Theo truyền thống người Việt Nam, danh xưng “Hùng vương” bao đời nay đã được lưu truyền qua truyền khẩu và thư tịch, tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX, Henri Maspéro [6] đã lần đầu tiên phủ nhận danh xưng này và cho là tiền nhân Việt đã nối tiếp sự lầm lẫn văn tự giữa chữ “Lạc” 雒 thành chữ “Hùng” 雄 trong thư tịch Hán để tự nhận là “Hùng” vương, nhưng thật ra phải là “Lạc” vương mới đúng. Sau đó, giới học giả Việt Nam từ Bắc đến Nam đã mở ra những cuộc bút chiến sôi nổi về “Lạc” vương và “Hùng” vương.
Ở miền Bắc, bào vệ “Hùng” vương, tiêu biểu là Sở Cuồng Lê Dư, Vũ Ngọc Phan, Trần Quốc Vượng[21]…và bảo vệ “Lạc” vương là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh [19]… Ở miền Nam, tiêu biểu là Nguyễn Phương (“Lạc” vương) và Trần Viên (“Hùng” vương)[18]. Cho đến hôm nay, dường như vẫn đề này đây đó vẫn đang diễn ra nhưng chưa có hồi kết.
Bài viết này không có tham vọng giải quyết vấn đề mà chỉ góp phần tìm hiểu tại sao lại là “Lạc” vương và “Hùng” vương và về khả năng có hay không có sự lầm lẫn văn tự của tiền nhân?
1. Chữ “Lạc” trong Lạc vương
Sách sớm nhất ghi chép về “Lạc” vương là sách Thủy kinh chú[1] của Lịch Đạo Nguyên, thế kỷ VI, trong đó có dẫn lại từ sách Giao Châu ngoại vực ký khoảng thế kỷ IV một đoạn văn như sau: “交趾昔未有郡縣之時, 土地有雒田, 其田從潮水上下, 民墾食其, 名為雒民. 設雒王雒侯主諸郡縣. 縣多為雒將. 雒將銅印青綬” (Giao Chỉ xưa kia, lúc chưa có quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, ruộng này theo nước triều lên xuống, dân trồng cấy ruộng ấy để ăn, nên gọi là dân Lạc. Các quận, huyện được cai trị bởi vua Lạc và các phụ tá vua là quan Lạc. Ở các huyện do các tướng Lạc cai quản, tướng Lạc có ấn đồng, dây thao xanh). Tiếp đến là sách Sử ký – Sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường đã nhắc đến sách Quảng Châu ký của Bùi Uyên, đời Tấn,khoảng thế kỷ IV ghi chép cùng nội dung trên: “交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人.有駱王, 駱侯.諸縣自名為駱將, 銅印青綬, 即今之令長也”(Giao Chỉ có ruộng Lạc, ruộng này theo nước triều lên xuống, người ta ăn ruộng ấy nên gọi là người Lạc. Có vua Lạc và các phụ tá vua là quan Lạc. Các huyện tự gọi người cai quản là tướng Lạc, đeo ấn đồng dải thao xanh, như quan lệnh trưởng ngày nay vậy).
Nhận xét chung: Chữ Lạc viết bằng 2 tự dạng 雒 và 駱. Theo Khang Hy tự điển [8]thì 雒: “雒音洛, 本作駱” (âm lạc, vốn viết là 駱), vậy đây là 2 chữ đồng âm khác nghĩa. Liên quan đến chữ “Lạc” ở Giao Chỉ còn thấy chép là Lạc – Việt 駱-越 ở các sách Tiền Hán thư, Hậu Hán thư,Thủy kinh chú. Hai văn bản Giao Châu ngoại vực ký và Quảng Châu ký có lẽ xuất hiện cùng thời vì chính Thủy Kinh chú đã từng trích dẫn Quảng Châu ký (裴淵,廣州記曰…, Bùi Uyên, Quảng Châu ký chép…). Tuy vậy chúng tôi cho rằng, đoạn văn cô đọng từ Quảng Châu Ký với chữ Lạc 駱 và dựa vào các sách xưa hơn là Sử ký, Hán thư đều viết là chữ Lạc 駱 rất có thể xuất hiện sớm hơn (hoặc gần nguyên gốc) đoạn văn sáng sủa của Giao Châu ngoại vực ký với chữ Lạc 雒. Cả 2 chữ Lạc 駱,雒 là chữ ký âm cho một tên gọi (thổ âm) về ruộng của người bản địa (Lạc điền) ở Giao Chỉ trước khi thuộc nhà Hán chứ không phải ám chỉ về sự lên xuống của thủy triều. Nước triều lên xuống chỉ là một thuộc tính của ruộng Lạc. Về đoạn văn “仰潮水上下” của Quảng Châu ký, và của Giao Châu ngoại vực ký “其田從潮水上下”, thường được hiểu là ruộng này theo nước thủy triều lên xuống nhưng theo chúng tôi, có thể hiểu lại: chữ triều 潮 ám chỉ nước đầy và vơi chứ không hẳn là nước thủy triều ở biển, sông dâng cao, xuống thấp. Vậy đoạn văn trên cũng có thể hiểu là ruộng này được dẫn nước từ các khe suối trên đồi núi hay con sông dưới thung lũng chảy theo con mương để vào ruộng có ngăn đê, nước ngập đầy với khoảng thời gian cần thiết, rồi sau thoát nước vơi đi. Đây là kỹ thuật dẫn thủy nhập điền để trồng trọt sơ khai của người Mường, Tày ngày xưa. Dưới mắt người Hán, ở Giao Chỉ xưa vì có ruộng “Lạc” và người ta sống nhờ ruộng này nên mới gọi họ là người Lạc (Quàng Châu ký). Tên “Lạc” là thổ âm về thực vật nào đó và có lẽ là tên do người Hán gọi khi tiếp xúc với người cổ Việt xưa kia. Các tên gọi như Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng chỉ là một cách mô tả theo quan chế nhà Hán nên Lạc vương đơn giản chỉ là vua của người Lạc và Lạc hầu, Lạc tướng là người phụ tá của vua Lạc.
Vậy, chữ 駱 và 雒 ký âm cho tên gọi loài thực vật gì? Trước hết, từ nhận xét trên, chúng tôi cho rằng chữ 駱 (bộ mã) mà Quảng Châu ký (nếu xưa nhất) dùng không phải là tự dạng ban đầu. Theo Khang Hy tự điển, 駱: “與落通” (thông với 落 lạc), bằng chứng là ở Sử ký – Thiên quan thư chép “Đại Hoang Lạc” 大荒駱 nhưng ở Lịch thư lại chép là 大荒落, sách xưa hơn như Nhĩ Nhã, Hoài Nam tử đều chép là 大荒落. Do đó chúng tôi cho rằng ban đầu người Hán đã dùng chữ 落 (bộ thảo đầu) để ký âm cho tiếng cổ Việt về tên gọi giống cây trồng ở ruộng có nước (đầy, vơi) và sau đến Quảng Châu ký đã ghi chép là 駱 (bộ mã) theo diễn biến văn tự thời đó và đến Giao Châu ngoại vực ký đã dùng chữ đồng âm là Lạc 雒 (bộ chuy). Chữ 落 (bộ thảo đầu) có thể là một bằng chứng cho tên gọi về loài thực vật chứ không phải là về tên một loài chim “Lạc” (Đào Duy Anh)[3] hay “nước” (Nguyễn Kim Thản – Vương Lộc)[12]…Đáng chú ý là Hoàng Văn Chí[7] đã nêu giả thuyết về âm Hán “luò” (lạc) là chứ ký âm từ thổ âm ló = lúa vì người Mường Hòa Bình, hoặc người nông dân Nghệ An vẫn gọi như thế (Từ điển Mường – Việt phiên âm là lõ)[16]. Âm Hán “luò” là âm cận trung cổ không phù hợp để đối chiếu (Chữ Hán xuất hiện ở cổ Việt, sớm nhất từ thời Triệu Đà, trước Hán), vì chữ 落 (bộ thảo đầu) hay kể cả 駱,雒 theo Vương Lực, Lý Phương Quế có âm Hán thượng cổ là [lak][2] sẽ không hợp với lõ, lúa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Mường có tiếng “lốc” chỉ về loại lúa nương. Người Việt cũng có loại lúa gọi là lúa lốc và lúa lốc nước [22]. Tục ngữ Việt Nam có câu “Sao rua đứng trốc, lúa lốc được ăn”. Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ[3] có tả về cây lúa Lốc như sau: nếp Lốc, một thân nảy ra ba bốn nhánh cây, cũng thích hợp với đất núi, thóc màu vàng, gạo màu trắng sạm, chín rất sớm, người ta thường dùng nấu cơm. Hậu Hán thư cho biết, dân ở Cửu Chân sống bằng săn bắn nên vẫn thường mua thóc lúa ở Giao Chỉ. Sách Tề dân yếu thuật [20] (Giả Tư Hiệp, Bắc Ngụy 386-534) đã dẫn sách Dị Vật chí (Dương Phù, Đông Hán 25–220) như sau: “稻, 一歲夏冬再種, 出交趾” (Đạo: loại lúa, một năm gieo, mọc vào các mùa Hạ, Đông, xuất xứ từ Giao Chỉ) còn theo Khang Hy tự điển, Đạo 稻: “(韻會” 有芒穀, 卽今南方所食之米, 水生而色白者” (Vận hội: lúa có lá dài nhọn là lương thực, lúa gạo của phương Nam, sống ở nước, sắc trắng). Sách Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa [2], diễn Nôm chữ Đạo nê 稻泥 là “Lúa lốc nảy lan khắp đồng”[4]. Cho nên tên gọi “lốc” (Mường–Việt) sẽ phù hợp với âm Hán thượng cổ [lak]. Người Mường có tục thờ lúa nương[17] = lúa lốc và người Việt ở làng Kẻ Nú hay Lú (Việt Trì), hàng năm đầu mùa có lễ cấy lúa (gieo mạ) để tế vua Hùng. Trên đền Thượng ở Đền Hùng có thờ hạt thóc bằng gỗ [11]. Tập tục thờ Lúa rất phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á khiến ta nghĩ rằng cây lúa nước không phải là một đặc sản riêng của người Hán. Tuy còn tranh cãi, nhưng đa số các học giả đều nghiêng về giả thuyết cây lúa nước xuất xứ từ Đông Nam Á và Nam Trung Hoa [10]. Có thể xưa kia, người Hán, lúc tiếp xúc với người cổ Việt, thấy ở xứ này dân chúng trồng lúa nước có tên gọi là “lốc”, giống lúa mà người Hán chưa biết đến nên mới lấy ngay tên gọi ruộng “lốc” để gọi là ruộng Lạc (Lạc điền) rồi gọi luôn người sống bằng ruộng ấy là người Lạc (Lạc nhân), vua của người Lạc là vua Lạc (Lạc vương). Như vậy danh xưng “Lạc”vương có thể không phải là tên tự xưng của dân cổ Việt.
2. Chữ “Hùng” trong Hùng vương
Danh xưng “Hùng vương” 雄王 được ghi chép trong thư tịch Hán là sách Thái Bình quảng ký, thế kỷ thứ X,đã dẫn Nam Việt chí (Thẩm Hoài Viễn) khoảng thế kỷ V: “交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植.厥土惟黑壤.厥氣惟雄.故今稱其田為雄田,其民為雄民.有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯.分其地以為雄將” (Vùng đất Giao Chỉ rất màu mỡ, di dân đến ở, thoạt đầu biết trồng cấy. Đất đen xốp. Khí đất “hùng”. Vì vậy ruộng ấy gọi là ruộng Hùng, dân ấy là dân Hùng. Có quân trưởng cũng gọi là vua Hùng; các phụ tá thì gọi là quan Hùng. Đất đó được chia ra cho các tướng Hùng cai quản). So với Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký thì ở đây sau khoảng 1 thế kỷ, họ Thẩm, là bậc túc Nho, tất nhiên đã từng đọc đến Sử ký, Hán thư, Thủy kinh chú nên chắc chắn đã biết về Lạc 駱,雒 ở Giao Chỉ, nhưng đáng ngạc nhiên là ông đã có một nhãn quan mới về dân Giao Chỉ thông qua việc viết chữ Hùng 雄 mà nhất định không phải là Lạc 駱,雒 và hơn nữa còn lý giải về chữ 雄 như sau “厥氣惟雄” (khí đất “hùng”). Yếu tố “hùng” của khí đất gây ấn tượng cho họ Thẩm hơn là yếu tố “lạc” 駱,雒 hay thông tin về ruộng nước đầy vơi. Có thể vào thời điểm họ Thẩm khi thu thập thông tin về Giao Chỉ, lúc này đã thuộc Hán, dân ở đấy không còn được người Hán gọi là Lạc nữa, bằng chứng là sử liệu cho biết sau khi nước Nam Việt của Triệu Đà bị nhà Hán diệt thì thư tịch hiếm khi nhắc đến “Lạc” nữa, chỉ ở Hậu Hán thư có nhắc đến tên Lạc tướng 雒將 khi chép về Trưng Trắc và tiếp đến là “Lạc Việt” ở Giao Chỉ, Cửu Chân. Thế kỷ IV, Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký còn nhắc đến tên Lạc 駱,雒 (Lạc điền, Lạc vương, Lạc tướng…) nhưng chỉ là thuật lại chuyện xa xưa ở Giao Chỉ rồi sau sử sách không còn nhắc đến nữa. Mãi đến đời Đường (618 -907) người Hán mới đặt tên cho Giao Chỉ là An Nam. Nam Việt chí cho biết người di dân đã gọi ruộng đất ở đó là ruộng “Hùng” từ lâu rồi (không còn được gọi là Lạc theo người Hán nữa) và họ Thẩm, đã tìm hiểu ra lý do như sau: vì đất ở đây đen xốp với khí đất “hùng” 雄 nên mới gọi là ruộng “Hùng” 雄 (Hùng điền). Khó có khả năng khi cho Thẩm Hoài Viễn tự tạo ra danh xưng Hùng vương 雄王, vì chẳng có bằng chứng nào cho thấy họ Thẩm đã ưu ái dân Giao Chỉ để cố ý viết chữ 雄 thay cho 雒 (phiên âm, tối nghĩa) rồi ban cho một ý nghĩa hay hơn là “hùng” (mạnh mẽ). Các học giả xưa nay có vẻ đã chủ quan khi kết luận rằng, khởi đầu từ Thẩm Hoài Viễn qua việc nhận lầm tự dạng từ chữ 雒 giống chữ 雄 nên ông đã viết thay toàn bộ chữ Lạc 雒 thành chữ 雄 rồi sau nhà Nho Việt bắt chước để gọi là Hùng vương. Tuy trong thư tịch Hán vẫn xảy ra chuyện cùng một tên người lại viết 2 tự dạng 雄=雒, chẳng hạn sách Lã Thị Xuân Thu viết về Vương Tôn Hùng 王孫雄, Sử ký là Công Tôn Hùng 公孫雄 nhưng sách Mặc tử lại là Vương Tôn Lạc 王孫雒. Có khi 雄= 絡 như Hậu Hán Thư viết Thúc Tiên Hùng 叔先雄, Thủy Kinh Chú là Tiên Ni Lạc 先尼 絡. Hiểu biết của chúng tôi hạn hẹp nên không biết các học giả Trung Hoa đã xác nhận chữ nào trong 雄,雒, 絡 là đúng và có trước? Nhưng theo thiển ý, nên tin vào các sách sử như Lã Thị Xuân Thu, Sử ký, Hậu Hán Thư viết chữ 雄. Đặc biệt là ở Nam Việt chí, các nhà nghiên cứu đã quên rằng, nếu Thẩm Hoài Viễn sơ ý lầm tự dạng thì ông sẽ không cần phải dẫn ra đoạn giải thích khác thường về ý nghĩa của chữ Hùng 雄 mà đơn giản chỉ máy móc đổi tự dạng như Giao Châu ngoại vực ký đã thay tất cả chữ 駱 từ Giao Châu ký ra chữ 雒 nhưng vẫn giữ ý nguyên thủy: ruộng Lạc (Lạc điền), ruộng này theo nước cao, thấp,…Tên gọi của một dân tộc không phải duy nhất, có thể do tự xưng hay do người ngoài gọi tên và tùy thời kỳ lịch sử, tâm lý chủ quan hay khách quan…nên một dân tộc có nhiều tên như dân Trung Quốc còn gọi là Hoa Hạ, Hoa, Hán, Trung Nguyên, Đường và người Việt gọi họ là Ngô, Tàu, Bắc hay ngay người Việt đối với người thiểu số lại gọi là Kinh, Đáo, Keo. Xem thế thì sự kiện Nam Việt chí ghi nhận về Giao Chỉ có người Hùng, ruộng Hùng, vua Hùng…hay Giao Châu ký chép là dân Lạc, ruộng Lạc, vua Lạc… là chuyện rất bình thường.
Thư tịch Việt liên quan đến danh xưng Hùng vương 雄王 chỉ có (Đại) Việt sử lược [25](khuyết danh đời Trần) là ghi nhận sớm nhất: “周庄王时,嘉宁部有异人焉, 能以幻术服诸部落,自称碓王” (Đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người dị nhân, dùng ảo thuật khuất phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương), kế tiếp là sách Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp), Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên). Trước hết cần nhận định về tự dạng, Việt sử lược khắc in là 碓王, chữ Đối 碓 không phải là chữ Hùng 雄, tại sao vậy? Theo hiểu biết của chúng tôi, đây có thể là một chữ do vua quan nhà Thanh khắc sai một cách có chủ ý nhằm hạ thấp, miệt thị danh hiệu Hùng vương của dân Việt, nên nhớ sách này nằm trong bộ Khâm định tứ khố toàn thư, do vua Càn Long, một kẻ bại trận dưới tay Quang Trung, chỉ đạo biên soạn. Theo Khang Hy tự điển “䧺: (字彙補) 與雄同” (䧺: (Tự vựng bổ), đồng với 雄) vậy 雄 = 䧺 (chữ hữu 右 bên trái) và chỉ cần thụt đi nét đầu tiên bên trái 䧺 là ra chữ 碓 (bộ thạch 石) có nghĩa là cối giã gạo, hóa ra vua người Việt không còn là vua Hùng 雄 theo nghĩa hùng dũng, siêu quần, người đứng đầu nữa mà trở thành vua Hùng “cối giã gạo”![5] Ngoài ra, ngay tựa đề gốc Đại Việt sử lược cũng bị học giả nhà Thanh cố ý cắt bỏ chữ “Đại” rồi phần chép về Lý Thánh tông rất sơ lược so với các vua Lý khác và chắc chắn cũng bị cắt bỏ thông tin về quốc hiệu “Đại Việt”. Cần lưu ý thêm về cách viết “dị nhân” và “ảo thuật”, có lẽ nên hiểu nguyên ý của tác giả Đại Việt sử lược chỉ diễn đạt một con người xuất chúng có tài trí, uy lực nên mới khuất phục được các bộ lạc nhưng do quan điểm nhà Thanh đã cố ý sửa lại bằng các ý niệm có vẻ man di như “dị nhân” (người quái dị) “ảo thuật” (phép thuật huyền ảo). Khoảng thế kỷ XIV, Lê Tắc, một cựu thần nhà Trần khi biên soạn An Nam chí lược [9] đã không hề đả động đến danh hiệu Hùng vương mà chỉ dẫn Giao Châu ngoại vực ký với chữ Lạc 雒. Một số nhà sử học đã viện cớ vào ghi chép này để gián tiếp phủ nhận danh hiệu Hùng vương, nhưng theo ý chúng tôi, An Nam chí lược tuy do chính nhà Nho Việt lưu vong ở Trung Hoa biên soạn nhưng không thể thoát khỏi sự kiểm duyệt, sữa chữa theo ý đồ của vua quan nhà Nguyên trước khi khắc in. Như đã nhận định ở trên về chữ 碓 trong Việt sử lược bị nhà Thanh khắc sai một cách có chủ ý nhằm miệt thị danh hiệu Hùng vương, đến lượt An Nam chí lược cũng thế, nếu có viết về “Hùng” vương cũng sẽ bị loại bỏ để dùng “Lạc” vương theo quan điểm, thư tịch Trung Hoa. Cần chú ý thêm là An Nam chí lược luôn gọi tên nước Đại Việt là Giao chỉ, An Nam hay khi viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã theo quan điểm thiên triều để gọi là “yêu tặc”, cũng không ngoài sự chỉ đạo của vua quan nhà Nguyên. Đáng chú ý là lời chú của Đại Việt sử ký toàn thư[23]: “貉 將 後 訛 爲 䧺 將” (Lạc tướng, sau bị lầm là Hùng tướng) cũng tỏ ra khuynh hướng tin vào chữ Lạc. Nhưng về tự hình, 2 chữ 貉,䧺 rất khác nhau, khó có chuyện lẫn lộn. Người chú giải của Đại Việt sử ký toàn thư có lẽ bị sử liệu Hán với chữ Lạc 雒 dễ lầm là Hùng 䧺 gây ảnh hưởng nên không tin là có Hùng tướng, nhưng vẫn tin là có Hùng vương. Cho nên Đại Việt sử ký toàn thư khi viết về Trưng Trắc lại viết giống sách Hán với chữ 雒, họ Lạc 雒, con gái của Lạc tướng 雒將 huyện Mê Linh mà không viết là 貉 將 theo truyền thống. Xem thế đủ biết định kiến về LẠC (theo sử liệu Hán) đã ăn sâu vào trí não của nhà Nho Việt. Trong số 9 bản còn lại của Lĩnh Nam chích quái[4] thì 8 bản chép Hai Bà Trưng họ Hùng, dòng dõi Hùng tướng chứ không phải là Lạc tướng và chỉ có 1 bản viết là Lạc tướng và Việt điện u linh[24] cũng có bản chép là Hùng như Lĩnh Nam chích quái. Ở bản Nôm Việt sử diễn âm ghi chép đoạn thơ chữ Hán: “王, 侯 相 將 噲 稱 雄”(Vua, quan lẫn tướng đều thích xưng là Hùng) [14] và Thiên Nam ngữ lục [15], khi chép về Hùng vương và Hai Bà Trưng cũng viết là Hùng tướng. Về âm đọc “Hùng” (không phải là “Lạc”) đã có bằng chứng vào năm 1659 qua bản lịch sử An Nam chép tay bằng chữ Quốc ngữ của Bento Thiện[5], tác giả ghi là “Hùng vương” và Hai Bà Trưng là cháu của “Hùng vương”. Từ các dữ liệu trên, chúng tôi đặt lại vấn đề: Như đã dẫn luận ở trên, Nam Việt chí đã ghi chép về Hùng vương và Hùng tướng là theo danh xưng của chính người cổ Việt đã lưu truyền lâu đời, như những ghi chép về Hùng vương, Hùng tướng còn lưu lại trong Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Việt sử diễn âm…. Người Hán muốn gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng (chữ Lạc phiên âm từ lúa “lốc”) là chuyện của họ và người cổ Việt tin vào Hùng vương, Hùng hầu, Hùng tướng theo tập truyền là chính đáng. Do đó, theo quan điểm chúng tôi, không có chuyện viết lầm từ Lạc sang Hùng.
Như vậy, “Hùng” 雄 có âm cổ Việt là gì và ý nghĩa ra sao? Trần Quốc Vượng [21] đã từng nêu giả thuyết về từ nguyên của “Hùng” là tiếng phiên âm từ tiếng Việt cổ gần với tiếng “cun” (con trưởng ngành, trưởng nhà Lang) của tiếng Mường và tiếng “khun” (chỉ người cầm đầu, tù trưởng, nhà quý tộc…) của ngữ hệ Mon – khmer và Thái như La ha, Kháng, Xinh Mun, Khmu, Thái Tây Bắc, Lào. Lưu ý là chính người Mường đã có tiếng đồng nghĩa với tù trưởng tối cao là “bua” (vua) như sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước đã từng nói đến “bua Dịt Dàng” và người Việt thế kỷ XVII vẫn còn nói là “ ” (A. Rhodes 1651)[1]. Vậy đúng ra phải là “bua” chứ không phải là “cun” và nếu là “bua” thì không tương ứng với “hùng”. Theo thiển ý, nó có khả năng là tiếng “sống” (trái với chết) và tiền thân của “sống” còn lưu tích tiếng Mường là “khổng”, thật vậy, trong An Nam dịch ngữ [26] để ký âm tiếng sông đã dùng hai dạng chữ 生 [şeŋ] và 空 [k’uŋ] cho thấy tiếng sông còn dấu vết âm đầu [k’] ở thế kỷ XV-XVI. Theo Nguyễn Ngọc San[13], thời Tiền Việt–Chứt, tiếng Mường – Việt chưa có âm “kh” bật hơi, vậy có thể cổ âm của “khổng” là “kổng”. So sánh “kông” với âm Hán thượng cổ là [ɣiuəŋ] (Vương Lực), [gwjəŋ] (Lý Phương Quế) cũng tương đồng. Các phụ âm đầu ɣ (g) và k đều là âm gốc lưỡi nên có thể hoán chuyển, như biến thể trong cách đọc chữ Hán của của người Việt: gương/kính, gươm/kiếm, gửi/kí cho nên [ɣiuəŋ], [gwjəŋ] nếu dùng ký âm cho “kổng” là hợp lý. Tiếng Mường còn chỉ giống đực là “khổng”[16] (Việt là “sống/trống”) như “ca khổng” là gà trống nhưng còn được gọi là “khổng ca” (trật tự như tiếng Hán) và đây chính là dấu vết chứng tỏ “khổng” là một từ gốc Hán. Theo chúng tôi, đó có thể là từ hùng 雄 (trống, đực) và như trên đã đối chiếu hùng 雄 [ɣiuəŋ], [gwjəŋ] = sống [khổng/kổng] chứng tỏ “khổng” (sống/trống) là âm đọc tiếng Hán 雄 của người Mường cổ đại. Ngược lại, chữ Hán 雄 dùng để ký âm cho tiếng Việt – Mường “khổng/kổng”.
Vùng đất theo Nam Việt chí: “khí đất “hùng” rất màu mỡ, đen xốp và đầy sức “sống” (sinh khí), là đất sống, nguồn sống mới của di dân. Rất có thể do chính dân bản địa tự gọi theo đặc điểm đó khi xâm chiếm, khai phá vùng đất mới. Ban đầu dân đất Sống gọi vua của mình là vua Sống nhưng sau khi cổ Việt bị thuộc Hán, hay có thể ngay từ thời Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương, trong đó có cổ Việt, người Việt đã dùng chữ Hán để ký âm “vua Sống” là 雄王 Hùng vương rồi sau này danh xưng theo âm đọc Hán Việt là “Hùng vương” cứ thế đi vào ký ức dân tộc Việt Nam.
Tóm lại, danh hiệu Hùng vương 雄王 là có bằng chứng thuyết phục trong thư tịch Hán và Việt. Nam Việt chí đã tiết lộ dân cổ Việt di dân đến một vùng đất mới để khai khẩn, trồng trọt và đất này đen xốp, khí đất thì “hùng” do đó người dân gọi là ruộng Hùng. Cai trị đất Hùng có vua Hùng…Còn Đại Việt sử lược bằng một diễn đạt khác đã cho biết có một bậc xuất chúng ở bộ Gia Ninh dùng tài trí chinh phục các bộ lạc, sau đó làm vua tự xưng là vua Hùng. Đáng chú ý là Lĩnh Nam chích quái cũng kể về chuyện di dân qua câu chuyện chia ly, Âu Cơ đem 50 con đến vùng đất mới là đất liền, cao ráo và cùng tôn người anh cả lên làm vua, gọi là vua Hùng (Hùng vương). Có thể hiểu rằng: thủ lĩnh xuất chúng của dân cổ Việt với tài trí, uy lực của mình, đã chinh phục các bộ lạc lân cận, dĩ nhiên sẽ xảy ra sự kiện di dân đến vùng đất mới màu mỡ để khai khẩn, trồng trọt. Lúc này có lẽ xuất hiện tên gọi ruộng, đất “Hùng” bởi lưu dân gọi tên theo một đặc tính của vùng đất mới rất tốt, màu mỡ, đầy sức “sống” (khí đất “hùng”). Một vị vua mới thống lĩnh vùng đất mới mang tên Hùng đã tự xưng là vua Hùng (Hùng vương), vua của đất Hùng, dân Hùng. Danh xưng Hùng vương có thể là một là một danh xưng do chính dân cổ Việt đặt ra, khác hẳn với danh xưng Lạc vương do người Hán tạo ra khi tiếp xúc với dân trồng lúa “lốc” ở Giao Chỉ trước Hán thuộc.
3. Lời Kết
Qua những tìm hiểu về danh xưng Lạc vương và Hùng vương như đã dẫn luận, chúng tôi có thể đưa ra một số nhận định và giả thuyết mới như sau: Tên gọi 駱,雒 (lạc) có thể có tự dạng ban đầu là 落 do người Hán dùng để phiên âm từ tên gọi cổ âm Mường – Việt là “lốc” nên ở cổ Việt, ruộng trồng lúa Lốc nước là ruộng Lạc, người sống bằng ruộng đó là người Lạc, vua của người Lạc là vua Lạc, phụ tá của vua là quan Lạc, tướng Lạc. Tên gọi “Hùng”雄 có thể là do người cổ Việt phiên âm từ tiếng Mường – Việt là “khổng/kổng” (sống), vì xưa ở cổ Việt có vùng đất đen xốp rất màu mỡ và đầy sức “sống”, dễ trồng trọt nên đã được di dân gọi là ruộng, đất Sống (Hùng điền), dân sống nhờ vào ruộng này cũng gọi là dân Sống (Hùng dân), còn người trị dân là vua Sống (Hùng vương), các người phụ giúp vua là quan, tướng Sống (Hùng hầu, Hùng tướng).
Tên gọi LẠC, vua Lạc = Lạc vương có thể do người Hán phiên âm khi chú ý về ruộng có trồng cây lúa Lốc chứ không phải là do người cổ Việt tự gọi, chính vì vậy nó chỉ tồn tại một thời gian rồi sau không được chính người cổ Việt chấp thuận để lưu truyền. Ngược lại tên gọi HÙNG tuy do ký âm bằng chữ Hán của tiếng “sống” nhưng tên gọi này có khả năng là do chính người cổ Việt tự gọi tên đất và người mình nên mới có danh xưng vua Sống = Hùng vương. Do đó huyền thoại, thư tịch và khẩu ngữ dân gian ở Việt Nam luôn mãi ghi nhớ và lưu truyền danh hiệu “Hùng vương” cho đến ngày nay mà nhất định không chấp nhận danh xưng “Lạc vương” dù cho biết bao học giả trong và ngoài nước tốn công phủ nhận từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Tranh minh họa: Tuyệt Duyệt.
Chú thích:
[1] Các tài liệu chữ Hán như Thủy kinh chú, Thái Bình quảng ký, Sử ký …tham khảo từ trang mạng Chinese Text Project, website: http://ctext.org
[2] Các âm Hán thượng cổ từ đây và về sau tra cứu theo 上古音查询, http://www.eastling.org/OC/oldage.aspx
[3] Theo nguyên bản chữ Hán trong sách Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ (tập III). Tủ sách Cổ văn, Ủy ban Dịch thuật – Phủ quốc vụ khanh, Đặc trách văn hóa xuất bản. 1973. Chữ 鹿, Tạ Quang Phát dịch là “lộc” (hươu). Trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa viết là 祿, bản phiên âm của Trần Xuân Ngọc Lan cũng phiên là “lộc” là không đúng bởi vì tiếng Mường và tục ngữ cũng như tiếng Việt hiện nay đều gọi là “lốc”. Hai tự dạng 鹿, 祿 chứng tỏ là chữ ký âm cho “lốc”.
[4] Lúa “lốc” theo CNNÂGN chính là đạo 稻. Theo Khang Hy tự điển dẫn Lục thư cố 六書故: “稻性宜水, 亦有同類而陸種者, 謂之陸稻” (Lúa đạo (lốc) thích nghi với nước nhưng còn có loại trồng ở đất cao ráo gọi là lục đạo) điều này phù hợp với tên gọi lúa lốc nương (Mường) và lúa lốc nước (Việt).
[5] Thế mà các dịch giả, Nguyễn Đăng Na, Trần Lê Sáng vẫn thật thà phiên âm là Đối vương trong bản dịch Đại Việt sử lược ! (xem Tổng tập văn học Việt Nam, tập 3b, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994)
Tài liệu tham khảo
- Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
- Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, bản sao chụp từ bản ở Thư viện Hội Châu Á, do anh Lê Sơn Thanh cung cấp
- Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005
- Đinh Gia Khánh (chủ biên), Lĩnh Nam chích quái, , Nxb Văn học (tái bản), 2001.
- Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 – 1659 (tái bản), NXB Tôn giáo. 2008
- Henri Maspẻro, Nước Văn Lang (dịch Pháp văn), Hà Nội, nhà in Thời sự 1948
- Hoàng Văn Chí, Duy văn sử quan, Tủ sách Cành Nam, 1990, nguồn http://www.dactrung.com/NoiDung.aspx?m=tr&id=17652
- Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997
- Lê Tắc, An Nam chí lược, Trần Kinh Hòa (dịch), NXB Lao Động – Trung Tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 2009
- Nguyễn Duy Hinh, Nghề trồng lúa nước thời Hùng vương trong Hùng vương dựng nước (tập IV), NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974 và xem thêm, Văn minh lúa nước, theo nguồn:
http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_minh_l%C3%BAa_n%C6%B0%E1%BB%9Bc
- Nguyễn Khắc Xương, Vua Hùng dạy dân cấy lúa trong Truyền thuyết Hùng vương, Hội Văn nghệ Dân gian Vĩnh Phú xuất bản. 1979, xem thêm Mối liên hệ văn hóa Việt – Mường ở vùng Đất Tổ, nguồn: http://www.phutho.gov.vn/web/guest/gioi-thieu/-/vcmsviewcontent/q4Mj/71/83494/8080/web/guest/du-khach
- Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, Thử tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “Lạc” trong Hùng vương dựng nước (tập IV), NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974.
- Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (Tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb Đại học Sư phạm. 2003
- Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm , chú thích, biên dịch), Việt sử diễn âm (bản chữ Nôm), Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1997
- Nguyễn Thị Lâm (Phiên chú), Thiên Nam ngữ lục (thơ Nôm), NXB văn học, 2001
- Nguyễn Văn Khang, Từ Điển Mường Việt, NXB Văn Hóa Dân Tộc 2002.
- Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi (nhiều tác giả), NXB Ủy ban huyện Tân Lạc, Sở VHTT Hà Sơn Bình. 1988. Xem thêm Cái vía lúa, Văn hóa Thể thao, nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cai-via-lua-n20120701062500540.htm
- Tạp chí Bách Khoa số 178, 179, 205, 206 / 1964 và Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng nghiên cứu sử Viện Đại học Huế,1965
- Tạp chí Tri Tân số 9/1941, số 96, 101, 105/1943 và Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 467/1943
- Tề dân yếu thuật 齊民要術/卷第十, nguồn: http://zh.wikisource.org/zh-hant/%E9%BD%8A%E6%B0%91%E8%A6%81%E8%A1%93/%E5%8D%B7%E7%AC%AC%E5%8D%81
- Trần Quốc Vượng, Về danh hiệu “Hùng Vương”, trong Hùng vương dựng nước (tập III), NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974
- Trung tâm Tài nguyên Thực vật, nguồn: http://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CBwQFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.pgrvietnam.org.vn%2FUserFiles%2FFile%2FBao%2520cao%2520Khoa%2520hoc%2FNC%2520tiem%2520nang%2520di%2520truyen%2520khang%2520ray%2520nau.pdf&ei=Xt5FVY-8K-LTmgWM-oC4Aw&usg=AFQjCNFImX5YNV9Gpan4F1joWCVGaV177Q&sig2=snfx_tXwsXkgsnrMBHz3Qw&bvm=bv.92291466,d.dGY
- Viện Khoa Học Xã Hội, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993
- Việt điện U linh (bản chữ Hán), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 3b, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994
- Việt sử lược 越史略, nguồn: http://www.ishare5.com/8037916/
- Vương Lộc (Giới thiệu và chú giải), An Nam dịch ngữ (In lần hai, có sửa chữa và bổ sung), Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học. 1997
Bài đã đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ số 7/2016