LTG: – Buôn-Mê-Thuột là một thành phố có giấc ngủ lâu dài trên dãy Trường-Sơn có độ cao 536m, mà cũng là nơi có con số dân cư đông nhất ở Tây-Nguyên. Nguyên là vùng địa đàng của hoàng triều và nhà Vua thường xuyên đến đây để nghỉ ngơi, săn bắn. Cách đây chừng hơn thế hệ, thổ ngơi nầy vốn là miền cội rễ của nhà trời từ núi rừng thiêng đến muôn loại heo hùm, chim muông, hoa lá. Cảnh trí đặc biệt thường được thoáng hiện vào những khi có mưa rơi trên tĩnh vật, mà lúc nào như cũng thiên thu đượm một nét buồn…muôn thuở. Và cũng như khi có nắng gió, thì cát đỏ lại tung bay từng lớp bụi…mịt trời. Nhưng cũng có những chàng trai Kinh tâm hồn đa cảm, lãng mạn, một thời vấn vương mối tình bản Thượng nên đã gọi quê hương thứ nhì của cuộc đời mình là xứ bướm…mơ tiên.

Mái nhà rông 
trên quê hương “Buồn-Muôn-Thuở”

Bản Thượng Tây-Nguyên ĐắK-LắK

Theo cuộc cải tổ về hành chánh, địa lý ở Việt-Nam hiện tại thì Đắk-Lắk là một trong những tỉnh có diện tích đất đai rộng lớn nhất trong số 64 tỉnh thành trong toàn quốc. Thổ ngơi, rừng núi nơi nầy ngày xưa từng được mệnh danh là vùng đất Tân-Biên-Cương, mới được sáp nhập vào đất nước người Việt đã hơn một thế kỷ trôi qua, như trường hợp của Chiêm-Thành và Thủy-Chân-Lạp gần hai trăm năm. Đây là một sự kiện rõ ràng cho phép chúng ta có một cái nhìn khai phóng về chân dung của lịch sử đất nước tổ tiên. Vừa chứng minh được sự hiện diện lâu đời, vừa nói lên được cái bản chất trẻ trung của màu sắc trộn pha trong cộng đồng chủng tộc giao lưu trên bán đảo hình cong chữ “S”. Chính do thành tố đa nguyên nầy là một đoạn đường dài đầy cam go để dẫn tới sự thông cảm, yêu thương, tình tự dân tộc, đoàn kết giống nòi mà bất cứ mọi người Việt-Nam nào cũng cần phải tỏ ra có tinh thần, khả năng khắc phục.

Chính vì thế, cho dù nếu ở mảng đất nầy ngày nay còn được gọi tên là gì đi nữa chẳng hạn như Ban-Mê-Thuột, hay chính thức như “Buôn-Ma-Thuột” (“Ama Thuot” nguyên là tên của một vị tù trưởng sở tại nầy ngày xưa) hiện nay, thì chữ Buôn-Mê-Thuột không hiểu sao cũng vẫn lại là mấy tiếng thổ âm thân thương quen miệng hằng ngày của đa số đồng bào người Thượng ở địa phương nầy. Cần nói rõ thêm là sau khi thôn tính toàn thể bán đảo Đông-Dương, thì người Pháp lại bắt đầu mở ngõ thuộc địa tiến về miền Cao-Nguyên Trung-Phần. Sau đó, họ áp đặt vùng địa phận Buôn-Mê-Thuột nầy vào vị trí đất đai của Vương-quốc Ai-Lao mãi cho đến đầu thập niên của thế kỷ XX (1904), thì mới trao lại cho người Việt và sáp nhập vĩnh viễn luôn vào lãnh thổ Việt-Nam cho đến bây giờ.

Trong hiện tại, thì tỉnh địa đầu giới tuyến Đắk-Lắk đã chính thức chọn Buôn-Ma-Thuột làm thủ phủ. Và đồng thời, thành phố nầy cũng còn được nâng cấp trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây-Nguyên với tổ chức mới lập thành 15 đơn vị hành chánh gồm có thành phố Buôn-Ma-Thuột, thị xã Buôn-Hồ và 13 huyện là: Buôn-Đôn, Cư-Kuin, Cư-M’gar, Ea-H’Leo, Ea-Kar, Ea-Sup, Krông-Bông, Krông-But, Krông-Pak, Lắk, M’drăk, Krông-Ana, Krông-Năng. Nói chung về địa lý toàn tỉnh, thì vùng đất nầy nằm theo sườn phía Tây-Nam của dãy Trường-Sơn với một diện tích núi rừng to rộng có cả một mạng lưới sông suối, ao hồ thiên nhiên trải ra dày đặc phong phú tài nguyên, và hứa hẹn rất nhiều tương lai cho tiềm năng du lịch. Do vậy mà thêm vào đó, là nhờ vào phương tiện giao thông hàng không ngày nay đã được mở mang, tăng cường các chuyến bay lên tận Cao-Nguyên. Cho nên, các tuyến du lịch đã đua nhau đón chào du khách ở khắp mọi phương xa đổ vể thăm Buôn-Mê-Thuột, để cho họ có dịp thích thú ngắm nhìn hình ảnh sinh hoạt của các sắc tộc miền cảnh quang đất đỏ. Đồng thời, cũng để cho họ có dịp thả hồn thưởng thức vào bầu không khí tĩnh lặng thiên nhiên trùng điệp của núi rừng.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể đi bằng đường bộ dễ dàng tùy theo lộ trình từ chỗ bắt đầu khởi hành tại địa phương. Nói riêng, là lộ trình đường nhựa thường được sử dụng bây giờ ở từ Hồ-Chí-Minh đến Buôn-Mê-Thuột dài 350 cây số, và trước hết thì phải đi xuyên qua tỉnh lị Bình-Dương. Ngày ngay, đến với Buôn-Mê-Thuột thì trước hết người ta không bao giờ bỏ qua cơ hội nếm qua thử mùi rượu cần vốn là một loại đặc sản văn hóa ẩm thực địa phương, chỉ có thể tìm thấy hương vị cay nồng đặc trưng ở Tây-nguyên Việt-Nam.


Khách du lịch cưỡi Voi qua sông ở Buôn-Đôn

Nào cùng là cũng để có dịp cưỡi voi, thăm các ngôi nhà sàn cổ, ngắm từng cặp bướm tuyệt màu bay đuổi nhau trong buổi sớm mai hoặc nghe tiếng ve kêu suốt cả buổi trưa chiều. Và uống tách cà phê thơm ngon đậm đà của làng cà phê trồng ngút ngàn loại sản phẩm nầy, với đầy hoa trái sum suê, nặng hạt. Riêng tại trung tâm thành phố Buôn-Mê-Thuột hiện đã có cả hàng trăm quán cà phê được mọc ra với lối các kiến trúc khá cầu kỳ, và có phong cách đặc biệt để nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, quanh vùng địa lý nơi đây lại còn có cả di tích biệt điện của vua Bảo-Đại, và các hồ nước, thác nước thiên nhiên nên thơ quyến rũ như hồ Lắk, thác Thủy-Tiên, hồ Buôn-Triết, hồ Ea-Kao, vườn quốc gia Yok-Đôn, khu lâm viên Ea-Kao. Và cả các thác nước ở địa phương khác như Dray-Sap, Dray-Nur v.v.

Tuy nhiên, đối với những kẻ xa xứ lâu ngày thì người ta cũng sẽ không sao quên được trong ký ức rõ ràng, đó là một nơi mà ngày xưa từng nổi tiếng có nhiều huyền thoại liêu trai, kỳ bí. Vì rằng vào thời gian quá khứ, hình ảnh của những đồng bào người Thượng Buôn-Mê-Thuột đáng thương ở đây không bao giờ thiếu vắng trong các ngày vui Hội Chợ của người Kinh tại Sài-Gòn cách đây hơn quá nửa chừng thế kỷ. Sắc tộc thiểu số của họ, dạo ấy, thoáng qua được đánh giá như là những con người còn từ thời thuở bán khai, với xiêm y sắc tộc đặc trưng của miền sơn cước rừng xanh.

Nhưng có ai biết đâu rằng, chính quê hương ruột thịt đèo heo hút gió của những đồng bào Thượng nầy là cả một tài nguyên tương lai của dân tộc. Đẹp đẽ, nên thơ, trù phú, góp phần kiến tạo thành hình nên một đất nước Việt-Nam vốn có truyền thống tinh thần khai phóng, mở mang từ bốn ngàn năm lịch sử. Chính vì thế, mà cho dù hôm nay chúng ta đang ở bất cứ nơi đâu, nhưng hễ mỗi khi nghe nhắc đến đồng quê bản Thượng của mình, thì trong lòng không sao tránh khỏi nỗi bồi hồi xúc động, để nhớ ra ngay như một kỷ niệm rất khó phai mờ nằm im trong tiềm thức của người ly hương viễn xứ.

Điển hình sau Đà-Lạt, Buôn-Mê-Thuột là một địa danh ở Tây-Nguyên rất được người ta biết đến nhiều nhất hơn là những thành phố quạnh hiu như Kontum, Pleiku (Gia-Lai) v.v cũng có hồ biếc, suối reo, chim kêu, vượn hú, bóng ma trơi ban đêm lờ lững bên dòng thác đổ. Và thoáng hiện từ xa, là những chòm mây bạc phủ trắng lên trên triền đất đỏ, bao bọc chung quanh bởi lớp lớp rừng xanh bát ngát, nghìn trùng.

Thực vậy, nếu người ta thường bảo, ai lên xứ anh đào đừng quên mang về một cành hoa đẹp, thì đối với Buôn-Mê-Thuột cũng vậy, muốn quên cũng không sao quên được. Những người đã có dịp phiêu lưu đến nơi nầy đều rất khó mà quên được những hình ảnh đẹp thiên nhiên của đồi suối, núi rừng hùng vĩ để mang kỷ niệm đem về vùng thành thị đồng bằng. Cách đây hơn quá nửa chừng thế kỷ, thì Buôn-Mê-Thuột đối với người dân Nam-Bộ là một vùng đất lưu đày, một chốn hoang vu, rừng thiêng nước độc, đầy rẫy những chuyện thần thoại, hoang đường như thư bùa, bỏ ngải, ám hại quỷ thần. Và thực tế, cũng chẳng mấy ai có ý nghĩ mạo hiểm đến đây để chuốc lấy mọi chuyện không lành có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhớ lại thời gian đường xưa lối cũ, theo dãy Trường-Sơn chạy dài từ Nha-Trang qua đèo Rù-Rì, ghé quận Ninh-Hòa để tìm mua chùm tré (1)ngồi nhậu lai rai bên bờ suối nóng địa phương. Rồi trở ra tiếp tục lộ trình, đến ngã rẽ Khánh-Dương hướng về Cao-Nguyên Trung-Phần. Và chỉ non vài giờ tùy tốc độ nhanh chậm của bác tài là khách đã đặt gót chân lên thành phố thủ phủ của miền đất đỏ. Sau cơn mưa dầm dứt hột, thành phố Buôn-Mê-Thuột thoáng hiện ra như một bức tranh tĩnh vật, buồn hiu, lạnh lùng. Và cũng giống như người ta đã tìm thấy, bên trong sức sống của người dân bản địa là cả một giấc ngủ triền miên sau dãy núi rừng hùng vĩ. Tuy nhiên, mặc dù vậy nhưng ít có ai ngờ được chính nơi bản Thượng nầy lại là một cái nôi giao lưu văn hóa của nhiều sắc tộc thiểu số có ngôn ngữ, thổ âm không đồng nhất như là: Djarai, Stiêng, Bahnar, Sedang, M’nông, Rahdé v.v. Tại Buôn-Mê-Thuột nầy, sắc tộc người Thượng Ê-Đê chiếm đa số sau người Kinh từ duyên hải, đồng bằng lên đây lập nghiệp.

Hãy khoan nói đến cuộc sống hồn nhiên của người Thượng, mà người Kinh liên đới có trách nhiệm nặng nề trong sứ vụ khai hóa họ với tình nghĩa trăm con một mẹ từ chung bọc trứng Âu-Cơ…Buôn-Mê-Thuột tuy có vị thế nằm giữa lòng đất đỏ Cao-Nguyên nhưng lại là thành phố của người Kinh trên xứ Thượng. Thuở còn là Hoàng-Triều Cương-Thổ, Buôn-Mê-Thuột là nơi săn bắn, nghỉ ngơi lý tưởng của nhà vua Bảo-Đại, mà mới ngày nào ở đây có cội mai già bên bờ hồ Lạc-Thiện hãy còn soi bóng nước dưới trăng xưa. Rừng xanh ở đây lại còn chính là nơi bảo tồn di sản cội rễ của nhà trời từ cỏ cây hoa lá, các loại gỗ quý nhất như huỳnh đàn, cẩm lai, bằng lăng v.v cho đến muôn loại heo hùm.


Biệt điện vua Bảo-Đại

Là quê hương của những đàn voi từ vùng tam biên (Việt-Miên-Lào) khi xưa từng kéo vào đến tận nguồn nước sông Ba, và các bờ suối nhỏ…Dưới thời đất nước vừa mới bị phân ly nơi đây có một lần ông Vua săn voi Ama-Kông, người từng lập nên kỷ lục quán quân về tài săn bắn, đã đánh bẫy được gần ba trăm con voi, trong đó có một con voi trắng. Đối với người Thượng, thì voi trắng là biểu tượng của đỉnh cao quyền lực và đặc biệt có giá trị ý nghĩa rất lớn về mặt tôn giáo thần linh. Do sự có mặt của loài thú quý bạch tượng hiếm có nầy xảy ra vào lúc bấy giờ, mà dạo ấy, có lắm người cho rằng đó là triệu chứng đã báo hiệu điềm lành bền vững lâu dài cho tương lai đất nước sẽ được thái bình hạnh phúc. Và nếu muốn nói thêm về chân dung của ông Vua săn voi giàu có nhất ở buôn Đôn nầy, thì như là cả một câu chuyện huyền thoại hết sức ly kỳ. Vì từ lâu, có tiếng đồn ông Ama-Kông (sống quá trên 105 tuổi) được coi như là một nhân vật đặc biệt cường tráng, hấp dẫn, có thể lực mạnh mẽ phi thường và đã từng chinh phục dễ dàng biết bao nhiêu cô gái miền sơn cước nhờ vào nghệ thuật bí truyền. Nhưng bây giờ, thì người ta mới hiểu ra được phép tăng lực của ông là nhờ vào phương thuốc cải lão hoàn đồng mà ông đã tìm thấy được ở tận rừng sâu trong những dịp săn voi từ mấy chục năm qua. Hiện giờ, trong nhà ông có bày bán cả một quầy thuốc tăng lực kiểu ông uống vô được bà khen đáo để. Và thang thuốc nầy cũng đã được quảng cáo, là có tác dụng hữu hiệu không thua gì phương thức biến chế theo toa thuốc bí truyền nhất dạ lục giao dưới thời Vua Minh-Mạng thuở xưa. Loại dược thảo tráng dương chính gốc ở buôn Đôn nầy hiện đang được phổ biến bày bán thiệt, giả ở khắp mọi nơi, đến nỗi người ta có thể tìm mua dễ dàng trong bất cứ chợ búa nào ở quanh vùng.

Ngoài ra, trong thời gian quá khứ thì địa hình Buôn-Mê-Thuột cũng từng được coi như là một vùng Cao-Nguyên từng mang định mệnh đen tối trong bối cảnh lịch sử chính trị và quân sự của chính thể miền Nam VN, qua cuộc ám sát hụt Tổng-Thống Diệm trong đường tơ kẽ tóc ngày 22-02-1957. Và lực lượng quân sự phòng ngự của Tổng-Thống Thiệu ở thành phố nầy, cũng đã bị thất thủ vào ngày 11-03-1975. Lùi xa hơn nữa, là câu chuyện khá ly kỳ có thể chỉ được ít người lưu ý đến. Đó là thuở Tây-Nguyên còn hoang sơ vào năm 1888, thì tại vùng Đắc-Tô (nay thuộc Kontum) có một ông thực dân thế lực tên là Mayréna tự đứng ra lập quốc xưng Vương có quốc kỳ, in giấy bạc đàng hoàng. Tuy nhiên, sự cố ấy đã bị chính phủ Pháp lúc bấy giờ dập tắt trong thời gian ngắn, làm cho giấc mộng thành lập ra vương quốc Sedang của ông ta không thành.

Ngày nay, với khí hậu thuận tiện, vùng thổ ngơi trù phú Buôn-Mê-Thuột là nơi có đất đai tốt tươi, màu mỡ. Các đồn điền cam, quít, chuối, chanh, trà, hồ tiêu, dâu tằm, cây điều, ca cao, cao su v.v và đặc biệt là cà phê đã được khai thác, mở mang đến con số diện tích đáng kể có thừa khả năng phát triển vượt trội hàng đầu trên thế giới. Và với hương vị thơm ngon đặc trưng của sản phẩm địa phương đã làm cho chất lượng cà phê VN có nhiều lợi thế mạnh mẽ trong cuộc tranh thương về mặt xuất khẩu, để chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.

Và cũng giống như trường hợp về địa lý của một “Tây-Ninh tỉnh lẻ biên thùy”. Tỉnh Đắk-Lắk ở địa đầu giới tuyến cũng lại là một vùng đất lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược an ninh, quốc phòng và quân sự quyết định chiến trường bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Hơn thế nữa, quanh vùng địa phương nầy hiện nay do nhờ trục lộ giao thông thuận tiện hơn ngày trước, cho nên đã có sức hút diệu kỳ rất nhiều du khách thích phiêu lưu từng chọn Buôn-Mê-Thuột để làm bàn đạp trên đường tham quan di tích lịch sử chiến trường xưa ở Tây-Nguyên. (Nơi, mà lúc bấy giờ đã được các phương tiện báo chí truyền thông quốc tế cực kỳ chú tâm theo dõi về tình hình chiến cuộc khốc liệt để chọn làm đề tài thời sự chiến tranh VN và loan tải ra ở hàng đầu). Và có thêm dịp để khám phá những danh lam, thắng cảnh núi rừng ở các nơi lân cận sau nhiều năm dài chiến tranh chấm dứt, đất nước hòa bình. Ngoài ra, thêm vào đó nữa là trong những ngày sau cùng của cuộc chiến tranh xảy ra ở bán đảo Đông-Dương, thì chiến địa Buôn-Mê-Thuột cũng đã từng được coi như là nơi phát pháo đầu tiên để khai mào cho mặt trận tuyến đầu lửa đỏ, chính thức mở màn cho chiến dịch quân sự mùa Xuân đưa đến sư sụp đổ của miền Nam VN được lịch sử cắm mốc vào ngày 30-04-1975.

Nói cách khác, là nếu trong quân sử chiến tranh Việt-Nam kể từ thời bị ngoại xâm đô hộ đã có xảy ra trận địa chiến tại lòng chảo Điện-Biên-Phủ(2) chấm dứt được chế độ bạo tàn của Thực-Dân cai trị, thì gần đây trận đánh du kích chiến trong thành phố Buôn-Mê-Thuột cũng đã được xảy ra và đưa đến sự thống nhất nước nhà.

Nhưng chúng ta nên trở về với hình ảnh Buôn-Mê-Thuột ngày xưa của người Thượng để hòa mình thông cảm cho đời sống chơn chất, thiếu muối, thiếu thuốc men và thiếu cả văn minh của họ để hiểu thêm rằng cuộc sống vật chất, xa hoa của chúng ta cũng chưa hẳn thực là lý tưởng ở đời!

Có cảnh thiên nhiên lý thú nào đẹp đẽ quyến rủ cho bằng, khi chính mình được dịp mục kích những hình ảnh đơn sơ, đầy hạnh phúc, thanh bình của cả dân làng bản Thượng đang tắm rữa, nô đùa dưới dòng suối nước mát trong lành mà không một mảnh vải che thân. Ở đây, mỗi dòng suối là một hòn đảo “Ile du Levant” (3)  của Địa-trung-Hải và người ta có thể nói không sai như vậy. Vào những buổi bình minh vừa ló dạng ở chân trời và rặng trâm bầu hãy còn say ngủ dưới sương mai, thì tất cả dân làng đều thức dậy mang gùi kéo nhau ra rừng làm rẫy. Khi băng ngang qua dòng suối ở bìa làng, thì họ thường trầm mình tắm rữa một cách tự nhiên không che đậy. Và đó cũng là những hình ảnh quen thuộc của buổi chiều về …


Ảnh minh họa

Có những đêm dài qua ánh lửa bập bùng soi sáng góc rừng khuya, tiếng khua chiêng, đập cồng lại nổi vang lên dồn dập báo hiệu cho Ngày Hội Lớn ở trong buôn. Và đó, thường là những dịp cúng tế thần linh hay cưới gả gái trai theo chế độ mẫu hệ vẫn được còn tồn tại cho đến bây giờ. Trong những buổi tiệc liên hoan như vậy, món rượu cần được coi như là một thứ ẩm thực không thể thiếu vắng theo nghi thức cổ truyền của người bản địa. Thật là thú vị biết bao bên cạnh vò rượu cao quá nửa thân người, tay cầm ống hút dài cả thước thò vào bình rồi rút ra từng ngụm men rượu cần cay nồng vào miệng. Chưa hết, sau đó lại còn tiếp tục chuyền tay nhau thưởng thức một điếu thuốc lá tập thể để nhả ra từng đợt khói quyện lên cao. Trong lúc say sưa, thì họ thường trầm ngâm thả hồn theo tiếng nhạc khèn của người nghệ sĩ núi rừng trỗi lên góp vui văn nghệ.

Người Thượng ở nhà sàn tập thể cùng với họ hàng, gia tộc. Phần trên nhà sàn là nơi ăn chốn ở, đưới đất thì chăn nuôi gia súc trong điều kiện thiếu hẳn vệ sinh. Họ có tục cắm nhành cây ở trước cửa nhà khi có chuyện buồn bã, khổ đau xảy ra mà không muốn tiếp khách đến viếng thăm quấy rầy. Hoặc họ còn có lệ khác là treo càng nhiều sừng trâu nơi thang gác cửa trước để chứng tỏ sự có của trong gia tài. Ngoài ra, tục lệ cà răng căng tai hiện nay tuy không còn được bảo tồn nữa, nhưng cũng hãy còn rất ít người phụ nữ theo xưa, là thích đeo đồ trang sức quá nặng kéo chằng hai lỗ tai dài ngang gần tầm với những chiếc kiềng đeo ở cổ. Hai cườm tay họ thường lúc nào cũng có quấn những chiếc vòng kim loại bằng đồng. Cùng với những bộ chén dĩa nung đất v.v, các đồ trang sức nầy được họ không quên chôn vào trong các nấm mồ khi có dịp mai táng thân nhân mệnh một đi về cõi thế giới thần linh.

Nhà sàn ở Tây-Nguyên

Ở vùng rừng núi rậm rạp, dốc đá cheo leo hiểm trở khiến cho điều kiện giao thông, di chuyển khó khăn. Vì thế, cho nên người ta thường thấy người Thượng thường hay đi theo hàng một theo lộ trình quanh co khúc khuỷu mỗi khi ra đồng làm việc nương rẫy. Và cũng tại những cánh đồng lúa, ngô, khoai được canh tác theo phương thức nông tang cá thể nầy, hình ảnh của họ lại có dịp in trên nền trời sơn cước với vẻ hiền lành, mộc mạc trong những tấm chân dung ẩn hiện qua làn khói lam chiều theo tập quán mỗi khi ra đồng thường hay nhóm lửa. Câu chuyện thần thoại về chú khỉ Ramayana tuy thực tình không được nghe nói đến một cách rõ ràng trong đầu óc người Thượng như trường hợp của các sắc dân Khờ-Me, Nam-Dương v.v. Nhưng những mẩu chuyện xưa, tích cũ nặng mang màu sắc liêu trai của họ đều có đề cập đến vai trò của các nhân vật Tề-Thiên Đại-Thánh bùa phép thần thông đã từng xả thân bảo vệ xóm làng.

Hồi đó, họ không có đủ áo quần để mặc, và đó cũng là hình ảnh của một sự kiện thực tế dù rằng có sự trùng hợp với bản tánh tự nhiên của họ là thích ở trần. Kể cả phái nữ cũng vậy, khi còn tuổi thanh xuân thì thích ở trần khoe bộ ngực nở nang đang độ tuổi dậy thì, nhưng khi có chồng con rồi thì họ lại mặc áo che đậy lại và ra vẻ ý tứ hơn. Người Thượng hãy còn nhiều mê tín dị đoan, mà khó lòng giáo hóa được họ thức tỉnh trong một sớm chiều. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tâm hồn của họ thiếu sự rung cảm chân thành trong tình yêu thương làng mạc và cả con người. Đối với tập quán buôn làng, họ không muốn thấy có ai quấy rầy cuộc sống hồn nhiên, chất phác quen thuộc từ ngàn xưa truyền lại. Nhưng trên thực tế từ phía bên kia của rặng Trường-Sơn, thì họ cũng không hề bao giờ quay lưng với cộng đồng dân tộc người Kinh trong tinh thần đoàn kết anh em, cảm thông kết tình bè bạn. Để chung lưng đâu cật, một lòng quyết tâm xây dựng nên hình ảnh bản làng ngày thêm khởi sắc. Do vậy, mà trong các cuộc trường tình yêu đương nồng nàn, thắm thiết của từng lớp thế hệ hòa nhịp con tim, thì họ đã lần hồi đốt cháy cả bức tường thành ngăn cách lâu đời, để không trễ hẹn cùng hướng dắt tay nhau đi vào thế giới tương lai. Và thực hiện điều ước mơ hạnh phúc.

Trở về với Buôn-Mê-Thuột trước đó hằng thập niên dài, thì những bản Thượng Tây-Nguyên nầy cũng còn là một địa danh đặc biệt, mà các nhà văn thường dùng làm đối tác đề tài để viết về tiểu thuyết đường rừng khi dựa vào những sự kiện lịch sử địa phương được coi như là huyền bí. Quả vậy, quá trình sinh tồn của các sắc tộc thiểu số hiện đang sống trên đất nước Việt-Nam từ vùng thượng du Cao-Bắc-Lạng cho đến miền đồng bằng Châu-Đốc, Hà-Tiên có quá nhiều phong tục của năm mươi bốn tập quán dị biệt. Nhưng nếu muốn nói thêm về điều kiện địa lý, thì đất đai của người Thượng ở Tây-Nguyên có thể nói rằng nơi đây là một kho tàng hãy còn giấu kín, tuy không còn nguyên vẹn tiềm năng nhưng hãy còn phảng phất nét hoang dại cổ sơ của rừng sâu bí hiểm.

Dạo ấy, thử một dịp nào khách đến chơi làng Thượng đến quá nửa khuya, thì làm sao mà có thể dám trở về nhà trong bóng đêm dày đặc giữa cơn gió lùa rét lạnh thấu xương, không một tiếng chim muông, vắng lặng. Và chỉ được nghe giọng âm thanh rầu rĩ của muôn loại côn trùng, của từng tiếng dế nỉ non hoặc tiếng hú vang rừng từ xa vọng lại. Dù ai có to gan lớn mật lớn mật đến đâu thì cũng phải biết sợ rắn rết, sợ beo, sợ cọp nếu không biết sợ ma! Nhất là cọp ở đây nổi tiếng rất bạo dạn, dám về cả tận buôn bắt người, bắt thú ăn thịt giữa ban ngày và vẫn còn tiếp tục dài dài vãng lai quấy nhiễu đời sống của đồng bào Thượng ở tại nơi nầy. Để đề phòng tai nạn hổ báo đó, cho nên người Thượng có thói quen thường hay đeo giáo mác trên vai và luôn luôn ở vào tư thế đề cao cảnh giác trong mọi trường hợp.

Thế nhưng nếu họ tránh được nạn cọp tha, thì họ cũng lại dễ dàng bị ma bắt…bệnh, đúng theo sự tìm hiểu và nhận định của người Kinh. Là đời sống của người Thượng Buôn-Mê-Thuột ngày xưa lúc nào cũng được gắn liền với huyền thoại của bùa ngải rừng thiêng và nước độc. Ở đây, chuyện bùa ngải rừng thiêng là một đề tài thường có tánh cách nói về mê tín dị đoan xã hội, nhưng đối với trường hợp nhu cầu như nước uống thì lại là một vấn đề sức khỏe, vệ sinh nan giải. Chúng ta phải hiểu rằng dưới lòng đất đỏ nhão nhoẹt, phì nhiêu, trù phú ở Tây-Nguyên là một lớp đá cứng mà có nhiều nơi không thể dễ dàng đào giếng tìm mạch nước như nhiều người lầm tưởng. Do vậy, trong các chiến dịch uống nước trong lành của những chương trình y tế nông thôn, thì lúc nào người ta cũng khuyến khích người dân vùng Buôn-Mê-Thuột hãy cố gắng đào giếng sâu tìm mội nước thanh khiết sử dụng…Nhưng trở về với nếp sinh hoạt thực tế cổ truyền, thì họ (người Thượng) cũng đành phải dùng nhiều những trái bầu tiên để hứng nước từ trong các khe đá chảy ra mà uống. Còn công việc thường nhật như tắm rửa, giặt gỵa, thì họ cứ ung dung tận dụng dòng nước thiên nhiên của ta, có nghĩa là cứ ra bờ suối mà tha hồ xài.


Thác Dray K’ Nao ở Krông Jin- M’ Drắk

Người Thượng có tập quán xây dựng buôn làng theo kinh nghiệm của tổ tiên gia truyền để lại, là cất nhà sàn dọc theo dòng suối chảy. Điều nầy, có nghĩa là nếu buôn nào ở phía dưới dòng suối thì sẽ bị lãnh đủ mọi cặn bã dơ dáy do người dân bản làng ở phía trên dòng suối thải ra và cứ thế mà tiếp tục … Chính vì vậy, cộng thêm vào vấn đề nước (uống) độc và dòng suối dơ đó, là tình trạng muỗi mòng, con nào con nấy thân lớn, chân cao, chích vào người là có thể gây ra bệnh sốt rét. Và hễ mà mỗi lần bệnh nhân bị sốt rét cơn, thì đầu óc của những con người quanh năm sống gần gũi thiên nhiên không biết thuốc men cứu chữa, đành phải quay lại tin vào thế giới của bùa ngải rừng thiêng để trừ tà, xua ma đuổi quỷ. Sự kiện nầy chứng minh cho người ta hiểu rõ, vì sao hồi trước đa số đồng bào Thượng lại có cái bụng bự, tức là bị mắc bệnh chói nước.


Nghĩa địa treo rợn người ở Tây-Nguyên

Tuy nhiên, còn nếu nói về mặt khác thì họ cũng có những cái đặc ân, để cho người Kinh chúng ta để chút thì giờ suy nghĩ về hình ảnh cuộc sống yên lành, hạnh phúc với lòng dạ thật thà của họ không cần bận tâm đến thực tế của ngày mai. Có lẽ họ cũng biết, là quê hương cha ông của họ để lại ở đây không thể có những cảnh tượng như rừng vàng biển bạc bao la hiểu theo như ý nghĩa là “nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Nhưng chắc chắn có điều mà họ biết rất rõ, là chung quanh bản làng họ thường có những dấu chân nai, hươu, cheo v.v tới lui bén mảng vào những dịp trăng về. Ngoài ra, còn có những loại thú như heo rừng, thỏ rừng, vượn, khỉ v.v mà lâu lâu họ đều săn bẫy được và đặc biệt là các chuột rừng lớn con, thịt ăn ngon không thua gì thỏ, khỉ. Đối với họ, chuột là một loại đạo tặc đáng ngại, vì trong một đêm gia đình nhà họ chuột có thể kéo đến ăn hết cả giạ trong bồ lúa vừa mới gặt xong đem về. Nhưng dù sao, mối lo đầu mùa của họ thì lúc nào cũng lại là các loại thú như heo rừng và vượn, khỉ trước tiên làm hư hại mùa màng.

Kể chuyện cho nhau về những màu sắc, âm thanh quái đản của vùng núi rừng Buôn-Mê-Thuột ngày xưa, mà nếu quên gợi lại ký ức trong một buổi bắt bướm, săn chim ở trong rừng già, thì đó quả là một điều thiếu sót lớn lao. Ngoài những cuộc tổ chức đi săn các loại thú bốn chân xảy ra trong những giờ phút hồi hộp, ngoạn mục và lý thú, thì trước hết, tưởng cũng nên xin nhắc lại là ở tại miền Nam Việt-Nam. Nhất là ở tại địa phận tỉnh Cần-Thơ ngày trước khi dân cư còn thưa thớt, thì còn có những cánh rừng chồi, những vườn trái cây sum sê, rậm rạp mà dân địa phương gọi đó là sân chim nằm trong một diện tích đất đai rất lớn. Nơi đây, chính là quê hương lý tưởng cho các loài chim muông đã tìm được tổ ấm, đất lành chim đậu, nhưng chim ở đây phần đông là những loại chim thường như se sẻ, sáo, diều, én, cò, vạc v.v.


Loài chim quý

Trái lại, trong các giống chim từ khu thung lũng miệt A-Lưới, A-Sao cho đến tận rừng sâu Buôn-Mê-Thuột, thì ngoài các loại chim quý như công, trĩ, phượng, két, cú mèo v.v. Người ta còn tìm thấy có những loài chim Hồng-Hoàng, Cao-Các thân hình chễm chệ với màu sắc tuyệt đẹp, không những có dấp dáng như một viên oanh trung trẻ mà còn có cả thêm diện mạo của một vị tướng công văn võ song toàn. Và nếu bạn không phải là một người thợ săn chuyên nghiệp, thì đầu óc của bạn cũng khó có thể nào nỡ xuống tay hạ sát hay đánh bẫy cho được một con chim quý dưới khung cảnh nên thơ, đẹp đẽ thần tiên như vậy được.

Cách đây hơn ba mươi năm, tác giả đã có dịp du hành theo tổ chức Safari-Photo tại xứ Kenya với những ngày sống gần gũi hoa ngàn cỏ nội. Trong suốt lộ trình chiêm ngưỡng thiên nhiên với cả hồ rộng, sông dài, thú vật bốn chân như sư tử, tê giác, hươu cao cổ, beo, voi, hà mã, cá sấu v.v cùng với các muôn loài chim xinh đẹp sống chung trong một diện tích rừng núi mênh mông, đất trời giáp mặt. Thực tình, tác giả cũng chỉ thấy có những con chim sắc lông tươi tốt, phảng phất uy nghi đến thế là cùng. Điều nầy, có nghĩa là chúng ta muốn nói ở xứ Việt-Nam nếu thời gian qua không bị chiến tranh tàn phá, thì cũng không thiếu chi cầm thú chim muông ở trong rừng đã góp phần tô điểm cho giang sơn gấm vóc của quê hương.


Bầy hươu cao cổ ở châu Phi

Trả lại thú tiêu dao bắt bướm, hái hoa nơi xứ Thượng thường dành cho lứa tuổi trẻ thơ ham chơi hơn là ham học, đầu óc thường có cả một thế giới thần tiên vô hình, giàu tưởng tượng. Còn thêm, có những buổi ra đi đánh bẫy chim trời bằng lưới (bắt sống) hay dùng ná (giàn thun) hạ sát những con chim để đem về nướng thịt. Những ngày đánh bẫy, săn chim như vậy thường được thực hiện vào buổi tốt trời. Trên con đường mòn đưa lối, năm ba người cứ thế mà đi, khi gặp được chim đậu ở cây cao thì cứ giương ná lên mà bắn. Những hòn sỏi nhắm vào mình con chim mà lao tới, và hễ cứ mỗi khi bắn trật, là chim kia như được dịp sống lại lần thứ hai của cuộc đời. Tuy nhiên, cái việc khi giết hay đánh bẫy được một con chim không phải là điều quan trọng đối với chuyện quá quen mắt của đồng bào Thượng. Ngược lại, chính cái thú đi tìm cảm khái nhẹ nhàng của một người Kinh được dịp mục kích (lúc theo chân đoàn người săn bẫy) khi bước ngang qua những bụi sim rừng tím nhạt, những lạch suối reo hò chảy ra từ trong khe đá tung bọt trắng phau, những hình ảnh con nhím xòe lông, miệng nhồm nhoàm gặm rễ cây (dược thảo) chậm chạp chui vào khóm trúc không buồn quay lại v.v mới đúng là điều đáng nói…Mai đây trở lại kinh kỳ, cọ xát với cát bụi thành đô, hít thở bầu không khí ô nhiễm môi sinh, đâu còn thấy được cái cảnh mưa rơi qua kẽ lá, nắng đổ chứa chan sưởi ấm trên đồng vắng hoang vu, tĩnh mịch. Và đặc biệt, là những làn gió núi ở đâu về hôn trộm trên đôi má mịn màng của người sơn nữ yêu kiều trong chiếc thắt lưng xanh.

Theo tổ chức hành chánh thì Buôn-Mê-Thuột là một thị xã nằm trong tỉnh Đắk-Lắk. Nơi mà ngày xưa có những tiếng gọi nên thơ như là “bướm mơ tiên” hay “bụi mịt trời” trong một quê hương thấp thoáng nỗi sầu tư với tiếng vọng bi ai của núi rừng “buồn muôn thuở”, mà qua những lời truyền khẩu xác thực là vùng đất có màu, chó leo thang, bò gõ mõ và người có…đuôi.


Con đường đất đỏ quanh hiu ở BMT ngày xưa

Đất có màu (đỏ), thì ai ai cũng biết khi xưa nơi đây là vùng núi lửa (riêng ở Bà-Rịa, Long-Khánh v.v, hiện nay cũng còn có những vùng có đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ). Nhưng chó leo thang, là vì người Thượng ở nhà sàn cho nên khi muốn vào thì phải bước lên những nấc thang cây. Còn bò gõ mõ, là do tiếng kêu của những thanh gỗ treo vào cổ chúng để báo hiệu cho biết vị trí của con thú đang ở nơi nào trong rừng rậm để sở hữu chủ dễ đi tìm. Đặc biệt, khi nói đến cái đuôi, thì tức là ám chỉ đến cái khố vải hồi xưa của người đàn ông có hai mối đầu thả lòng thòng xuống dưới.

Chính người Thượng đáng mến yêu của chúng ta là ở chỗ đó.

Chất phác, hồn nhiên, vô tư lự là những đặc tính cố hữu của các sắc tộc bán khai. Tuy nhiên, trong quan niệm về tình yêu tuổi trẻ hay nói cho đúng hơn là giữa người và người (viết hoa) thì mỗi tâm hồn đều giống như nhau cả. Đọc hai câu thơ nổi tiếng của một anh chàng thi sĩ đa tình người Thượng:

Khi anh ra đi, thì cây cải chia thành cánh bướm
Nay anh trở về, áo con nít phơi đầy ngoài sân
thì chúng ta sẽ thấy rằng, mối tình thất vọng của một chàng trai không được cô gái ghé mắt xanh vì bởi lý do trong tập tục mẫu hệ của cộng đồng xã hội người Thượng, thì người vợ…cưới chồng. Tuy nhiên, nếu muốn nói về mặt thật của tiếng sét con tim trong thế giới yêu thương tràn ngập ái tình! Chúng ta sẽ thấy rằng, đi thực tế cũng có những loại chứng từ đã được trưng ra bằng hình ảnh tâm sự thiết tha, cuồng nhiệt của tuổi thanh xuân, để muốn vượt qua giới hạn ràng buộc của tập tục biên cương đối với một người con gái Thượng…thua trận trước dấp dáng lãng mạn, đa tình say đắm của một chàng trai Kinh đầy nhựa sống:
Lần ấy dưới trăng xưa
Yêu biết mấy cho vừa
Thẹn thùng em đã hứa
Ngày mai Xuân sẽ về…
Thôi anh đừng buồn nữa
Ngày nay vui sướng rồi
Khăn đây tặng cho anh
Dệt bằng tấm lòng thành
Thư nầy em mới viết
Chữ tình gởi cho anh…
Trong tổ chức sinh hoạt tại bản làng hẻo lánh bên ngoài thành phố Buôn-Mê-Thuột, thì trước kia họ cũng có những Khóa-Buôn (già làng) trên hình thức để tiếp xúc giữa các sắc tộc, hoặc để làm trung gian giao thiệp về hành chánh với người Kinh khi hữu sự. Vào thời kỳ chưa thống nhất nước nhà, thì quê hương đất đai trù phú của cộng đồng người Thượng ở Tây-Nguyên cũng đã có đóng một vai trò ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong tầm nhìn chiền lược về địa bàn kinh tế xã hội, để di dân đến đây lập nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tiếc có một điều là thành phố nầy đáng lẽ phải giới thiệu lên được cái hình ảnh của người dân sơn cước, thì lại phải bị ảnh hưởng hóa nếp sống văn minh bởi các di dân người Kinh tràn ngập đến từ ở phương xa. Do vậy, những tiếng thổ âm thân thương như “Y” (4)và “Hờ” (5)  ngày nay đều đã được hầu hết tất cả đồng bào giao lưu hòa đồng sử dụng rất phổ thông ở tại địa phương. Vì thực ra, đối với quan niệm nhân sinh xã hội của họ từ lâu thì Buôn-Mê-Thuột là một địa danh của núi rừng Tây-Nguyên nằm trong lòng đất đỏ Trung-Phần. Hơn thế nữa, vào những thập niên sau cùng, địa lý quanh vùng Buôn-Mê-Thuột lại phải bị đối đầu với nguy cơ xuống cấp thiên nhiên trầm trọng trước thảm họa “sa mạc hóa cao nguyên”. Nguyên nhân vì nạn phá rừng của các phong trào Tây tiến (Conquête de l’ Ouest) của các đợt di dân ào ạt ở từ khắp các mọi nơi đổ về khai thác bừa bãi đất đai để trồng trọt cà phê, cao su v.v. Rồi cộng thêm vào sự kiện chảy máu tài nguyên thiên nhiên đó, là do nạn lâm tặc hoành hành và do tình trạng nhân mãn, kinh kế mà người dân địa phương thường xuyên lén lúc phá rừng làm nương rẫy. Cho nên, tình trạng nầy nếu không được quy hoạch chận đứng kịp thời, thì chỉ cần thêm một thời gian ngắn nữa thôi, thì cảnh quang quanh vùng sơn cước Buôn-Mê-Thuột sẽ bị thay đổi môi trường sinh thái, tác động tiêu cực đến không gian xã hội, văn hóa bản địa. Và có nguy cơ, là sẽ bị mất hết tất cả những cái gì để có thể được gọi là thiên nhiên, hoang dã.

Lễ hội hằng năm tại BMT

Ngày nay lịch sử đã sang trang, đồng bào Thượng yêu mến của chúng ta ở núi rừng Tây-Nguyên (nói chung) và ở Buôn-Ma-Thuột (nói riêng) đã hết sức lấy làm hãnh diện và tự hào. Vì nhờ vào ảnh hưởng không gian sinh động của khí cụ âm nhạc truyền thống cồng chiêng của họ, hiện đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản của nền văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần phải được vĩnh viễn bảo tồn (6).


Nhạc cụ Tây-Nguyên

Và song song đó, là cuộc sống của họ theo tập quán văn minh cũng đã được lần hồi hội nhập dễ dàng mau lẹ. Dẫu sao, thì mặc dù giờ đây trong giai đoạn kinh tế khó khăn toàn cầu khiến cho điều kiện kinh tế địa phương chưa có thể cải thiện mau lẹ để tự cất cánh vươn mình, nhưng cũng hãy còn sót lại số ít có những con người hồn nhiên, vô tư lự. Họ lại tiếp tục an phận cuộc sống đắm chìm thêm vào trong những ngày dài, bên cạnh những đồng hương sắc tộc người Thượng khác có ý thức cầu tiến văn minh, biết năng nổ cựa mình thức giấc để hòa đồng vào xã hội. Và họ đã thành công tốt đẹp trong quyết tâm xây dựng tương lai, khi cố gắng vươn mình dấn thân đóng góp phúc lợi an sinh vào cho bản Thượng, hầu mong sáng tạo được làn sinh khí mới để cải thiện cuộc đời.

Tuy nhiên, đối với tất cả những con người xa xứ lâu ngày có tâm hồn hoài vọng cố hương nhưng từ lâu chưa từng có dịp trở về thăm lại làng xưa phố cũ để nhìn thấy rõ nét văn minh về sự đổi thịt thay da của đô thị trung tâm Tây-Nguyên nầy. Thực tế, bây giờ nó đã và đang ngày càng phát triển không ngừng theo nhịp quay của nhu cầu xã hội ở vùng địa lý núi rừng bằng với những dãy nhà cao tầng được kiến thiết, tân trang chạy dài theo từng con đường. Cùng các quán ăn nhậu, đồ chơi điện tử, siêu thị, xe cộ qua lại đông đảo tạo thành một cảnh quang nhộn nhịp, khởi sắc với nhiều hứa hẹn ở tương lai.


Ngã sáu ở trung tâm thành phố BMT ngày nay

Do vậy, có thể cho dù họ vẫn biết nhưng vì trong quá khứ hãy còn vấn vương bao kỷ niệm vui buồn đầy ấn tượng. Cho nên, đối với họ, thì Buôn-Mê-Thuột lúc nào cũng hãy còn được giữ lại ở trong lòng bằng với những hình ảnh của thời quá khứ khi nơi đây hãy còn dáng vẻ hoang sơ, hiu quạnh.

…Nhớ thương Buôn-Mê-Thuột thuở ngày xa xưa ấy! Nhớ những cô gái yêu kiều áo quần sặc sỡ, tuổi độ xuân thì thẹn thuồng mắc cỡ. Nhớ các em thiếu nhi bạc phước, đơn sơ, thiếu thốn phương tiện học hành, tính tình hồn nhiên thơ dại (7)  Nhớ tương lai, sức sống của những người trai không được khai hóa văn minh. Nhớ các cụ già cần có thuốc men, hiền lành, mộc mạc, suốt cả ngày đêm dưới gió mát trăng trong trong từng giờ, từng phút, từng giây của cuộc đời lúc nào cũng âm thầm đón nhận hương vị của một tiết trời Xuân ấm áp ở tâm hồn bằng với những niềm suy tư lặng lẽ. Và có rất ít khi họ cần phải tìm đến giá trị của thời gian để nghĩ xa hơn về ý nghĩa của giấc điệp Nam-Kha đối với số kiếp bèo bọt của thế nhân như ảo ảnh, phù du. Vậy có phải chăng âu đó cũng là định mệnh đã sắp đặt sẳn, không những cho riêng từng các con người mà còn cho cả những mảnh địa dư và phong thổ ở mỗi vùng miền?

Anh là người Bắc?
Chị là người Trung?
Tôi là người Nam?

…còn đồng bào Thượng của mình ngược dòng xa xưa thì phải chịu cảnh cô liêu sống ở mãi trên triền Tây-Nguyên đất đỏ, và hồn nhiên bên tiếng nhạc của nhịp đàn đá, đàn T’rưng!(8)  Ôi! Đẹp lành thay, biết nói làm sao cho hết tình yêu nầy! Xin ân cần lưu lại mấy dòng tâm sự gió mây, nhân dịp đến độ đón Xuân sang ở tha phương thương mến gởi trao về tận chốn làng xưa phố cũ.

Biết…mình thôi!
Chưa đủ!

Việt-Nam gấm vóc, linh thiêng. Hình hài xứ sở mỹ miều. Tổ quốc ngàn năm cách xa nghìn dặm của chúng ta còn có thêm nhiều những núi cao, đồng rộng, sông dài, mỗi miền một vẻ. Nhưng Buôn-Mê-Thuột thủy chung cũng lại là một cái tên thơ mộng của rừng xanh lịch sử, thật rất khó phai mờ trong kỷ niệm đẹp của quê hương, đất nước mến yêu. Và vì hoàn cảnh đặc biệt về địa lý, nhân văn, cho nên màu sắc trầm lặng của không gian lúc nào như cũng thiên thu nặng mang một mối tình buồn…muôn thuở.

Tuy nhiên, những dấu ấn thân thương, sâu đậm cảm hoài da diết ấy cho dù đã có dịp trải dài khá lâu theo dòng chảy của thời gian, nhưng hiện nay dù muốn dù không thì màu sắc không gian đó cũng tự nó đã bị phai mờ, biến dạng không còn nữa. Để thay vào đó, là bằng với những hình ảnh về bản sắc mới của con người bản địa, ảnh hưởng thời sự, và xã hội thực tế đang vươn mình về phía tương lai đầy hứa hẹn ở nơi nầy.

Đặc biệt hơn, là giờ đây đối với tầm nhìn chiến lược trong quân sử của thế giới bên ngoài, thì địa danh Buôn-Mê-Thuột đã chính thức được coi như là một chiến trường lịch sử quyết định cuối cùng đánh dấu khai mào cho sự chấm dứt giai đoạn chiến tranh (1945-1975) ở trên toàn cõi bán đảo Đông-Dương.

(Paris)

Chú thích:

(1) – như một loại nem ở miền Nam.
(2) – địa danh Điện-Biên-Phủ là một chiến trường lớn nhất ở Đông-Dương, đã kết thúc được một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập phân chia hai miền Nam-Bắc VN, với sự đầu hàng của tướng Christian de Castries vào ngày 7/5/1954. Và trận thảm bại của quân đội thực dân Pháp ở tại nơi đây vào lúc bấy giờ, đã chính thức cáo chung chế độ thuộc địa của đế quốc nầy sau gần một trăm năm đô hộ Việt-Nam. Và điểm đặc biệt cần phải được ghi chú thêm, là sau ba mươi năm (1984) đại thắng Điện-Biên-Phủ, thì chiến công lừng lẫy của vị tư lệnh chiến trường nầy đã được các nhà nghiên cứu về quân sử trên thế giới đánh giá về các danh tướng kiệt xuất của Việt-Nam từ xưa cho tới nay đã có tới hai vị. Đó là Nguyên-Soái Trần-Hưng-Đạo, và Đại-Tướng Võ-Nguyên-Giáp.

(3) – đảo khỏa thân ở Côte d’ Azur tại Pháp.

(4) – chỉ phái Nam.

(5) – chỉ phái Nữ.

(6) – không gian văn hóa cồng chiêng Tây-Nguyên đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận vào ngày 15/11/2005 là một kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

(7) – người Thượng ăn bốc và ngày trước dùng văn tự khoa đẩu (sanscrit).

(8) – thêm một vùng đất đỏ hoang vừa được dấu chân người khai phá tìm ra bộ đàn đá Goong-Lú (người M’nông gọi chiêng đá là Goong-Lú) ở tại xã Phú-Xuân, huyện Krông-Năng,Đắk-Lắk vào tháng hai năm 2011.

An-Tiêm Mai-Lý -Cang

Theo Chim việt Cành Nam