Từ bao giờ xe cộ đi “ngược” trên cầu Long Biên? Xe đi “ngược” có phải là ngược với quy tắc giao thông bên phải của người Pháp và người Việt hiện nay? Xe đi “ngược” từ khi nào? Chúng ta cùng tìm hiểu qua tài liệu

Hiện nay, có nhiều thông tin khác nhau kể về hướng đi “ngược” này. Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời chính xác về quy định giao thông đường bộ trên cầu Long Biên trong lịch sử, chúng ta cùng tìm hiểu tài liệu lưu trữ về công trình Cầu Long Biên hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Cầu Long biên, cầu Doumer trước đây, khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 1902, ban đầu dành riêng cho đường sắt. Vào năm 1914, sau hơn 10 năm, do nhu cầu vận tải đường bộ ngày một tăng cao nên chính quyền thuộc địa đã có ý định mở rộng thêm làn đường bộ trên cầu. Tuy nhiên, cuộc Thế chiến thứ nhất đã làm cho việc nghiên cứu mở rộng bị trì hoãn đến năm 1919. Đường ô tô hai bên cầu được bắt đầu xây dựng năm 1922. Công trình kết thúc vào cuối tháng 12 năm 1923. Đường xe ô tô hai bên mỗi bên có mặt đường rộng 2,2 mét và vỉa hè rộng 1 mét. Có 4 đoạn đường tránh dài 15 mét, rộng 4,2 mét để các phương tiện vượt. Công trình mở rộng này vẫn do Hàng Daydé thi công.

Sau khi thi công xong đường dẫn lên cầu, cây cầu mở rộng được khánh vào ngày 23 tháng 4 năm 1924 với sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương Merlin. Toàn quyền ban hành Nghị định ngày 26 tháng 4 năm 1924 quyết định thông xe đường bộ trên cầu Doumer. Đồng thời, một nghị định khác cùng ngày cũng được ban hành, quy định việc thể lệ giao thông đường bộ trên cầu, cụ thể như sau:

– Hai làn đường bộ hai bên đường xe lửa trên cầu Doumer là đường 1 chiều:

1. đối với các phương tiện và xe thồ, xe kéo:

A, chiều Gia Lâm – Hà Nội: Đi làn đường bên phía thượng nguồn [làn bên phải so với đường sắt]

B, chiều Hà Nội – Gia Lâm: Đi làn đường bên phía hạ nguồn [làn bên phải so với đường sắt]

2. Đối với người đi bộ, chỉ được đi trên vỉa hè, hướng đi ngược lại so với các phương tiện.

Nghị định ngày 26 tháng 4 năm 1924 quy định hướng giao thông đường bộ trên cầu Doumer. Nguồn: TTLTQGI

Vấn đề bất cập bắt đầu được ghi nhận vào năm 1926 khi có nhiều tai nạn xảy ra ở đường dẫn lên cầu. Lên tục những năm sau đó, vấn đề tai nạn này vẫn luôn được đề cập. Sở Công chính và Công sứ Bắc Ninh đã đề xuất nhiều lần phương án thay đổi chiều di chuyển để giảm thiểu tai nạn.

Đề xuất năm 1935 của Công sứ Bắc Ninh và đề xuất của sở Công chính đều đưa ra phương án thay đổi chiều đường theo hướng ngược lại so với Nghị định năm 1924, nghĩa là theo chiều di chuyển của phương tiện, thì làn đường xe chạy sẽ nằm bên trái so với đường xe lửa trên cầu.

Sơ đồ A. Nguồn TTLTQG1

Sơ đồ B. Nguồn TTLTQG1

Sơ đồ hiện trạng (Sơ đồ A)  và hướng di chuyển trên cầu do Cảnh sát Gia Lâm đề xuất (sơ đồ B) kèm theo Công văn của Công sứ tỉnh Bắc Ninh năm 1935.

Sau các “sự kiện” chính trị nghiêm trọng ở Bắc Kì, từ 1945 đến 1946, giao thông trên cầu bị gián đoạn một thời gian. Sau đó, giao thông được nối liền nhưng giao thông đường bộ vẫn theo chiều “thuận” đến thời điểm năm 1948, nghĩa là theo chiều xe chạy, làn đường nằm bên phải so với đường sắt. Sở công chính vẫn tiếp tục đề xuất thay đổi chiều giao thông. Sơ đồ đề xuất chỉ rõ các điểm nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển theo hướng đi cũ.

Sơ đồ đề xuất chỉ rõ các điểm nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển theo hướng đi cũ. Nguồn: TTLTQGI

Cho đến năm 1953, việc lưu thông trên cầu vẫn thực hiện theo Nghị định ngày 26 tháng 4 năm 1924, có nghĩa là theo chiều “thuận”. Một cuộc thảo luận diễn ra tại Phủ Thủ hiến vào ngày 23 tháng 6 năm 1953, bàn về giao thông trên cầu Long Biên và để ban hành thể lệ mới về giao thông trên cầu.

Sau cuộc họp, ngày 7 tháng 10 năm 1953, Nghị định số 694-Cab/SG/SE của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm (chính quyền Quốc gia Việt Nam) được ban hành, quy định về thể lệ giao thông trên cầu Long Biên. Trong đó, điều 1 quy định làn đường bộ hai bên đường sắt chỉ được phép đi 1 chiều. Quy định chi tiết áp dụng điều khoản này do Thủ hiến Bắc Việt quy định sau.

Ngay sau đó, Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí đã ban hành Nghị định ngày 12 tháng 11 năm 1953 quy định về chiều di chuyển trên làn đường bộ, cụ thể như sau:

1. đối với các phương tiện và xe thồ, xe kéo:

A, chiều: Hà Nội – Gia Lâm Đi làn đường bên phía thượng nguồn [làn bên trái so với đường sắt]

B, chiều Gia Lâm – Hà Nội: Đi làn đường bên phía hạ nguồn [làn bên trái so với đường sắt]

2. Đối với người bộ hành, chỉ được đi 1 chiều trên vỉa hè, hướng đi ngược lại so với các phương tiện.

Nghị định của Thủ hiến Bắc Việt (Chính quyền Quốc gia Việt Nam) được ban hành, quy định về thể lệ giao thông trên cầu Long Biên. Nguồn: TTLTQGI

Có thể thấy rằng, giao thông một chiều trên làn xe hai bên cầu Long Biên được thực hiện theo chiều “thuận’’ từ khi khánh thành năm 1924 cho đến năm 1953. Trong gần 30 năm, các đề xuất, thậm chí cả đã có các lần thử nghiệm thay đổi chiều giao thông trên cầu được đưa ra nhiều lần với lý do chủ yếu là để đảm bảo an toàn giao thông, tránh những tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các đề xuất trên đều không được thực hiện. Phải đến khi ban hành Nghị định năm 1953 này, hướng đi của các phương tiện chính thức được chuyển theo hướng “ngược” và vẫn duy trì cho đến ngày nay.

—————————————————————-

Tài liệu tham khảo: Phông tài liệu Cầu Long Biên

Đỗ Hoàng Anh

Theo TTLTQG