Trống đồng Đông Sơn, những hiện vật có tầm vóc lớn cả về hình thể và cả về độ tinh xảo, những trống đồng Đông Sơn đã rất sớm nổi tiếng trên thế giới, ngay từ thời kỳ Pháp thuộc, trống đồng Đông Sơn đã thu hút sự chú ý và nghiên cứu của các nhà khảo cổ và nghiên cứu phương Tây.

Trống vốn đại diện cho chức năng thờ Trời của cộng đồng tộc Việt, những chiếc trống đồng cũng có chức năng biểu trưng quyền lực, vì vậy chúng ta nhận thấy được những chiếc trống lớn, đẹp nhất đa phần tập trung tại miền Bắc Việt Nam.

Đây là di sản tiêu biểu của nền văn minh tộc Việt, là những dấu tích quan trọng về một nền văn minh cổ của dân tộc. Bạn đọc hãy cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác của Tổ Tiên chúng ta thông qua những bức ảnh đẹp nhất chúng tôi sưu tầm về các trống đồng Đông Sơn đẹp, lớn và nổi tiếng nhất.

1. Trống Ngọc Lũ:

Trống đồng Ngọc Lũ được mệnh danh là vua của các loại trống đồng, là trống đồng đẹp nhất trong số tất cả những trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại miền Bắc Việt Nam. Hoa văn tinh xảo, hình dáng cân đối, hài hòa một cách tuyệt mỹ.

Về nguồn gốc, thì trong “Quản lý văn vật”, tháng 12 năm 1965 (Nội san của Vụ Bảo tồn bảo tàng) Trần Huy Bá cho biết: Theo lời cụ Nguyễn Đăng Lập (85 tuổi) – người xã Ngọc Lũ – vào khoảng năm 1893 – 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân) hữu ngạn sông Hồng. Khi đào ở bãi cát bồi thì thấy ở dưới độ sâu 2 mét lộ ra một vật bằng đồng rất lớn, các ông vội lấp đất rồi đến đêm mới kéo ra đào thì thấy một trống đồng, các ông khiêng về cúng vào đình làng Ngọc Lũ. Sau 7 – 8 năm, một họa sĩ người Pháp đến vẽ tại đình thấy trống liền báo cho Công sứ Hà Nam. Nhân có cuộc đấu xảo ngày 15.11.1902 ở Hà Nội, trống được Trường Viễn Đông Bác Cổ mua lại với giá 550 đồng.

Trong tạp chí Khảo cổ học năm 1974, chi tiết về xuất xứ của Ngọc Lũ có khác một chút khi cho rằng người dân đã cúng trống vào chùa Long Đọi Sơn chứ không phải đình làng, cũng thuộc xã Ngọc Lũ, cách nơi phát hiện 30km về phía đông bắc. Chỉ những khi có lễ cúng mới mang trống ra đánh, còn ngày thường để ở hậu cung. Từ năm 1958 đến nay, trống đồng Ngọc Lũ luôn được lưu giữ, trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Thân trống và mặt trống Ngọc Lũ.

Chi tiết hoa văn mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Chi tiết các hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.

2. Trống đồng Hoàng Hạ:

Trống đồng Hoàng Hạ được tìm thấy tại xóm Nội, thôn Hoàng Hạ (nay là xã Văn Hoàng), huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội vào năm 1937, nhân dân tại đây đã tình cờ tìm thấy một chiếc trống ở độ sâu 1,5m dưới lòng đất. Đây là một trong những chiếc trống đẹp nhất của văn hóa Đông Sơn được tìm thấy. Hiện trống đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Thân trống và mặt trống Hoàng Hạ.

Mặt trống đồng Hoàng Hạ.

Chi tiết các hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ.

3. Trống Sông Đà:

Trống đồng Sông Đà hay trống Moulié là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn và đẹp nhất, có nhiều hoa văn phong phú. Trống hiện được tàng trữ tại Bảo tàng Guimet nước Pháp.

4. Trống Khai Hóa:

Hay còn được gọi là trống đồng Viên, trống đồng Gilet I, trống được tìm thấy ở nhà tù trưởng người Mèo phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau đó đã bán cho Bảo tàng Viên nước Áo.

5. Trống Kính Hoa:

Trống Kính Hoa (hiện thuộc sở hữu tư nhân tại Hà Nội), là một trong năm chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất, được các nhà khoa học nước ta xếp vào nhóm A1 gồm Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà là những trống đã biết trước đây và nay thêm trống Kính Hoa nữa.

Trống có hình dáng cân đối, mặt trống hình tròn, đường kính 89 cm. Thân trống chia ba phần rõ rệt. Tang trống nở, lưng gần hình trụ tròn, chân choãi. Trống có chiều cao 59,5 cm. Nặng 110 kg. Với các số đo này, cho thấy trống Kính Hoa thuộc loại chuẩn mực như các trống trong nhóm đẹp nhất còn lại.

Hoa văn trên chiếc trống này vô cùng đặc biệt và độc đáo, khác biệt đáng kể với các hoa văn của các trống lớn và đẹp nhất, có hình tượng rồng đôi, con sam, rồng đơn, hoa văn Phùng Nguyên và chim Phượng. Đây có thể là trống chuyển tiếp từ loại hình cổ sang các loại trống Đông Sơn muộn hơn và hoàn thiện hơn là Hoàng Hạ và Ngọc Lũ.

6. Trống đồng Cổ Loa:

Năm 1982, trong khi làm vườn, một nông dân đã phát hiện trên cánh đồng Mả Tre (Cổ Loa) một chiếc trống đồng Đông Sơn trong tư thế nằm ngửa. Bên trong chật ních các đồ đồng khác với số lượng chủ yếu là lưỡi một loại vũ khí chém bổ có hình như những lưỡi cày hình cánh sen.

Đây là một trống đồng thuộc loại quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, bởi vì nó có kích thước lớn và hoa văn trang trí trên mặt, trên thân cầu kỳ cùng kiểu như trống đồng Ngọc Lũ.

7. Trống đồng Sao Vàng:

Được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trống đồng Sao Vàng được xác định là chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất từng được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay.

Chiếc trống này được Bảo tàng Lịch sử sưu tầm năm 2006 tại thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Theo giám định, hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm.

Tài liệu tham khảo và nguồn hình ảnh:

1. Nguyễn Huy Minh, Trống đồng Ngọc Lũ – một kiệt tác của thời kỳ đầu dựng nước
https://laodong.vn/archived/trong-dong-ngoc-lu-mot-kiet-tac-cua-thoi-ky-dau-dung-nuoc-676181.ldo

2. Báo Kiến Thức, Trống đồng Ngọc Lũ – trống đồng Đông Sơn đẹp nhất Việt Nam, đăng lại trên RedsVn.
http://redsvn.net/chum-anh-trong-dong-ngoc-lu-trong-dong-dong-son-dep-nhat-viet-nam/

3. Báo Kiến Thức, Trống đồng Hoàng Hạ – một dấu ấn văn hóa Đông Sơn ở Hà Nội, đăng lại trên RedsVn.
http://redsvn.net/chum-anh-trong-dong-hoang-ha-mot-dau-an-van-hoa-dong-son-o-ha-noi/

4. Báo Kiến Thức, Trống đồng Sao Vàng – chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất Việt Nam, đăng lại trên RedsVn.
redsvn.net/chum-anh-trong-dong-sao-vang-chiec-trong-dong-dong-son-lon-nhat-viet-nam/

5. Nguyễn Văn Đoàn, Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/71184/net-djac-sac-nhom-bao-vat-quoc-gia-van-hoa-djong-son-luu-giu-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html

6. Trịnh Sinh, Trống đồng Kính Hoa – Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân
https://laodong.vn/van-hoa/trong-dong-kinh-hoa-bao-vat-quoc-gia-dau-tien-thuoc-so-huu-tu-nhan-881405.ldo

7. Nguyễn Việt, Trống đồng Cổ Loa – Minh văn và một cách hiểu mới
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3091/9120/trong-djong-co-loa-minh-van-va-mot-cach-hieu-moi.html

8. Bảo tàng Guimet.
https://www.photo.rmn.fr/C.aspx?VP3=SearchResult_VPage&STID=2C6NU0EKR0TX

9. Bảo tàng Viên.
https://www.weltmuseumwien.at/en/highlights/

 

Lang Linh

Theo luocsutocviet