Về Sài Gòn tôi bị lạc. Tình trạng lạc hướng kéo dài trên taxi, xe ôm, đi một mình hay cùng gia đình, bè bạn, tôi thường lẩm nhẩm trong đầu: đường này Gia Long, Tự Do đây, chắc là Lê Văn Duyệt… Nhưng khi ra đến Hà Nội, lại tịnh không có sự lẩm nhẩm nào. Hôm tới Lê Văn Hưu ăn phở, dù phố này nay đã hoàn toàn khác với trí nhớ, tôi vẫn nhận ra: đây là Lê Văn Hưu, đi tới chút nữa rẽ ngang là phố Huế. Đèn phố Huế bẩy mươi năm qua chưa bao giờ tắt trong tôi.

Những tối gần Noël, một đứa nhỏ năm, sáu tuổi dí sát mũi vào cửa kính hàng bán đồ chơi, thèm thuồng nhìn mấy con búp bê Pháp, tóc vàng, mắt xanh mà mơ đến ngày nó sẽ được ôm một con búp bê như thế, nó sẽ chải tóc, thắt nơ cho nó như thế nào, nó chưa từng dám mơ đến một ngày sang Pháp. Hôm nay, từ phố Huế, đứa nhỏ bẩy mươi ba, bước trở lại Lê Văn Hưu, đi thêm chút nữa sẽ tới phố nhà nó: Thi Sách, số bẩy. Chợ Hôm mặc dù chỉ nuôi nó có 5 năm, từ 5 đến 10 tuổi, đã trở thành người vú chưa từng rời nó bao giờ.

Sài Gòn, hồi ấy tôi sống ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) từ 10 đến 18 tuổi, đã lớn, ngoài giờ học, đạp xe đi chơi suốt, thuộc lòng hầu hết các con đường, thế mà sao bây giờ lại lạc? Từ khi rời nước năm 1962, tôi về lại cả thảy bốn lần: 74, 84, 93 và 97. Trừ lần 74 không lạc, còn ba lần sau, lần nào cũng lạc. Điều nhỏ nhặt này cứ luẩn quẩn trong đầu bao nhiêu năm, bây giờ ra Hà Nội tôi mới hiểu: tại việc đổi tên đường. Hà Nội và Sài Gòn đều của tôi, chúng đã tham dự vào mảnh đời thời thơ ấu và niên thiếu, vậy mà tôi không lạc Hà Nội thời bé, lại lạc Sài Gòn thời lớn, bởi vì đường phố Hà Nội không hề bị đổi tên: phố Huế vẫn là phố Huế, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo vẫn là Hàng Bài, Trần Hưng Đạo. Những nhân vật có công với cách mạng, không có chỗ đứng trong quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội, mà nhã nhặn trụ vòng ngoài, trên những đường phố mới xây sau này, họ biết lịch sự sắp hàng theo đúng trật tự thời gian của lịch sử. Nhờ vậy, những ai trở lại Hà Nội, dù bẩy, tám mươi năm sau, vẫn nhận diện được ba mươi sáu phố phường, nhờ quyết định hợp lý và cận nhân tình của những người tiếp thu Hà Nội sau 1954.

Quang Trung sau khi diệt Trịnh, cũng chỉ dám đổi Thăng Long ra Bắc Thành, vậy mà Thanh Quan cũng đã giận lắm, nhiều năm sau, bà còn viết Thăng Long thành hoài cổ để lại như một chúc thư. Bởi vì con người luôn luôn gắn bó với đất nước, và đất nước của mỗi người không chỉ là nơi sinh và nơi lớn, mà còn là tiếng nói, là tên gọi những chốn thân yêu ấy nữa. Không thiếu văn nghệ sĩ đã lấy tên làng, tên tỉnh của mình, làm bút hiệu. Sự đổi tên một con đường, một thành phố, vô tình đã đụng đến ký ức xương thịt, ký ức tâm hồn của một người, của nhiều người, của một vùng, một phương, kéo theo những bi thương, phẫn nộ, vô ích. Tại sao không tránh?

Chúng tôi về tới Sài Gòn sáng sớm ngày 2/11/2017. Vậy là hơn 20 năm xa cách (lần chót tôi rời Sài Gòn cuối tháng 9 năm 1997). Cảm tưởng lạc đưa đến sự từ chối thành phố trong mấy hôm đầu, khiến tôi không nhận được quê hương ngày trở lại, đã từng có thứ nắng thật lãng mạn, nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mátbởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Tôi thực thụ gặp lại quê hương qua chuyến đi Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên, do một công ty du lịch tổ chức riêng cho hai Việt kiều: Cái Bè là điểm hẹn đầu tiên với sông nước Tiền Giang. Phải đến đây mới cảm được Cửu Long Giang bát ngát của Phạm Duy, tiếng hát Thái Thanh bốc khói trên chiều về bên sông như giọng thuỷ thần cất lên từ đáy nước. Chúng tôi lên thuyền nhỏ đi vào sông lạch, ở đây cách Rạch Gầm Xoài Mút không xa, nhưng tôi không dám hỏi cô lái đò “địa chỉ” vì chắc cô cũng chẳng biết việc Nguyễn Huệ phá quân Xiêm (1785 quá xa vời), hỏi thêm lẩn thẩn. Sông lạch miền Nam vô cùng quyến rũ, tôi nghĩ chắc hai chị em Hàn Mặc Tử đi thuyền trên sông trăng Sa Huỳnh ngày trước cũng chỉ tương tự thế này, ta thay ánh trăng bằng dừa nước, bằng tất cả những thứ cây sà xuống nước mà tôi không biết tên; lòng tôi chĩu trong đáy nước. Nước tôi. Chúng tôi ăn bữa cơm trưa đầy thi vị bên con cá chiên xù, trong khung cảnh thơ mộng của ngôi nhà cổ Anh Kiệt, không xa Rạch Gầm Xoài Mút của Nguyễn Huệ.

Buổi trưa hôm ấy mưa như trút nước, khiến tôi nhớ lại thứ mưa đặc biệt miền Nam, mưa rồi tạnh ngay, trời lại nắng, như lời chào thân ái của vùng đất miệt vườn với đứa nhỏ di cư, mười tuổi, năm năm mươi tư. Chúng tôi tiếp tục lên xe đến Sa-Đéc, thăm ngôi trường cũ mà bà mẹ Marguerite Duras đã dạy học, trước khi đến căn nhà cổ của gia đình Huỳnh Thủy Lê, người tình của Duras, trở thành nổi tiếng vì phim Người tình (L’Amant) của Jean-Jacques Annaud. Căn nhà cũ gợi cảnh vàng son của cái đẹp ánh lên những gợn sóng xà cừ toả ra từ bộ trường kỷ, giường, sập gụ, tủ kinh, một chất xưa lắm, nay không còn nữa, đọng lại một mối tình sôi bỏng trong không gian, không mầu, nhưng tồn tại.

Trời lại mưa.

Mưa theo chân chúng tôi đến tận vùng đất cũ, tôi biết tên nhưng chưa bao giờ đến: Châu Đốc. Chúng tôi ở một khách sạn trên đồi cao, nằm cheo leo sườn núi Sam. Nhìn những tia nắng cuối cùng của hoàng hôn Châu Đốc chiếu lên khung cảnh tuyệt vời, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hãnh diện vì quê hương, một cảm tưởng gần như đã biến mất trong tôi từ nhiều năm tháng: bởi đây là lần đầu tiên tôi được ở một khách sạn tại vùng đèo heo gió hút, do người mình xây, có kiến trúc đẹp, những căn nhà nhỏ thơ mộng lẩn trong bụi cây, có mỹ thuật và tôn trọng môi trường, đầy đủ tiện nghi, khó tìm thấy trên đất Pháp cái gì tương tự. Tôi không khỏi bồi hồi cảm động, trong bụng nẩy lên một niềm tự hào dân tộc sâu xa: hai mươi bốn năm trước, tôi cũng tá túc tại một khách sạn sang ở Huế, nhưng phòng tắm đầy gián, chuột; đêm ấy, tôi không sao ngủ được, nghĩ bụng không biết khi nào dân mình mới thoát vòng nhược tiểu, mới có khả năng xây dựng một căn nhà. Thế mà nay, những người Âu đến đây, cũng như chúng tôi, họ ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi: từ kiến trúc, bài trí, đến cách tiếp đãi lịch sự, nồng hậu, món ăn, tất cả đều top, giá lại phải chăng, chỉ bằng 1/4 giá một khách sạn tương đương như thế ở Pháp. Khó tìm thấy khung cảnh nào thần tiên hơn.

Sự tiếp xúc với Châu Đốc sâu hơn, ngày hôm sau, nhờ thiếu nữ hướng dẫn thật sự yêu nghề, yêu đất nước. Em rành từ tên cây, tên cỏ, đến tên đất của vùng quê em, ngõ nào em cũng biết, em kể về quá khứ xa, gần: nội em xưa làm công chức cao cấp trong chính quyền cũ, bị án tử hình. Ôi quê hương yêu quý, đâu đâu cũng thấy dấu vết tương tàn, nỗi buồn làm tắt niềm vui. Em dẫn chúng tôi đi thăm Trà Sư, điểm lạ của miền đất có âm thanh Châu Đốc gióng lên như tiếng trống, thúc giục ta tiến sâu vào vùng sông nước, cây cỏ, hòa một, độc nhất vô nhị này. Trà Sư là rừng tràm bí mật và thơ mộng mà tôi đã nghe tiếng từ lâu, vì không hiểu rõ, nên vẫn đồng hoá với Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc. Nhưng không phải: Trà Sư là rừng tràm mọc trên nước, mênh mông, bất tận, mở ra, mở ra mãi… Thuyền đi, thuyền đi, rẽ lối trên bèo, đi sâu, sâu hơn, sâu mãi, thuyền đến đâu bèo mở ra đến đấy rồi vội vàng khép lại sau lưng thành một cánh thảm xanh tuyệt vời, có lẽ vì vậy mà người miền Nam gọi bèo tây là lục bình. (Chỗ này Thụy Khuê trật lất, bèo ở Trà Sư là bèo cám – NY)

Châu Đốc còn là quê hương của Thoại Ngọc Hầu, vì Hầu mà chúng tôi đến đây: Thoại Ngọc Hầu hôm nay nằm trong dinh bên cạnh những ngôi mộ đá hình trái soan trắng, là mộ của gia nhân, tùy tướng. Hầu vẫn nhăm nhăm tay thương, tay kiếm, oai phong trấn giữ mảnh đất quan ải. Tôi giật mình, vừa yên tâm, vừa sợ. Châu Đốc trong trí tôi ngày trước là vùng địa đầu, rắn rít, nước độc, bây giờ là đất Trà Sư mênh mông đẹp rộng như rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, có Thoại Ngọc Hầu sừng sững bảo vệ. Muôn đời.

Từ Châu Đốc, chúng tôi theo con kinh Vĩnh Tế của Hầu để về Hà Tiên. Anh lái xe cho đi con đường dọc sát biên giới Miên Việt, bên kia núi là đất Miên, bên này đất Việt, anh guide bảo: mạ bên mình lá xanh hơn mạ bên kia, cô ạ. Ý anh muốn nói, mạ mình xanh hơn mạ Miên, tôi mỉm cười thầm nghĩ: Người mình chủ quan thật. (Thụy Khuê lại trật nữa. Mạ bên mình xanh hơn là vì trồng lúa ngắn ngày rải toàn phân hóa học vô cơ, mạ bên kia là lúa dài ngày, ít lạm dụng phân hóa học – NY). Con đường đi dọc kinh Vĩnh Tế, mộc mạc, không trang điểm, còn là đường mộ chôn bao nhiêu nhân công đào kinh mở nước, họ đã nằm xuống đây. Phải đến mới cảm thấy thấm thía công lao của người trước: vừa chống trả với “quân xâm lăng” (xâm lăng hay đòi đất? Vì mình chiếm đất của người ta!), vừa làm công việc dẫn thuỷ nhập điền cho dân cư cả một vùng đèo heo gió hút.

Đến Hà Tiên, quang cảnh khác hẳn, như thể ta bước sang một “nước” khác. Nước của họ Mạc. Gia trang Đông Hồ-Mộng Tuyết tựa ở cửa ngoài. Thi sĩ Đông Hồ bị lạc lõng trong vùng đất này, dù đó là quê hương ông. Bởi ông đã “phản bội” quê hương, văn chương Đông Hồ quá chải chuốt, quá Hà Nội, quá tỉnh thành, không hợp với đất Hà Tiên, có lẽ vì thế mà ông chỉ ở ngoại thành. Hà Tiên là của dòng họ Mạc, cha con người Triều Châu. Mạc Cửu phá hoang, xây dựng, rồi dâng chúa Nguyễn. Mạc Thiên Tích, con trai ông, nhà thơ tướng quân, đã mở rộng Hà Tiên thành đất văn học. Tôi biết Hà Tiên qua vài truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trong Nhốt gió, nói về người Triều Châu lưu lạc sang ta. Đặc biệt chú Yều, mẹ Việt, có ông cố lưu lạc sang đây, lập làng đồ gốm Chòm Sao, nhưng chú ương bướng chủ trương “bất cộng tác” không chịu “hội nhập”, cứ nói, hát tiếng Triều. Nhưng rồi dần dần, chú Yều cũng “đầu hàng”, chú trở thành… người Việt. Tôi không biết trong số những người Triều Châu này, có bao nhiêu Trịnh Hoài Đức? Bao nhiêu Hồ Dzếnh? Di tích còn lại của họ Mạc ở Hà Tiên là những nấm mồ trên núi Bình San: cả dòng họ Mạc đã sống, chết, bảo vệ mảnh đất này, cả dòng họ Mạc nằm đó, nhìn xuống vịnh Hà Tiên, vẫn một lòng trung với Chúa, đã ba trăm năm.

Anh guide và anh tài dẫn chúng tôi ra tận biên giới Miên-Việt. Đứng bên cột mốc phân chia lãnh địa, bình an, một mối xúc động không tên dấy lên như thể qua bao nhiêu trận chiến tàn khốc, hồn người nằm xuống đã bảo an cho thời hiện tại trong không gian đầy nắng này. Tối đó anh guide dẫn chúng tôi tới một quán nhậu, ăn ghẹ luộc Hà Tiên, bất hủ. Sáng sớm hôm sau đi mũi Hòn Chông, phía nam Hà Tiên, thăm Hòn Phụ Tử. Tiếc thay núi cha đã bị gẫy đôi vì một trận bão, nhưng phong cảnh vùng ráng tiên vẫn tuyệt vời. Chẳng biết có phải Mạc Cửu chọn tên Hà Tiên vì khu này có người tiên hay ra vào trên sông nước? Với tôi, ông đã chọn nghĩa ráng tiên, bởi khi đứng trên Hòn Chông buổi sớm, mặt trời vừa mọc, dưới biển nhấp nhô bao đảo nhỏ chen chúc, trên trời ráng tiên múa hát vạn sắc màu, cho nên Mạc Cửu đã bình trị vùng đất hoang sơ tuyệt đẹp này rồi dâng chúa Nguyễn với tên Hà Tiên.

Hà Tiên gói trọn lịch sử về tình người, về lòng chung thuỷ, vượt trên mọi tranh chấp quốc gia, kỳ thị chủng tộc. Hà Tiên nhắc nhở thời điểm lịch sử mà hai dân tộc Việt-Hoa chung sống yên bình, chia nhau, không chỉ một mảnh đất, mà cả linh hồn mảnh đất ấy.

Trên đường trở lại Sài Gòn, chúng tôi ngủ đêm tại một khách sạn ở Cần Thơ, trên bến Ninh Kiều: dòng Hậu Giang hiện ra trước mắt, vẫn Cửu Long Giang và Phạm Duy cùng trổi dậy, cuồn cuộn, dưới chân cầu Cần Thơ, uyển chuyển, thanh nhã, nổi lên trong ráng chiều. Một lần nữa tôi cảm thấy hãnh diện vì những kỹ sư, kiến trúc sư trẻ của quê hương, đã dựng lên một kiến trúc hiện đại xứng đáng bắc ngang Sông Hậu. (Cái gì đẹp thì lại có người bảo Đại Hàn hay Nhật xây đấy, nhưng tôi chắc họ không đem “thợ” sang đâu!). Từ Cần Thơ, chúng tôi trở lên Vĩnh Long, rồi xuôi xuống Mỏ Cầy gần Bến Tre thăm gia đình trước khi về lại Sài Gòn.

Trở lại Sài Gòn, tôi bắt đầu để ý đến ngôn ngữ của người miền Nam, đặc biệt những người lái taxi. Chỉ cần một câu hỏi: cô chú ở đâu về? là biết chắc chúng tôi Việt kiều, họ bắt đầu tâm sự. Một cái tên được nhắc nhở khá nhiều trong những câu chuyện taxi là Võ Thị Sáu; có lẽ vì cô này chết trẻ. Sau này tôi còn gặp lại cô ở Côn Đảo. Người taxi phân trần: Cô coi, mấy đứa nhỏ phải học trường Võ Thị Sáu, thiếu gì tên hổng xài, lấy tên con nhỏ vô học đặt cho trường học, tui hổng cho đi, tui cho chúng học tư, tốn kém mấy thây kệ. Một người taxi trẻ đưa chúng tôi từ quận Bình Thạnh về quận Nhất, qua một khu sang trọng, nhà cửa mới tinh, tuồng của các đại gia, văng tục: ĐM, chiếm đất đấy, dám xuống trỏng (miệt vườn) mà chiếm, có mà chúng chặt đầu! Tôi rợn người, chừng máu cô Quờn (ngày xưa chém chồng 36 nhát dao) đang chảy trong huyết quản anh taxi vạm vỡ này. Bấy giờ tôi mới cảm thấy những đợt sóng ngầm. Nguy hiểm. Taxi vào vùng Thủ Thiêm, sự khác biệt còn dữ dội hơn: một quần thể biệt thự sang trọng, đường phố toàn tên cách mạng mà vắng tanh, hiềm gì bác tài không dọa: Tui chở cô zô đây, chớ đây đâu phải đất “người mình”. Tôi lạnh gáy. Việc hòa hợp dân tộc xem chừng không dễ dàng. Về phiá người Bắc vào Nam, các cháu tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, cũng than: Lúc đầu đi mua hàng họ không bán bác ạ, họ bảo hết rồi, họ đuổi điBây giờ đã khá hơn nhiều. Tôi nhớ lại những ngày năm tư, lũ lỏi Bắc kỳ di cư chúng tôi, chín mười tuổi học chung trường với lũ lỏi Nam kỳ. Bọn di cư học buổi trưa, khi trường trống, còn sáng và chiều dành cho học trò Nam. Ngày nào hai bên cũng viết thư “gây chiến” để lại hộc bàn, lời lẽ con nít Bắc Kỳ ăn cá rô cây; cuộc chiến âm ỷ tới hết thời tiểu học. Lên trung học, mấy con người đẹp Bình Dương chủ trương hòa hoãn với đứa di cư lạc lõng một mình trong trường đại nữ học Gia Long, chúng đình chiến, chúng thương xót, xử huề. Thế là tôi trở thành gián điệp nằm vùng, nhiệm vụ dò thám tình hình địch Trưng Vương (của mấy bà chị): năm nay lễ Hai Bà bên đó ai cưỡi voi, ai đóng Trưng Trắc? (Thời bà Nhu rất dân chủ: hai trường  chia nhau luân phiên đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị, vì không trường nào chịu làm em).  Tình hình “nội chiến” những năm xa xôi ấy trở lại trong tôi, lúc này; nhưng hôm nay, bây giờ, không phải là lũ trẻ ranh mà là người lớn với nhau, âm thầm, đáng ngại.

Điểm văn hoá cuốn hút tôi ở Sài Gòn là Đường Sách, một con đường rất ngắn nằm ngang hông nhà thờ Đức Bà, ít ai nhớ tên thật, thường gọi Đường Sách. Tôi chưa thấy ở đâu có quang cảnh như thế, từ thời phồn vinh của Sài Gòn ngày trước với hai nhà sách lớn Khai Trí, Xuân Thu, hay Paris ngày nay, với nhà sách Joseph Gilbert trên đại lộ Saint Michel và siêu thị Sách-Vidéo Fnac ở Montparnasse. Đường Sách, chen lẫn giữa những cửa hàng sách là những quán cà phê, bạn mua sách rồi ra đó trao đổi với bạn bè hoặc với những độc giả khác. Hoặc bạn là tác giả, ra đó ký sách cho người đọc, trả lời những câu hỏi của họ. Hoặc chỉ đơn thuần bạn thích ngồi cà phê, nhìn ngắm những cặp vợ chồng trẻ, tung tăng dẫn con đi chơi, mua sách hình… tất cả gợi lên một không khí thanh bình, một sức sống mãnh liệt đang lên của dân tộc, tôi không biết ở dưới có giấu những ngu dốt, tham ô, tham nhũng nào không, nhưng tôi tin vào sức sống và sự an nhiên tự tại của những người trẻ đang làm sách và đọc sách ở đây, phần lớn họ đều sinh sau bẩy lăm cả.

Đường sách chứng tỏ Sài Gòn ngày nay đã khác nhiều với Sài Gòn hôm qua, không chỉ với những cao ốc, những tiện nghi, tân tiến của một thành phố thế kỷ XXI, mà Sài Gòn còn đang phục hồi phần linh hồn, tức là phần chữ nghiã, tư tưởng, đã một thời bị dập xoá. Không chỉ những sách miền Nam cũ dần dần được in lại, như những sách về tư tưởng, triết học của Nghiêm Xuân Hồng, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung… mà còn có cả sách in chui, mà còn có cả những sách hiện đại của Tây phương dịch sang tiếng Việt, cống hiến cho người đọc, ngoài Internet, một cái nhìn sâu rộng hơn về thế giới bên ngoài. Tôi không đọc những sách này, nhưng cũng đoán, tất nhiên là không thể hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng, có chỗ dịch sai, có chỗ bị kiểm duyệt, nhưng đây là bước đầu, rồi ta sẽ dịch hay hơn, rồi sự kiểm duyệt sẽ bớt đi, theo đà dân chủ hoá của đất nước. Người Pháp đã phải bỏ ra ba mươi năm mới có bộ sách dịch toàn thể tác phẩm của Kawabata tương đối hoàn chỉnh. Còn Dante, qua bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa có được bản dịch Pháp văn đáng giá. Chỉ cần nhìn giới trẻ trên Đường Sách, từ người bán đến đến người mua đều trẻ cả, họ bán sách cũ mới, sách dịch đủ loại; có thể còn dịch sai, nhưng lần sau tái bản sẽ sửa cho đúng hơn, điều cần thiết là phải bắt đầu, và những người bạn trẻ này đã bắt đầu.

Chúng tôi đi thăm mộ Phạm Duy.

Duy Cường dẫn chúng tôi đi thăm mộ cha. Ông ở Bình Dương, trên một vùng đất đẹp. Trong Vườn Phạm Duy, thực hiện theo ý tưởng của Duy Cường, bên cạnh ông là mộ Thái Hằng và bia Duy Quang. Trên tượng bán thân bằng đồng đen, khắc theo ảnh chụp của Phong Quang, do điêu khắc gia Nguyễn Văn An thiết kế và Đoàn Tấn Huệ đúc đồng, ông sừng sững như còn tại thế. Trên mộ ghi Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi! bằng chính chữ của Phạm Duy. Ông đã vĩnh viễn trở về với đất nước với tiếng nói và con người.

Khi tôi ra đời cách đây 75 năm đã có Phạm Duy. Năm tôi lên bốn, Phạm Duy về làng với những tiếng quân hành bộ đội tràn vào sân nhà những đêm trăng sáng một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt, bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng. Đoàn người trai ra đi miệng hô lớn quyết chiến! Quyết chiến! Chân oai nghiêm đều tiến! Tôi “theo” kháng chiến từ giây phút ấy, trong vô thức chưa định hình của đứa bé lên bốn, với Khởi hành, với Đường Lạng Sơn, với Việt Bắc, vớiNgọn trào quay súng,vớiTiếng hát trên sông Lô… Bao thanh niên đã lên đường như thế theo tiếng nhạc tuổi xanh. Nếu không có Phạm Duy, Văn Cao… chắc gì cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công.

Nhưng Phạm Duy cũng đã sớm thấy sự tàn phá của chiến tranh, người nghệ sĩ ấy đã nghiêng mình xuống Những người thương binh, Mùa đông chiến sĩ… ông ngậm ngùi Nhớ người ra đi, thương tiếc những đồng lúa ngập vàng trong ánh hoàng hôn trên Nương chiều. Rồi Phạm Duy xuôi Trung trong những tháng ngày 1948, xót thương quê hương tan nát với những bà mẹ rách vai, với tiếng o nghèo thở dài với những chiều khô nước mắt… trong Quê nghèo, Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh… Tháng 5 năm 1951, Phạm Duy cùng gia đình vào thành, sự nghiệp văn nghệ của Phạm Duy sang một bước ngoặt lịch sử: từ nay chúng ta sẽ có ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh Thái Hằng Hoài Trung Hoài Bắc, và Thái Thanh sẽ trở thành tiếng hát vượt thời gian đem nhạc Phạm Duy trải dài trên nền đất nước, thấm vào lòng người.

Vào miền Nam, 1952 Phạm Duy bắt đầu một thiên tình sử mới với quê hương qua những bản tình ca bất hủ Tình hoài hương, Tình ca, Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam… Ở Phạm Duy tình ca, tình người và tình yêu quy thành một mối, một khối, một trái tim. Chúng ta gặp lại công chúa Huyền Trân qua nhạc Phạm Duy, chúng ta đi xuyên Việt qua nhạc Phạm Duy, chúng ta biết yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, qua nhạc Phạm Duy. Chúng ta yêu nhau cũng với Phạm Duy: ngày đó có em đi nhẹ vào đời, chúng ta cưới nhau cũng có Phạm Duy: nhìn trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới… Chúng ta giã biệt nhau cũng với Phạm Duy: ngày ấy có em ra khỏi đời rồi... Chúng ta van xin nhau cũng có Phạm Duy: Đừng xa nhau, đừng quên nhau, đừng rẽ khúc tình nghèo… Đừng cho không gian đụng thời gian... Mỗi gây phút thiêng liêng, hạnh phúc, xót xa… trong đời ta đều có Phạm Duy. Ngoài Nguyễn Du, chưa một nhà thơ, một nghệ sĩ nào đi sâu vào tâm hồn người Việt đến thế.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ta di tản, vẫn cùng Phạm Duy: Một ngày năm bốn, cha rời quê xa… Một ngày bẩy lăm đứng ở cuối đường… Ở hải ngoại, Phạm Duy hát cho Bầy chim bỏ xứ,Phạm Duy dựng lại thi ca Hàn Mặc Tử, làm sống lại Kiều trong âm nhạc.

Người ta trách Phạm Duy, khi ông bỏ kháng chiến về thành là phản bội cách mạng. Người ta trách Phạm Duy khi ông bỏ hải ngoại về nước là phản bội miền Nam. Nhưng người ta quên Phạm Duy là Người. Người Tự Do. Phạm Duy không có bổn phận với ai, trừ với chính mình. Phạm Duy không phải là chiến sĩ: Chiến sĩ đấu tranh dưới một ngọn cờ. Phạm Duy không phải là kẻ sĩ: Kẻ sĩ trung quân ái quốc. Phạm Duy không phải là chí sĩ: Chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, muốn dìu dắt dân tộc ra khỏi ách nô lệ, đoạ đầy.

Phạm Duy là người Nghệ Sĩ: Nghệ sĩ cần tự do như khí trời để thở, để sáng tác. Nghệ sĩ cần khán thính giả, nếu không có khán thính giả, sẽ không còn nghệ sĩ. Không nên buộc Phạm Duy phải làm giống ta, bởi ta chưa sáng tạo được một tác phẩm nào, một lời ca nào, cho quê hương, đất nước, con người.

Đứng trước mộ Phạm Duy, ai đã đo được tầm vóc vĩ đại của người nhạc sĩ số một của đất nước, năm lần ba-lô xuyên Việt, để lại bao nhiêu kiệt tác cho dân tộc cùng với sự vô ơn vĩ đại của lớp quần chúng bạc như dân đã chôn sống ông vì vài ba tiểu tiết, khi ông còn tại thế?

THỤY KHUÊ

TH/ST