Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm! Được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy.

Lệ vinh quy được nhà Lê đặt ra. Bia đá khắc ghi:

– (Khoa thi năm 1442), vua cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa (…). Ngày mồng 3 tháng 3 xướng danh treo bảng để tỏ rõ cho đông đảo sĩ phu thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để biểu dương, cấp mũ đai y phục để tô điểm, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ lòng yêu mến, cho ngựa tốt về quê để rõ ý ân cần. Sĩ thứ đất Trường An đâu đâu cũng tụ tập lại xem, đều ca ngợi thánh triều chuộng Nho, xưa nay ít thấy.

Ngày mồng 4 bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn, ngày mồng 9 từ giã bệ ngọc vinh quy. Đó là khoa đầu tiên của thánh triều ban ơn long trọng, cho đến nay sĩ phu vẫn còn ca ngợi. Từ đấy về sau, thánh nối thần truyền, vẫn theo lệ cũ. (1).

tiến sĩ vinh quy
Tiến sĩ xuất thân, Tạo sĩ hiển hồi.

– Năm 1481, tháng 4, hội thí các cử nhân. Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên ra văn sách hỏi về lý số, cho đỗ cập đệ và xuất thân theo bực khác nhau. Đến tháng 5, triệu các tiến sĩ vào sân rồng, Hồng lô tự truyền chỉ xướng danh. Lại bộ ban ân mệnh, Lễ bộ mang bảng vàng, nổi âm nhạc rước ra cửa Đông Hoa treo lên. Mã cứu ty (ty nuôi ngựa) kén ngựa tốt đưa trạng nguyên về nhà (2).

Đám rước tiến sĩ vinh quy bái tổ được tổ chức long trọng. Nơi thì:

Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem

(Nguyễn Bính, Thời trước)

Không hiểu vì sao vợ quan Nghè chỉ đứng đón chồng dưới gốc bàng đầu làng chứ không tham dự vào đám rước?

Một đám rước khác vui vẻ, đằm thắm hơn:

Nghi vệ dàn ở bên đường
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau

Ông tiến sĩ cưỡi ngựa đi trước, bà vợ ngồi võng theo sau. Có mình có ta.

Đám rước của Chu Thiên (Bút nghiên) không có ngựa, chỉ dùng võng. Võng của thầy học đi trước, tiếp theo là võng cha, võng mẹ rồi mới đến Võng anh đi trước, võng nàng theo sau.

Đám rước của Ngô Tất Tố (Lều chõng) tuy cũng toàn dùng võng, nhưng lại được sắp xếp theo thứ tự: võng quan Nghè đi trước, rồi đến võng vợ quan Nghè, võng cố ông, võng cố bà.

Thông thường thì ông tiến sĩ cưỡi ngựa (như định lệ cho phép) hay ngồi võng. Nhưng, Nguyễn Thị Chân Quỳnh lại cho biết trường hợp một ông tiến sĩ cưỡi voi:

– Lúc đầu Tân khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, Phạm Quý Thích cưỡi voi nhưng không rõ từ bao giờ Tân khoa lại ngồi võng (3).

Phạm Quý Thích có gì đặc biệt hơn các tiến sĩ khác không?

– Năm 1780, tháng 3, vua Lê ra văn sách cho những người dự trúng kỳ thi hội khoa Kỷ hợi (1779) ở điện nhà vua. Qua ngày hôm sau chúa Tĩnh Vương thân đến ngự tại phủ đường, lại cho họ thi bài văn sách nữa (…). Chúa Trịnh chuẩn cho Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du, hai người đều là đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp), bọn Phạm Quý Thích (…) 13 người đều đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Phạm Quý Thích, người Hoa Đường, huyện Đường An, nhà ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, 20 tuổi, do nho sinh trúng thức, đỗ thứ hai kỳ thi hội (4).

Phạm Quý Thích đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Không có gì đặc biệt hơn các tiến sĩ khác. Theo định lệ của nhà Lê thì Phạm Quý Thích được cưỡi ngựa vinh quy. Không biết sách nào chép ông được cưỡi voi?

***

Nếu không phải Phạm Quý Thích thì có ai khác được cưỡi voi không?

– Năm 1868, vua Tự Đức cho thi ân khoa. Tại trường thi hương ngoài Hà Nội, có lính cưỡi voi dàn chào các khảo quan tiến trường. (Nguyễn Công Hoan, Sóng Vũ môn).

– Cũng tại trường thi hương Hà Nội, ngày xướng danh có lính cưỡi voi đi quanh các phố, dùng loa hô tên người đỗ (Ngô Tất Tố, Lều chõng).

– Tại Nam Định:

Xướng danh tên gọi trên mình tượng
Ăn yến xem ra có thịt công

(Tú Xương, Hương thí tự trào)

Thời Tự Đức, tổ chức thi hương ngoài Bắc có huy động cả lính cưỡi voi.

Nhưng cảnh cưỡi voi vinh quy thì dường như chỉ được thấy trong một tấm tranh dân gian (5). Tranh vẽ hai đám rước: Nửa trên là rước tiến sĩ xuất thân. Ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau. Nửa dưới là rước tạo sĩ hiển hồi. Ông tạo sĩ cưỡi voi.

tiến sĩ vinh quy
Vinh quy bái tổ

Tạo sĩ là ai?

– Năm 1721, tháng 8, định phép học võthi võ.

Chuẩn định 3 năm một lần thi võ. Phép thi: trước hết hỏi sơ lược về đại nghĩa trong sách Tôn Tử, người nào thông hiểu nghĩa sách sẽ được vào thi khảo về võ nghệ: 1. Cưỡi ngựa múa đâu mâu; 2. Đấu kiếm, lăn khiên; 3. Múa siêu đao; kỳ trót thi về phương pháp mưu mẹo việc binh. Ai trúng cách sẽ được dẫn vào sân phủ chúa thi phúc hạch, rồi tuỳ tài cao thấp theo thứ tự bổ dụng.

Năm 1780, tháng 4, định lại phép thi võ cử.

Trước kia lấy 4 năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu làm khoa thi sở cử (thi tại bản trấn), 4 năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm khoa thi bác cử (thi tại kinh thành). Cứ ba năm mở một khoa, đại lược dựa theo thể lệ thi hương, thi hội về bên văn. Đến năm Vĩnh Khánh (1729-1731) đổi ra thi ba kỳ: trước hết thi giương cung, múa siêu đao, sau thi bắn cung, múa kiếm và cưỡi ngựa múa đâu mâu, sau nữa thì văn sách hỏi 7 bộ sách trong Võ Kinh và một bài về phương pháp mưu mẹo việc binh. Người nào 3 kỳ đều trúng cách, là tạo sĩ (…). Về phép thi sở cử cũng giống như bác cử.

Đến nay định lại, phép thi chia làm bốn kỳ (…) (6).

Năm Minh Mạng thứ 17 mới mở khoa thi võ ở Thừa Thiên, sau lại mở thêm trường thi ở Hà Nội và ở Thanh Hoá. Năm Thiệu Trị thứ 5, nghị định cứ năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa võ hương thí; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mở khoa võ hội thí. Cứ thi văn chương thì kế đến thi võ.

Ai quán cả 3 kỳ võ hương thí, điểm cao thì cho đỗ võ cử nhân, điểm thấp cho đỗ võ tú tài.

Võ hội thí, ai trúng đủ 3 kỳ thì cho dự đình thí. Điểm cao cho đỗ võ tiến sĩ, điểm thấp đỗ phó bảng (7).

Tạo sĩ thời nhà Lê, võ tiến sĩ thời nhà Nguyễn cũng được ân thưởng mũ áo, biển lọng, cũng được ăn yến, xem hoa và được vinh quy như các ông tiến sĩ bên văn.

Rất có thể các ông quan võ Tạo sĩ được cưỡi voi vinh quy như trong tranh dân gian.

Nước ta có một ông tạo sĩ nổi tiếng:

– Khi ấy Huy quận công Hoàng Tố Lý đang có danh vọng lớn, thường dựa vào sự giúp đỡ của Đặng Thị Huệ; mà Thị Huệ thường cũng lấy quận Huy làm chỗ nhờ cậy bên ngoài.

(Bấy giờ, đầu đường xó chợ có câu ca dao:

Trăm quan ít sáng nhiều mờ
Để cho Huy quận vào rờ chính cung)

Quận Huy người làng Phụng Công, là cháu bình Nam thượng tướng quân Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, vẻ người thanh dật, là tay văn võ toàn tài. Khoa thi hương năm Ất Dậu (1765), Huy đi thi được trúng cách; đến khoa thi võ năm Bính Tuất (1766) Huy lại đỗ luôn tạo sĩ. Hồi ấy Ân vương còn đang trọng dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy (8).

Năm 1782, Trịnh Sâm chết. Lính Tam phủ đột nhập phủ chúa. Quận Huy cầm bảo kiếm, cưỡi voi xông ra đánh dẹp, bị đám lính dùng câu liêm móc cổ kéo xuống, giết chết ngay tại chỗ.

Chữ tài liền với chữ tai!

***

Ngoài chuyện cưỡi voi, Phạm Quý Thích còn được sử cho “ngồi xe tay”:

– Tháng 6 năm Khải Định thứ 2, tức tháng 7 năm 1917 Tây lịch, Trưởng phòng Chính trị Phủ Toàn quyền Marty cùng Hoa Đường Phạm Quý Thích, Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác sáng lập báo quán Nam Phong ở Hà Nội, do Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Việt văn và Pháp văn, Nguyễn Bá Trác chủ bút phần Hán văn, bài vở rất nhiều điều thiết thực thích đáng (9).

Năm 1780, Phạm Quý Thích đỗ tiến sĩ, 20 tuổi. Năm 1917, ông đứng ra sáng lập báo quán Nam Phong (cùng với Phạm Quỳnh!), lúc… 157 tuổi! Nước ta chưa có ai sống lâu như vậy.

Phạm Quỳnh là người chủ chốt của báo Nam Phong. Ông đã từng viết bài ca tụng Lão Hoa Đường Phạm Quý Thích (10). Phạm Quỳnh biết rõ tiểu sử Phạm Quý Thích. Ông không có lí do gì để chép sai về Phạm Quý Thích.

Nói tóm lại, bộ sử của nhà Nguyễn do Phạm Quỳnh biên soạn đã bị người khác sửa đổi, thêm bớt. Lợn lành chữa thành lợn què. Bản sao chép sai này hiện được lưu giữ ở Thư viện của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Paris.

***

Vẫn chuyện cưỡi voi…

Bài văn sách Lấy chồng cho đáng tấm chồng, giãi bày ước mơ của cô gái lấy được anh đồ thi đỗ, được nhiều học giả công nhận là của Lê Quý Đôn (1726-1784). Bài văn có đoạn:

– Vả còn trong trần luỵ, anh đồ là vị vũ chi giao long; may khoa thi mà danh chiếm bảng vàng, tức hôm nọ chi hàn nho, hôm nay đã ông cống ông nghè chi đài các. Ví em mà phận đẹp chỉ đào, thì trước voi anh, sau võng thiếp, cũng thoả đời ư võng giá chi nghênh ngang.

Lê Quý Đôn không thể hạ bút cho ông cống ông nghè nghênh ngang trước voi anh, sau võng thiếp như vậy được. Tiến sĩ văn chỉ được cưỡi ngựa thôi!

Bài Lấy chồng cho đáng tấm chồng còn có câu:

– Ăn no lại nằm, bây giờ là ghế trúc giường đồng chi chỉnh chiện.

Thời Lê Quý Đôn, nước ta còn dùng tiền bằng đồng. Mua bán đồng phải nộp thuế. Đại gia nào dám nổi hứng “chơi” giường đồng? Dám vứt tiền dưới gầm giường như vậy? Thật ra chỉ cần hỏi thời Lê Quý Đôn nước ta có thợ thủ công nào được học nghề rèn, đúc, hàn đồng để có thể làm giường đồng không?

Lê Quý Đôn phải sống thêm một trăm năm nữa hoạ may mới thấy thực dân Pháp mở xưởng chế tạo hay mang cái giường sắt, giường đồng sang nước ta.

Một dị bản của bài văn sách còn có cả hai câu thơ

Gươm trời chi để tay phàm tuốt
Búa nguyệt sao cho đứa tục mài

của Nguyễn Bỉnh Khiêm!

“Cưỡi voi, nằm giường đồng, ngâm thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm” cho thấy rằng Lê Quý Đôn không phải là tác giả bài văn nôm Lấy chồng cho đáng tấm chồng.

***

Nước ta có truyền thống trọng thi cử, quý bằng cấp.

Ngày xưa thi đỗ cử nhân, tiến sĩ là được mời ra làm quan, không lớn thì nhỏ. Ngày nay đỗ cử nhân, tiến sĩ còn phải đi kiếm việc làm. Các ông các bà tân khoa chen nhau “vượt Công môn”. Cửa hẹp người đông. Khó khăn, chật vật chả thua gì “cá vượt Vũ môn”.

Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

Chú thích:

(1)- Tuyển tập Văn bia Hà Nội, quyển 1, KHXH, 1978, tr. 65.
(2)- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, NXB Sử Học, 1961, tr. 11.
(3)- Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Văn Miếu Thăng Long-Hà Nội, Hội Nhà Văn, 2017, tr. 172.
(4)- Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, tập 2, KHXH, 1975, tr. 197-198.
(5)- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 2011, tr. 62.
(6)- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Giáo Dục, tr. 424, 750.
(7)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 272-274.
(8)- Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn Học, tr. 16.
(9)- Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ, bản dịch của Cao Tự Thanh, Văn Hoá-Văn Nghệ, 2012, tr. 370.
(10)- Phạm Quỳnh, Tuyển tập và Di cảo, An Tiêm, 1992, tr. 355

Nguyễn Dư

TriThucVN