Nếu xem phim cổ trang thì có đôi lúc anh em sẽ thấy cảnh người ta dùng chim bồ câu để đưa thư, người gởi cột lá thư cần gởi vào chân của bồ câu và tung nó lên trời, vài giây sau chuyển cảnh khác thì thấy người nhận gỡ lá thư từ bồ câu ra (phim Game of Thrones thì dùng quạ để đưa thư). Vậy thì họ làm điều đó như thế nào?
Lịch sử:
Điểm sơ qua lịch sử một chút xíu. Bồ câu đưa thư (homing pigeon) được sử dụng từ rất lâu trong lịch sử của loài người, sớm nhất là từ thời Ai Cập cổ đại 3000 năm trước Công nguyên. Julius Caesar (100 – 44 tCN), nhà quân sự vĩ đại của CH La Mã xưa cũng từng sử dụng bồ câu để đưa thư. Người Hy Lạp xưa cũng dùng bồ câu để đưa tin tức về các kỳ giải Olympics. Trong Thế chiến I và II, quân đội các nước cũng sử dụng bồ câu để đưa thư từ chiến trường.
Trong lịch sử VN, danh tướng Trần Nguyên Hãn trong đội quân chống giặc Minh của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng sử dụng bồ câu để đưa tin, chính vì vậy mà tượng đài của ông là hình ảnh ông cưỡi ngựa, tay cầm chim bồ câu. Hồi trước tượng của ông đặt ở bùng binh Quách Thị Trang, đối diện chợ Bến Thành, nay đã dời về công viên Phú Lâm Quận 6 vì giải tỏa mặt bằng để xây tuyến Metro số 1.
Đặc tính:
Ngày xưa, loài người thuần hóa chim bồ câu núi và đem về nuôi, cho chúng ăn và làm tổ cho chúng, dần dần nhân giống ra loài chim bồ câu nuôi trong nhà. Trải qua nhiều năm quan sát và nghiên cứu, họ nhận thấy chim bồ câu luôn luôn bay về tổ sau khi kiếm ăn. Chính nhờ đặc tính này mà loài người sáng tạo ra phương pháp sử dụng chim bồ câu cho việc đưa thư, gọi là homing pigeon – nghĩa là chim bồ câu luôn bay về nhà.
Chim bồ câu có khả năng tìm được đường về nhà ở khoảng cách lên tới 1800km và chúng có tốc độ bay rất đáng nể, tốc độ bay trung bình là 80km/h và khi cần vượt thời tiết xấu hoặc bị săn đuổi, chúng đạt vận tốc tối đa lên tới 140 – 150km/h.
Khác với chim cú mèo trong truyện Harry Potter có thể đưa thư tận tay người nhận bất cứ đâu, chim bồ câu đưa thư chỉ có khả năng bay về nhà của nó mà thôi. Để đưa thư, người ta nhốt chim bồ câu trong lồng và đem theo bên mình, khi cần truyền tin thì sẽ cột thư vào chân chim bồ câu và thả, chim sẽ tìm đường bay về tổ và người ở nhà gỡ thư ra. Để tăng xác suất thành công, người ta có thể gởi cùng 1 nội dung thư cho nhiều con chim để đem về, phòng trường hợp 1 con bị bắn hạ trên đường bay về.
Nghĩa là để gởi thư bằng chim bồ câu, thì bồ câu chỉ có thể đem thư về tổ của nó, chứ không thể gởi tới điểm A điểm B điểm C bất kỳ theo ý muốn. Trải qua quá trình huấn luyện, bồ câu đưa thư có thể tự tìm đường về tổ của nó dù cách xa hàng ngàn km, dù cho có bị chim săn mồi rượt đuổi, hoặc dù cho phải dừng lại trên đường để “nạp năng lượng”, thì nó vẫn bay về nhà được an toàn.
Giải mã chim bồ câu:
Mặc dù đã sử dụng chim bồ câu để đưa thư hàng ngàn năm qua, nhưng con người vẫn chưa biết được tường tận tại sao loài bồ câu có thể tìm được đường về nhà dù cách xa hàng ngàn cây số. Qua nghiên cứu, người ta tạm chấp nhận một số giả thiết như sau:
- Cơ chế La bàn: Loài vật không biết sử dụng GPS như loài người, tuy nhiên chim bồ câu có sẵn “la bàn” trong cơ thể. Tuy chúng không biết các hướng Đông Tây Nam Bắc là gì nhưng cơ chế này có thể giúp chúng định vị được Mặt trời để biết được nhà mình nằm ở hướng nào, và bồ câu có thể xác định được phương hướng cần thiết để tìm hướng bay về tổ.
- Từ trường và âm thanh: các loài vật có khả năng cảm nhận được từ trường của Trái đất và chim bồ câu cũng vậy. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong mỏ của bồ câu có một lượng sắt, giúp chúng nhạy với từ trường của địa cầu. Ngoài ra tai của chúng còn có thể nghe được các âm thanh tần số thấp mà tai người không nghe được (dưới 20Hz). Não bộ của chúng nhớ được những âm thanh quen thuộc vd như tiếng các con vật trong vùng, tiếng cây, tiếng sóng.
- Bản đồ: Nhờ khả năng bay cao để có tầm quan sát rộng lớn, bồ câu có thể so sánh được các địa điểm có tính đặc thù và ghi nhớ trong não bộ để định vị dễ dàng hơn. Ví dụ anh em nhìn thấy tòa nhà Bitexco thì biết được hướng đó là Q1, nhìn tòa nhà Landmark81 thì biết đó là Bình Thạnh, còn nhìn thấy Đài truyền hình thì biết là sắp lên chương trình Tìm người lạc vậy
Cách huấn luyện:
Mỗi thời điểm lịch sử và mục đích sử dụng mà người huấn luyện sẽ có các cách dạy chim bồ câu khác nhau, tuy nhiên phương pháp cơ bản vẫn còn lưu truyền tới ngày nay.
- Tổ: Điều quan trọng nhất là tổ của chúng. Tổ là nơi chim bồ câu gắn bó phần lớn cuộc đời, là nơi chúng được cho ăn, uống nước và ngủ lại qua đêm. Một số người huấn luyện còn sử dụng cửa sập để ngăn không cho chim bồ câu tự tiện bay ra ngoài, hạn chế việc những con chưa có đôi bị chim bồ câu của đàn khác dụ dỗ bỏ nhà theo trai.
- Tập luyện: HLV sẽ nhốt chim bồ câu trong lồng và đem đi xa khỏi tổ rồi thả cho chim tự tìm đường bay về. Lập đi lập lại nhiều lần trong tuần, mỗi lần sẽ đổi địa điểm thả và tăng cự ly thêm 5 – 10km. Mục đích là cho chim học thêm các đường bay và ghi nhớ được các cột mốc để xác định đường về nhà. Đến khi chim có thể bay về ở khoảng cách 80 – 100km là tạm thành công.
- Điểm dừng chân: với những chặn đường xa, HLV có thể tạo 1 điểm dừng chân giữa đường để chim có thể ghé đó và nạp năng lượng, dưỡng sức trước khi bay tiếp về nhà. Đây không phải là tổ của chim mà chỉ là trạm dừng chân có cung cấp thức ăn và nước uống.
HLV cần phải tự tay đem chim đến điểm dừng chân và tập cho chúng biết ở đây có cung cấp thức ăn và nước uống. Điểm dừng chân còn có tác dụng giúp chim nghỉ chân và dưỡng sức, không phải lo lắng việc đang bay giữa chừng thì phải rẽ hướng đi kiếm ăn.
Nếu muốn chim đem thư từ nhà đến điểm dừng chân, hãy cất hết thức ăn ở tổ chính, chim sẽ bay đến điểm dừng chân để kiếm ăn và đem theo thư.
- Đem thư: có thể cột thư trên chân chim hoặc sử dụng một cái balô tự chế gắn trên lưng chim để chứa thư. Nhưng “hòm thư” phải được thiết kế làm sao để không gây vướng víu cho bồ câu khi bay và đậu. Có thể sử dụng chất liệu chống nước để thư không bị ướt khi chim mắc mưa.