Gánh hàng rong trên phố Hà Nội xưa giờ chỉ còn là miền ký ức mà người Hà Nội nay cố gắng kiếm tìm. Miền ký ức ấy sẽ ùa về một cách chân thực nhất, sống động nhất qua sự kết hợp giữa tài liệu, tư liệu, hình ảnh với các hiệu ứng âm thanh ánh sáng trong triển lãm trực tuyến “Ký ức chợ xưa”.

Một Hà Nội thân thương qua triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”

Những gánh hàng rong cùng tiếng rao hàng từ lâu đã trở thành nét văn hóa, ký ức không thể thiếu khi nhắc về Hà Nội. Chẳng ai biết gánh hàng rong có từ bao giờ, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm của mảnh đất này. Qua biến thiên của thời gian, Hà Nội đã khác xưa và gánh hàng rong cũng vậy.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến công chúng một số nội dung và hình ảnh về những gánh hàng rong trên phố phường Hà Nội xưa.

Như chúng ta đã biết, Thăng Long – Hà Nội xưa còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” vì ở đây dân cư đông đúc, chỗ nào cũng thấy kẻ mua, người bán. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò… Ngoài những chợ lớn, Thăng Long – Hà Nội còn vô số những chợ nhỏ, chợ lưu động, không tên mà ở đó những người bán hàng rong, những người tự sản xuất mang sản phẩm của mình ra bán, chẳng cần hàng quán và họp ở tất cả những nơi nào đông người qua lại  giống như lời mô tả của các nhà buôn, nhà báo, bác sĩ, du khách nước ngoài đến Hà Nội từ cuối thể kỷ XVII, XVIII, XIX: “Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời… Cứ 6 ngày lại có một phiên chợ Hà Nội, lái buôn và thợ thủ công đủ loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới… Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải, trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”- Paul Bourde(1). Theo mô tả của Baron, một du khách người Anh đến Thăng Long vào thế kỉ XVII thì “Thăng Long có nhiều chợ nhưng vẫn có người bán hàng rong, họ bán các mặt hàng do chính họ làm ra. Vì không phải dân Thăng Long nên họ không thể mở cửa hàng ở các phường nghề”. Người bán hàng rong chủ yếu là người nông dân, thợ thủ công ở các làng mạc xung quanh đến Thăng Long để bán những sản phẩm do chính mình làm ra. Họ là người nghèo, không có tiền đóng các loại thuế phí chợ nên họ đành bán hàng ở bất kể đâu có người qua lại.

Và cảnh bán hàng rong xưa đã được Labarthe(2) mô tả một cách chân thực “Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy giãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn… cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ…Viên quan đi qua, chợ trở lại bình thường…”.

Hà Nội đã đổi khác khi chính thức trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888. Chính quyền quản lý xã hội theo luật của Pháp quốc. Trong giai đoạn này, thuế chợ là nguồn thu chính của ngân sách nên Hội đồng thành phố quyết định cho tăng số phiên ở các chợ, áp thuế môn bài và thuế chợ đối với người bán hàng trong phạm vi thành phố, kể cả người bán hàng rong. Nghị định ngày 01/01/1894 của Đốc lý Hà Nội quy định người bán hàng rong phải có được Đốc lý cấp phép và giấy phép có thời hạn tối đa là 3 tháng.

Nghị định ngày 01/01/1894 của Đốc lí Hà Nội về việc thu thuế chợ trong thành phố Hà Nội. © TTLTQG I

Để đảm bảo đường phố được thông thoáng, sạch đẹp, chính quyền cũng ban hành những quy định về việc sử dụng vỉa hè để bán hàng. Theo đó, việc bán hàng trên vỉa hè sẽ được cấp phép theo từng năm và chỉ được diễn ra trên các phố trong khu buôn bán (khu phố cổ ngày nay). Người bán hàng rong cũng phải chịu các thuế phí theo quy định của thành phố. Chính vì thế nguồn thu từ những gánh hàng rong cũng chính là một trong hai nguồn thu lớn của ngân sách.

Nghị định số 4490 ngày 27/11/1906 của Đốc lý Hà Nội quy định việc sử dụng vỉa hè trên các phố để bán hàng. © TTLTQG I

Với nghị định ngày 10/6/1933, chính quyền thành phố đã cho phép các hàng rong đã đóng thuế và có giấy phép được qua lại các phố nhưng chỉ được đỗ lại đủ thời gian để bán hàng cho khách, không được đỗ ở một nơi nào nhất định, hoặc tụ tập làm huyên náo, cản trở việc đi lại.

Cảnh bán hảng rong và tiếng rao hàng cũng đã được mô tả một chân thực và sống động trong bài “Các gánh hảng rong” đăng trên báo “Trung Bắc Tân Văn” năm 1935: “Tỉnh thành Hà Nội bây giờ mỗi một ngày lại càng thấy thêm nhiều những hàng đi bán rong các phố. Cứ lệ sáng ngày ra từ bốn giờ rưỡi năm giờ đã nghe thấy tiếng xôi, tiếng cháo, bánh rán, bánh tây rao gào rầm đường, đến trưa từ mười giờ giở đi thì nào “nhục phở” rồi đến “cháo gà, cháo vịt” suốt cho đến mười một giờ đêm, có khi đến một, hai giờ sáng”.

Ảnh gánh hàng rong. © Viện TTKHXH

Theo thời gian, hàng hóa bán rong đa dạng hơn. Đi cùng với quá trình đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng. Trước đây, người bán hàng rong thường đựng hàng hóa trong những đôi quang gánh. Nhưng dần về sau, họ dùng xe đạp, xe máy… làm phương tiện hỗ trợ để có thể đi khắp mọi ngõ hẻm, mọi cung đường, cùng tiếng rao quen thuộc. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn.

Thêm vào đó, mặt trái của việc bán hàng rong như: lấn chiếm vỉa hè, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phần nào làm giảm sức hút của loại hình buôn bán này.

Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng những gánh hàng rong vẫn lặng lẽ bên lề, âm thầm tồn tại như gìn giữ một nét đẹp văn hóa riêng của người Hà Nội. Gánh hàng rong đã trở thành một hình ảnh bình dị, mộc mạc, thân thương, in sâu trong tâm thức của những người đã từng sống, từng đi qua và từng gắn bó với mảnh đất Hà Thành.

(1). Paul Bourde, thông tín viên “Le Temps” (Thời báo) ở Bắc Kì năm 1883;

(2). Ch. Labarthe, tác giả của cuốn “Hanoi, capitale du Tonkin” (Hà Nội, thủ phủ xứ Bắc Kì).

Nguyễn Hằng

Theo TTLTQG