Chùa Khải Tường là nơi hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) chào đời, thời Pháp thuộc gọi là chùa Barbet (hoặc Barbé) theo tên đại úy Barbet – sĩ quan tử trận trong cuộc đụng độ giữa lính Pháp và quân An Nam ngay gần đó.

Cuốn sách Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon (ghi chép về lịch sử, chính trị và hành chính thành phố Sài Gòn) xuất bản tại Sài Gòn năm 1917 có mục từ “Rue Barbet” như sau: “Barbet (…) mất tại Sài Gòn ngày 7.12.1860. Đại úy thủy quân lục chiến bị giết trong trận phục kích gần ngôi chùa (sau này) được đặt theo tên ông. Chùa hiện nằm ở góc đường Testard (nay là Võ Văn Tần) và Barbet (nay là Lê Quý Đôn)” (tr.51). Cho đến nay, thông tin về ngôi chùa Khải Tường (hoặc Barbet) không nhiều và không thống nhất.

Trong tiểu luận tiếng Pháp xuất bản tại Sài Gòn năm 1934 có nhan đề La Pagode des Clochetons et la pagode Barbet (Contribution à l’histoire de Saïgon – Cholon) (chùa Chuông (tức Kiểng Phước) và chùa Barbet (đóng góp vào lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn), tác giả P.Midan viết: “Hiện nay chùa Barbet không còn dấu vết gì nữa” (tr.2). Dựa trên phương pháp chồng bản đồ, Midan cho rằng năm 1867 chùa Khải Tường thuộc sở hữu của công binh Pháp.

Theo nội dung nghị định ký ngày 10.9.1869 của đề đốc G.Ohier đăng trên Bulletin de la Cochinchine (Tập san Nam kỳ) năm 1869 (tr.314), ta có vài thông tin: Điều 1: “Chùa Barbet (nguyên văn: pagode Barbet) cùng pháo đài nhỏ bên cạnh và tất cả gian nhà nằm trên khu đất ấy sẽ được chuyển cho chính quyền địa phương”; Điều 2: “Dải đất nằm giữa đường l’Impératrice nối dài (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đất của nhà Lanneau dành để sau này xây dựng đồn hiến binh”; Điều 3: “Trong thời gian chờ đợi ngân sách của chính quyền thuộc địa dành cho việc xây dựng (đồn hiến binh), chùa Barbet cùng các gian nhà nằm trong pháo đài sẽ được trưng dụng làm chỗ ở cho hai lữ đoàn hiến binh”.

Họa đồ toàn cảnh Sài Gòn năm 1898 do Gaston Pusch vẽ

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Từ kho Lưu trữ Nam Kỳ (Archives de la Cochinchine), số M.8 (11), Midan tìm được lá thư viết tay ngày 10.3.1871 của Giám đốc Nội vụ gửi Chánh văn phòng địa chính, trong đó có nội dung: “… Tôi đã cung cấp bản đồ ông vẽ vùng đất nhà nước sáp nhập vào chùa Barbet cho Ủy ban Giám sát nhà trừng giới (tức trại giam) thanh thiếu niên (…). Bản vẽ đã được ủy ban thông qua, đính kèm theo đây là biên bản cuộc họp cuối cùng. Việc giao đất cho nhà trừng giới về nguyên tắc đã được quan thống đốc chấp thuận…”.

Khi chồng bản đồ tỷ lệ 1/2.000 trong lá thư nói trên lên bản đồ cùng tỷ lệ do ông M.Lambley vẽ ngày 28.10.1931, Midan kết luận: “Chùa Barbet nằm trên lô đất số 1 (số 93 đường Richaud (nay là Nguyễn Đình Chiểu) […]) và các lô đất số 8 và 9 (số 26 đường Testard). Lô đất số 1 hiện nay (tức năm 1934) là trụ sở Ngân hàng Chartered, còn các lô đất số 8 và 9 là biệt thự của luật sư Mathieu, nằm tại góc đường Testard và đường Barbet (nay là góc Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn)”.

Từ nhà trừng giới đến Trường Sư phạm Thuộc địa

Khuôn viên chùa Barbet được dùng làm nhà trừng giới trong một thời gian ngắn, tới khi có nghị định ký ngày 12.8.1871, đăng trên Bulletin de la Cochinchine (năm 1871, tr.284) cho biết về kế hoạch thành lập Trường Sư phạm Thuộc địa (Ecole Normale Coloniale), thì các tù nhân trẻ được chuyển từ chùa Barbet về nhà lao trung tâm (prison centrale). Trước đó, nghị định ký ngày 10.7.1871 của đề đốc Dupré có nội dung thành lập “Trường Sư phạm Thuộc địa nhằm mục đích đào tạo giáo viên cho các trường học bản địa; đồng thời huấn luyện các công chức…” (dẫn lại theo Midan, tlđd, tr.10). Có một trường tiểu học phụ thuộc trường sư phạm để học viên có điều kiện thực tập.

Nghị định ngày 12.8.1871 viết: “Chùa Barbet và các tòa nhà liên quan sẽ được sử dụng làm Trường Sư phạm Thuộc địa, bắt đầu thực hiện từ ngày 15.8.1871” (dẫn lại theo Midan, tr.10). Như vậy, kể từ năm 1871, chùa Barbet được sử dụng làm cơ sở giáo dục. Trong phần chú thích, Midan còn cung cấp thêm nghị định ngày 17.11.1874 (điều 15) về việc chuyển Trường Sư phạm Thuộc địa thành Trường trung học Bản xứ (Collège Indigène).

Đoạn đường Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), bên phải là khuôn viên Dinh Thống đốc, bên trái là bờ tường bao mặt trước trường Trung học Chasseloup-Laubat, nay là trường Trung học Lê Quý Đôn

Ảnh: T.L

Trong bài viết ký ngày 20.10.1889 có nhan đề Étude sur l’instruction publique en Cochinchine (Khảo luận về nền học chính Nam kỳ), đăng trên Bulletin de la Société des études Indochinoises (Tập san Hội cổ học Ấn – Hoa), 1889, tr.25-44), Hiệu trưởng Trường trung học Chasseloup-Laubat là Giáo sư E.Roucoules viết: “Chùa Barbet được giao cho trường (Sư phạm Thuộc địa) làm cơ sở, mỗi học viên được nhận vào trường lãnh 25 franc” (tr.32). Roucoules cho biết thêm sau 3 năm thì các học viên tốt nghiệp trung bình đủ khả năng có thể sẽ được nhận vào làm việc ở cơ quan hành chính với chức vụ thấp, nhận lương 360 franc/năm. Những học viên xếp hạng cao sẽ theo học tiếp tại Trường Bản xứ hệ trung học. Trường Bản xứ đón nhận 120 học viên nội trú có học bổng thuộc địa… “Hai năm sau (năm 1876), Trường trung học Bản xứ dời sang cơ sở mới vừa được xây xong, lấy tên là Collège Chasseloup-Laubat [Trung học Chasseloup-Laubat]” (tr.34), Roucoules cho biết.

Nguyễn Quang Diệu

TNO