Ngoài những nghề truyền thống như sĩ, nông, công, thương, sách “Nhiếp ảnh hiện thực và Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20” còn ghi lại hình ảnh một số nghề ít được nhắc tới.

Khảm xà cử: Nghề này đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ của người thợ khảm. Người thợ phải trổ tấm gỗ lấy nền, sau đó cắt mảnh trai ốc cho khít hình và ghép xuống.

Xẻ gỗ: Nghề phổ biến ở khu vực rừng núi phía Bắc. Các thợ sơn tràng phải phối hợp nhịp nhàng để đưa đẩy lưỡi cưa sao cho tấm gỗ được xẻ phẳng như ý.

Phu kéo xe: Với sự xuất hiện của người Pháp, loại hình vận chuyển xe tay bánh gỗ hoặc bánh cao su do người kéo có mặt ở thành thị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Để làm được việc này người phu xe tay phải có sức khỏe dẻo dai, sử dụng đôi tay thuần thục giữ thăng bằng cũng như phân phối sức cho đều tùy vào quãng đường kéo.

Cắt tóc: Nghề cắt tóc và lấy ráy tai dạo phổ biến ở Việt Nam trước đây. Có thể nhìn thấy trong hình những người thợ cắt tóc và khách hàng đều búi tó củ hành để tóc dài.

Nghề làm giấy: Trong ảnh chụp cảnh làng làm giấy ở Hà Nội, có thể là làng Bưởi. Những người thợ giã vỏ cây dó trong những chiếc cối đá lớn. Đây là nguyên liệu chính để làm giấy.

Diễn viên: Đây là hình ảnh trang phục và các diễn viên tuồng của một gánh hát. Họ thường biểu diễn nhiều nơi với sân khấu tự dựng hoặc tận dụng sân đình.

Mò cua bắt ốc: Đúng nghĩa đen với câu cửa miệng “mò cua bắt ốc”, đồng ruộng xưa nhiều tôm cá, nên lúc nông nhàn công việc này góp phần cải thiện cuộc sống của người thôn quê.

Gánh nước: Khi những con phố ở thành thị, nhất là ở Hà Nội chưa có nước, người dân còn dùng nước giếng và nước ở máy nước công cộng. Nghề gánh nước thuê nhờ đó có đất sống. Nhất là vào dịp Tết, những người làm nghề gánh nước ăn nên làm ra vì gia chủ phải trả thêm cho họ để lấy may cho năm mới “tiền vào như nước”.

TH/ST