4h sáng 14-2 (29 tết), chúng tôi từ chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh, TP.HCM) vô đường Lê Quang Định tới khu Xóm Gà, cách chợ không xa – khu xóm sầm uất lừng lẫy đất Gia Định xưa.

Chợ Gò Vấp gần Xóm Gà xưa – Ảnh tư liệu.
Trước khi đến đây, chúng tôi qua cả một khu chợ Việt hoàn hảo, ngôi chợ trung tâm đất Gia Định xưa giờ vẫn còn sống động, tràn ngập tết hai bên đường với đủ hàng hóa tết: hoa, dưa hấu, rau củ, thịt heo… – như hồi xe điện từ ga Gò Vấp chạy dọc con đường này, bọc hông chợ Bà Chiểu qua Đa Kao tới chợ Bến Thành.Một trong ba ga trên đường đó mang tên ga Xóm Gà, khu xóm rộng khoảng 3-4km2 thời nhà Nguyễn thuộc xã Bình Hòa, thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc hai quận Gò Vấp, Bình Thạnh, TP.HCM).


Đường xe điện từ Sài Gòn đi Gò Vấp chạy ngang qua Xóm Gà, với các ga nằm trên đường Lê Quang Định ngày nay, trong đó có một ga tên Xóm Gà – Ảnh: tư liệu.
Xóm tập trung quanh ngã tư Xóm Gà (ngã tư Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu, thời Pháp mang tên đường làng 15, đường làng 20). Thời Pháp cho đến tận đầu những năm 1950, đường làng 20 (Nguyễn Văn Đậu ngày nay) còn nhiều cây sao rất lớn, gió thổi bay bông xoay tròn mà con nít khu này thời đó thường chơi giỡn bằng cách lượm ném tung lên cho nó rớt xuống, xoay tít trong gió.Và xung quanh ngã tư này xưa là rất nhiều quán ăn hủ tíu mì, bánh bao, cơm tấm… bình dân, rẻ tiền nổi tiếng của người Hoa lẫn người Việt. Nhưng độc đáo nhất là một quán ăn bán đủ món thịt dơi có lẽ đầu tiên trên đất Sài Gòn – Gia Định (trước 75 đã không còn). Không biết có phải do khu này xưa vốn nhiều vườn cây rậm rạp, nhiều dơi nên có quán?…

Cũng như vậy, có người nói Xóm Gà là nơi xuất phát đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định món bơ trộn hột gà, patê quệt vô bánh mì Sài Gòn mà hiện nay hầu như không tiệm bánh mì Sài Gòn nào không có.

Xã Bình Hòa nói nghe xa chứ thật ra chỉ cách quận 1 một cây cầu Bông (trên đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Đinh Tiên Hoàng) và cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa (xưa chỉ dành cho tuyến xe lửa).



Một quán ăn khu Xóm Gà, Gò Vấp xưa thời thuộc Pháp – Ảnh tư liệu.

Ngã tư Xóm Gà ngày nay, giao lộ Lê Quang Định – Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: HỒ TƯỜNG.

Xóm Gà văn nghệ sĩ

Xóm Gà là một xóm nổi tiếng với trường đá gà, chứ không phải nuôi gà nhiều. Ngày nay, người ta kể cho nhau nhiều về chuyện một sư trụ trì xưa nơi đây xưa vốn là một tay anh chị ở Xóm Gà. Xóm từng đón các danh nhân như: Đông định vương Nguyễn Lữ, Tả quân Lê Văn Duyệt đến thưởng lãm trong các quãng thời gian mà các ông là quan lớn của lục tỉnh Nam kỳ.

Xóm ven đô dân cư đất rộng người thưa chủ yếu toàn bà con lao động nghèo mưu sinh buôn bán đủ món ăn từ sang tới khuya, đến nay vẫn còn sầm uất với hàng trăm tiệm quán bán rất khuya.

Khu lao động giá cả sinh hoạt không cao như Sài Gòn nên xóm cũng từng là nơi dừng chân của khá nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo. Tên gọi Xóm Gà đã đi vào thơ ca của Tản Đà: “Xóm Gà tan giấc rạng vừng ô” hay của Bùi Giáng: Sài Gòn bất tận ngoại ô – Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò – Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co – Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam”.

Chúng ta có thể kể ra hàng loạt những văn sĩ, thi sĩ, nhà báo tên tuổi xưa khác đã từng ở đây, đến đây như Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, Trần Tấn Quốc (sáng lập giải Thanh Tâm mà một trong những nghệ sĩ đoạt giải là Thanh Nga), Trang Thanh Lan, Tùng Lâm, Hùng Cường…


Tịnh xá Ngọc Phương, cơ quan lãnh đạo ni giới của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam – Ảnh: HỒ TƯỜNG.

Xóm Gà của những ngôi chùa lớn đất Gia Định – Sài Gòn

Chùa Già Lam xưa ở khu Xóm Gà vẫn còn hôm nay và là nơi đặt di cốt nhiều nhân vật nổi tiếng: nhạc sĩ Y Vân (với các nhạc phẩm nổi tiếng: Sài Gòn đẹp lắm, Lòng Mẹ, 60 năm cuộc đời…), Năm Châu – Kim Cúc…

Và xóm không chỉ có chùa Già Lam, đường Lê Quang Định đi qua Xóm Gà, hướng về Gò Vấp, bên phải có chùa Dược Sư, Tịnh thất Liên Hoa, hẻm vào chùa Linh Ứng. Bây giờ có thêm Châu An tự, Tịnh xá Ngọc Phương. Ngoài những chùa kể trên, trong xóm còn có chùa Vạn Đức, chùa Pháp Vân…

Trong đó, từ 1957 – 1965, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đã lần lượt chọn Xóm Gà để xây dựng cơ quan trung ương của hệ phái. Trước hết là Tịnh xá Ngọc Phương, Tổ đình của hệ phái Khất sĩ Ni giới, trụ sở Trung ương của hơn 150 ngôi tịnh xá ở miền Trung và miền Nam; mang lại cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người Việt một hệ phái Phật giáo mới: đạo Phật Khất sĩ.

Những ngôi chùa ở Xóm Gà còn là hai ngôi chùa cổ tới giờ vẫn còn: Sắc tứ Tập Phước (sắc phong từ thời Gia Long, đầu thế kỷ 19; do chùa cưu mang Nguyễn Ánh thời tẩu quốc) và Bảo An – hai ngôi chùa linh thiêng nằm giữa khu mồ mả hoang vắng trên đường Phan Văn Trị (khu mồ mả hiện đã giải tỏa).

Trước 75, nhiều người ngại qua khu chùa cổ giữa các ngôi mộ này vì… sợ ma. Nhà chúng tôi nhìn xéo qua chùa Sắc tứ Tập Phước – ngôi chùa cổ mà một vị sư từng trụ trì nơi đây thời Pháp vốn là tay giang hồ Ba Giáp, sau sám hối đi tu khi còn rất trẻ 25 tuổi (mất năm 1947). Thỉnh thoảng, chúng tôi đi các dãy mồ mả cỏ mọc um tùm ra chùa chơi để nghe kể chuyện chú tiểu ở đây ngủ bị bóng người nào đó đưa võng…

Chú tiểu kể chuyện tỉnh bơ và hồn nhiên, hồn nhiên như cách sống xưa nay của dân cư đất Gia Định xưa tới giờ vẫn còn đó, tới giờ còn tên gọi: ngã tư Xóm Gà.


Tịnh xá Trung Tâm, cơ quan lãnh đạo tăng giới của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam – Ảnh: HỒ TƯỜNG.

Xóm Gà cũng là nơi dựng nghiệp của dòng họ Trương nổi tiếng Gia Định xưa, như tri phủ Tân Bình Trương Văn Lánh.

Năm 1860, dòng họ Trương đã xây dựng nên ngôi từ đường lớn trên diện tích khoảng 1000 mét vuông. Điểm độc đáo nhất của căn nhà này: trên tất cả thân kèo đều chạm nổi hình một loại nhạc cụ của nền cổ nhạc Việt Nam…

Những năm 2000, ngôi nhà đã bán đi dưới hình thức “nhà cũ”, phân chia tài sản cho con cháu.

TH/ST