Hôn lễ được tổ chức trọng thể và sang trọng tại Thánh đường của Tòa Tổng Giám mục Alger, với sự góp mặt của đông đảo tầng lớp thượng lưu, trí thức tại đây. Ông Francois Laloe là người đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của con gái và cựu Hoàng xứ An Nam.

Vua Hàm Nghi trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, cũng là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam kết hôn với một người phụ nữ phương Tây. Trong lễ thành hôn của Vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe, khi cô dâu Marcelle vận một chiếc váy cưới lộng lẫy thì Vua Hàm Nghi vẫn mặc đúng chiếc áo dài đen cổ truyền của quê hương, đầu đội khăn xếp.

Chính vị Tổng Giám mục Alger là người đã ban phép lành cho Vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe. Kể từ đó, Marcelle Laloa trở thành La Princesse d’Annam – tức là “Vương phi của nước An Nam”, hay “Vợ của vua An Nam” (vì theo truyền thống của nhà Nguyễn trước đó, vợ của vua không được lập là Hoàng Hậu, chỉ được lập là vương phi. Đến thời vua Bảo Đại, do hoàn cảnh bắt buộc, Bảo Đại mới phải lập bà Nam Phương làm Nam Phương Hoàng hậu).

Đám cưới của Vua Hàm Nghi và Marcelle năm 1904 được xem là một sự kiện lớn và vô cùng đặc biệt tại Alger, một sự kết hợp đặc biệt giữa một cô gái có xuất thân quý tộc Pháp và một vị vua của một nước thuộc địa Pháp bị lưu đày. Rất nhiều người dân ở Thủ đô Alger đặc biệt quan tâm đến sự kiện này. Họ đã kéo nhau đến đứng xung quanh khu vực nhà thờ để tận mắt chứng kiến lễ cưới và chiêm ngưỡng đôi vợ chồng trẻ khi họ bước ra khỏi thánh đường.

Sau khi kết hôn, Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sống rất hạnh phúc. Hai ông bà rất yêu thương và tôn trọng nhau. Bà Marcelle Laloe theo Thiên Chúa giáo, còn Vua Hàm Nghi vẫn theo Đạo Phật chứ không cải đạo theo vợ. Ông vẫn ăn vận theo lối cũ và sống theo lối của một người phương Đông. Nhưng ông vô cùng tôn trọng tín ngưỡng của vợ và vẫn thường đưa bà đi lễ ở Nhà thờ Thánh Philippe, nhà thờ của Tòa Tổng Giám mục Alger. Thỉnh thoảng, Vua Hàm Nghi vẫn viết thư về Huế thông báo tình hình với người thân và nhờ mua cau trầu, thuốc lá gửi sang.

Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sinh được 3 người con. Người con đầu của ông bà là Công Chúa Như Mai (1905 – 1999), người con thứ hai là Công Chúa Như Lý (1908 – 2005), người con thứ ba là Hoàng Tử Minh Đức (1910 – 1990). Cả 3 người con của Vua Hàm Nghi đều sinh ra và lớn lên tại Alger.

Dù không thể đưa các con trai, con gái của mình về quê hương, nhưng vua Hàm Nghi vẫn dạy con cái mọi điều về lịch sử Việt Nam, về truyền thống yêu nước và những lần chống ngoại xâm kiên cường của người Việt. Ông cũng không quên kể cho con cái nghe về các đời vua triều Nguyễn và câu chuyện lưu lạc của cuộc đời mình. Ở Alger, khi nói chuyện với những người hầu cận là người Việt Nam, vua Hàm Nghi vẫn dùng tiếng Việt. Ông thường nói với con cái mình rằng: “Các con chưa thể là một người Việt Nam tốt thì trước hết hãy là một người Pháp tốt”.

Sự dạy dỗ con cái chỉn chu của Vua Hàm Nghi đã được thể hiện ở chính nhân cách đẹp cũng như sự giỏi giang và lòng tự trọng của con cái ông sau này. Hoàng Tử Minh Đức (người con trai duy nhất của vua Hàm Nghi) khi lớn lên đã vào học tại trường Võ Bị, rồi phục vụ trong quân đội Pháp.

Tuy nhiên năm 1946, khi nhận được lệnh sang Đông Dương làm nhiệm vụ, Hoàng Tử Minh Đức đã kiên quyết từ chối. Hoàng Tử Minh Đức đã nói: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi. Nếu Chính phủ Pháp muốn đưa tôi ra trước tòa án quân sự thì tôi phải chịu. Nhưng tôi không thể đi sang Việt Nam đánh giặc cho người Pháp và chống lại người Việt Nam”. Sau này, người Pháp đã đưa Hoàng Tử Minh Đức sang phục vụ cho một đơn vị lính Lê Dương ở Algerie.

Ông về hưu với quân hàm Đại Tá. Hoàng Tử Minh Đức có lập gia đình nhưng không có con, ông mất năm 1990, thọ 80 tuổi. Qua cách ứng xử của Hoàng Tử Minh Đức, người ta có thể thấy tinh thần khẳng khái của Vua Hàm Nghi một thời, khi ông đã từ chối mọi ngai vàng, mọi phú quý để cùng nhân dân đánh giặc. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, vị thế khác nhau, nhưng Hoàng Tử Minh Đức đã chứng tỏ mình đã được Vua Hàm Nghi nuôi dạy, giáo dục cặn kẽ, để không làm những việc trái với đạo lý, phản bội nhân dân.

Vua Hàm Nghi có 3 người con, thì cả 3 người đều thành đạt. Người con đầu của Vua Hàm Nghi là Công Chúa Như Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc Sĩ Nông Lâm, mà lại đỗ Thủ khoa. Giống như cha mình, Công Chúa Như Mai thường phục sức theo kiểu phụ nữ Việt Nam. Công Chúa Như Mai là một hiện tượng được báo chí Pháp vô cùng quan tâm. Có lần một nhà báo Pháp hỏi Công Chúa Như Mai vì sao lại ăn mặc như thế, Công Chúa đáp lại: “Ăn mặc như thế là thể theo ý muốn của Vua Hàm Nghi”.

Sau khi đỗ Thủ Khoa Thạc Sĩ Nông Lâm, Công Chúa Như Mai về Alger sống với Vua Hàm Nghi một thời gian rồi quay trở lại Pháp sống và làm việc. Bà đi đến vùng Dordogne và Correne, miền Trung nước Pháp, đưa những kỹ thuật trồng trọt đem giúp dân nghèo ở vùng này và được nhân dân địa phương hết sức quý trọng. Bà không lập gia đình mà cả đời dành cho sự nghiệp nghiên cứu và lao động. Khi còn sống, bà là một người phụ nữ Pháp vô cùng giàu có và thường xuyên đi làm từ thiện, cứu giúp người nghèo. Bà sống trong một lâu đài ở miền Trung nước Pháp cho đến cuối đời.

Trong số 3 người con của Vua Hàm Nghi, người duy nhất có cơ hội trở về Việt Nam là Công Chúa Như Lý. Bà sinh năm 1908 – mất năm 2005. Công Chúa Như Lý kết hôn với một quý tộc Pháp và sống một cuộc đời sung túc trong một lâu đài ở miền Trung nước Pháp. Trong chuyến trở về Việt Nam khi còn sống, bà đã kể về cha mình – Vua Hàm Nghi – như một người đàn ông vô cùng tuyệt vời, yêu nước đến hơi thở cuối cùng và cũng vô cùng yêu thương vợ con.

Ông giữ cốt cách của một người Việt cho đến hơi thở cuối cùng. Đến tận những năm cuối đời, ông vẫn mặc trang phục dân tộc, vẫn thường xuyên nói tiếng Việt và vẫn ăn các món ăn Việt Nam. Công Chúa Như Lý kể, vì biết không còn cơ hội quay về Việt Nam, nuôi ước mơ đánh Pháp, nên Vua Hàm Nghi dồn hết tâm sức vào việc vẽ tranh, chụp ảnh, sáng tác nghệ thuật.

tranh vua ham nghi

Ông vẽ được rất nhiều bức tranh đẹp, được giới trí thức, nghệ sĩ ở Alger đánh giá rất cao. Những bức tranh của ông, sau khi ông mất, những người con của ông giữ lại như những kỷ vật quan trọng của gia đình. Những bức tranh này không được các con của Vua Hàm Nghi rao bán. Nhưng thỉnh thoảng nếu có người nào ngưỡng mộ và thân thiết với Vua Hàm Nghi đến thăm, gia đình vẫn tặng cho họ một bức tranh của ông làm kỷ niệm.

Vua Hàm Nghi – Những năm cuối đời

Theo lời kể của Công Chúa Như Lý, Vua Hàm Nghi mất vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 tại Alger, vì căn bệnh ung thư dạ dày. Ông mất trong đúng giai đoạn Chiến Tranh Thế Giới thứ II đang diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc đó tất cả những người con của Vua Hàm Nghi đều ở Pháp và nước Pháp đang bị quân Đức của Hitler chiếm đóng nên không một người con nào của Vua Hàm Nghi có thể rời khỏi Pháp về Alger để dự đám tang của cha mình.

Đến tận lúc mất năm 1944, Vua Hàm Nghi vẫn sống vô cùng hạnh phúc với bà Marcelle Laloe. Sau này khi vua qua đời, bà Laloe về sống với các con ở Pháp, rồi cũng qua đời tại đây.

Thân Thiện Tâm

Theo tongphuochiep