Trước khi đi vào lãnh vực nhà hàng, Ông Trần Phấn Thắng chủ nhân quán ÔNG CẢ CẦN là một công chức thuộc ty điền địa Mỹ Tho, xã Điều Hòa, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (bây giờ là Tiền Giang). Sau đó khi lên Sàigòn thì trở thành một tư chức, làm giám đốc cho hãng xuất nhập cảng Thuận Hưng chuyên về các loại kẹo bánh.

Năm 1969 thì quán Mỹ Tiên được gọi là quán Trúc Mỹ Tiên ra đời nằm trên đường Nguyễn Tri Phương lấy tên người con gái đầu lòng là Mỹ Tiên thêm chữ Trúc ở đầu là do Ông Thắng cho đặt nhiều chậu trúc xung quanh tiệm.

Chỗ này trước đó là một Snack bar đã đóng cửa, chủ nhà là Ông bà Nhan Văn Túc có phòng trồng răng ở tầng trên. Vậy là Ông Thắng mướn chỗ của Ô Túc để mở quán Mỹ Tiên.


— Quán Mỹ Tiên năm 1969 lúc mới khai trương —


— Quán Mỹ Tiên – 1970 – Với bảng hiệu Bạch Tuyết + 7 chú lùn mang đĩa thịt … Nai vàng 7 món. Với các chậu Trúc xung quanh nên cũng gọi là quán Trúc Mỹ-Tiên —

Đặc biệt bảng hiệu quán Mỹ Tiên là tấm bảng hiệu lớn có họa hình bảy chú lùn đang mang bảy điã thức ăn dâng nàng Bạch Tuyết.

Đây là một trong những nhà hàng bán các món ăn thật tình tự quê hương như: Canh chua cá bông lau, Cá rô lưới miền tây kho tộ, Thịt kho nước dừa xiêm ăn với cơm gạo thơm chợ Đào ngon nhất miền nam. Ngoài ra còn có các món nhậu cho tửu khách, lươn um nước dừa, lươn dồi, lươn xào lăn, nai bằm xào xúc bánh tráng, gà xối mỡ ăn với xôi chiên phồng, cua hấp bạch tuyết, ếch xào lăn, ếch chiên bơ, nem nướng vv…và vv… Ôi thôi, cả trăm món cho đủ các tao nhân mặc khách. Đặc biệt nhất là “BẢY MÓN NAI VÀNG TƯƠI MÁT” nấu rất đúng điệu, nếu thêm vài chung rượu lấy từ bình rượu thuốc to tổ chảng gần cửa quán thì thật là… ôi thôi … quên trời quên đất.

Bánh bao Ông Cả Cần cũng ra đời ở đây. Để “lăng xê” (quảng cáo) cho bánh bao, Ông Thắng có mời Nghệ sĩ Bà Năm Sa Đéc làm đạo diễn cho quán. Danh hài Thanh Việt cũng được mời đến quảng cáo cho tiệm. Vậy là quán Mỹ Tiên nổi tiếng từ đó. Công lao hàng đầu của sự thành công này phải kể đến tâm huyết và tài nghệ nấu ăn gia truyền của bà Phan Thị Ánh tức bà Cả Cần. Mỗi món ăn đều được bà Cả Cần nghiên cứu, chăm sóc, gia vị nên đều có một hương vị đặc thù riêng khiến thực khách thưởng thức qua thì không thể quên được. Đúng là ăn rồi là ghiền.

Thành công của quán Mỹ Tiên cũng mang đến cho Ông bà Thắng những chuyện đau đầu khác. Chuyện quan trọng nhất lại là chuyện liên quan đến cái tiệm Mỹ Tiên mướn của người ta. Chủ nhà là vợ chồng Nhan Văn Túc thấy quán Mỹ Tiên làm ăn khấm khá mới rấp tâm lấy lại chổ mướn với một dã tâm bẩn. Khi đến hết hạn hợp đồng mướn nhà, họ làm khó không ký hợp đồng mới dù đã được đề nghị tăng tiền thuê. Hai bên đã phải nhờ đến tòa án nhưng rồi Ông bà Thắng thua nên phải dọn ra trong vòng có 48 tiếng. Vậy quán Mỹ Tiên được mở từ 1969 đến 1972.

May thay, lúc đó có việc các thương phế binh tổ chức cắm dùi ở các chổ đất trống. Miếng đất trước quán Mỹ Tiên thuộc quyền sở hữu của sở Hỏa Xa bị các thương phế binh chiếm và được chia ra nhiều lô nhỏ với ý định bán. Ông Thắng mua 3 lô của họ từ trước vì đã tiên liệu sẽ có nhiều khó khăn trong việc tái ký hợp đồng mướn nhà.

Thế là trong vòng 48 tiếng, quán Mỹ Tiên được vội vàng dọn qua bên kia đường. Dĩ nhiên, trong lúc vội vàng thì luôn có những điều sơ sót. Một sơ sót quan trọng là cái bảng hiệu Mỹ Tiên quên gỡ xuống mang theo. Khi trở lại lấy thì cái bà Kim vợ ông chủ nhà Túc tráo trở không cho lấy vịn cớ là đã quá 48 tiếng. Thế là mất tấm bảng hiệu Mỹ Tiên với hình Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Đến đây thì những cái tráo trở, lừa lọc, dã tâm ác độc và tham lam của vợ chồng Nhan văn Túc mới từ từ lòi ra. Thì ra họ đã ra tay dụ dỗ các người làm của Ông Thắng từ lâu nên một số người làm trong số khoảng hơn 30 nhân viên đã bị bà Kim tráo trở mua chuộc. Trong đó có 1 người thợ làm bánh bao. Rồi đúng 2 tuần sau, quán Mỹ Tiên lại bình thường mở trở lại với tấm bảng hiệu Mỹ Tiên cũ với Bạch Tuyết và 7 chú lùn nhưng nếu để ý kỹ là thấy bà Kim vô liêm sỉ trơ trẽn ngồi ở chổ quày tính tiền dành riêng cho chủ quán. Quán giả mạo này cũng bán những món y như quán của Ông Thắng kể cả bánh bao giả lấy tên bánh bao Ông Cả Cần.

Thế là một trận kiện tụng xẩy ra về vấn đề giả mạo tên Mỹ Tiên và tên Ông Cả Cần. Tên Mỹ Tiên là một cái tên rất nhiều người xử dụng nên cuối cùng Ông Thắng thua và bị cái bà chủ nhà vô liêm sỉ chiếm luôn một cách trắng trợn dù đã trưng bày lý do ông đặt tên quán là Mỹ Tiên là do hai ông bà là người Mỹ Tho nên lấy chữ Mỹ và Tiên là đầu tiên y như ngụ ý lúc đặt tên cho con gái đầu lòng của ông bà cộng thêm bảng hiệu có hình Bạch Tuyết và bảy chú lùn đang cầm các điã nai 7 món . Người ta có thể nói lúc đó Hệ Thống pháp lý lõng lẽo dể dàng bị mua chuộc bởi đồng tiền. Nhưng cái tên Ông Cả Cần thì vì đã được cầu chứng trước nên Ông Thắng dành được phần thắng và được bồi thường 1 đồng danh dự. Vậy nên Bánh bao Ông Cả Cần lúc đó mới không bị làm giả.

Vài chuyện bên lề về cái quán mỹ tiên giả đó:

–  Chuyện quán Mỹ Tiên bị “giựt” một cách ngang hông cũng không giấu được các người sinh sống chung quanh. Các em đánh giầy quanh quán khi thấy chiếc Vespa hay xe hơi nào trờ tới sắp vào cái quán giả này thì: “Bác ơi Chú ơi, đồ giả đó, bên này mới là đồ thiệt nè” hay là “Bà chủ dọn sang bên này rồi, bên đó là giả đó”.

–  Các món ăn bà Thắng nêm nếm rất được tiếng và ưa chuộng trong vùng đó, đặc biệt trong cộng đồng người Hoa trong Chợ Lớn. Họ vẫn thường đóng đô tại quán Mỹ Tiên nên khi thấy các người đồng hương đang dợm bước vào quán MT giả thì họ gọi nhau ơi ới: “Wa bên này mới đúng, bên đó giả”

– Vào thập niên 80, gia đình MT giả Nhan văn túc cũng di cư qua Mỹ, một lần đi chợ tại San Jose, CA, NVT có gặp em Ông Thắng, có nói: Gặp anh Ba (Ông Thắng) nói dùm xin bỏ qua chuyện cũ cho. – lừa lọc rồi bây gìơ xin bỏ qua – không biết nhục sao !. Một lần nữa, con trai NVT vừa gặp một người con Ông Thắng cũng tại San Jose thì vội vàng quay mặt bỏ đi. Đúng là việc làm của NVT, con cái cũng bị nhục lây.

Trở lại việc Ông Thắng dọn qua bên kia đường trên mãnh đất mua được của thương phế binh. Ông Thắng lại xây dựng lại từ đầu và 1 quán mới với cái tên mới: TÚP LỀU LÝ TƯỞNG năm 1972. Chúng ta hãy đọc lại vài dòng ghi trong hồi ký của Ông Thắng về cái tên đầy sức sống vươn lên cho tương lai này: “Do cảm hứng bản nhạc “Túp Lều Lý Tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nên đã nẩy ra ý kiến dựng một lều quán mới và đặt tên là TÚP LỀU LÝ TƯỞNG.

Quán được cất bằng tre, gổ đơn sơ, giản dị nhưng rất thơ mộng và đầy tính nghệ sĩ. Dụng ý của chủ nhân muốn TÚP LỀU LÝ TƯỞNG là nơi dừng chân của tao nhân mặc  khách, của văn nhân nghệ sĩ. Nghệ sĩ Bà năm Sa Đéc cũng vẫn làm “đạo diễn” cho quán, còn thay mặt chủ nhân tiếp đãi Văn Nghệ Sĩ tân cổ. Túp Lều Lý Tưởng cũng là nơi nghỉ chân của mọi người, mọi giới: Một khách qua đường, một cậu học sinh, một bác xích lô đạp đều có thể ghé vào quán, lót lòng bằng một tô hủ tiếu Mỹ Tho do người xứ “Mỹ” đứng nấu thơm ngon hoặc “xực” một chiếc bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Đó là món ăn chính của Túp Lều Lý Tưởng.

Trước cổng lều có đặt một chiếc xe gổ như xe bán hủ tiếu của người Tàu và bày bán những xửng bánh bao mới ra lò bốc hơi thơm phưng phức. Sáng sáng, chiều chiều, khách qua đường đều ghé vào “bợ” vài chiếc bánh bao về cho gia đình cùng thưởng thức.

Mỗi tô hủ tiếu của Túp Lều Lý Tưởng đều đặc biệt có một miếng “xí quách” và “ớt của rừng xanh”. Ngoài ra còn có món mì “Chú Thoòng” với chiếc bánh tôm chiên dòn rất hấp dẫn. Ai cũng khen mì “Chú Thoòng” mặn mà, đầy hương vị hơn là mì của người tàu.”

Rồi cứ thế, Túp Lều Lý Tưởng phát triển lên mãi. Từ mười mấy người làm thành hơn sáu chục người, vậy mà vẫn chưa ngừng. Bánh bao làm ra xửng nào là hết xửng đó. Bánh bao Ông Cả Cần phổ biến đến nỗi chủ nhân phải cho bày thêm nhiều xe bán, đặt tại nhiều góc đường, hè phố khắp Sàigòn – Chợ Lớn như bên hông Bưu Điện, góc Pasteur – Lê Lợi, trên đường Nguyễn Huệ, trước nhà hàng Thanh Thế, Phú-Nhuận …


— Bánh bao Ông Cả Cần được hấp trước mặt khách hàng tại quán Túp Lều Lý Tưởng – 1973 —


— Túp Lều Lý Tưởng – bên hông quán 1973 —


— Ông bà Thắng, chủ nhân 2 quán Ông Cả Cần và Túp Lều Lý Tưởng – 1973 tại Túp Lều Lý Tưởng


— Mặt tiền quán Túp Liều Lý Tưởng với quầy hấp Bánh Bao và tủ bánh – 1975 —

Túp Lều Lý Tưởng không những là nơi ưa chuộng của các nghệ sĩ mà còn là chổ được chọn làm nơi đóng phim, đãi chiến sĩ xuất sắc.

Như trên đã nói, Túp Lều Lý Tưởng được dựng trên mảnh đất của sở Hỏa Xa nên có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Và việc này lại cũng xẩy ra đúng lúc Túp Lều Lý Tưởng buôn bán được nhất. Theo lệnh của Đỗ Kiến Nhiễu, lúc đó là Đô Trưởng Sàigòn, nhiều xe nhà binh kéo đến giựt xập 3 mái nhà của tiệm Túp Lều Lý Tưởng. Vấn đề ở đây là tại sao một Đô Trưởng lại thân hành làm chuyện đuổi nhà. Công việc này bình thường là việc làm của quận chứ đâu cần tới cấp cao nhất tại tòa Đô Chánh. Nhìn kỹ hơn thì rõ là Đỗ Kiến Nhiễu là người Mỹ Tho, bà Túc ác độc cũng là người Mỹ Tho, không biết rõ có đút lót gì ở đây mà Đô Trưởng lại nhắm chính xác vào cái Túp Lều chỉ có 3 cái mái tôn của Ông Thắng.

Đúng là thành công lúc nào cũng dẫn đến sự ganh ghét. Nhưng cao nhân thì có cao nhân trị, ÔB “Ông Cả Cần” được “cao nhân” che chở nên Túp Lều Lý Tưởng vẫn cứ đường ta…ta đi.

Đến đây cũng cần thêm một sự việc để nói lên sự độc ác, lưu manh của vợ chồng Nhan Văn Túc, chủ của quán Mỹ Tiên Giả: Đến năm 1975, họ độc ác đến độ mang tấm hình họ chụp lén từ trên lầu cao của họ quang cảnh Túp Lều Lý Tưởng đang tổ chức đãi các chiến sĩ xuất sắc lúc trước 1975 đến tố cáo trước ủy ban quân quản khi Sàigòn thất thủ với ý định lập công và dẹp Túp Lều Lý Tưởng. Việc này có thể đưa đến cảnh tù tội khó khăn cho chủ nhân túp lều. Nhưng các hành động ác độc này không được như ý của họ. Ông Bà “Ông Cả Cần” lúc này đã có … “dù che” nên vẫn an nhiên tự tại.

Song song với việc phát triển Túp Lều Lý Tưởng và bánh bao Ông Cả Cần, Ông Thắng cũng muốn có một chổ rộng hơn để bán các món ăn như tiệm Mỹ Tiên lúc trước nên đã sang lại nhà hàng Tân Lâm Điểu trên đường Cách Mạng góc Trương Quốc Dung và đặt tên là quán Ông Cả Cần vào năm 1972.


— Quán Ông Cả Cần – đường Cách-Mạng – cũng vẫn với xe hấp Bánh Bao trước quán
— Mất Bạch Tuyết + 7 chú lùn thì bây giờ có bảng BÁT TIÊN DỰ BÀN ĐÀO – Ảnh 1974.—


— Hình này chứng thực Mì CHÚ THOÒNG xuất xứ tại đây – Sàigòn – Bây giờ Chú Thoòng bay tuốt qua tận xứ lạnh tình nồng – Montréal – Cà Nà Đá —

Về cái tên “Ông Cả Cần”:

Theo lời người con gái lớn của Ông Thắng, cái tên “Ông Cả Cần” là do ngẫu hứng mà đặt ra chứ thực ra không có người nào tên Cần làm chức hương cả trong cả 2 bên nội ngoại của ông hay bà Thắng hết. Thực tế chỉ có 1 người tên Trần Phấn Chấn là ông nội của ông Thắng làm chức hương cả tức Ông Hương Cả Chấn cuối cùng của làng Điều-Hòa tỉnh Mỹ Tho.

Tham vấn thêm người em thứ 5 của Ông Thắng, Ông Trần Phấn Bá xác định những điều về cái tên “Ông Cả Cần” là đúng và còn thêm như sau: Ông Cần là một người có THỰC sống ở Sa Đéc được biết đến như một người rất sành điệu về ăn uống. Mọi người gọi là Ông Cả. Ông nội Ông Thắng người Mỹ Tho lấy vợ người Sa Đéc nên mới biết đến Ông Cả Cần ở Sa Đéc. Tên quán Ông Cả Cần được Ông Thắng chọn muốn ngụ ý nói là quán cho người sành điệu về ăn uống.

Và thế là Ông Bà Thắng điều hành, kinh doanh cả 2 quán:

–  Quán Ông Cả Cần chuyên về các món ăn gia đình kiêm luôn hủ tiếu, mì, món nhậu và bánh bao.

–  Túp Lều Lý Tưởng chuyên về hủ tiếu, mì Chú Thoòng và bánh bao.

Đến năm 1975, vận nước thay đổi, ông bà Thắng cũng thu hẹp lại. Quán Ông Cả Cần được trả lại cho chủ nhà. Vậy chỉ còn lại Túp Lều Lý Tưởng thôi. Đến năm 1979, cả gia đình ÔB Thắng cùng với thân mẫu và 9 người con di cư sang Canada. Số phận của Túp Lều Lý Tưởng đã được ghi lại chi tiết tại đây:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1616077361979913&id=1610685

Câu: “Có Cả Cần, cần chi có cả” chỉ mới có ở bên Canada thôi, được đưa ra trong một bữa tiệc có sự tham dự của ông Thắng ngụ ý muốn nói: Đến quán Ông Cả Cần thì có thể tìm lại được đầy đủ hương vị Quê Hương trên cái xứ lạnh buốt da thấu thịt này.

Thêm nữa, cái tên “quán Ông Cả Cần” chỉ xuất hiện năm 1972 và chỉ ĐƯỢC đặt cho quán trên đường Cách Mạng / Trương Quốc Dung. Đến năm 1975 thì quán đóng cửa và cái tên “Ông Cả Cần” KHÔNG còn tại Việt Nam nữa. Năm 1981, tên “Ông Cả Cần” lại CHỈ tái xuất hiện tại thành phố Montréal bên Canada. Do đó, câu “Có Cả Cần, cần chi có cả” không bao giờ được nghe nói tại Việt Nam như trong các bài viết ảo, tưởng tượng về quán Ông Cả Cần trên các trang mạng internet. Các bài viết sai lạc đó đều xuất phát từ bài viết trên trang “Lophocvuive” và được viết theo trí tưởng tượng của 1 người tên TTL kể lại. Sau đó, bài này được cóp nhặt, thêm thắt, hư cấu, tưởng tượng trong rất nhiều bài khác như trong “honngocviendong” vv….

Tên “bánh bao Ông Cả Cần” được chù nhân Ông Bà Trần Phấn Thắng đặt ra cho bánh bao sản xuất tại quán ăn Mỹ Tiên, Túp Lều Lý Tưởng và quán Ông Cả Cần từ lúc khởi nghiệp năm 1969 đến 1979 tại Việt Nam.

Sau một năm an cư tại thành phố Montréal, bang Québec, Canada, Ông Bà Thắng lập nghiệp trở lại với nhà hàng Ông Cả Cần vào tháng 7 năm 1981. Với danh hiệu và uy tín đã có, nhà hàng Ông Cả Cần với thực đơn giản dị hơn xưa. Hủ tiếu, mì chú Thoòng, canh chua cá kho, bò 7 món với hương vị đậm đà tình quê hương đã mau chóng thành công và làm hài lòng được các thực khách bản xứ cũng như trong cộng đồng người Việt tại Montréal.

Cơ quan điện ảnh quốc gia Canada (Office National du Film du Canada) cũng chọn Gia đình “Ông Cả Cần” để thực hiện cuộn phim mô tả sự thành công sau 10 năm trên xứ người của một gia đình tỵ nạn.

https://www.onf.ca/film/les_boat_people_10_ans_apres/

Theo năm tháng, đại gia đình “Ông Cả Cần” hiện giờ có 4 nhà hàng tại thành phố Montréal đều được điều hành bởi các con trong gia đình:

Đây là địa chỉ và facebook của 4 tiệm:

1- https://www.facebook.com/ongcacan?fref=ts

2- https://www.facebook.com/193971744715554

3- https://www.facebook.com/restaurantcoba?fref=ts

4- https://www.facebook.com/BANH-MI-79-1596624783893299/


— Ông Bà “Ông Cả Cần” sau mấy lần dựng nghiệp vẫn … trẻ trung tại xứ lạnh tình nồng – 1990 —

Kết Luận:

Bài này được viết theo lời thuật lại của bà Mỹ Tiên, con gái lớn của Ông Bà “Ông Cả Cần” như vài lời tri ân cho cha mẹ trong quá trình khổ cực tạo dựng sự nghiệp. Qua đấy, sự thành công của Ông Bà Thắng cũng phải trải qua nhiều thử thách. Khởi nghiệp lúc nào cũng đầy gian lao, đầy trắc trở. Viết lại giai đoạn đầy chông gai dựng nghiệp của Ông Bà thì mới thấy lộ ra tài năng thiên phú về gia chánh bếp núc của bà Thắng cộng thêm cá tính cần cù kiên nhẫn, tỷ mỉ, kiên cường trong mỗi công việc, không nề hà phải thức khuya dậy sớm, không phụ thuộc người ngoài, rồi để ý đến từng món ăn, từng cái ly, cái chén, từng chén mắm nêm, chén nước mắm v…v… . Ngoài các đức tính trên, những người quen biết bà Thắng cũng không thể quên được tính thương người, vị tha giúp đỡ tất cả mọi người không kể người lạ hay bà con thân thưộc, đối xử hòa đồng với nhân viên như người trong gia đình.

Sự thành công này cũng không thể thiếu đến sự giao thiệp, cách quảng cáo và quan trọng hơn hết là các ý tưởng tạo ra các món ăn như nai 7 món rồi 9 món và đặc biệt hơn cả là tạo ra cái bánh bao Ông Cả Cần đặc thù Việt Nam của ông Thắng.
Hy vọng con cháu của Ông Bà Thắng biết gìn giữ, phát triển và khai phá các món ăn đầy hương vị Việt mang đến niềm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Vinh