Vào dịp tết nguyên đán, các vua triều Nguyễn thường tổ chức ban thưởng cho các bậc công thần, quan lại, dân chúng, nô tì nhằm mục đích cho các thần dân của mình đón một năm mới đầm ấm, an dân bình trị.

Sau lễ khánh hạ là lễ ban yến và ban thưởng theo cấp bậc phẩm hàm. Trước đó, Phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ và Bộ Binh chịu trách nhiệm kê soạn danh sách yến hưởng ban thưởng, Bộ Lễ vẽ thành sơ đồ rồi chuyển giao cho Bộ Hộ chiếu lệ phân thưởng.

Dụ ra ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức 10 cho Bộ Hộ thi hành định rõ: “… Phủ Tôn Nhân, và ba bộ Lại, Lễ, Binh chiếu xét từ thân phiên hoàng thân công, hoàng thân cho đến các quan văn võ và ủy viên địa phương ai trong lệ được dự thì kê làm thành danh sách tiến trình chờ chỉ thưởng ban, giao cho quan Nội Các dự làm phiếu dụ ngữ để đến ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới thi hành”. Nếu có việc phát sinh thì Bộ Hộ hội đồng cùng Phủ Nội vụ trù tính rồi tấu trình chờ chỉ thi hành.(1)

Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc làm cỗ phục vụ yến tiệc do quan tại Quang Lộc tự giao cho bộ Binh lựa chọn sai phái binh lính đến sở thực hiện, xong việc lại về ngũ.

Tiệc yến đãi được tổ chức trong 2 ngày: mùng 1 và mùng 2. Thân phiên, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ phân chia ngồi theo thứ bậc ăn yến vào ngày mùng 1 tại điện Cần Chánh và nhà giải vũ hai bên điện. Quan văn lục phẩm, quan võ ngũ phẩm và ủy viên các tỉnh tới kinh ăn yến vào mùng 2 tại Viện Đãi Lậu (2).

Triều đình ban đãi yến tiệc cho các quan nhân dịp tết Nguyên đán, ảnh sưu tầm

Các quan tới dự yến đều được ban thưởng tiền vàng theo thứ bậc phẩm cấp. Các quan chưa mãn tang không được dự yến nhưng vẫn được ban thưởng và quy yến ra giá tiền để cấp thêm. Dụ chuẩn ban ngày 10 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7 quy định hoàng tử và công tôn mỗi người được thưởng 20 lượng; quan viên văn võ: chính nhất phẩm mỗi người thưởng cấp 12 lượng, tòng nhất phẩm thưởng cấp 10 lượng, chính nhị phẩm thưởng 8 lượng, tòng nhị phẩm thưởng 6 lượng, chính tam phẩm thưởng 5 lượng, tòng tam phẩm thưởng 4 lượng, chính tứ phẩm thưởng 3 lượng, tòng tứ phẩm thưởng 2 lượng 5 tiền, chính ngũ phẩm thưởng 2 lượng. Các quan tại kinh nhưng không trong ban lệ theo châu khuyên và châu điểm đã phê duyệt thì căn cứ phẩm hàm mỗi người giảm bớt một lượng. Các quan ngoài kinh tới chầu từ chính ngũ phẩm trở lên chuẩn cấp thưởng đúng theo phẩm hàm đã định, quan từ tòng ngũ phẩm trở xuống thưởng 1 lạng. Quan hành tẩu phòng Văn thư và Chính đội trưởng, đội trưởng, suất đội trong Thị Nội, cai đội, suất đội các quân thưởng 1 lượng. (3)

Các năm trùng gặp lễ đại khánh tiết, yến hưởng và tiền thưởng đều tăng thêm. Ân chiếu ban năm Minh Mạng thứ 11 quy định các kỳ lão trên 100 tuổi ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng 1 lạng bạc. Từ kinh sư trở vào Nam đến trạm Vĩnh Giai, Bắc đến trạm Sơn Mai tổng cộng 99 trạm, thưởng cấp mỗi trạm từ tháng giêng đến tháng 6 mỗi tháng 30 quan tiền, 20 phương gạo. Các địa phương có con hiếu, cháu thuận, chồng nghĩa, vợ tiết thì quan quản lý nơi ấy xác thực cho rõ rồi tấu lên cho Bộ Lễ làm biểu dâng. Các châu phủ huyện xem xét những ai siêng năng chăm chỉ việc nông vụ thì lập tức ban thưởng để khích lệ cho đúng với lời dạy: gốc của thiên hạ lấy nông làm trọng.(4)

Ngoài ra, tết Nguyên đán cũng là dịp để vua triều Nguyễn khai ân cho các quan đã bị giáng hoặc chức, các quan viên lớn nhỏ mắc lỗi bị xử phạt, tội phạm…

Theo ân chiếu ban năm Minh Mạng thứ 11: “… các quan viên trong ngoài kinh từ năm Minh Mạng 10 trở về trước mắc tội bị giáng hoặc cách chức cho lưu tại trị sở làm việc thì nha môn tại nơi quan viên này làm việc làm tập tấu chờ chỉ xem xét khai ân khoan thứ, các quan viên lớn nhỏ mắc lỗi bị xử phạt bổng lộc cũng được dự khai, các tội phạm đã kết án tử nếu xét có thể khoan giảm thì Bộ Hình làm sách khai rõ tội danh chờ chỉ xem xét giảm tội, các tỉnh trấn có người nghèo khổ túng quẫn, người cô quả và tàn tật thì hữu ti lưu tâm cấp dưỡng theo thời, phạm nhân bị tội quân lưu tại các thành trấn nếu xét rõ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh đến chịu hình và tuổi đã quá 70 thì chuẩn phóng thích về quê, phạm nhân bị tội quân lưu nếu đã mất vợ con chuẩn lập tức phóng thích về nguyên quán. Các thành trấn có thổ sản tài vật và kẻ sỹ ẩn dật thì quan địa phương theo thực tấu trình để xem xét sử dụng…”(5)

Chế độ ban thưởng nhân dịp tết Nguyên đán cho thấy triều Nguyễn luôn hướng tới lễ nghi và truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó cũng thể hiện sự quan tâm của vua đối với bề tôi và các thần dân của mình.

Tài liệu tham khảo

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức tập 366, tờ 218 – 222.

2. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Quyển 97.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng tập 12, tờ 246.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng tập 39, tờ 6.

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng tập 39, tờ 6.

Hoàng Nguyệt

Theo TTLTQG