Từ nhỏ, tôi đã nghe mẹ kể về giếng làng. Và tôi biết, mẹ dành nhiều tình yêu cho cái giếng ấy. Giếng làng đã đi vào tâm hồn, đi theo mẹ tôi, và dĩ nhiên là rất nhiều người làng tôi nữa, đi suốt cuộc đời cho đến tận hôm nay. Ấy vậy mà, từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên, tôi không được chiêm ngưỡng cũng như có chút kỷ niệm gì liên quan đến cái giếng làng đó. May thay hôm nay, người làng tôi vô cùng phấn khởi khi các thế hệ người già, người trẻ đã chung tay khôi phục lại được cái giếng làng. Người già được sống lại ký ức xa xưa, người trẻ cũng được đắm mình trải nghiệm một tình yêu làng qua cái giếng quê hương.

Làng tôi tên là Thành Phú, được hình thành trên bãi bồi của dòng Mạn Định. Thuở xưa con sông thông dòng sông Mã, nay thì không còn nữa, nó đã bị ngăn thành nhiều hồ nhỏ qua rất nhiều làng ở quê tôi. Mẹ kể, khi còn nhỏ hay đi gánh nước ở giếng. Nước giếng rất trong. Già trẻ thi nhau gánh mà nước như chẳng vơi đi. Giếng được xây bên bờ sông cũ nên đêm đến, trai gái trong làng đi gánh nước hoặc rảnh rỗi tụ tập bên giếng, hay hát đối qua lại với nhu hoặc với trai gái bờ bên kia. Nghĩ thật vui, tiếc rằng xã hội phát triển, những hoạt động vui ấy giờ đã trôi vào dĩ vãng xa xăm.

Giếng làng trong mắt tôi hình tròn như mặt trăng. Mỗi khi đi qua tôi đều nhìn qua, nó chỉ như cái ao cũ kỹ thả đầy bèo tây. Mẹ tôi bảo, từ khi các nhà trong làng tự đào giếng riêng, cái giếng chẳng còn vai trò cung cấp nước nữa. Người dân làng lãng quên giếng, theo thời gian, giếng tự biến mình thành cái ao, bờ đất sạt sụp cỏ dại. Nó chỉ còn trong tâm trí người già tiếc nuối kể lại cho cháu con. Chúng tôi cũng chỉ mơ hồ tưởng tượng chuyện xa xưa.

Hành trình khôi phục giếng làng (Bài cuối): Giếng làng dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa

Khi ấy, đào giếng rất vất vả. Người ta phải đào thử để tìm mạch nước trong để đào giếng. Cái giếng làng phải đặt ở nơi phong thủy phù hợp. Và thật tuyệt là khi ấy, các cụ “khảo sát” lại đúng được vị trí đầu làng, ngay sát bờ sông. Tôi nghe kể lại, khi đào giếng, các cụ đã chạm đúng vào mạch làm nước phun mạnh không ngừng. Các cụ đã kịp thời dùng mấy khúc gỗ lim to chặn vào điều chỉnh. Ấy thế mà khi giếng bị bỏ hoang, bùn tụ lại, nhiều lần người ta vét bùn, không tài nào tìm lại được những khúc gỗ lim ấy. Câu chuyện gỗ lim truyền miệng suốt mấy trăm năm.
Quả thật, nhờ cây đa, bến nước, giếng làng… mà biết bao thế hệ xa quê, mỗi khi nhắc đến làng lại rưng rưng nỗi nhớ quê hương. Dù cho xã hội phát triển, nhưng mảnh hồn làng luôn mãi ở tâm trí mỗi người. Những người xa quê trở về luôn tụ họp bên cái giếng cổ mặc dù nay chỉ còn là bờ đất. Nhiều người có ước mơ làng mình cũng tôn tạo lại được cái giếng làng như những làng khác. Điều này cũng có vẻ hợp lý, vì khi xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, dân làng tôi cũng muốn cải thiện tinh thần, tìm về với các giá trị xa xưa.

Từ hai năm nay, lãnh đạo cùng già trẻ làng tôi hô hào, kêu gọi con cháu chung tay tôn tạo. Người xa gần hào hứng ủng hộ nên giếng đã hồi sinh. Trong không khí hân hoan, rất nhiều người đã ủng hộ tiền, gạch, đá, xi măng… Ngày nay đào giếng có vẻ đơn giản hơn vì đã có máy xúc, các phương tiện hiện đại khác. Bùn được múc lên, gạch đá, xi măng hình thành áo mới. Dù bận bất kể công việc gì thì mỗi người dân làng đều phải qua giếng làng để hóng chuyện tân trang. Và một điều đặc biệt đã xảy ra, người ta đã tìm được những khúc gỗ lim huyền thoại trong truyền thuyết. Ai nấy đều hân hoan, ca ngợi cổ tích là có thật.

Nay giếng đã tái sinh, thay hình dạng, nhưng tình cảm người làng vẫn tràn trề, thậm chí còn trào dâng. Dù chưa xong, nhưng giếng sẽ trở thành nơi nghỉ ngơi, quần tụ của dân làng. Ghế đá đã được chở đến để khi xong là bày vào khu vực giếng, cây cảnh đã nhiều người đăng ký sẽ cung tiến khi xong. Những vần thơ vang lên, hợp thành tuyển tập. Uớc mơ tôn tạo giếng làng đã thành hiện thực ở làng Thành Phú quê tôi.