Đã từ lâu, tôi có ý định viết về đề tài “Các Vua Hùng dựng nước”. Nhưng mỗi lần cầm bút lại một lần gác bút dù đã trải qua nhiều ngày đêm đắn đo, suy nghĩ: Huyền thoại Lạc Long Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, tuy có nhiều tình tiết huyền bí, hư ảo, có vẻ phi khoa học, nhưng nó long lánh, phiêu bồng như mang nhiều ký gửi của tổ tiên về cội nguồn dân tộc. Câu chuyện đã có nhiều ý nghĩa thâm thúy, lại đẹp như chuyện thần tiên, dễ thấm lòng người để lưu truyền vạn thế! Cũng còn một lý do nữa khiến tôi chần chừ là khoa học ngày nay tiến bộ nhanh quá và hiện còn đang có những khám phá mới, vô cùng ngoạn mục. Ít năm gần đây, những tiến bộ của địa chất học, khảo cổ học, dân tộc học, ngữ học, di truyền học… mới phát hiện được đã chứng minh những tài liệu cũ ít nhiều đều không còn đúng nữa.
Một điều lạ là những sử liệu xưa kia coi là nhiều giá trị nhất, khả tín nhất thì lại có vẻ trái ngược sự thực mới được khoa học phơi bày nhất, trong khi những truyền thuyết mà học giới thời thuộc Pháp hay xa hơn nữa, thời chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa vẫn cho là mê tín, hoang đường xem ra lại gần sự thực hơn! Chính vì nỗi e ngại đó nên tôi đã chần chừ, muốn đợi cho vấn đề thêm sáng tỏ. Tháng tư năm ngoái, nhân số kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương (Tập san TƯ TƯỞNG số 7), tôi đã phải đăng bài Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam căn cứ vào khám phá mới phát hiện của nhà bác học J.Y.Chu về nguồn gốc con người ở Đông Á theo di truyền học DNA thay cho bài định viết về Vua Hùng dựng nước này.
Thấm thoát một năm đã trôi qua. Nay lại đến ngày Giỗ Tổ. Viết hay không viết về đề tài Vua Hùng dựng nước? Câu hỏi lại đến một cách dai dẳng đòi hỏi một sự trả lời dứt khoát.
Viết thì có cái lợi là đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu cội nguồn của lớp người trẻ hiện tại và tương lại, đã thấm nhuần tinh thần khoa học, không tin vào những gì chưa được khoa học xác minh là có thực. Nó còn đánh tan ngụy thuyết cố tình xuyên tạc lịch sử lập quốc lâu dài của dân ta, cho những truyền thuyết chỉ là chuyện hoang đường, che dấu một dĩ vãng mà họ cho là man di không có gì đáng hãnh diện. Tuy nhiên nếu viết không đạt, thì lợi bất cập hại: nó làm hư cái vè đẹp lung linh huyền sử mang nhiều ý nghĩa cao viễn mà bất cứ ai còn tự cho mình là người Việt, đọc lên cũng không khỏi không bồi hồi về công đức của tổ tiên và thấm thía cái nghĩa đồng bào, trăm con cùng một mẹ. Nhưng rồi cũng đến lúc phải có một quyết định. Chúng ta đang sống trong thời đại tin học. Những người trẻ Việt sẽ đọc được, không ở chỗ này thì ở chỗ khác, những tài liệu khoa học về nguồn gốc dân tộc mình. Tuy khoa học chỉ có một, nhưng cách nhìn khoa học thì có nhiều, có thể nhìn từ phía bạn hay phía… không phải là bạn. Thôi thì người Việt đọc nguồn gốc dân tộc mình dưới ánh sáng của khoa học, bằng cách nhìn do con cháu của tổ tiên mình viết vẫn hơn. Do đó, bài viết này đã đến tay Quí vị. Đây chỉ là công việc tổng kết một cách sơ bộ những tài liệu khoa học liên hệ đến vấn đề thành lập nước Văn Lang. Kính mong được Quí vị góp ý và cung cấp thêm những tài liệu mới để người viết, nếu có dịp, sẽ đúc kết lại thành một tham luận hoàn chỉnh hơn.
Để vào đề, một bài học không thể không nhắc đến: bài học Nhật Bản. Người Nhật cho nguồn gốc dân tộc họ là Thái Dương Thần Nữ xem ra cũng chẳng đúng tinh thần khoa học gì. Vậy mà họ có đặt vấn đề tìm hiểu lại nguồn gốc dân tộc và sự hình thành quốc gia cho đúng tinh thần khoa học bao giờ đâu? Trong khi Việt Nam chúng ta có nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên, có lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến, tuy không hẳn đã đúng với tinh thần khoa học, nhưng có khác gì Nhật Bản, hà cớ phải tính đến chuyện tìm ra nguồn gốc dân tộc? hà cớ phải bàn đến chuyện Vua Hùng dựng nước làm gì? Chỉ sinh chuyện rối rắm, có khi còn làm hại đến tinh thần dân tộc? Lý thì như vậy đấy, nhưng xin thưa: hoàn cảnh Việt Nam không giống như Nhật Bản.
Từ khi lập quốc, Nhật Bản chưa hề bị ngoại nhân đô hộ: dân tộc họ không bị bôi xấu là dân man di, mọi rợ, quốc gia họ không ở cảnh, cho đến những ngày gần đây, còn bị coi là một nước bán khai. Ngược lại, họ vốn là một cường quốc, nay họ là quốc gia đứng hang thứ nhì về kinh tế trên thế giới. Có ai dám coi thường chứ đừng nói khinh rẻ họ? Lịch sử của họ đã tự nói lên sự oai hùng, làm gì phải tính đến sự viết đi viết lại?
Còn chúng ta thì khác. Từ ngày lập quốc, chúng ta đã mấy phen bị ngoại bang đô hộ. Kẻ thù đã dùng mọi cách man trá làm sai lạc về nguồn gốc cũng như về lịch sử lập quốc của chúng ta. Mọi sách sử bị đánh tráo, bị đảo lộn rối beng. Ngay những người trí thức lương thiện nhất, nhiều khi cũng không biết rõ nguồn gốc dân tộc mình ra sao, lịch sử dụng nước thế nào. Bên cạnh những văn bản nói về cái hay của lịch sử dân tộc, thì lập tức có văn bản phủ nhận, bác khước, làm cho có sự hoài nghi ở khắp mọi nơi.
Cũng may, chúng ta còn có những truyền thuyết, trước sau thống nhất, về một nguồn gốc dân tộc đáng yêu, một lịch sử đáng quý, và còn có lòng tin son sắt trước sau như một của những người bình dân, sống xa thành thị, đối với tổ tông, nên đất nước còn tồn tại được đến ngày hôm nay.
Trong trường hợp như vậy, không thể không làm cho nguồn gốc dân tộc được minh bạch; không thể không tìm hiểu lịch sử lập quốc cho thực rõ ràng. Vì một khi sự việc chưa được minh bạch, sự nửa tin nửa ngờ sẽ không bao giờ dứt hẳn và sự đánh phá vào mặt trận dân tộc của các thế lực nghịch thù cũng không bao giờ ngừng nghỉ, mà có thể mỗi ngày còn một gia tăng. Tuy nhiên, muốn cho sự việc được minh bạch trong thời buổi khoa học ngày nay, chúng ta không thể không chứng minh sự việc bằng những bằng chứng khoa học không ai có thể bác khước.
Gia dĩ chúng ta lại có một nguồn gốc hiển hách, một lịch sử khởi đầu bằng những năm tháng vinh quang, một quốc gia từ khởi thủy đã là cái nôi của nhân loại văn minh, đã có những phát minh đem lại lợi ích cho cả loài người. Sự làm cho minh bạch nguồn gốc dân tộc và lịch sử lập quốc như vậy chỉ có lợi là đánh tan những luận điệu thù nghịch trước kia cũng như ngày nay muốn bôi nhọ dất nước và dân tộc ta với mưu đồ đen tối, mà không có cái hại gì, vì cái hại nhất cho lịch sử do thế lực thù nghịch tạo ra cho đất nước ta đã có và đang sẵn có rồi.
Vấn đề sẽ được nhìn dưới ba khía cạnh:
– Khía cạnh truyền thuyết hay huyền học.
– Khía cạnh lịch sử theo văn bản của sách sử có được cho đến ngày nay.
– Khía cạnh khoa học theo năm khảo hướng chính: Khảo cổ học, ngôn ngữ học, địa chất học, thảo mộc học, ở đây là sự thuần hóa cây lúa nước và di truyền học.
I – NGUỒN GỐC DÂN TỘC THEO HUYỀN HỌC
Về phương diện này, không ai hơn triết gia Lương Kim Định. Với phương pháp dựa vào truyền thuyết, vào huyền học, và với một khối lượng đồ sộ hơn 40 tác phẩm, Kim Định đã dắt ta đi sâu vào những ngõ ngách thâm u của thời tiền sử – thời chưa có chữ viết – của nguồn gốc dân tộc và tư tưởng tổ tiên tộc Việt. Cũng trong chiều hướng đó, cũng bằng phương pháp huyền học, một tác giả khác có lẽ cũng ở lứa tuổi cụ Kim Định – cụ Huy Việt, vào năm cụ 93 tuổi – nhưng vẫn sinh hoạt văn hóa, vẫn âm thầm sáng tác, vừa gửi ra ngoài sơ thảo cuốn “Nguồn gốc dân tộc Việt” của cụ. Lạ một điều là dù tác phẩm của cụ không dẫn chứng theo khoa học, cũng không nói rõ nguồn gốc tư liệu, về tiểu tiết, so với khoa học hiện đại, có nhiều điều không sát, có khi ngược hẳn, nhưng về đại thể thì có nhiều điểm tương đồng, nhất là kết luận thì mường tượng như nó có cùng một chủ đích mà phương pháp khoa học đang dẫn dắt chúng ta đi tới. Điều này, xin Quý vị so sánh với phần III trong bài tham luận này sẽ thấy rõ. Ở đây, xin mời Quý vị hãy đi theo câu chuyện tác giả kể:
Rằng: khoảng 80.000 năm trước Kỷ Nguyên (TKN) tại trung tâm Á Châu, nay đã biến thành ra sa mạc Gobi, có một biển lớn ăn thông đến Bắc Cực. Giữa biển có một hòn đảo mang tên Bạch Đảo, là nơi cư ngụ của các bậc tu sĩ thông tuệ khác thường, được dân tôn là những bậc Tiên, Thánh. Năm đó, có nạn hồng thủy, những người sống sót, ở khắp nơi trên mặt địa cầu, thuộc các sắc dân da vàng, da trắng, da đen, đều qui tụ về ven biển Bạch Đảo tìm đường sống. Tại đây, họ đã được các bậc tu sĩ Bạch Đảo thu xếp cho nơi ăn chốn ở, dạy họ về triết học, về kỹ thuật (kể cả kỹ thuật kim loại!) về tổ chức và quản trị quốc gia… Đến năm 45.000 năm TKN, dân đã trở thành văn minh và cũng đã quá đông nên được khuyên nên di cư đi tìm đất mới mà sinh sống. Nói riêng về chủng da vàng: một nửa ở lại Bạch Đảo, một nửa đi về phía Đông Nam lập ra nước Môn và nước Nam Dương, lúc đó chưa cách ly với đại lục Châu Á. Đến năm 9504 TKN, nhân loại lại bị một trận hồng thủy khác tàn phá khắp mặt địa cầu. Nước Nam Dương bị nước biển tràn ngập, biến thành những hải đảo như ta thấy ngày nay. Những người không bị chết trôi dạt đi khắp nơi, trong đó có một phần dạt vào phía Nam bán đảo Đông Dương ngày nay, lập nên nhà nước Phù Nam, là chủ nhân của nền văn minh mà di tích còn lại là Đế Thiên, Đế Thích.
Nay nói đến một nửa dân da vàng còn lại ở Bạch Đảo. Trước nạn hồng thủy, năm 9504 TKN, do lời khuyên của các bậc Tiên Thánh ở Bạch Đảo, lớp dân này đã đi lên các cao nguyên tỵ nạn trước: phần lớn, mà tác giả gọi là chủng Thái, thì lên tỵ nạn ở cao nguyên Pamir; phần nhỏ hơn thuộc tộc Miêu lên tỵ nạn ở cao nguyên Tây Tạng thuộc dãy Hi Mã Lạp Sơn. Khi nước rút hết, họ không thể trở về Bạch Đảo vì nơi này đã biến thành sa mạc Gobi, nên phải tìm đất mới sinh sống. Không kể hai nhóm, một là dân Miêu lên định cư ở Cam Túc, hai là những thổ dân đi về Tây Vực, ba nhóm khác thuộc dân da vàng xuôi theo ba dòng sông chính ra biển:
– Nhóm theo sông Mékong lập ra hai nước Lào và Thái Lan.
– Nhóm theo sông Hồng lập ra nước Cổ Việt.
– Nhóm theo sông Dương Tử lập ra nước Ba Thục ở Tứ Xuyên, là chủ nhân của nền văn minh Thục Sơn. Theo tác giả, đây chính là tổ tiên của người Việt ngày nay. Gạt đi những chi tiết hoang đường hay không cần thiết, câu chuyện nguồn gốc dân tộc Việt đến đây có nhiều chỗ rất thú vị, lại giải thích được những nan đề của lịch sử cho đến nay người ta vẫn chưa giải đáp được:
Nhà nước Ba Thục xây dựng kinh tế trên nông nghiệp, xã hội trên làng xã, mỗi ngày một giàu có và văn minh. Tuy có vua, nhưng trị nước theo lối dân chủ, lấy xã thôn tự trị làm gốc. Vua được chọn theo lối truyền hiền (truyền cho người có đức có tài) chứ không phải truyền tử (truyền cho con). Đến năm 4600 năm TKN, nước chọn được vua Phục Hy, dòng họ Khương cai trị. Vua dạy dân phép sống để thành một người văn minh, không phải chỉ văn minh vật chất mà là văn minh tâm linh, dựa vào thuyết Tam Tài (Thiên = Địa = Nhân), lấy con người làm trọng: do đó có đạo vợ chồng, đạo thờ tổ tiên; nhân phẩm đạo đức được đề cao: con người được đánh giá bằng đạo đức hơn là bằng tài ba giàu có; nhân, hiền, tiết, nghĩa được đề cao: cha mẹ được gọi là Song Thân chứ không phải là Nghiêm Đường; tình được trọng hơn lý. Chính Phục Hy là tác giả của các Sách Cửu Khâu, Tam Phần, Ngũ Điển, lập ra qui tắc cho Kinh Dịch, Lịch số… Công sức của ông rất lớn nên khi chết được tặng danh hiệu là Nhân Hoàng.
Dòng họ Khương của Phục Hy truyền được 1.000 năm thì nhường cho dòng họ Mễ cai trị Thục Sơn. Đó là năm 3600 năm TKN. Ông vua này là ông tổ của nghề nông, nghề Y nên khi chết được tặng hiệu là Thần nông hay Địa Hoàng. Dòng họ Mễ cai trị Ba Thục cho đến năm 315 TKN mới bị Tần diệt và bị sát nhập vào Trung Hoa.
Như chúng ta đã biết, theo khoa học, Trung Hoa chỉ được các nhà sử học ngày nay công nhận được thành lập từ đời nhà Thương, khoảng 1600 năm TKN. Trước đó là huyền sử.
Bây giờ, hãy cùng tác giả, theo chân đoàn di dân Ba Thục đi tìm đất mới: Đã có nhiều cuộc di dân đi tìm đất mới để sinh sống từ thời dòng họ Phục Hy cai trị, nhưng ở đây xin chỉ kể đến hai cuộc di dân từ đời Thần Nông thứ 7:
Cuộc di dân thứ nhất: do Hoàng tử họ Mễ cầm đầu, xuôi thuyền theo dòng Dương Tử, khi đến vùng Hồ, Quảng, vùng hồ Động Đình, thấy phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ nên quyết định dừng chân lập nghiệp ở dó. Khi sắp mất, vị Hoàng tử này lập con trưởng cai trị quốc gia tân lập này: đó là vua Đế Minh. Vua Đế Minh lên ngôi năm 2950 TKN, có người con cả với bà vợ Thục, tên Nghi và người con thứ với bà vợ thứ hai, con Động Đình Quân, là bà Vụ Tiên, tên Lộc Tục. Khi chết ông truyền ngôi cho con trưởng làm vua đất Hồ Quảng, Hà Nam tức vua Đế Nghi nước Sở, và con thứ Lộc Tục làm vua từ đất Kinh Châu và đất phía Nam sông Dương Tử trở về Nam. Khi lên ngôi vua, Ngài lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ hay là Việt. Chữ Việt nói lên cương vực của nước Xích Quỷ (xin xem bài chữ Việt của Huy Việt Trần Văn Hợi trong Tập san TƯ TƯỞNG số này. Vua Đế Nghi và vua Kinh Dương Vương đều lên làm vua năm 2879 TKN. Sự thành lập nước Việt sẽ được tóm lược ở phần II dưới đây.
Cuộc di dân thứ hai: cùng với cuộc di dân thứ nhất, vua Ba Thục còn tổ chức một cuộc di dân thứ hai mà người cầm đầu là công tử con vua triều cũ họ Khương. Đoàn thuyền cũng xuôi theo dòng Dương Tử, nhưng không dừng chân ở vùng hồ Động Đình đã có đoàn thứ nhất định cư, mà tiếp tục đi theo sông Dương Tử đến vùng hạ lưu gần biển Đông. Vì vậy, sau này lịch sử Hoa Hán gọi hậu duệ của đoàn này một cách khinh miệt, là bọn Đông Di để phân biệt với bọn Tây Di là những người thuộc tộc Miêu đi về hướng Tây từ trước, tiền nhân của các ông Nghiêu, Thuấn, Vũ… sau này. (Ghi chú của tác giả bài này: Trung Dung câu 30 cũng dã viết: “Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn, Võ; thượng thuật thiên thì, hạ tập thủy thổ – Trọng Ni, tên Đức Khổng Tử, một mặt thuật lại Đạo của ông tổ mình là Nghiêu, Thuấn, mặt khác xiển dương đường lối các Vua Văn, Vua Võ, trên đề cao Đạo Trời, dưới theo tục lệ từng địa phương. Nghiêu, Thuấn, Vũ là hậu duệ của các người Tây di là ý kiến của nhiều học giả Tây phương như James Legg viết theo chính sử sách của nhà Chu để lại).
Ở bờ biển phía đông, họ lập nên các nước Tề, Yên, Lỗ (tổ quốc của Khổng Tử), Trần, Sái. (Ghi chú của tác giả bài này: về phương diện khảo cổ, những nước này đều thuộc văn minh Long Sơn rồi Ching Liên K’ang chứ không thuộc văn minh Ngưỡng Thiều của nòi Hoa Hán. Người lãnh đạo những nước này theo lịch sử cũng như truyện cổ của Tàu, sau này thường vẫn còn giữ họ Khượng).
Câu chuyện tác giả kể còn nhiều điều thú vị như chuyện Thục Phán vốn là cháu của vua Thục cuối cùng. Khi nước sắp bị mất về tay nhà Tần, 315 năm TKN, Vua ủy cho tướng Cao Lỗ đem Hoàng tử, con thứ phi về Nam lánh nạn, tá túc tại nước Tây Ân. Vị Hoàng tử Thục này lấy em gái vua Tây Ân đẻ ra Thục Phán, khi Vua Hùng thứ 18 mất không có con trai, muốn truyền ngôi cho con rể là Sơn Tinh, nhưng ông này đã tu tiên nên không nhận; vua mới truyền ngôi cho Thục Phán, vốn là con của ngành trưởng họ Mễ, đã từng tá túc ăn học trong triều đại Vua Hùng.
Tôi nghĩ đã đến lúc nên chuyển sang phần II của bài này. Phần viết trên tóm lược ý chính của tác phẩm chưa xuất bản mang tên Nguồn gốc dân tộc Việt. Khi kể chuyện, tác giả không ghi sự kiện trích dẫn ở đâu, cũng không ghi niên đại trích dẫn do đâu mà có. Như trên đã nói, về tiểu tiết, tuy nhiều điều không đúng với khoa học mà tôi sẽ nói rõ ở phần III, nhưng về đại thể thì có nhiều nét tương đồng. Nhất là chuyện kể rất có ý nghĩa. Và tấm long của tác giả thực đáng trân trọng, đáng kính phục. Tất nhiên, tôi không phản bác ý kiến cho rằng sử thì phải lấy sự thực làm mục tiêu tối hậu, mục tiêu cao nhất, và ngày nay, phải là sự thực được chứng minh bằng những dữ kiện khoa học. Tôi kể lại câu chuyện trên để Quý vị tiện việc so sánh với phần II và III, nhất là để xin thỉnh ý Quý vị. Rất mong nhận được ý kiến và các tài liệu Quý vị bổ túc cho để chúng ta có thể hoàn chỉnh phần quan trọng này của lịch sử nước nhà.
II – NGUỒN GỐC DÂN TỘC THEO VĂN BẢN
Có nhiều phương pháp để tìm giải đáp cho vấn đề các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Phương pháp giản dị và hữu hiệu nhất có lẽ là phương pháp “W” mà David N. Keightley đã áp dụng trong việc tìm hiểu nhà nước Trung Hoa.
Như vậy phải thứ tự trả lời cho thực rạch ròi bốn câu hỏi thứ tự như sau:
Một: Cương vực của nước Văn Lang ra sao? (Where)
Hai: Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang vào lúc nào? (When).
Ba: Những lý do nào đã đưa đến việc thành lập nhà nước Văn Lang? (Why)
Bốn: Việc tổ chức điều hành nhà nước đó, cơ bản như thế nào? (What).
Trong phạm vi của phần này, việc trả lời những câu hỏi trên sẽ căn cứ vào sách sử hiện có. Xin nói ngay, trong phạm vi giới hạn của một bài báo, chúng tôi chỉ xin lược kể những sách sử chính gần đây mà bỏ qua những tác phẩm nổi tiếng cổ điển vẫn được coi như khuôn vàng thước ngọc. Lý do đơn giản là những sách cổ đó viết bởi người Hán, người Pháp hay những học giả người Việt viết theo sách Hán, sách Pháp hầu hết ngày nay đã được khoa học chứng minh không còn thích hợp, chưa kể nhiều sách còn có dụng ý xuyên tạc sự thực, mục đích để phục vụ cho mục tiêu của kẻ thống trị. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta vơ đũa cả nắm mà không biết cũng còn có những học giả chân chính, những tác phẩm trung thực. Những điều đó xin được bàn đến trong một dịp khác.
Một: Cương vực của nước Văn Lang
Cương vực của nước Văn Lang theo truyền thuyết, thường được các sách sử viết lại là truyện Lạc Long – Âu Cơ sẽ được phân tích trong các phần dưới đây, nhất là phần kết luận.
– Căn cứ vào truyền thuyết, các tác giả sách Thời Đại Hùng Vương, cho rằng cương vực nước Văn Lang có thể hiểu theo ba cách: hẹp nhất là bằng bờ cõi bộ Văn Lang, nghĩa là gồm đất đai các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, một phần tỉnh Tuyên Quang, Hà Bắc và Hà Nội ngày nay. Thứ nhì là ranh giới của cả 15 bộ cộng lại tương đương Bắc phần, phía Bắc Trung phần và một phần phía Nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Và thứ ba, bờ cõi Văn Lang rộng nhất, đúng như văn bản đã ghi, căn cứ vào truyền thuyết là “Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình Hồ và Nam giáp với Hồ Tôn (Chiêm Thành)”. Các tác giả sách này đã thiên về giả thiết thứ hai, chủ trương bờ cõi nước Văn Lang là vùng đất gồm một phần phía Nam hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Hoa), miền Bắc phần và Bắc Trung phần ngày nay. (Thời đại Hùng Vương, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1972).
– Thuyết này hình như cũng là thuyết các sử gia hàng đầu của Việt Nam ngày nay chủ trương. “Căn cứ theo 15 bộ của nước Văn Lang và nhất là căn cứ vào quá trình chuyển hóa lịch sử từ nước Văn Lang đời Hùng Vương đến nước Âu Lạc đời An Dương Vương, rồi đến hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định: địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ nước ta ngày nay và một phần phía Nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc”. (Lịch sử Việt Nam, Tập I, nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1985, trang 62).
Nhưng hình như cũng có những bộ sử chỉ nói chung chung, tránh né vấn đề cương vực liên hệ đến đất đai Trung Hoa ngày nay như: “Nước Văn Lang xuất hiện, với một tổ chức chính trị xã hội đã phát triển, với một nền văn hóa tương đối cao, là kết quả phát triển lâu dài hàng ngàn năm trước đó của nền văn minh sông Hồng… Thủ lãnh bộ lạc Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử là người đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang. Ông xưng vua, sử gọi là Hùng Vương và con cháu ông vẫn đời đời mang danh hiệu đó. Lãnh thổ sinh trưởng đầu tiên của tổ tiên là miền Bắc Việt Nạm”. (Lịch sử Việt Nam, nxb Khoa học Xã hội, 1971, trg 45 – Bộ sử này của Ủy ban Khoa học Xã hội khác bộ sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội ở trên).
– Riêng Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử lược (nxb Tân Việt, 1958, trg 23), đã phân biệt cương vực nước Xích Quỷ của vua Kinh Dương Vương và vua Lạc Long Quân (Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Nam Hải), khác với cương vực nước Văn Lang của các vua Hùng (vua Hùng là con trưởng của Lạc Long Quân và cháu Kinh Dương Vương). Theo Việt Nam Sử lược, 15 bộ của nước Văn Lang chỉ từ Quảng Bình trở ra Bắc đến Lạng Sơn, Cao Bằng, không bao gồm phần đất nay thuộc Trung Hoa. Phải chăng như vậy là mặc nhiên công nhận nước Văn Lang chỉ được thành lập từ vua Hùng là con trưởng đời thứ ba kể từ Kinh Dương Vương, và cương vực nước Văn Lang nhỏ hơn nhiều so với cương vực nước Xích Quỷ của Lạc Long Quân và Kinh Dương Vương? Nếu đúng như vậy thì giả thiết này là hợp với khoa học nhất như sẽ được chứng minh ở phần sau. Hai câu hỏi nữa cần được đặt ra là:
– Phần đất còn lại của nước Xích Quỷ do ai cai trị?
– Và 18 đời Vua Hùng là tính từ Kinh Dương Vương hay từ Vua Hùng con trưởng của Lạc Long Quân?
Đây là điều sách sử hiện tại còn mâu thuẫn, cần có câu giải đáp.
Hai: Vua Hùng dựng nước Văn Lang vào lúc nào?
Niên đại thường được mọi người nói đến là năm Nhâm Tuất 2879 TKN và kết thúc vào năm Thục Phán diệt nước Văn Lang lập nên nước Âu Lạc năm Quý Mão 258 TKN. Bỏ ra ngoài những ý kiến của những người chỉ lợi dụng sử học để mưu đồ chuyện khác, ở đây chỉ xin kể ý kiến của giới sử học chính thống bàn về vấn đề niên đại này:
– Có người cho rằng: “Giới hạn niên đại cuối cùng ở trên có thể còn chấp nhận được vì còn có những sử liệu thành văn để nghiên cứu” (ý nói sử của Trung Hoa!), nhưng “Giới hạn niên đại trên cùng thì chưa có gì làm bằng”… vì “con số 2879 là một con số tùy tiện thêm vào sử, bắt đầu có từ thời Lê sơ” (ý nói do Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần Ngoại kỷ – Thời đại Vua Hùng, sđd, trg 53). Viết như vậy e mang tiếng có tinh thần vọng ngoại, vì sử Tầu hay sử ta thì đều là sử viết sau này, kể chuyện về thời tiền sử – thời chưa có chữ viết – nghĩa là đều phải phỏng đoán chứ không phải nhìn thấy tận mắt. Vấn đề tưởng không phải là tìm một con số chính xác. Vấn đề là xem con số tượng trưng đó so với những phát minh của khoa học ngày nay có sát sự thực không? Đó là điều chúng ta sẽ bàn tới sau.
– Có người còn so đo “xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879 TKN) đến năm Quý Mão (258 TKN) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời Thượng Cổ nữa, thì cũng khó long mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết chuyện Hồng Bàng không chắc là chuyện xác thực” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử lược, nxb Tân Việt, 1958, trg 25). Cụ Trần viết như vậy thì rõ như 2 với 2 là 4 rồi. Có điều chỉ một con toán đơn giản như vậy mà suốt hơn 2000 năm, một nước được tiếng là “văn hiến chi bang” như nước ta, không thiếu gì những bậc tài danh, trí tuệ làm gì mà không nghĩ ra? Phải chăng người ta đã hiểu câu chuyện này còn có những uẩn áo uyên thâm? Con số 18 đời Vua Hùng còn có những ý nghĩa nào khác? Phân tích một đoạn tiền sử mang tính tượng trưng bằng con mắt tỉnh táo, chỉ dựa vào mấy con số chứ không vào bằng chứng khoa học e cũng có hơi dung tục. Đó là phần ta sẽ bàn kỹ ở đoạn sau.
– Có người lại chủ trương: “Việc xác định thời điểm khai sinh cụ thể cho nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam còn là vấn đề đang đặt ra cho sử học và những ngành khoa học xã hội có liên quan. Với những kết quả nghiên cứu hiện nay có thể tạm thời nhìn nhận sự ra đời của nhà nước đầu tiên đó, nhà nước Văn Lang đời Hùng Vương và nhà nước Âu Lạc đời An Dương Vương, vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn trong thiên niên kỷ thứ I trước Công Nguyên. Như vậy, nhà nước chưa thể ra đời vào giai đoạn Phùng Nguyên cách đây 4000 năm, và thời kỳ Phùng Nguyên đến Đống Sơn tương ứng với thời kỳ Hùng Vương. An Dương Vương trong quan niệm truyền thống 4000 năm dựng nước và giữ nước, cần được hiểu là một quá trình lịch sử lâu dài bao gồm giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy chuẩn bị các điều kiện cho sự hình thành nhà nước (Phùng Nguyên – Gò Mun) và giai đoạn xuất hiện nhà nước đầu tiên (Đông Sơn). (Lịch sử Việt Nam, Tập I, nxb Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Hà Nội, 1995, trg 164).
Ba và Bốn: Những lý do nào đã đưa đến việc thành lập nhà nước Văn Lang và đại cương việc tổ chức, điều hành nhà nước này như thế nào?
Nhà nước hay quốc gia là một phạm trù lịch sử và triết học đã được nhiều học giả trên khắp thế giới nghiên cứu và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng cho đến nay, ý kiến vẫn chưa thống nhất, và cũng chưa có định nghĩa nào được mọi người cùng chấp thuận. Xin đơn cử ba định nghĩa có thể lấy làm tiêu biểu:
Định nghĩa I: Quốc gia là một chủ thể của luật pháp quốc tế có bốn đặc tính như sau: một quốc dân thống nhất, một lãnh thổ xác định, một chính quyền và một khả năng có thể bang giao độc lập với các quốc gia khác. Đây là định nghĩa trong điều 1 Định ước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ký với các quốc gia Châu Mỹ La tinh năm 1933 về quyền hành và bổn phận, thường được coi là tiêu chuẩn cho định nghĩa về quốc gia ngày nay.
Định nghĩa II: Quốc gia về phương diện địa dư, là một miền đất có cương vực rõ ràng, về nhân sự, là một khối dân có đoàn kết và về pháp luật, khối dân ấy phục tùng một chủ quyền duy nhất. Đây là định nghĩa được David N. Keightley dựa vào để viết về nguồn gốc nước Trung Hoa “The Late Shang State: When, Where and What”, (Tham luận được đọc tại Đại học Berkeley 1978, in trong The Origins of Chinese Civilization, 1980).
Định nghĩa III: Nhà nước là một sản phẩm của xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định…
– để bảo vệ những ích lợi chung (như đắp đê, tưới nước…)
– để chống kẻ thù bên ngoài.
– và để duy trì bằng bạo lực sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị.
(theo Enghen – Chống Đuyrinh)
Tùy theo mỗi nơi và cũng tùy từng thời, người ta có thể chú trọng đến điều kiện này mà lơ là điều kiện khác về sự định nghĩa thế nào là một quốc gia.
Trong những loại định nghĩa ấy, nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng thuộc vào định nghĩa quốc gia nào?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy thử duyệt lại văn bản của một số bộ sử chính của nước nhà:
– Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim ghi: “Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (bây giờ ở vào huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, các quan nhỏ gọi là Bố Chính. Quyền cai trị thì cứ cha truyền con nối gọi là phụ đạo”.
– Trong tài liệu 40 năm nước CHXHCN Việt Nam (nxb Sự Thật, 1985), ghi: “Quá trình phát triển của những thế hệ Việt Cổ mà truyền thuyết đã đặt dưới danh hiệu họ Hồng Bàng – từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân đến 18 đời Hùng Vương – là quá trình tiến triển từ chế độ quân chủ bộ lạc đến chế độ quân chủ dân tộc sơ kỳ” và “Theo sử cũ thì đến khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, 15 vùng Việt Cổ đã chịu thừa nhận quyền lực chung của người thủ lãnh bộ Văn Lang, một vùng đồi núi và ruộng nước trung du trải rộng đôi bờ sông Thao, từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo. Người thủ lĩnh ấy đã xưng vua, sử gọi là Vua Hùng”. (Pò Khun = thủ lĩnh tối cao).
– Theo bộ Lịch sử Việt Nam (Tập I, nxb Đại Học và Trung Học Chuyên nghiệp, 1985) thì: “Hùng Vương còn mang hình ảnh tù trưởng hay thủ lĩnh liên minh bộ lạc, nhưng đã có quyền thế tập nhiều đời và tập trung trong tay một số quyền lực nếu chưa phải là quyền lực nhà nước đầy đủ, thì ít ra, theo cách nói của Enghen, cũng đã tiêu biểu cho những mầm mống của quyền lực nhà nước (chống Đuyrinh, sđd, trg 304). Hùng Vương đứng đầu nước Văn Lang, đồng thời là người chỉ huy quân sự và chủ trì các nghi lễ tôn giáo”.
– Cuốn Thời đại Hùng Vương (sđd, trg 155 và kế tiếp) ghi: “Hiện nay vì không có tư liệu nên chúng ta không biết được chi tiết quá trình thai nghén nhà nước này”. Nhưng lại suy đoán “Có thể nó là kết quả của nhiều phen thử thách đẫm máu, hết chinh phục đến ly khai, rồi lại chinh phục giữa các liên minh. Cũng có thể do yêu cầu chống ngoại loạn liên tục mà nó tiến thẳng bằng hình thức hòa hợp tự nguyện và hòa bình” và “mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và công xã thời Hùng Vương, đại khái là: công xã được tự trị nhưng phải thần phục tuyệt đối nhà nước; mọi nhu cầu của nhà nước (kể cả thời bình lẫn thời chiến) và của tầng lớp thống trị đều chia ra cho các công xã gánh vác; nhà nước chỉ biết có tập thể công xã mà không biết có các thành viên”.
Xem như vậy, những điều viết trong sách sử về thời đại Hùng Vương cho đến nay phần thường cũng chỉ là phỏng đoán. Người ta chưa đủ dữ kiện khoa học để có câu trả lời dứt khoát cho điều ba và bốn này. Ngay cả những dữ kiện đã có, hình như cũng chưa khai thác đúng mức.
Mục đích của phần III viết sau đây là muốn góp một phần nhỏ trong việc bổ túc thiếu sót đó.
III – NGUỒN GỐC DÂN TỘC THEO KHOA HỌC HIỆN ĐẠI.
Có năm vấn đề cực kỳ trọng đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành lập nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng nói riêng, và vai trò của vùng Đông Nam Á, cái nôi của nhân loại toàn cầu nói chung, là:
– Vấn đề biển tiến (Địa chất học – Geology).
– Những phát minh đầu tiên về đồ đá, đồ đồng (Khảo cổ học – Archaeology).
– Sự thuần hóa lúa nước (Domestication of rice).
– Sự phân bố tiếng nói (Ngữ học – Linguistics), và gần đây nhất.
– Khoa Di truyền học (Genetics DNA)
Các nhà sử học Việt Nam gần đây đã khai thác được kết quả của khảo cổ học trong việc viết lại lịch sử với những thành quả hết sức ngoạn mục. Tuy nhiên, bốn vấn đề còn lại chưa được khai thác hay đúng ra chưa khai thác đúng mức.
Nay ta hãy thử đối chiếu, một cách tóm lược, các thành quả khoa học này với kiến thức trong truyền thuyết, trong các văn bản sử học kể trên, ta có thể giải mã một phần những bí ẩn trong truyền thuyết, điều chỉnh lại những điều tưởng là vô lý trong các tài liệu lịch sử, như vậy ta có nhiều hi vọng tiếp cận sự thực lịch sử hơn và có thể vẽ lại, vào lúc nào và ở nơi đâu tổ tiên ta đã đặt được nền móng cho một dân tộc quật cường, một giang sơn cẩm tú để lại cho chúng ta như ngày nay?
1 – Vấn đề biển tiến.
Vấn đề biển tiến là vấn đề quan trọng bậc nhất trong việc tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á nói chung, và tìm hiểu thời đại Vua Hùng nói riêng. Trước đây, TƯ TƯỞNG cũng đã nhiều lần nói đến vấn đề này, nhưng chưa đi sâu vào chi tiết.
Ta đã biết rằng đợt biển tiến cuối cùng, sau thời kỳ băng hà Wurm tan, khởi đầu vào khoảng 18.000 năm trước ngày nay. Lúc đó nước biển thấp hơn bây giờ là 130m. Chúng ta cũng biết mỗi năm nước biển tiến trung bình 10mm, đến khoảng gần 8000 năm trước, mức nước biển tương đương với nước biển ngày nay. Nước biển còn tiến them 2000 năm nữa mới ngưng và chỉ bắt đầu lui từ 5500 năm cách ngày nay. Nhờ tiến bộ của khoa học, nay ta được biết biển không phải đã tiến đều đặn hàng năm như vậy mà trong khoảng thời gian kể trên đã có ba lần nước biển tiến đột ngột. Việc đó xảy ra vào 14.000 năm, 11.500 năm và 8.000 năm cách ngày nay.
Chính đợt biển tiến cuối cùng này, phối hợp với những cơn động đất dữ dội ở vùng Đông Nam Á đã nhận chìm toàn bộ nền văn minh lớn ở Đông Nam Á thuộc hai vùng đất, khảo cổ học gọi là Sundaland và Nanhailand xuống đáy biển. Trong huyền học cũng như kinh điển của các tôn giáo, người ta nói đến nạn đại hồng thủy, chắc là nói đến đợt biển tiến đột ngột này. Có nhà khảo cổ cho rằng Sundaland, đồng bằng châu thổ sông Mekong và sông Chao Phraya là trung tâm của văn hóa Đông Nam Á thời đó, và cũng là nguồn gốc của văn minh toàn cầu. Đây là đồng bằng rộng nhất thế giới từ trước đến nay, diện tích gần bằng diện tích toàn bộ Bắc Mỹ Châu ngày nay. (Stephen Oppenheimer, Eden in the East, 1999).
Nhưng bằng vào di tích còn sót lại là hai nền Văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn, tôi cho rằng Nanhailand, đồng bằng châu thổ sông Hồng, nếu không là nền văn minh cao nhất thì cũng là văn minh đồng thời, ngang bằng với văn minh Sundaland. Đợt biển tiến cuối cùng tiêu hủy toàn bộ văn minh Sundaland và Nanhailand. Những người sống sót di tản đi bốn phương tám hướng mà bộ phận quan trọng nhất đã tiến lên phía Bắc và sang phía Tây.
Sự phối hợp những kết quả của khảo cổ học, ngôn ngữ học, di truyền học, thảo mộc học với việc biển tiến sẽ cho ta biết rõ hậu quả của các nền văn minh này bị nhận chìm dưới biển cả, và từ đấy ta có thể suy đoán chính xác hơn về thời kỳ Vua Hùng dựng nước.
2 – Vấn đề thuần hóa cây lúa nước
Ta hãy duyệt lại sự tích hạt lúa, là một di vật dễ bị thời gian và môi trường hủy hoại, và sự thuần hóa cây lúa nước, cái xương sống của nền văn minh châu Á. Chúng ta đã biết từ sau khi thầy trò GS. William Solheim II tìm thấy dấu vết của hạt lúa tại vùng Non Nok Tha, phía Bắc Thái Lan, hạt lúa có niên đại cổ hơn giống lúa ở Trung Hoa hay Ấn Độ cả ngàn năm, thì cái tư tưởng cổ điển cho Trung Hoa là quê hương của lúa nước đã bắt đầu lung lay. Nhiều học giả, trong đó có P. Bellwood, đã cổ vũ cho thuyết quê hương lúa nước phải ở vùng khí hậu nhiệt đới từ Đông Dương xuống Mã Lai, Miến Điện mới là thích hợp. (Peter Bellwood: ”The prime “home” the most likely of rice – where climatically, the least manipulation is required to grow it – are in tropical Indo-China down to the Malay border Burma, Bangladesh and the extreme South Coast of China” – Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago). Nhưng phải đợi đến nhà khảo cổ người Thái, GS. Surin Pookajorn, tìm được những hạt lúa có ở hang Sakai-cave có niên đại C14 đến 9260 – 7620 năm cách ngày nay thì vấn đề mới coi như được giải quyết dứt khoát (xin xem bản đồ).
Hạt lúa ở hang Sakai – cave đã nói lên sự thực là cư dân Đông Nam Á đã biết thuần hóa lúa nước từ trước khi có đợt biển tiến thứ ba (8000 năm trước), chứng tỏ ngay từ thời đó, họ đã có một nền văn minh khá cao. Nhưng biển tiến như một nạn hồng thủy đã nhận chìm nền văn minh này, không còn để lại dấu vết. May mà những người sống sót đã mang theo được vào các hang động tạm trú ít thực phẩm nên đến nay ta mới tìm ra được những hạt lúa này. Cùng với những hạt lúa, họ còn mang được các dụng cụ khác và nhất là kiến thức theo mình di tản lên miền Bắc, qua miền Tây xây dựng nên hai nền văn minh lớn của nhân loại Đông Phương là Trung Hoa và Ấn Độ sau này. GS. S. Oppenheimer trong tác phẩm Eden in the East đã phải viết: “Nay chúng ta có một hình ảnh mới, lạ lùng là: thay vì cái mô thức cho Trung Hoa là nơi phát sinh kỹ thuật trồng lúa nước, ta thấy chính giống người nói tiếng Nam Á ở Đông Dương thường bị coi là giống Man di lại dạy cho người Trung Hoa kỹ thuật thuần hóa lúa nước – Instead of the sinocentric model with the Chinese inventing rice cultivation, we have Austro-Asiatic speaking “Southern Barbarians” from Indo-China teaching the know-how about rice to the Chinese” (sđd, trg 71-72).
Chính những học giả danh tiếng nhất trên toàn cầu như W.Solheim II, Joyce White, Charles Higham, P. Bellwood… đã trả lại vinh dự cho tổ tiên ta và gỡ bỏ được cái nỗi oan khiên mà giới sử học trước kia, mê lầm về những sách ngụy tạo của Trung Hoa, đã cho là nhờ Thái Thú Nhâm Diên (khoảng 2000 năm trước) của Tầu sang dạy dân ta mới biết cày cấy lấy gạo mà ăn! (VNSL của Trần Trọng Kim).
Nhưng không phải chỉ có lúa gạo. Bằng chứng về ngôn ngữ học, di truyền và kỹ thuật của người Đông Nam Á, nơi miền đất bị nhận chìm dưới biển cả mang theo họ khi di tản lên phía Bắc, sang phía Tây còn có nhiều điều quan trọng hơn. Như được trình bày dưới đây:
3 – Vấn đề ngôn ngữ
Từ hơn một thế kỷ trước, nhà bác học Charles Darwin đã nhận thấy sự liên hệ giữa ngôn ngữ và di truyền gắn bó chặt chẽ với nhau như hai mặt của cùng một vấn đề. Trong the Descent of man ông viết: “Nếu chúng ta có được một bảng phả hệ hoàn chỉnh cho loài người, bảng phả hệ sắp xếp các chủng tộc, thì đó có thể là bảng phân loại tốt nhất cho các ngôn ngữ khác nhau đang được sử dụng trên khắp địa cầu, và nếu mọi ngôn ngữ đã biến mất hay mọi thổ ngữ đang biến đổi một cách chậm chạp cũng được bao gồm trong bảng phân loại này, một sự sắp xếp như vậy có thể là việc duy nhất có thể thực hiện được”.
Mặt khác, như chúng ta đã biết (xin xem bài Tiếng nói và Chữ viết của người Cổ Việt, tập sang TƯ TƯỞNG số 10/10/2000) có bốn thứ ngôn ngữ chính được lưu hành ở Đông Nam Á là Nam Đảo (Austronesian), Nam Á (Austro-Asiatic), Tày Thái (Tai-Kadai) và Hán Tạng (Sino-Tibetan). Cả bốn thứ tiếng này ngày nay đều được các cộng đồng dân tộc sử dụng ở Việt Nam tại nhiều vùng khác nhau, mà Nam Á là tiếng chính được dùng nhiều nhất.
Một câu hỏi cần được đặt ra là vậy ngày xưa khi Vua Hùng mới dựng nước, người Việt thời ấy nói tiếng gì? Và tiếng này có nguồn gốc từ đâu? Trong bài Tiếng nói và Chữ viết kể trên, ta đã bàn đến sự phân bố các ngôn ngữ mà chưa bàn đến nguồn gốc của các ngôn ngữ này. Ta đã biết, muốn tìm hiểu nguồn gốc dân tộc và sự tiến triển của nó thì sau di truyền, việc tìm hiểu nguồn gốc tiếng dân tộc đó sử dụng là điều quan trọng nhất. Như trên đã nói, ngôn ngữ được tổ tiên ta sử dụng và nay chúng ta vẫn còn đang sử dụng, tuy âm tiết, cấu kết đã khác đi nhiều, là tiếng Nam Á. Trước kia, các tác giả ngữ học cổ điển, cũng như nhân chủng học cổ điển, chủ trương các ngôn ngữ Đông Nam Á đều phát xuất ở vùng cao thuộc dãy Hi Mã Lạp Sơn hay cao nguyên Pamir, ngọn nguồn các con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, Hồng Hà, Cửu Long, Salween… Dân nói các thứ tiếng đó xuôi theo dòng sông về các hạ lưu, ven biển. Tiếng Nam Á tất nhiên cũng nằm trong thuyết lý này. Nhà ngữ học, GS. Robert Blust có thể coi là người đầu tiên đã chủ trương thuyết đó. Người nói tiếng Nam Á xuôi theo các dòng sông Hồng Hà, Mekong về phía Nam. Người nói tiếng Nam Đảo xuôi theo Dương Tử về phía Đông, rồi từ đó, qua đảo Đài Loan và lan truyền ra các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Thuyết Nam Đảo này một thời đã được nhà khảo cổ học Peter Bellwood tán thành và xiển dương. Tuy nhiên, những học giả và nhà ngữ học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á khác đã không đồng ý với thuyết này.
– William Meacham cho rằng Nam Á là ngôn ngữ phát xuất từ đâu đó biên giới Nam Trung Hoa và Việt Nam ngày nay và Nam Trung Hoa cũng như Việt Nam là vùng đất nói nhiều thứ tiếng (Polygot): Austro-Asiatic, Tai-Kadai, Hmong, …
– Charles Higham nói rõ hơn tiếng đó bắt đầu từ Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam khoảng 13.000 năm trước phù hợp với hình thể con người Nam Á và được sử dụng liên tục cho đến ngày nay.
– W. Solheim II có một cái nhìn bao quát hơn khi ông chủ trương cả Austro-Asiatic và Austronesian đều xuất phát ở Đông Nam Á, từ thời nước biển chưa tiến khi Đông Nam Á còn bao gồm cả miền đồng bằng rộng ngang với toàn thể Bắc Mỹ ngày nay là Sundaland. Hai ngôn ngữ này xưa cùng một gốc, đó là tiếng Austric. Khi biển tiến phân chia Đông Nam Á thành hai vùng riêng biệt: vùng đất liền và vùng hải đảo thì dân ở hải đảo đa số nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) trong khi dân ở đất liền đa số nói tiếng Nam Á (Austro-Asiatic).
– Rõ rệt nhất là nhà ngữ học Johana Nichols, tác giả quyển ngữ học nổi tiếng “Linguistic Diversity in Space and Times”, chủ trương ngược hẳn với Robert Blust, cho rằng loài người hiện đại (Homo Sapiens-Sapiens), từ Đông Phi tiến dần đến Đông Nam Á, đã trải qua một cuộc phân hóa lớn. Từ Đông Nam Á họ đi xâm chiếm các hải đảo Thái Bình Dương và Tân Thế Giới. Ngôn ngữ của họ là tiếng Nam Á cũng phát triển theo các dòng sông lớn, nhưng ngược hẳn lại với quan niệm cổ điển do R. Blust chủ trương. Nó từ vùng biển tiến lên phía Hi Mã Lạp Sơn chứ không phải từ vùng cao nguyên xuống phía biển. “It still uses the big rivers as language conduct, but the direction of dispersal is the exact reverse of the Himalayan centrifugal radiation hypothesis”. (Eden in The East, sđd, trg 138-139).
Tác giả quyển Địa đàng tại Phương Đông thiên về ý kiến của William Solheim II và J. Nichols, và cho rằng Đông Nam Á, quê hương của tiếng Nam Á đây là vùng đất Sundaland nay đã bị chìm dưới biển cả. Lý do ông chủ trương như vậy căn cứ vào di truyền học (mà ông vốn là một bác sĩ, có thẩm quyền) và tiếng Nam Á đã theo con người Sundaland sống sót sau đợt biển tiến năm 8000 di tản theo eo biển Malacca lên vùng thượng nguồn sông Salween và sang Ấn Độ, đến tận vùng Mesopotamia. “A number of other unique genetic markers of the globin genes indicate East-to-West flow through India and on to Mesopotamia” và “Austro-Asiatic are spoken by most Vietnamese and Cambodians, Laotians, Mons and a scattered trail of isolated group round Thailand, Burma, Bangladesh, and through to the Mundaic tribes of central and east India. Where, When and how they came to be split up geographically like this are questions that may hold a key to the Southeast Asian farming revolution” (Eden in the East, trg 130 và trg 478-479).
Tôi cũng đồng ý với Solheim, Nichols, Oppenheimer nhưng muốn nhấn mạnh về cội nguồn tiếng Nam Á, cả tiếng Nam Đảo và tiếng Ta-Kadai nữa, gọi chung là tiếng Austric là tiếng nói của người Hòa Bình, bắt nguồn ở vùng đất nay đã chìm dưới biển mà phần còn lại nay là đất Hòa Bình và Bắc phần Việt Nam. Do đó, tôi chủ trương trung tâm điểm của văn minh này nên thiên lên phía Bắc vùng lưu vực sông Hồng (cũ) hơn là vùng giữa Việt Nam và các đảo Nam Dương ngày nay – bởi những dấu ấn văn hóa nọ còn để lại gần đó (Văn hóa Hòa Bình), hay hậu duệ của họ đã tạo ra ngay sau ngày nước rút (Văn hóa Đông Sơn) – và bởi địa bàn rộng lớn của cư dân nói tiếng Nam Á tiếp cận vùng này là cả khối dân phía Nam sông Dương Tử và lưu vực sông Tây Giang, sông Hồng. Nhưng bất luận trung tâm của nền văn hóa Đông Nam Á nằm ở đâu, rõ rệt là Vua Hùng và các cư dân Văn Lang đã nói tiếng Nam Á. Vua Hùng chỉ dựng nước Văn Lang sau vụ thiên tai nước biển dâng và động đất khủng khiếp 8000 năm trước sau khi biển bắt đầu rút vào 5500 năm trước ngày nay, khi dân tản mác khắp nơi lại qui tụ về quê cũ là đồng bằng sông Hồng. Những cư dân này có những khác biệt về nhiều phương diện vì từ những nơi khác nhau tụ về, nhưng khác biệt có tính cách đại đồng tiểu dị vì dù sao cũng là người cùng một gốc. Chính những khác biệt này và sự cần đối phó với vô vàn những khó khăn trong thời mới dựng nước sau sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai đã là nhu cầu và là lý do cho sự thành lập nhà nước Văn Lang vậy.
Có cần nói thêm rằng, ở Á Đông chỉ có một tiếng nói không bắt nguồn từ nền văn minh đã bị nhận chìm ở Đông Nam Á, đó là tiếng Sino-Tibetan mà tuyệt đại đa số người Trung Hoa ngày nay đang nói. Nguồn gốc của tiếng này khởi từ thượng lưu sông Hoàng Hà, lưu hành trong mấy tỉnh Sơn Tây. Thiểm Tây. Nhờ áp lực của chính quyền, nó theo sự bành trướng của nhà Tần, nhà Hán lan dần ra khắp cõi Á Đông. Cho đến hiện nay, những dân ở Đài Loan, ở Singapore, Hương Cảng trong nhà vẫn còn nói với nhau bằng tiếng bản xứ, thường là tiếng Quảng Đông, nhưng ra đường bắt buộc phải nói tiếng Phổ thong, tức Sino-Tibetan. Nếu vi phạm có thể bị phạt.
4 – Vấn đề di truyền học
Ở đoạn trên, chúng ta đã nói đến sự liên hệ khắng khít giữa di truyền và ngôn ngữ theo định nghĩa của Darwin. Để chi tiết hóa sự liên hệ này, không sự diễn tả nào ngắn gọn và rõ hơn định nghĩa sau: “Sau cuộc tiến hóa đó (của di truyền và ngôn ngữ), theo nguyên tắc, cùng theo một con đường lịch sử có thể diễn tả một cách giản đơn, đôi khi quá giản đơn nữa, như là liên tục của một sự phân đôi. Trong hai (hay nhiều hơn) sắc dân đã phân đôi, bao giờ cũng khởi đầu một thủ tục phân chia cả gene lẫn ngôn ngữ – The main reason is that, the two evolutions in principle, follow the same history, which can be presented, in a simplified or sometimes over simplified way, as a sequence of fissions. In two or more population that have separated, there begins a process of differentiations of both gene and language”. (The History Geopraphy of Human Gene – L. Luca Cavalli – Sforga Paolo Menozzi, Alberto Tiazza, Chapter 8.5, P.380-381).
Ta cũng đã biết cả gene lẫn ngôn ngữ đều được truyền đến đời sau theo hàng dọc (cha mẹ truyền cho con). Nhưng ngôn ngữ, rộng hơn là văn hóa, ngày nay còn được truyền lại bằng nhiều cách. Bởi vậy ta mới thấy trong thực tế có nhiều cảnh trái ngược với định luật trên như: ở Ấn Độ hay Phi Luật Tân chẳng hạn, dân chúng nói với nhau bằng tiếng Anh mà, theo di truyền, rõ ràng họ không phải là giống Anglo-Saxon. Con em người Việt ở Mỹ, ở Úc nay nói tiếng Anh nhiều hơn nói tiếng Việt, và hậu duệ của chúng có thể suy đoán là chỉ nói tiếng Anh mà không biết tiếng Việt, dù, trừ phi có lai giống, rõ ràng chúng là nòi Việt thuộc chủng da vàng. Hiện tượng rõ ràng chúng là nòi Việt thuộc chủng da vàng. Hiện tượng rõ nhất gần chúng ta, mà ít người để ý, là dân Trung Hoa nhất là ở Tây Tạng và miền Nam Trung Hoa, tuy cũng nói tiếng Phổ thông (Sino-Tibetan), nhưng di truyền học đã cho thấy họ có genes giống với người nói tiếng Austro-Asiatic hơn là người Hoa Hán (Eden in the East, sđd, trg 128).
Như trên đã cho biết, cư dân Văn Lang đời Vua Hùng nói tiếng Nam Á, và, theo những định luật tương quan giữa ngôn ngữ và di truyền, họ cũng mang trong mình dòng máu Nam Á giống như người Việt ngày nay. Tất nhiên còn cần nhiều cuộc nghiên cứu các mẫu máu để biết tường tận hơn tính di truyền của cư dân sống ở phần đất nay là Việt Nam. (Điều này chúng tôi đã nêu trong bài Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam – Tập san TƯ TƯỞNG số 7, tháng 4/2000 – Số kỷ niệm giỗ Tổ năm 2000). Nhưng ngay trong hoàn cảnh hiện tại, các nhà di truyền học và học giả nghiên cứu về Đông Nam Á cũng đã nhất trí chủ trương cư dân Việt Nam ngày nay, nói riêng và cư dân Đông Nam Á nói chung, đã mang trong dòng máu cái gene Nam Á và nói tiếng Nam Á như tổ tiên họ trước kia, từ trước thời Băng Hà (Ice Age), nghĩa là họ là người bản địa chứ không phải đã di cư từ Trung Hoa hay từ Hải đảo Thái Bình Dương tới. Ngược lại, cư dân Đông Nam Á là cái nôi của cư dân da vàng (như tôi đã giả thiết trước kia trong bài Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam nói trên), mà từ đó, họ đã di cư đi mọi ngả, quan trọng nhất là đợt di cư sau đợt biển tiến đột ngột 8000 năm về trước, lên phía Bắc (Trung Hoa, Nhật Bản) sang tận Mỹ Châu; phía Tây đến Ấn Độ, Trung Đông, phía Nam ra các đảo Thái Bình Dương. Điều này, ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, đã là một sự thực được nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới xác nhận. Xin đơn cử vài nhận xét tiêu biểu:
– Của S. N. Kramer: “An additional genetic marker identifies a family of Asian migrants that may have spread from Vietnam round the Pacific Rim to Taiwan and America in the North, and Sabals to oceania in the south” (The Sumerians: Their History, Culture and Character – Uni of Chicago Press, 1963, p.p. 147-148).
– Của Stephen Oppenheimer: “The present inhabitants of S.A., have been there since the Ice Age, and started moving in all directions at the time of the floods – comes from the genes they carry. Gene markers reveal Aboriginals of S.A. at the root of Asian family trees and spreading to all points of the compass as far as America and the Middle East”. (Eden in the East – p.20-21) và “As far as proof of movement of people to the West is concerned, we have the physical presence of Mundaic peoples in central India in the same regions that rice-growing first appeared there, possibly as much as 7,000 years ago. Sharing their genes and their language family with the Mon-Kmer peoples of Indo-China, these tripes people, separated by thousands of kilometers and years share terms for rice culture and bronze-copper as well. This is good evidence that they took a performed culture west with them. Linguistics agree that the split between these branches of the Austro-Asiatic language family occurred in the depth of prehistory” (Eden in the East – p. 478).
– Của Charles Higham: Higham cho rằng tổ tiên người nói tiếng Austro-Asiatic ở Mundai (Ấn Độ) “đã trồng lúa và biết kỹ thuật luyện kim, … có thể họ đã từ trung tâm nói tiếng Nam Đảo ở Nam Thái Bình Dương đi sang phía Tây (đến Ấn Độ) từ xa xưa trong thời tiền sử”(The Archaeology of Mainland S.A. – Uni of Ontago – Cambridge Uni. Press 1989).
– Và ý kiến quan trọng nhất là ý kiến của giáo sư Chu và đồng nghiệp cho rằng cư dân ở miền Đông Trung Hoa ngày nay là hậu duệ của dân từ Đông Nam Á di lên (The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor ò the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia – The National Academy of sciences – USA – Volume 95, Issue 20, 1763 – 1768, 29 July 1998). Và từ đó, như trên đã nói, cư dân ĐNÁ được coi như nguồn gốc của nhân loại đông phương là vấn đề như đã được giải quyết dứt khoát.
Sự trích dẫn còn dài, và có thể mỗi ngày một dài thêm. Tôi xin tạm ngưng ở đây. Trước sự im lặng của học giới trước 1965 về nền văn minh rực rỡ của Đông Nam Á, nhất là trước sự xuyên tạc của các sách sử ngày xưa, học giả chân chính trên thế giới đã phải lên tiếng biện hộ cho các quốc gia Đông Nam Á, nhiều khi với giọng điệu khá gay gắt. Là người Việt, không lẽ chúng ta giữ im lặng mãi về sự mà học giả người Anh, S. Oppenrheimer, gọi là sự “ngạo mạn” (arrogance) văn hóa này sao? Trong khi có ba cuộc cách mạng lớn đưa nhân loại hiện đại tiến từ thời kỳ mông muội sang thời văn minh sau thời biển tiến 8000 năm trước (thời Đại Hồng Thủy), thì đã có đến hai cuộc cách mạng là trồng tỉa (quan trọng nhất là trồng lúa nước) và kỹ thuật luyện kim đã được khoa học hiện đại xác minh là do tổ tiên người Việt – dân nói tiếng Austro-Asiatic ở Đông Nam Á – khai sáng ra!
Tôi đề nghị tìm hiểu thời kỳ Vua Hùng dựng nước Văn Lang trong bối cảnh đó.
5 – Vấn đề khảo cổ học
Nếu ngôn ngữ học cho biết địa bàn sinh hoạt của một tộc người một cách phổ quát thì nó lại có nhược điểm không cho biết rõ nguồn gốc tộc người đó: Họ từ đâu đến? Họ sẽ đi về đâu? Di truyền học có thể bổ túc cho ngôn ngữ học, giải thích được những bước phát triển của con người và là phương pháp chính xác nhất để tìm ra được gốc tích của tộc người, nhưng cũng có nhược điểm là không giúp gì được nhiều trong việc ấn định thời gian tiến triển của tộc người đó: Họ đến từ lúc nào? Khảo cổ học có thể bổ túc các nhược điểm trên của ngôn ngữ và di truyền học. Bằng nhiều phương pháp, thường dùng nhất là phương pháp do phóng xạ C14, khảo cổ học ngày nay có thể định được tuổi, với một sai số tương đối nhỏ, của những di vật người xưa để lại dưới lòng đất cách nay hàng chục hay nhiều chục ngàn năm. Trong việc tìm hiểu lịch sử dân tộc ta thời chưa có chữ viết, chúng ta gặp nhiều khó khăn vì những kỹ thuật như di truyền học, ngôn ngữ học, địa chất học… ở nước ta chưa được phát triển. Riêng về phương diện khảo cổ, ít năm gần đây chúng ta đã có được những thành tựu đáng kể nhờ đó đã bổ túc được nhiều khoảng trống trong cổ sử, viết được nhiều trang sử từ thời chưa có chữ viết hay bổ khuyết được những sai sót của sử học ngày trước. Tuy nhiên, khảo cổ dù đã thu thập được khá nhiều di vật, nhưng việc giải mã các di vật này còn cần nhiều công phu, nhiều đội ngũ chuyên viên lành nghề trong nhiều năm nữa mới mong tiếp cận sự thực lịch sử. Trong hoàn cảnh như vậy, phóng bút viết nhiều về thời đại tiền sử e còn mang nhiều tính cách phỏng đoán. Sự phỏng đoán này đã có và hình như đã có hơi nhiều. Tuy nhiên có một số những dự phóng nói lên bước tiến của lịch sử là điều không thể không làm, miễn chúng phải dựa vào những dữ kiện khoa học.
Đại để, khảo cổ học, đã khẳng định được những điều mà ngôn ngữ học và di truyền học không thể cho biết hay chỉ cho biết một cách đại cương như:
– Đã có giống người Hiện Đại (Homo Sapiens – Sapiens) cùng mang một dòng máu, cùng nói một thứ tiếng, sinh sống tại Đông Nam Á, lan tỏa ra một vùng khá rộng, tương ứng với địa bàn mà truyền thuyết đã nói là cương vực của nước Xích Quỷ, khoảng trên 60.000 năm trước đây. Riêng về cương vực phía Đông giáp biển Nam Hải, truyền thuyết và cổ sử không ấn định được rõ rệt bờ biển lúc đó như thế nào. Khảo cổ học với sự trợ giúp của Địa chất học và Hải dương học ngày nay như trên cho biết, đã bổ túc được cho sự im lặng này. Nhưng khảo cổ học, với trình độ hiện nay, cũng bất lực không tìm biết được những di vật khác hoặc còn nằm sâu dưới lòng đất, hoặc đã bị nước biển tràn ngập trên 4000 năm (từ 8000 đến 4000 năm trước đây) tàn phá, tiêu hủy hết, do đó đã gần như chưa cho biết được gì về nền văn minh trên vùng đất Nanhailand từ bờ biển Bắc Việt đến đảo Hải Nam và vùng đất Sundaland từ bờ cõi Đông Dương Mã Lai đến các đảo Nam Dương ngày nay.
– Khảo cổ học cũng cho biết con người ở vùng đồng bằng Bắc Việt ngày nay đã di cư đi nơi khác khoảng 10.000 năm trước, và chỉ tái xuất hiện trở lại khoảng 4000 năm trước đây.
Nay, quay về phần tổ chức xã hội và cách sinh hoạt của cư dân Văn Lang. Tạm thời, căn cứ vào trống đồng Đông Sơn là những vật có thực và đã được chứng minh là được sản xuất trong thời Hùng Vương, chúng ta chỉ có thể khẳng định vài điều quan trọng nhất như sau đây:
Thứ nhất: Những hình giã gạo bằng chầy đứng như chúng ta thấy chứng tỏ cư dân Văn Lang đã biết dùng gạo là thực phẩm, có thể là thực phẩm chính. Việc tìm ra chứng tích của gạo ở các hang Sũng Sàm, Non Nok Tha, Sakai-cave trước xa những chứng tích lúa gạo ở Trung Hoa, ở Ấn Độ đã chứng thực điều này.
Thứ hai: Hình mái nhà cong, kiểu dáng mỹ thuật, chứng tỏ cư dân Văn Lang đã cư ngụ trong những nhà ốc khang trang chứ không phải dân ăn lông ở lỗ như một số sách sử bôi bác có ý miệt thị. Điều này còn chứng tỏ có lẽ cư dân Văn Lang là người biết dựng nhà để cư trú sớm nhất, và kiểu nhà sàn mái cong đã là mẫu mực cho cách làm nhà ở những nơi khác vì cho đến nay, khảo cổ học chưa chứng minh được đã có kiểu nhà ở bất cứ nơi nào trên trái đất có trước kiểu nhà được ghi lại trên trống đồng Đông Sơn, nghĩa là khoảng 4000 năm cách ngày nay.
Thứ ba: Hình thuyền đủ kiểu, vừa lớn, vừa đẹp, vừa có nhiều công dụng, ít nhất gợi cho ta ba ý niệm sau:
– Hình như thuyền là phương tiện chuyên chở, phương tiện di chuyển duy nhất ngoài voi, ngựa, vì không thấy hoa văn nào cho biết có một loại xe cộ nào khác.
– Thuyền là nơi cư trú, như ngôi nhà trên mặt nước.
– Thuyền là phương tiện cho thời chiến (đánh nhau) lẫn thời bình (lễ lạc, hội hè).
Thứ tư: Người sống ở trên thuyền, người chết cũng ở trên thuyền. Đúng hơn, đó là loại mồ đặc biệt được gọi là mộ thuyền. Mộ thuyền là một phương tiện để chôn cất người chết làm bằng than cây lớn đục rỗng hình thuyền. Nói đến chôn, tất nhiên người ta nghĩ đến chuyện vùi sâu trong lòng đất. Nhưng đất hồi đó rất hiếm, nơi nơi còn tràn ngập những nước vì biển mới chớm rút. Người ta phải sống trên mặt nước và khi chết nhiều khi cũng phải “chôn” trên mặt nước trong những mộ thuyền. Và để cho nước khỏi cuốn trôi những ngôi mộ này đi, người ta phải buộc những mộ thuyền này vào các cành cây lớn nơi hãy còn những gò cao nổi lên giữa biển nước. Tất nhiên, mộ thuyền cũng thường được chôn dưới lòng đất như các loại hòm chôn người ngày nay.
Thứ năm: Hoa văn trên trống đồng cho ta thấy cư dân Văn Lang đã hăng hái ra chiến trường cũng như vui vẻ đi vào ngày hội. Tinh thần huyền thoại Thánh Gióng đã thể hiện một cách linh động trên hình vẽ in khắc trên trống đồng, lưu truyền lại muôn đời cho con cháu mai sau. Đi sâu hơn một chút vào tỷ lệ vũ khí tìm được trong lòng đất, ta thấy con số nói lên rất nhiều ý nghĩa:
* Lúc đầu khi Hùng Vương mới dựng nước (thời Phùng Nguyên), tỷ lệ vũ khí tìm được so với các di vật khác như sau:
– Ở Văn Điển: 0,28 %
– Ở Phùng Nguyên: 0,84 %
– Ở Lũng Hào: 0,91 %
* Đến cuối thời Hùng Vương (ở Đông Sơn), tỷ lệ đó đã tăng vọt như sau:
– Ở Vinh Quang: 50,60 %
– Ở Thiện Dương: 59,80 %
– Ở Đông Sơn: 63,29 %
(Trịnh Cao Tưởng và Lê Văn Lan, “Tìm hiểu về vũ khí và suy nghĩ về một vài vấn đề quân sự thời dựng nước đầu tiên, trang Hùng Vương dựng nước” – theo Lịch sử Việt Nam, Tập I, sđd, trg 99).
Đó là chưa kể, về kiểu dáng, khí giới thời Đông Sơn đã phong phú, đa dạng hơn nhiều; đặc biệt có nhiều khí giới dùng để đánh xa và có thể sát thương hàng loạt, như loại tên đồng có đến trên 10 loại. Điều này chứng tỏ cư dân Văn Lang cũng phải vất vả lắm trong việc giữ nước, như trong việc dựng nước; và đúng như truyền thuyết đã kể, thời Vua Hùng đã có nhiều thứ giặc: giặc Man, giặc Mũi Đỏ, giặc Hồ Tôn, Hồ Xương, cả giặc Thục và giặc Ân, những giặc có tên trong lịch sử. Có cần phải nhấn mạnh rằng, trong kho khí giới này, có một loại đặc biệt mà chính sử gia hàng đầu của Trung Hoa ngày nay, ông Lichi, đã cho là loại khí giới giải quyết chiến trường, nhờ nó mà nhà Tần đã thống nhất được Trung Hoa và nhà Hán đã bành trướng được về phương Nam, có nghĩa là thâu gọn được các quốc gia thuộc tộc Bách Việt vào Trung Hoa. Khí giới đó là cái Qua.
Đặc điểm của nó là loại khí giới dài (ít ra dài gấp đôi người chiến binh sử dụng nó) và có thể sát thương bằng nhiều cách: đâm, chém., bổ, móc, giật sập… Sự phát minh ra nó, ở thời ấy, có thể ví như sự phát minh ra những khí giới quyết định chiến trường thời nay, không bằng bom nguyên tử thì cũng như hỏa tiễn tầm xa vậy. Người Hoa trong thời trước vẫn cho đây là khí giới độc đáo của họ, sáng kiến chỉ riêng họ mới có. “The Ko halberd is a weapon used for more than one thousand years by Chinese fighting force in the classical period. It is a typical Chinese invention and developed exclusively in China… with which The State of Ch’in unified China for the first time. It was with this same weapon that the Emperior Han Wu-ti subdued his rivals in both Central and Eastern Asia”. (Lichi, The Beginnings of Chinese Civilization – pp. 54 – 58, Uni. Of Washington Press).
Khảo cổ học ngày nay đã tìm thấy khí giới này ở nhiều nơi từ Bắc Trường Giang, Triều Tiên, Nội Mông đến Ai Lao, Thái Lan, Việt Nam nhưng có ba nơi có thể coi là cái kho khí giới hay nơi sản xuất ra loại vũ khí này là Hsiao T’un ở Trung Nguyên, Đông Sơn miền Bắc Việt và Long Giao (Đồng Nai), miền Nam nước Việt. Trên trống đồng Ngọc Lũ, ta cũng thấy hình dáng cái qua này (hình bên). Nhưng đặc biệt nhất là người ta tìm được một cái qua bằng đá ở Đồng Đậu. Phải chăng cái qua này là qua xưa nhất và như vậy qua cũng có thể là phát minh của tổ tiên người Việt? Nếu đúng như vậy thì thực trớ trêu, bởi người Việt lại suýt bị tiêu diệt vì chính sáng kiến của tổ tiên mình! Viết đến đây, tôi không thể không liên tưởng đến chuyện ông bà mình thường kể lại về con mèo là thầy con cọp. Cũng may mèo còn lo xa đã giấu đi cái thuật trèo cây không dạy cọp, nếu không, ngày nay làm gì chúng ta còn có giống mèo để bắt chuột!
Và điều này cũng cho ta hiểu tại sao từ thời bị Bắc thuộc, sáng kiến cũng như nhân tài Việt cứ phải tự giấu nhẹm đi, lâu dần có thể bị thui chột, bởi nếu không thì cũng bị bắt mang về phương Bắc nếu may mà còn sống sót!
Hoa văn trên trống đồng, và nói chung, những di vật khảo cổ đào được còn nói lên nhiều điều, kể cả những điều thuộc lãnh vực triết lý, tư tưởng mà tổ tiên muốn gửi lại cho con cháu là lớp chúng ta. Nhưng thiết tưởng, bài này cũng đã quá dài, xin để một dịp khác.
KẾT LUẬN
Sau khi đã nghiên cứu, như vừa trình bày ở trên, về các ngành khoa học như: địa chất học, hải dương học, ngôn ngữ học, di truyền học, khảo cổ học, liên quan tới thời các Vua Hùng dựng nước, dù chưa được chuyên sâu, ta nhận thấy một sự thực là: truyền thuyết và cổ sử, nói chung, đã nói đã viết về sự tích Vua Hùng dựng nước tương đối rất rõ ràng lại rất phù hợp với các dữ kiện khoa học. Chỉ có một điều câu chuyện trở thành rối rắm vì có lẽ đã bỏ sót mất một câu ngắn. Từ trước đến nay, cái điều “bỏ sót” này không thấy ai nhắc đến, còn những điều đã rõ như ban ngày thì hết người nói đi, kẻ nói lại, khiến đoạn sử mở nước thiêng liêng của dân tộc trở nên mỗi ngày một rối rắm thêm, không còn biết đâu mà dò. Từ đám mây mù này, nẩy sinh những mối nghi ngờ về nguồn gốc dân tộc khiến cho con cháu vô tình đã mang tội với tổ tông.
Dựa vào truyền thuyết đã được chép trong Lĩnh Nam Chích Quái và được viết lại một cách long trọng trong nhiều bộ sử, ta có thể chia làm năm bước để đối chiếu với phần khoa học vừa trình bày như sau: (những dòng in nghiêng sau đây viết theo bộ Lịch sử Dân tộc Việt Nam của Phạm Cao Dương, nxb Truyền Thống Việt, 1987).
** Bước một: “Cháu ba đời Vua Thần Nông là Đế Minh tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp Bà Vụ Tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Đế Minh phong cho Đế Nghi (con bà vợ cả ở phương Bắc) kế vị mình làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, cai trị phương Nam, quốc hiệu là Xích Quỷ. Xin nhấn mạnh, Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ chứ không phải vua nước Văn Lang được thành lập sau này. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ, phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp biển Nam Hải”. Nước Xích quỷ của Vua Kinh Dương Vương tất nhiên được thành lập cùng thời, nếu không muốn nói là cùng năm, cùng tháng, cùng ngày với ngày vua cha là Đế Minh băng hà. Sử phương Nam, nếu có, cũng đã bị đốt đi hay đem về Bắc cất dấu hết. Sử phương Bắc còn ghi lại ngày Vua Đế Nghi lên ngôi là năm Nhâm Tuất 2879 năm trước ngày nay. Tất đó cũng là năm Vua Kinh Dương Vương thành lập nhà nước Xích Quỷ. Điều này phù hợp với khoa học vì lúc đó nhân loại vừa qua được nạn đại hồng thủy, nạn biển tiến đột ngột 8000 năm trước đây, và bắt đầu rút 5500 năm trước như đã nói ở trên. Nhân loại cũng bắt đầu tiến vào thời kỳ có chữ viết và thời kỳ kim loại, nghĩa là thời kỳ bắt đầu có sự thành lập quốc gia. Đi vào chi tiết hơn, như trên đã trình bày, cương vực mà truyền thuyết cho là cương vực của nước Xích Quỷ đã được khoa học ngày nay chứng thực: cư dân nơi đó cùng mang theo mình một loại máu; cùng nói một thứ ngôn ngữ – ngôn ngữ Nam Đảo Austro-Asiatic; cùng dùng những loại dụng cụ bằng đá, bằng đồng giống nhau; cùng có những truyền thống, những nếp sống không khác nhau bao nhiêu. Vậy những sự kiện trong truyền thuyết và cổ sử trên là rất gần với sự thực lịch sử.
** Bước hai: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, khi lên nối ngôi cha lấy hiệu là Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con của Đế Lai, vua phương Bắc, đẻ ra bọc trăm trứng, sinh ra 100 con trai. Vốn dòng dõi Long Nữ, Lạc Long Quân thường ở lâu dưới thủy phủ. Âu Cơ buồn vì phải ở một mình đã có lần đem còn về Bắc, nơi quê cũ của Bà, nhưng bị vua phương Bắc cản không cho về. Đoạn sử này cũng thực rõ ràng. Mẹ của Lạc Long Quân là Long Nữ, vốn người thủy phủ, hiểu là người từ vùng biển. Lúc đó, khoảng hơn 4000 năm cách ngày nay, biển đang rút dần trả lại từng phần đồng bằng sông Hồng, vốn trước kia đã là đồng bằng Nanhailand tuyệt đẹp trải dài đến tận đảo Hải Nam. Dân trên đồng bằng này chắc đã có một nền văn minh khá cao. Khi nước biển đột tiến đợt ba, đồng bằng và cả nền văn minh này đã chìm dưới lòng biển, như đã nói ở phần trên. Một phần nhỏ của nền văn minh này ở trên cao không bị nước biển tràn ngập, tức vùng từ Việt Trì bây giờ trở lên, đã phát hiện được ra những dấu tích của văn minh mà khảo cổ học gọi là Văn hóa Sơn Vi. Khi nói Long Quân hay ở lâu dưới thủy phủ có nghĩa là Long Quân về quê ngoại, lo tái thiết vùng đồng bằng đang được nước biển trả lại từng phần. Sự sinh sống vì vậy có thể ở trên thuyền, sống trên sông nước nhiều hơn trên cạn. Những di tích trên hoa văn trống đồng đã thể hiện điều này. Khi nói Âu Cơ định đem con về Bắc nhưng bị Vua phương Bắc ngăn cản có nghĩa là sự phân biệt giữa các quốc gia hồi đó chưa sâu sắc nhưng cũng đã bắt đầu có sự phân hóa giữa các chủng tộc anh em. Những sự kiện trong đoạn sử này cũng rất sát với thực tế đã được khoa học phát hiện.
** Bước ba: Khi không thể về Bắc. Âu Cơ phải cầu cứu đến Long Quân, và khi bị Âu Cơ trách, Long Quân đã đáp: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở lâu với nhau không được, nay phải chia ly. Ta đem 50 con về thủy phủ chia trị các xứ, 50 con theo nàng về núi, chia nước mà trị. Lên núi, xuống biển, hữu sự bảo cho nhau biết, đừng quên”.
Một lần nữa, ta lại thấy sử cũ hết sức rõ rệt và gần với sự thực lịch sử đã được khoa học chứng thực: vì nhu cầu tái thiết lại vùng đất mới được nước biển lui trả lại từng phần. Long Quân đã phải cùng vợ chia đôi nước Xích Quỷ để điều hành đất nước theo khả năng của mình. Âu Cơ, vốn người miền Bắc, đem 50 con lên núi, hiểu theo nghĩa lên miền cao phương Bắc, xa biển, thuộc địa phận của nước Xích Quỷ lúc đó, tức là vùng đồi núi biên giới phía Bắc Việt Nam đến bờ Nam sông Dương Tử gồm các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu… bây giờ. 50 con theo Lạc Long Quân về thủy phủ, hiểu theo nghĩa về phía biển, về miền thấp, miền có thể phần lớn còn bị nước biển bao phủ – tức về miền trung du và đồng bằng thuộc Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam ngày nay – 50 người con đây tượng trưng cho cư dân bốn phương tám hướng đổ về châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam đang được tái lập một cách nhanh chóng. Khảo cổ học đã phát hiện được những trung tâm văn hóa từ 4000 năm trước mọc lên như nấm từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Lũng Hoa, Thành Dền, Đông Sơn đến những trung tâm ven biển Hạ Long, Cái Bèo, Hóa Lộc, Đa Bút, Quỳnh Văn, Phái Nam, Bầu Tró… Cũng có người nghi vấn không biết người từ đâu tụ đến lập nên Văn hóa Phùng Nguyên.
Tôi đã khẳng định từ lâu: đây là người hay hậu duệ của những người vốn từ đồng bằng sông Hồng, có thể cả đồng bằng Nanhailand, trốn nạn biển tiến, di cư đi nơi khác, nay lại kéo nhau về nơi cũ. Và đã đẩy mạnh văn minh sông Hồng Tiến nhanh một cách thần kỳ như đã được thể hiện trong biểu tượng Thánh Gióng, chỉ 3 tuổi, vươn vai một cái đã thành người Hùng, lập được công nghiệp hiển hách để lại ngàn thu.
** Bước bốn: Âu Cơ và 50 người con lên núi, suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang, “chia nước làm 15 bộ là Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trg 118, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1983), 15 bộ này quy ra thì tương đương với diện tích Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam ngày nay. (Trần Trọng Kim, sđd, trg 24).
Sự khó hiểu, rắc rối của thời kỳ Vua Hùng lập quốc chỉ có từ đoạn này và cũng chỉ do một điểm rất nhỏ là ai đó đã, vô tình hay cố ý, bỏ sót một đoạn văn rất ngắn, rồi cũng không biết vì vô tình hay cố ý, một người nào đó đã, thay vì bình tĩnh tìm ra sơ sót, lại đặt thành vấn đề tranh luận để kẻ bàn đi, người tán lại, thành ra đoạn sử lập quốc mới trở nên rối rắm, vô nghĩa, đầy chuyện ngờ vực như ngày nay. Đoạn văn bị bỏ sót đó có thể chỉ gồm chin chữ là “Long Quân dẫn năm mươi (50) người con xuống biển”, và đoạn văn trên phải đặt vào sau câu “Âu Cơ và năm mươi người con lên núi”. Toàn bộ câu văn sẽ như sau: “Âu Cơ và năm mươi người con lên núi, Long Quân dẫn năm mươi người con xuống biển, suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương”.
Có bốn lý do có thể coi là hiển nhiên sử cũ phải viết như vậy vì:
1- Viết như thế mới phù hợp với ý của đoạn văn trên đã chia 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển vì 50 con theo mẹ lên núi không thể tôn người con trưởng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu là một địa danh thuộc huyện Bạch Hạc, vào thời điểm đó còn là đất tiếp cận bờ biển, một địa danh thuộc vùng biển!
2- Nước Văn Lang của Vua Hùng, con trưởng của Lạc Long Quân, vì theo cha, nên cũng bắt đầu theo phụ hệ, cha truyền con (con trai) nối và có cương vực gồm 15 bộ, như trong sử đã ghi cương vực là một nửa phía Nam của nước Xích Quỷ, đúng như cương vực Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam hiện nay. Một nửa phía Bắc của nước Xích Quỷ thuộc 50 người con theo Mẹ Âu Cơ về Bắc, không biết lúc đầu đặt tên nước là gì, nhưng sau có những nước như Điền (Vân Nam), Thục (Tứ Xuyên), Dạ Lang, Mân Việt, Lưỡng Quảng… chắc là hậu duệ của cái mà truyền thuyết tượng trưng bằng “50 con theo Mẹ” này mà ra.
3- 50 con theo cha xuống biển, dù tổ tiên đã là những người biết thuần hóa cây lúa nước đầu tiên của nhân loại, nhưng lúc này nước biển tràn ngập, sinh sống tại một miền không còn bao nhiêu đất để canh tác, tất phải sống trên sông nước, sống bằng nghề đánh cá, do vậy sợ thuồng luồng ăn thịt nên phải vẽ mình bằng những hình thủy quái, nghĩa là phải xâm mình. Đó là sở trưởng của Long Quân. Vậy cư dân lập nên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu là hậu duệ của “50 người con theo cha xuống biển” mới đúng với sự thực, không thể là hậu duệ của “50 người con theo mẹ lên núi” được!
4- Người ta vẫn không hiểu sao cùng là tộc Bách Việt, khoa học đã chứng minh cùng nói một ngôn ngữ, cùng mang một dòng máu, cùng chia xẻ một nền văn hóa giống nhau mà các người ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Phước Kiến lại dễ dàng bị Tần, Hán đồng hóa, trong khi người Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng lại cương quyết kháng cự, duy trì được nền độc lập của mình. Nay nếu hiểu “50 người con theo mẹ lên núi” vốn chịu ảnh hưởng của Mẹ, là người phương Bắc, chúng ta có thể hiểu được tại sao lại có hiện tượng khác biệt kể trên. Hơn nữa, phải hiểu rằng, vào thời đó, quốc gia không có nghĩa như quốc gia ngày nay, tinh thần quốc gia, nói chung, sự phân hóa giữa tộc Hoa, tộc Việt, giữa Bắc và Nam cũng không sâu sắc như sự phân hóa bây giờ. Người Việt lúc đó còn mang tâm trạng Nam Bắc cùng một nhà, thống nhất vẫn hơn chia rẽ, trong khi người Hoa hình như đã mang ý đồ bá quyền nước lớn nên đã có mưu đồ tiêu diệt hay đồng hóa những người anh em [theo Di truyền học ngày nay (xin xem Báo cáo của GS Chu, tập san TƯ TƯỞNG số 7). Người Hoa gốc vùng Sơn Tây, Thiểm Tây là do lai giống người, một mặt từ phương Tây tràn qua – khoảng 20.000 năm trước – một mặt từ Đông Nam Á đi lên – khoảng 35.000 năm trước]. Âu cũng là kết quả đương nhiên của một bên, người Hoa, vốn gốc du mục, quen với não bộ bắt, giết, nên thích tiêu diệt, chiếm đoạt; trong khi người Việt vốn gốc nông nghiệp, có não bộ thích sống hòa ái, “chin bỏ làm mười”, “hòa cả làng”, nên vẫn quan niệm:
Tranh quyền, cướp đất chi đây,
Xem nhau như bát nước đầy là hơn
Đến thời Minh ta vẫn thấy ý đồ này cũng vẫn còn và có lẽ còn rõ nét hơn nữa: Minh Thành Tổ xua quân Nam chinh cũng chỉ có mục đích văn hóa muốn lấy được những kỹ thuật dụng binh, kỹ thuật đúc súng lớn, kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật tổ chức nhà nước nên bắt hết nhân tài phương Nam về Tàu, cướp và đốt hết sách vở, phá hết di tích văn hóa nghĩa là xóa hết gốc tích người Việt.
** Bước năm: Có một đoạn văn nữa: “… nước Văn Lang Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành,…”. Đoạn văn này rõ ràng trái hẳn với ý nghĩa của toàn đoạn sử. Bởi cương vực trên chỉ có thể là cương vực của nước Xích Quỷ. Nước Văn Lang, nhiều lắm chỉ bằng một nửa nước Xích Quỷ do 50 người con theo cha xuống biển lập nên. Nếu bờ cõi nước Văn Lang bằng bờ cõi nước Xích Quỷ như trên thì nước của 50 người con theo mẹ lên núi ở đâu? Vả lại cương vực này trái với cương vực của 15 bộ gộp thành nước Văn Lang như đã chứng minh ở đoạn trên (15 bộ này chỉ bằng Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nạm). Do đó, thiết tưởng chữ Văn Lang ở trên nên thay bằng chữ Xích Quỷ thì ý nghĩa đoạn sử mới thống nhất, hợp lý, không trồng tréo như chúng ta vừa phân tích.
Hình như thuyết cho rằng khi nước biển tiến, một phần con người ở vùng đồng bằng sông Hồng đã tiến lên phía Bắc, góp phần xây dựng nên nhà nước Trung Hoa (xin xem tập san TƯ TƯỞNG số 1, (trg 11), số 2 (trg 14), số 3 (trg 13, 14, 15, 19, 21), số 4 (Văn hóa Đông Sơn, trg 22) là thuyết đã được chúng tôi trình bày đầu tiên về vấn đề này.
Thuyết liên hệ vấn đề tư tưởng, vấn đề văn hóa nói chung, vào cái khung khảo cổ và đề nghị lấy các mốc của các thời kỳ khảo cổ như Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn… làm mốc cho các thời kỳ tư tưởng, văn hóa ở Đông Nam Á, và Đông Á. Về điểm này, xin được mở ngoặc cám ơn BS. Nguyễn Văn Thọ đã nêu lên nhận xét này (xin xem tập san TƯ TƯỞNG số 8, tháng 6/2000, bài Cốt lõi tư tưởng Việt Nam và vấn đề Tam giáo Phật Nho Lão).
Cũng nên nói thêm, trong khi nhiều người còn thắc mắc những người Phùng Nguyên không biết từ đâu tới. “Jusqu’à maintenant, l’origine de la culture de Phùng Nguyên reste une énigme. Son apparition dans le delta du Fleuve Rouge est assez subite et nous n’avons pas encore pu trouver des sites antérieurs au Phùng Nguyên mais présentant des traits de parenté. Certains géologues Vietnamiens avaient mis en evidence une transgression marine peut-être locale dans le delta du Fleuve Rouge avant l’arrivée des habitants de P.N. D’ òu venaient-ils? Nous n’en savons rien encore”. (Hà Văn Tấn – Nouvelles Recherches Préhistoriques et Protohistoriques au Vietnam. BEFO, T.X.L. VIII, 1980). Tôi đã dứt khoát chủ trương, sau khi nước biển bắt đầu rút, khoa học ngày nay khẳng định là sau năm 5500 trước đây, những người gốc ở đồng bằng sông Hồng di tản đi các nơi khác hay hậu duệ của họ từ khắp mọi phương, từ các hang động ở Bái Tử Long phía Đông, hay hang động Hòa Bình và các miền núi cao phía Tây đi lại, từ miền Nam đất Thanh Nghệ, đất Quảng đi ra, từ miền Bắc vùng Lưỡng Quảng hay xa hơn nữa đi xuống (Tập san TƯ TƯỞNG số 2 – bài Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam – và các số kế tiếp). Một trong những thủ lãnh của nhóm này đã vượt trội lên vì tài năng và đức độ, thu phục được tất cả nhóm khác, thành lập nên nhà nước Văn Lang. Năm đó khoảng đầu thiên niên kỷ thứ ba trước Kỷ Nguyên như trên đã chứng minh mà niên đại 2879 TKN là niên đại hợp lý có thể chấp nhận.
Sự thành lập nhà nước Văn Lang như vậy, xem ra cũng giống như sự thành lập nước Do Thái ngày nay. Đất nước Văn Lang tuy là đất cũ nhưng sau nạn đại hồng thủy, phần đất thuộc đồng bằng các sông Hồng, sông Lục Nam, sông Thái Bình, sông Đuống, sông Cả, sông Mã coi như đất tân tạo. Con người Văn Lang tuy có gốc gác từ vùng đất này, nhưng không trưởng thành lên ở đó từ thời mông muội. Trái lại họ đã từ bốn phương tám hướng quy tụ về đó như về vùng đất thiêng khi nước biển bắt đầu rút trả lại từng phần đồng bằng sông Hồng và các sông ổ Bắc và Bắc Trung phần Việt Nam. Tất nhiên cũng có sự kết hợp với những người còn bám trụ trên phần đất cũ khi có nạn biển tiến. Cứ tạm coi khởi thủy họ có 15 nhóm họp thành 15 bộ khác nhau, suy cử người thủ lãnh bộ Văn Lang lên làm vua để ứng phó với những khó khăn nội bộ, mà trị thủy là vấn đề trước mắt, cũng như để phòng vệ, chống trả sự xâm lấn của các giống người khác muốn xâm chiếm vùng đồng bằng đang tái lập này. Ta có thể liên tưởng hình thức thành lập và cai trị đó với thể chế dân chủ và cơ cấu liên bang ngày nay, nhưng chắc chắn còn là hình thức thô sơ, cấu kết với nhau vì nhu cầu sống, có động cơ là tình tương thân, tương ái chứ không phải vì lý, vì luật như các thể chế chính trị ngày nay. Về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, người Việt thời vua Hùng dựng nước Văn Lang, ngay từ ngày mới thành lập, đã có một đời sống văn minh khá cao. Lý do vì họ đã sinh hoạt tại các vùng an toàn ở nơi khác không bị biển tiến tràn ngập đủ lâu để đạt được trình độ văn minh này, và đã mang theo mình sự hiểu biết ấy khi trở về đất tổ để xây dựng lại quê cũ. Điều này đã được chứng tỏ trong nhiều mặt sinh hoạt của cư dân Văn Lang thời ấy, rõ nhất là được phản ánh trên các hoa văn trống đồng mà ta vừa phác họa vài thí dụ như ở các trang trên.
Những điều tôi vừa nói ở trên phần lớn hình như trái với sử sách đã viết ra hơn 2000 năm nay. Như quý vị đã thấy, tôi trích dẫn hơi nhiều ý kiến của các học giả ngoại quốc. Điều đó chỉ bởi tôi hiểu được không dễ gì làm thay đổi niềm tin đã ăn sâu vào trí não chúng ta lâu đời, dù đó là bằng chứng hiển nhiên của khoa học. Phải mượn đến uy tín của các học giả khác âu cũng là chuyện chẳng đặng đừng.
luocsutocviet