Trong quá trình Nam tiến mở mang lãnh thổ của người Việt, Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu là ba người Minh Hương có công lớn trong việc phò giúp chúa Nguyễn mở mang và bình định bờ cõi Việt Nam ở vùng đất Đồng Nai, Gia Định và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng trấn Hà Tiên

Đi đầu trong công cuộc mở mang đất Hà Tiên là Mạc Cửu (1655 – 1735), quê quán ở xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông là người thuộc triều đại nhà Minh, giỏi về kinh tế lẫn quân sự. Sau khi nhà Minh mất, nhà Thanh lên cai trị, vì không phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, nên đã cùng gia quyến vượt biển Đông đi về phương Nam. Sau thời gian bôn ba, làm ăn buôn bán ở các nước  Đông Nam Á vùng vịnh Thái Lan, ông dừng chân tại đất Hà Tiên. Lúc này, Hà Tiên còn hoang vu, vô quản, dân cư thưa thớt, chỉ có một số ít người Kinh, Hoa, Khmer sinh sống rải rác trên các gò đất cao. Nhưng với tầm nhìn của một nhà chiến lược, đất Hà Tiên gần núi, ven biển thuận lợi cho gầy dựng cơ nghiệp của mình và ông đã quy tập dân chúng thành lập nên 7 xã thôn đầu tiên, bao gồm: Hà Tiên, Cần Vọt, Trũng Kè, Vũng Thơm, Rạch Giá, Phú Quốc và Cà Mau, hỗ trợ nông cụ và dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tổ chức làm ăn buôn bán với các thương lái nước ngoài, chẳng bao lâu Hà Tiên trở nên đông đúc và phồn thịnh. Dưới sự cai quản của Mạc Cửu, Hà Tiên nhanh chóng trở thành một thương cảng buôn bán sầm uất, có tiếng ở vùng vịnh Thái Lan và các nước trong khu vực lân cận. Chính vì lẽ đó, mà Xiêm La (Thái Lan ngày nay) bắt đầu dòm ngó và nhiều lần đánh chiếm.

Lúc này ở Gia Định, các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định. Người Việt và các di thần người Hoa đang định cư yên ổn. Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng. Sau khi cân nhắc, năm 1708 Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục.

Sách Gia Định thành thông chí chép:

  • Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
  • Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc.
  • Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Mão (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.
  • Tháng 5 mùa hạ năm thứ 11, Ất Mão (1735) đời chúa Nguyễn Phúc Chú Tổng binh Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu mất, thọ 80 tuổi, con trưởng dòng chánh là Mạc Tông tự là Thiên Tứ (hiệu Sĩ Lân Thị, Thụ Đức Hiên) dâng cáo tang.
  • Theo Sổ tay hành hương đất Phương Nam, Mạc Cửu được truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công

Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh Trấn Hà Tiên và chính thức đổi tên vùng đất này là  Hà Tiên trấn. Đánh dấu từ đây, Hà Tiên trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt.

Họ Mạc cai quản Hà Tiên dưới thời triều Nguyễn có sự ưu ái đặc biệt, đó là được phép mở một lò đúc tiền, ban cho 3 chiếc thuyền long bài, miễn cho lệ thuế thuyên buôn để trao đổi mua bán với nước ngoài, được ban  bảy chữ lót đặt tên cho con cháu trong gia phả, trong sử gọi là Thất Diệp Phiên Hàn (7 thứ tự chữ lót bao gồm: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) để dễ nhận ra vai vế thân tộc. Mạc Cửu cai quản Hà Tiên đến năm 1735 thì bệnh mất, thọ 80 tuổi, con trai trưởng của ông là Mạc Thiên Tích (1706 – 1780) kế tập cha của mình. Mạc Thiên Tích là người văn võ song toàn. Dưới thời Mạc Thiên Tích cho mở mang, khai phá thêm đất đai và thành lập các huyện Kiên Giang, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu); địa giới hành chính lúc bấy giờ tương đương dải đất Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng Cần Thơ và Hậu Giang ngày nay. Đặc biệt năm 1736, Tao Đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích làm chủ soái ra đời, nền văn hóa Hà Tiên bắt đầu được khai sáng. Tao đàn này được các nhà nghiên cứu đánh giá là tao đàn đứng thứ 2 của cả nước trong thời phong kiến, sau Tao đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông (1442 – 1479). Tao đàn của Mạc Thiên Tích sáng lập vừa là nơi thờ đức Khổng Tử vừa là nơi đàm văn luận võ, đào tạo nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ. Tao đàn không chỉ chiêu mộ các danh sĩ trong nước mà còn loan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ Bắc Quốc cùng thời thi nhau xướng họa. Sau hơn 30 năm hoạt động, Tao đàn đã quy tụ được hơn 30 cây bút trong và ngoài nước, xuất bản được nhiều tập thơ chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, nổi tiếng nhất là tập thơ Hà tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tich, vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Năm 1777, quân Tây Sơn nổi dậy chống lại triều Nguyễn, Mạc Thiên Tích lánh nạn sang Xiêm và tuẫn tiết năm 1780, Hà Tiên rơi vào cảnh loạn lạc. Trong thời gian chúa Nguyễn đánh đuổi phục quốc quân Tây Sơn, con cháu dòng họ Mạc vẫn được chúa Nguyễn trong dụng cho giữ các chức tế tập trấn thủ Hà Tiên  đúng 7 đời.

Trong thời gian khai phá phương Nam ngót 80 năm, họ Mạc đã xây dựng Hà Tiên thành thủ phủ sung túc và trù phú. Tuy nhiên, khi chạy trốn nhà Nguyễn sang Xiêm (Thái Lan), dòng họ Mạc hầu như không mang theo tài sản, châu báu gì và nhà Nguyễn cũng không tìm được tài sản họ Mạc cất giấu.

Nhiều người cho rằng, dường như họ linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành đến nên đã lập bài sấm, tựa như bùa chú để đặt cạnh các kho báu, chôn cất trước lúc rút chạy. Bài sấm này đã khiến người khác không tìm thấy kho báu ngay trong lúc đó. Về nguồn gốc bài sấm tương truyền trước khi mất, tiểu thư Mạc Mi Cô đã “vô tình” đọc một bài thơ với những câu từ rất lạ. Người đời sau luận ra rằng đó là bài sấm về kho báu dòng họ Mạc đang cất giấu.

Theo lý giải của nữ sĩ Mộng Tuyết về bài sấm truyền trên thì vận số họ Mạc tuy chỉ huy hoàng trong 72 năm, không là vương là bá nhưng thực tế không thua gì một vương quốc độc lập. Nhưng dòng họ Mạc sẽ bắt đầu đi xuống. Câu: “Bờ tre xanh xanh/Hái lá nấu canh/Canh ăn hết canh/Vị cay thanh thanh”. Ứng vào điềm bờ tre bọc quanh núi Bình San bị phá hủy. “Hết canh” tức hết năm Canh Tuất (1910). Vị cay tức là tân, nghĩa là tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911) khu lăng mộ họ Mạc sẽ bị phá hủy.

Câu: “Trời tây ngả bóng chênh chênh/Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng” hàm ý: Mất rất nhiều thời gian mới mở được mộ, và khi mở được thì mặt trời đã về chiều, và cũng nói lên rằng người Tây khai quật mộ. Câu soi vào hang đá long lanh ngọc vàng, từ hang đá ám chỉ khu lăng mộ, là khu mộ táng bằng thạch (đá) trong đó có hang, nơi đặt kho báu? Các từ ở hai câu sau như: nguy nga, lầu các, sen nở đều gợi lên một khối châu báu khổng lồ.

Nguyên văn bài sấm

Khả thủy sơn nhơn
Nước xanh dờn dờn
Núi Xanh dờn dờn
Nhị thập viết đại
Ấp trồng cây trái
Quả ngọt hoa thơm
Tay vin tay hái.
Hoa nhỏ tí tí
Quả nhỏ tí tí
Tám chín xuân thu
Hoa nào phong nhụy.
Phi vương phi bá
Xưng cô xưng quả
Trời có con trai
Một cội bảy lá.
Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh
Trời tây bóng ngả chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng.
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng lòa
Vọng lên lầu các nguy nga
Ao sen nở trắng trước tòa khói hương

Những cuộc khai quật

Bước sang những năm đầu tiên của thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn suy vong, thực dân Pháp sang đô hộ Việt Nam. Lúc này, cai quản Hà Tiên là viên quan Pháp tên Roux Serret. Ngay sau khi đến Hà Tiên, việc đầu tiên mà viên tướng Roux Serret làm là khảo sát kho báu dòng họ Mạc đã cất giấu ở đâu. Tết Thanh minh năm Tân Hợi (1911), lấy lý do mở mang thị trấn Hà Tiên, viên chủ tỉnh người Pháp đã cho đoàn tù khổ sai phá đất đá ở núi Bình San và lẽ dĩ nhiên là hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc cũng thuộc diện bị khai quật. Việc khai quật được tiến hành đầu tiên với ngôi mộ của bà Hiếu Túc, phu nhân của Mạc Thiên Tích. Bởi hắn nghĩ, một người đàn bà có quyền thế như vậy mà mất đi trong lúc sự nghiệp thịnh thời thì khi nằm xuống, chắc chắn sẽ được chôn theo rất nhiều vàng bạc, châu báu.

16-46-22-nh-1.jpg

Dấu tích khu vực mộ bà Hiếu Túc phu nhân bị đào bới năm 1911

Ngôi mộ rất lớn, đoàn tù khổ sai đục đến chiều tối ngày thứ 10 mới phá được phần bệ thờ trước mộ. Đây là một trong những cuộc đào bới khủng khiếp nhất thời bấy giờ. Do rất ít người được chứng kiến cuộc đào bới này nên không ai xác định được tên quan Pháp đó thực sự lấy được những gì dưới mộ bà Hiếu Túc Phu nhân. Có người bảo viên tướng Pháp cùng đội quân binh của y đã thu được rất nhiều châu báu với cả trăm chiếc mâm vàng, hàng trăm con rồng đúc bằng vàng và nhiều vật dụng quý khác. Buổi khai quật này có ông Mạc Tử Khâm, cháu 7 đời của Mạc Cửu.

Sau buổi khai quật này, ông Mạc Tử Khâm được viên chủ tỉnh Hà Tiên chia cho một cái trâm vàng có gắn ngọc quý. Về sau, ông Khâm bán chiếc trâm này cho một người Pháp tên là Chapuis đang cai quản ngọn hải đăng ở núi Pháo Đài. Cũng từ khi mua chiếc trâm vàng, gia đình Chapuis gặp nhiều chuyện không may… Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người nói rằng, sau cả chục ngày đào bới, số vàng bạc châu báu mà viên quan Pháp thu được chỉ là vài cái trâm cài, vòng đeo cổ, khuyên tai bình thường của nhà Phật… Thế là hắn tức tốc đem trả lại cho con cháu họ Mạc, ra lệnh di chuyển mộ bà Hiếu Túc Thái Phu nhân về khuôn viên khu mộ dòng Mạc (nay nhìn từ trên xuống cách mộ Mạc Cửu khoảng 20 m, nằm bên phải).

16-46-22-nh-2.jpg

Mộ hiện nay của bà Hiếu Túc nằm trong quần thể khu mộ dòng họ Mạc

Một câu chuyện đầy màu sắc tâm linh còn lưu truyền đến ngày nay là viên quan Pháp khi đó có ý định sẽ đào hết toàn bộ hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc để tìm của cải. Nhưng ngay sau khi đào xong mộ bà Hiếu Túc, viên quan này đã bị con ngựa đang cưỡi bất ngờ hý vang, hất hắn ngã chỏng vó khi đang đi gần khi mộ họ Mạc. Cú ngã khiến hắn phải nằm liệt nhiều ngày mà không hết hẳn. Sau đó, hắn đích thân mang lễ vật đến cúng tế tại mộ bà Hiếu Túc Phu nhân và mộ bà Cô Năm, hứa sẽ không động chạm đến phần mộ của họ nữa. Ông Hai Cua bảo, thời chưa giải phóng, từng có những đoàn người lạ từ bên kia biên giới sang hoặc từ biển Tây Nam dong thuyền vào, dùng công cụ chuyên dụng như xẻng, bản đồ vẽ tay với mục đích đào khu mộ của họ Mạc. Dù dòng họ đã cắt cử người canh chừng ngày đêm nhưng khu lăng mộ vẫn mất một số chi tiết hoa văn cổ quý giá. Trong một thời gian dài, lục lâm thảo khấu tứ xứ kéo đến để tìm kho báu.

Đền thờ họ Mạc

Sử liệu ghi lại, buổi đầu, đền chỉ bằng gỗ lợp lá, do Mạc Công Du – cháu 4 đời của Mạc Cửu – thừa lệnh vua Gia Long lập khoảng các năm 1816-1818, khi ông giữ chức Hiệp trấn và Trấn thủ Hà Tiên. Năm 1833, ông theo Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng. Khi cuộc nổi dậy thất bại, Công Du cùng  nhiều con cháu họ Mạc đều bị tội, ngôi đền cũng dần đổ nát.

mac cuu 2

Năm 1836, đại học sĩ Trương Đăng Quế đi kinh lý, tổ chức lại việc cai trị ở các tỉnh vừa trải qua tai họa chiến tranh, khi về có tâu trình lên vua Thiệu Trị: “Việc mở mang đất Hà Tiên lúc ban đầu do công lao của Mạc Cửu rất lớn, nên lưu dụng lại con cháu họ Mạc”. Nhưng mãi đến năm 1845, nhân tấu trình của quan Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn, vua Thiệu Trị mới có lệnh “Tìm lại con cháu họ Mạc, người nào có tài có thể dùng thì tâu lên” và thuận cho xây dựng lại đền thờ mới.

mac cuu 4

Năm 1846, nhà vua cho lập lại đền kiên cố hơn, đẹp đẽ hơn, mái lợp ngói, nhưng ở một vị trí khác, đó là phía tây chân núi Bình San, tức vị trí bây giờ và có tên là Trung Nghĩa Từ. Vua Tự Đức phong cho cháu cố là Mạc Văn Phong làm đội trưởng để lo việc thờ cúng.

Năm 1897, chí sĩ Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân đóng góp tiền công, trùng tu lại đền và hoàn thành năm 1900. Từ đó cho đến nay, đền còn được tu bổ nhỏ nhiều lần. Phía trước đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt cho nhân dân dùng.

lang mac cuu 5

Ngôi đền họ Mạc, ngoài giá trị lịch sử, còn là một công trình có tính nghệ thuật cao, với cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong. Ngay cổng đền thờ, có đề tên Mạc Công miếu, hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán ca ngợi dòng họ hiển hách này: “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (tạm dịch: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).

Qua khỏi cổng là một con đường ngắn, hai bên trồng cây xanh, dẫn đến một tiểu đình rộng. Qua thêm một cổng nữa, là điện thờ chính và tả vu, hữu vu. Ngoài những hoành phi, liễn đối và tranh vẽ, tại điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công”, đó là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước sự nghiệp mở mang bờ cõi của dòng họ Mạc. Đặc biệt, trên vách và cột điện thờ, hiện còn bài văn kêu gọi quyên tiền cất miếu cùng hai bài thi ca ngợi công đức Mạc Thiên Tứ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến.

mac cuu 3

Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ của ông có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, núm mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu). Hai bên mộ trước kia có hai tượng tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, chạm trổ tinh vi. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã trải qua 3 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, chỉ hai bức tượng bằng đá xanh đã bị trộm được thay bằng tượng xi măng.

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc – vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích, cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn.

mac cuu

TH/ST