Những hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn xưa từ thảo cầm viên, nhà thờ Đức Bà, thương xá Tax, chợ Bình Tây đến chiếc xe máy, xe xích lô, v.v… đều được minh họa sinh động và độc đáo dưới ngòi bút của Lê Hưng Trọng.
Phố chợ xưa
Sài Gòn 1969, góc ngã tư đường Bạch Đằng với Lê Quang Định gần chợ Bà Chiểu. Lối kiến trúc nhà phố đặc trưng thời kỳ này là một trệt hai lầu với tầng trệt cao rộng dùng để kinh doanh buôn bán, hai tầng trên để sinh hoạt, tạo nên sự thống nhất cho cả dãy phố.
Thảo cầm viên Sài Gòn
Tên ban đầu của nơi này là Vườn bách thảo và ít ai ngờ rằng đây là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Ngày 23/3/1864, Đề đốc De La Grandière ký nghị định xây dựng Vườn bách thảo với diện tích lên đến 12ha ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm thực vật. Nơi này vừa trưng bày vừa cung cấp cây giống cho Bảo tàng Quốc gia lịch sử thiên nhiên (Muséum national d’histoire naturelle). Cuối năm 1865, Vườn bách thảo đã được mở rộng đến 20ha và sang năm 1924 sáp nhập thêm 13ha nữa. Công trình hoàn thành năm 1927. Năm 1956, Vườn bách thảo được tu sửa và đổi tên là Thảo cầm viên Sài Gòn.
Bùng binh Cây Liễu
Trước tòa thị chính (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố) ở góc đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) và đường Bonard (nay là đường Lê Lợi) có một bùng binh nhỏ với đài phun nước, tên là Place Francis Garmier để tưởng nhớ đến một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phiêu lưu trên đất Bắc và tử thương tại Hà Nội năm 1873. Sau này, xung quanh đài phun nước, người ta cho trồng hàng liễu nên bây giờ có tên gọi là Bùng binh Cây Liễu.
Thương tá Tax
Thương xá Tax được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, kết hợp đường nét văn hóa Á Đông. Ban đầu, nơi này có tên Les Grands Magazins Charner (GMC), tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh những mặt hàng sang trọng chủ yếu nhập từ Anh, Pháp và các nước phương Tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ lục tỉnh Nam kỳ. Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên là Thương xá Tax. Tòa nhà là một trong những công trình góp phần tạo nên một “Hòn ngọc viễn Đông” trong quá khứ.
Chợ Bình Tây
Chợ được xây dựng trên khu đất của thôn Bình Tây vào năm 1928 và khánh thành năm 1930 với tên gọi là Chợ Lớn mới để phân biệt với Chợ Lớn cũ đã bị cháy (nay chính là vị trí Bưu điện quận 5). Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa với kỹ thuật hiện đại thời Pháp lúc bấy giờ. Đến năm 1990, chợ được trùng tu và cải tạo mở rộng ra hai bên phía hông chợ và thêm một tầng lầu. Chợ nằm ngay khu dân cư đông đúc của người gốc Hoa. Chợ Lớn mới giữ tính chất kinh doanh đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Xe xích-lô
Xích-lô xuất hiện ở Sài Gòn từ năm 1934 và số lượng tăng nhanh vào khoảng năm 1939. Loại xe này du nhập từ Nam Vang (Campuchia) vào Sài Gòn, do một người Pháp là P.Coupeaid chế tạo và lưu hành đầu tiên tại thủ đô Campuchia. Có lẽ xe xích-lô là tổng hợp về cơ học vận chuyển giữa xe kéo và xe đạp. Chiếc xích-lô có ba bánh xe, hai bánh trước và một bánh sau.Với sự áp dụng kỹ thuật của xe đạp, xích-lô chạy nhanh hơn và người lái cũng ít phải dùng sức hơn xe kéo. Xe xích-lô có mặt mọi nơi, mọi thời gian, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của đất nước trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Bóng dáng xe xích-lô cũng giản dị tựa người Việt.
Xe Solex (Màu đen)
Vào những năm đầu thập niên 1960, hình ảnh những nữ sinh ngồi trên chiếc xe Solex đen bóng có lẽ vẫn luôn là ấn tượng không thể nào quên của một thế hệ thanh niên thời đó. Solex cũng là biểu hiện của sự sang trọng vì nữ sinh có xe Solex thường là con nhà khá giả. Nói chung, Solex là sự duyên dáng, phô trương kín đáo của người phụ nữ Việt Nam cùng với chiếc áo dài mà vạt sau được gài trên yên xe, không che kín toàn vẹn.
Xe Mobylette (màu xanh ngọc)
Mobylette ở Việt Nam có loại màu vàng và xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49,99cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng lái. Mobylette vàng nhỏ, chỉ có ống nhún phía trước, trong khi Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn, có ống nhún ở cả bánh trước lẫn sau.
Xích-lô máy
Một phương tiện di chuyển tương đối rẻ tiền tại Sài Gòn là xích-lô máy. Dưới ánh nắng và cái nóng oi ả của thành phố, loại xe này trở nên thông thoáng hơn so với khi ngồi trong xe taxi Renault 4CV không có máy điều hòa không khí. Với tiếng nổ của động cơ hai thì dùng xăng pha nhớt nhả khói, xích-lô máy là hình ảnh đặc biệt khó quên của Sài Gòn. Sau ngày thành phố được giải phóng vào tháng 4/1975, xích-lô máy cũng biến mất như số phận của những chiếc xe taxi Sài Gòn xưa.
Nhà thờ Đức Bà
Công trình này còn có tên gọi là Nhà thờ chánh tòa, tức nhà thờ có tòa của giám mục phụ trách giáo phận. Xưa, dưới thời Pháp cai trị, nơi này còn được gọi là Nhà thờ nhà nước, tức do nhà nước xây dựng để phục vụ nhu cầu tôn giáo của các tín đồ công giáo Pháp. Nhà thờ này được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Bourard – một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo. Đồ án được chọn trong số 18 đồ án được đệ trình, đã được giám mục Colombert đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7/10/1877 và khánh thành ngày 11/4/1880. Nhà thờ Đức Bà luôn là một trong những biểu tượng của Sài Gòn xưa và nay.