Ngày 19 tháng 5 năm Tự Đức thứ 2 (1849), Tuần phủ Bắc Ninh hộ lý Ninh Thái Tổng đốc quan phòng Trương Văn Uyển trình tấu về bản án cha dượng đánh con riêng của vợ đến chết. Vụ việc xảy ra ở huyện Võ Giàng.

Một cảnh xử án xưa (ảnh sưu tầm)

Bản án do các quan địa phương dâng trình về việc ngày 11 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (1849), một người tên Nguyễn Khiêm ở xã Thị Cầu, tổng Đỗ Xá có đơn trình xin tra xét.

Nội dung đơn cho biết, con gái ông Nguyễn Khiêm là Nguyễn Thị Dao, trước đi buôn bán xa nhà, dan díu có thai, sinh được một con trai, đặt tên là Đổ.

Sau đó, Thị Dao trở về nhà. Ông Khiêm gả Thị Dao cho người trong xã là Nguyễn Tả, làm thiếp. Đứa con riêng của Thị Dao khi đó 4 tuổi.

Vào giờ Ngọ hôm đó, ông Khiêm thấy Nguyễn Tả ôm tên Đổ đến, nói đứa bé bị trúng gió, người nhà mau tìm thuốc điều trị, xong Nguyễn Tả đặt tên Đổ vào giường rồi bỏ đi.

Nhưng khi ông ngoại đứa bé vào xem thì thấy cháu mình bị thương, liền hô hoán. Phó tổng, lý dịch bắt được Nguyễn Tả, đem trói lại.

Sau đó một lát thì đứa bé chết.

Các quan kiểm tra thi thể đứa bé thấy có vết máu khô ở lỗ mũi cùng nhiều vết thương ở trán, má, thái dương với kích thước khác nhau, dài khoảng 2, 3, 4, 7, 8 phân, rộng 2, 3 phân, thâm tím như bị đập vào đá. Lại có một vết thương ở cổ dài 6 phân, rộng 3 phân. Tại cằm có vết thương tròn khoảng 4 phân. Một vết thương tím bầm sau đầu khoảng 3 phân. Một vết thương nhỏ khoảng 2, 3 li, không biết do vật gì tạo ra. Hai bên mông và đùi trái có mười mấy vết thương dài ngắn khác nhau, khoảng 7, 8, 9 phân, sâu đến 1, 2 thốn…

Khi các quan tra xét, Nguyễn Tả khai mình là chồng sau của Thị Dao. Con riêng của Thị Dao với chồng trước là Đổ vốn không ở cùng với Nguyễn Tả, lần ấy theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả. Sau đó, vì Thị Dao đi buôn bán ở nơi khác nên đứa bé ngủ lại nhà Nguyễn Tả. Đến khi tỉnh giấc, đứa bé nhớ mẹ nên khóc. Nguyễn Tả tức giận lấy cây gỗ đánh mấy cái làm nó sợ hãi chạy vấp ngã vào hòn đá bị thương, được một lát thì chết.

Các quan tra xét vụ án cho rằng đứa bé nhớ mẹ nên khóc là thói thường của trẻ nhỏ. Vậy mà Nguyễn Tả lại tức giận lấy cây gỗ đánh đứa bé.

Chiếu theo luật “đánh con chồng trước của vợ”, trong đó có khoản “Kẻ đánh con chồng trước của vợ đến chết, bị xử giảo” (tức xử thắt cổ) nên Nguyễn Tả bị xử theo hình phạt này và giam lại chờ.

Còn Nguyễn Thị Dao, trong khi Nguyễn Tả đánh tên Đổ, thị ấy vắng nhà, không biết tình hình, nên miễn nghị xử.

Châu bản triều Nguyễn ghi lại vụ án cha dượng đánh con riêng của vợ đến chết, dưới triều Tự Đức (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Một vụ án khác, cha dượng đánh chết con riêng của vợ, ở tỉnh Vĩnh Long, dưới triều Tự Đức.
Ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 (1856), Viện Đô sát phụng duyệt bản án đánh chết người do quan tỉnh Vĩnh Long Lê Đình Lý kết án đệ trình, đã được Bộ Hình phúc duyệt.

Theo đó, tên Diệp Khởi đã đánh con riêng của vợ tên là Hỏa bị thương nặng đến chết ngay. Khi tra xét, tên Khởi đã nhận tội.

Khởi truyền xử trảm giam hậu (xử chém nhưng giam lại chờ).

Có thể thấy, ở thời đại nào, kẻ gây ra tội ác đánh đập, hành hạ trẻ nhỏ đến chết cũng đáng bị trừng phạt nặng, thậm chí cần phải loại bỏ khỏi xã hội.

Những sự việc trên đều được ghi lại chi tiết trong Châu bản triều Nguyễn. Khối tài liệu này hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

TH/ST