I . Tiểu sử
Tên thật là Trần cảnh, là con thứ của Trần Thừa, sinh ngày 16-6 Mậu Dần, 1218. Năm 8 tuổi cưới Lý Chiêu Hoàng; chỉ ít lâu sau, ngày 11 tháng 12, Ất dậu, 1226 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Năm 20 tuổi, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh (bấy giờ là Trần Thái Tông) cưới Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Hoàng, và đang là vợ của Trần Liễu – anh ruột Trần Cảnh – vừa mới có thai) lập làm Hoàng Hậu, giáng Chiêu Hoàng làm công chúa.

Ông vua thiền sư Việt Nam Trần Thái Tông - Trần Cảnh

Trước tình cảnh đắng cay, tâm lý mệt mỏi, Thái Tông nửa đêm lặng lẽ vượt thành đến núi Yên Tử cầu xuất gia với quốc sư Trúc Lâm. Trần Thủ Độ và các lão thần đến Yên Tử biểu lộ quyết tâm, đón Thái Tông về triều để lo việc nước, việc dân. Quốc sư Trúc Lâm thì khuyên nhủ Thái Tông rằng :” Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng, tuệ hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm Phật cực khổ ở bên ngoài. Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Chỉ mong bệ hạ đừng xao lãng việc nghiên cứu Phật học.”

Về sau, Thái Tông rất chuyên cần học Nho học và Phật học, thường cùng các bậc kỳ túc trong rừng thiền – Tức Lự, Ứng Thuận, Đại Đăng, Thiên Phong…- đàm luận giải thoát.

Tập “Thơ Văn Lý Trần”, nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội,1989, đánh giá:”… Trần Cảnh có công trong việc ổn định và đưa xã hội Việt Nam bước dần vào giai đoạn thịnh vượng sau thời kỳ lộn xộn cuối nhà Lý. Đặc biệt ông đã đặt vấn đề xây dựng chế độ thi cử, góp phần mở mang việc học ở Việt Nam, và cũng là người lãnh đạo thắng lợi cuộc đọ sức lần thứ nhất với quân xâm lược Mông Cổ năm 1257. Trong cuộc chiến đấu này, Trần Cảnh đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả những nơi nguy hiểm, đem lại niềm tin tưởng cho quân sĩ, và niềm tự hào cho dân tộc… Trần Cảnh là một ông vua có năng lực, tính tình khoan hậu, có tài thơ văn, và có nhiều đóng góp cho đất nước.” (trang 19-20). Năm 1258, nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng. Thái Tông mất ngày 01 tháng 4, Đinh Sửu, 1277.

Sinh thời, Thái Tông sáng tác nhiều thơ văn, kệ đạo, nay còn lại tập Khóa Hư Lục thời danh, hai bài thơ, hai bài văn, tựa Thiền tông chỉ nam, và tựa tập Kinh Kim Cương.

(Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang…; và ” Thơ Văn Lý Trần “…)

II. Sở chứng và Tư Tưởng Phật học của Trần Thái Tông
Dựa vào hai nguồn tài liệu nêu trên, Công phu giải thoát và Tư tưởng Phật học của Trần Thái Tông có thể được tìm hiểu qua hai giai đoạn:

– Giai đoạn tại ngôi (1226 – 1258 ): Giai đoạn nầy gồm hai phân đoạn diễn tiến: Từ năm 8 tuổi đến năm 20 tuổi, Thái Tông chuyên chú học hỏi Nho học và Phật học. Lúc 20 tuổi, vua bị ép giáng Chiêu Hoàng xuống làm Công chúa là thời điểm của biến cố tình cảm và tâm thức: vua ngậm ngùi nếm tân khổ của kiếp sống, lòng chao đảo đi tìm lối thoát ở chùa Trúc Lâm, núi Yên Tử, dựa vào con đường giải thoát tâm thức của Phật giáo. Sau ngày trở lại ngôi báu, tâm thức Thái Tông trở nên tự chủ hơn, kiên định hơn và bừng sáng hơn về ý đời, ý đạo: Người dốc tâm nung nấu kiến thức về Nho, Phật và nung nấu ý chí tự chủ, giải thoát. Từ năm 30 tuổi, 1248, Thái Tông đã chững chạc trao đổi các sở ngộ, sở đắc với nhiều bậc kỳ túc trong rừng Thiền Việt Nam bấy giờ như các thiền sư Đại Đăng, Ứng Thuận, Thiên Phong ( từ Trung Hoa đến Việt Nam ). Có lẽ bắt đầu sáng tác từ đây như Thiền Tông Chỉ Nam, Tứ Sơn, Phổ Thuyết Sắc Thân, Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn và Lục thời Sám Hối Khoa Nghi, là những nội dung chuyên chở giải thoát khá uyên áo, và hầu như còn vương lại dấu vết của “biến cố tình cảm” văng vẳng một chút “xét lại”, một chút “ngậm ngùi”, và một chút “ngấn của ân hận”.

– Từ năm 1258 đến năm 1277, thời gian làm Thái thượng hoàng, là lúc tâm thức giác tỉnh của Thái Tông rất mạnh, kinh nghiệm giải thoát chín muồi, cái nhìn trần thế nhuốm đầy hương Thiền và hương Tuệ. Đây là khoảng thời gian của nhiều sáng tác về Thiền học.

Nay thử khảo sát từ Thiền Tông Chỉ Nam :

1. Thiền Tông Chỉ Nam (bài tựa)

– Xem nguyên bản ở “Thơ Văn Lý Trần”,…,tr.26-29.

– Lời tựa ghi lại sự kiện Thái Tông từ ngày từ Yên Tử trở về ngai vàng chuyên sâu vào công việc nghiên cứu Phật, Nho và tâm thức mình suốt 10 năm. Trong thời gian ấy, Thái Tông bừng sáng lý Bát Nhã từ Kinh Kim Cương – Bản kinh giới thiệu trí tuệ giải thoát thấy rõ thực tướng của mọi hiện hữu, xuất hiện từ sự dập tắt tất cả các ngã tưởng, (ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng, phi tưởng) -, nhất là lời kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Từ sở ngộ nầy, Thái Tông sáng tác bài ca “Thiền Tông Chỉ Nam”, xem Trí tuệ như là “chỉ nam” của Thiền tông, như là ánh sáng soi sáng rừng Thiền. Thái Tông xác định sở đắc của các thiền sư là sở đắc, sở chứng thực tướng vô tướng của mọi hiện hữu , và linh hồn của công phu của các thiền gia là giác tỉnh an trú tâm vào tâm không dính mắc vào bất cứ gì ở trên đời – “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có nghĩa là khởi tâm không trú trước vào bất cứ gì -. Quốc sư Trúc Lâm đã đọc và ba lần khen ngợi “Thiền Tông Chỉ Nam” rằng : “Tâm của chư Phật ở cả trong bài ca này, sao không cho khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học?”.

Tại đây, có hai điểm nổi bật về hướng phát triển tâm và tuệ của Thái Tông cần được chú ý:

– Thứ nhất, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” đã khai mở Tuệ của Thái Tông, như đã từng mở Tuệ cho Lục tổ Huệ Năng, đích thực là tâm của bậc thánh, và là cái tâm niệm mà mọi thiền giả cần nuôi dưỡng trong công phu phát triển định và tuệ. Về điểm này, Nikàya (kinh tạng của Thượng tọa bộ) ghi lại lời dạy của đức Phật Gotama về Tứ niệm xứ in hệt (“chú tâm, tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, không trú trước vào bất cứ gì ở trên đời”). Lời dạy quả là kim chỉ nam của công phu hành Thiền.

– Thứ hai, vào thời điểm Thái Tông chưa vượt qua tuổi 30, công phu đang nghiêng nặng về tham cứu Phật học nên mức độ chứng đắc, thể nhập tâm giải thoát và tuệ giải thoát chưa sâu, bởi các lậu hoặc đang còn ở thời kỳ hoạt động. Nhưng, vào một thời điểm sau, cũng với tâm “vô sở trụ” ấy, Thái Tông có thể thể nhập sâu vào giải thoát, nhất là vào thời gian làm Thái thượng hoàng, lúc mà định lực và tuệ lực của Thái Tông phát khởi mạnh mẽ hơn bội phần.

Chỉ một điểm tâm khởi động nầy mở ra “Thiền Tông Chỉ Nam” là đủ để các nhà nghiên cứu Phật học và các hành giả đi đến kết luận rằng: hướng giải thoát tâm và tuệ của Thái Tông là hướng đi đích thực của truyền thống Giới – Định – Tuệ của Thế Tôn và của truyền thống, phát triển của Thiếu Thất (Đạt Mạ) và Tào Khê (Lục Tổ). Chính hướng đi ấy đã dẫn đến Thiền của nhị vị Thượng nhân Tuệ Trung và Nhân Tông mở ra dòng Thiền của Trúc Lâm Yên Tử về sau.

2. Tựa Kinh Kim Cương Tam Muội

– Nguyên văn : xem “Thơ Văn Lý Trần”, ibid.,tr.32-34.

– Thái Tông mở đầu lời tựa đã giới thiệu liền tinh yếu của Kinh Kim Cương Bát Nhã là chỉ đường vào chân tâm, thật tướng, rời mọi ngã tướng ngã niệm: “đạo, tục san bằng” – “đạo tục tiễn di” -. Đấy là nội dung của “chân không – diệu hữu”, “phi hữu phi vô”, “phi tức phi ly” của Kim Cương Bát Nhã. Nội dung ấy trái ngược – hay khác hẳn – với tập quán nghiệp, tập quán chấp ngã của người đời, hẳn là khó hiểu khó chấp nhận. Nhưng đấy là ngõ đường thoát khổ mà ngài Cưu Ma La Thập đã vượt non vượt biển qua Trung Hoa, dịch từ Phạn qua Hán để truyền lại, và chư Tổ đã nhọc tâm khai ngộ. Phần Thái Tông, thì vừa xem kinh đã sinh khởi trăm mối cảm xúc về lý, nghĩa, văn từ bèn viết lời tựa kinh để giúp ích hậu học.

…” Thị kinh nhất kiến, tư cảm bách sinh; sách ẩn quân thâm, cửu tư tam phục. San tước nghĩa vị, nghiệt xuyết văn hoa; dục hiển thánh ngôn, thiếu tư hậu học…” (ibid.,tr.33)

” Kinh này vừa gặp, trăm cảm đã sinh; sâu kín mối manh, suy đi nghĩ lại. Nhấm nháp mùi nghĩa lý, thu thập vẻ văn hoa. Làm rỡ ràng lời nói Thánh nhân; để giúp ích ít nhiều hậu học…”)

– Phần đóng góp của Kim Cương cho các sở đắc, sở ngộ về sau, cho đến nay và cả ngàn sau, hầu như là phần quyết định “Thiền Tông Chỉ Nam” như vừa đề cập.

3. Bàn rộng về Sắc thân ibid.,tr.53-56):

– Xem nguyên văn và bản dịch ở “Thơ Văn Lý Trần”, ibid., tr.53-56.

– Nếu một người thông hiểu được lý Kim Cương Bát Nhã, thông rõ hết thảy hiện hữu đều vô ngã, thì sẽ bừng tỉnh về cái mộng mị, không thật của các ngã niệm, ngã tướng, về cái hư ngụy của lòng tham ái, chấp thủ, và quay về với tâm tỉnh giác nhìn kỹ lại toàn bộ sắc thân mình: nhìn và phân tích các thân phần để thấy rõ các phía cạnh phiền lụy, nguy hiểm và nghiệp chướng của nó mà khởi niệm tinh cần dập tắt lòng dục. Khi lòng dục lắng dịu, thì các ác niệm, vọng niệm lắng dịu, các ngăn che tâm thức khỏi thực tướng dần dần được vén mở, tuệ giác rọi sáng: sự thật và cảm nhận an lạc giải thoát cùng có mặt ở đây. Từ kinh nghiệm đầu tiên, dù xẩy ra rất chóng, hành giả tự mình thấy rõ lối đi, tự khởi lòng tin và quyết tâm hành trì, bởi vì từ đó cái nhìn trí tuệ của hành giả mở ra một phương trời mới của các thiện niệm và giải thoát niệm. Đây là vùng giá trị tích cực của pháp: không phải nhìn cái khía cạnh cấu uế, vô thường của thân sắc để tâm thức đi vào vùng ảm đạm, bi quan, yếm thế, tê liệt mọi ý sống, mà ngược lại. Chỉ đời sống anh hùng của vua Thái Tông, với vô vàn tiện nghi vật chất, đủ làm chứng tín cho lời nói của Người bàn rộng về sắc thân ấy. Con đường vào thực tướng vô tướng thực sự mở ra từ cái nhìn ấy, từ sự giác tỉnh ấy về thân sắc: đây là các dấu chân đầu tiên của trí tuệ sẽ dần dần dẫn dắt hành giả đến gặp “vô vị chân nhân” hay “pháp thân” ở ngay tại trần thế nầy.

– Bút pháp văn chương được Thái Tông xử dụng trong bài “Bàn rộng về sắc thân” nầy chỉ để giữ sự chú ý của người đọc vào các khía cạnh nguy hiểm, không thật của thân sắc, cho lời lẽ bớt khô khan, thêm nét duyên dáng của một áng văn để lại hậu thế như là nét nhạc điểm vào lời ca cho ứng hợp với tâm lý người đời. Điểm tối quan trọng và rất trí tuệ ở đây là Thái Tông đã chọn thân sắc – hay 6 căn, 6 trần và 6 thức – để khảo sát. Thực sự cái gọi là vũ trụ hiện tượng, mà hầu hết kinh, luận của các bộ phái Phật giáo đề cập, chỉ là tập hợp tương tác của 6 căn, 6 trần và 6 thức ấy. Nếu rút ra khỏi tâm của người nhìn phần tham ái và chấp thủ – bằng cách nhìn kỹ khía cạnh cấu uế, vô thường và nguy hiểm, mộng mị của nó – thì cái nhìn trí tuệ sẽ xuất hiện và thực tướng – pháp thân hay vô vị chân nhân – sẽ hiển bày. Thiền là làm sinh khởi, nuôi dưỡng và an trú cái nhìn ấy. Cái nhìn nầy sẽ lấy đi “phất trần của Mã Tổ”, lấy đi “cào tre của Triệu Châu”, “cái gậy của Đức Sơn” và thu về “tiếng hét của Lâm Tế”. Đây thực sự là kinh nghiệm rất trí tuệ của Trần Thái Tông và của Phật giáo Việt Nam vậy. Nếu hành giả đi thẳng vào pháp hành thì sẽ hưng khởi được sức mạnh của tâm lý (hay tâm linh) và đỡ nhọc nhằn tìm kiếm ở bên ngoài, đỡ nhọc nhằn đi vào các kho kinh, luận mênh mông và mênh mang! Có thể nói rằng “Bàn rộng về sắc thân” mà Thái Tông quan tâm để lại thực sự có ý nghĩa là “gia tài của mẹ”, rất đáng trân trọng!

4. Rộng khuyên mở tâm tỉnh giác, trí tuệ (“Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm”)
(ibid.,tr. 61-65)

– Nguyên văn bài “Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm”: xem “Thơ Văn Lý Trần”, ibid., tr. 61-65.

– Trong bài khuyên phát khởi cái nhìn trí tuệ nầy, Thái Tông trình bày trong thể cách đạo đức và mô phạm. Người xác định thân mệnh người là quý: quý hơn thế giới vật chất, vàng ngọc, của cải, quý nhất trong sáu đường sinh tử của sáu loài chúng sinh: trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súùc sinh. Được thân người lành lẽ (sáu căn tốt đẹp), lại được sanh vào thành thị, thủ đô, vùng có văn hoá, giáo dục cao thì là rất quý. Đây là một diễm phúc kỳ đặc. Nhưng điều kỳ đặc hơn cả là sống với trí tuệ, với thiện tâm và giải thoát tâm giữa cuộc vô thường mới không phụ cái diễm phúc kỳ đặc trên. Hãy trầm tư về một lập luận tiêu biểu của Thái Tông:

” Tường phù bách niên quang ảnh toàn tại sát na; tứ đại huyễn thân, khởi năng trường cửu. Mỗi nhật trần lao cốt cốt, chung triêu nghiệp thức mang mang. Bất tri nhất tính chi viên minh; đồ sính lục căn chi tham dục. Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường; phú quý kinh nhân, nan miễn vô thường nhi tự. Tranh nhân tranh ngã, đáo để thành không; khoa hội khoa năng, tất cánh phi thực.

Phong hỏa tán thời vô lão thiếu,
Khê sơn ma tận kỷ anh hùng.”
( ibid.,tr.61 )
(“Rõ ràng thay, ngày tháng trăm năm chỉ là phút chốc. Cái ảo thân tứ đại há được dài lâu. Càng ngày càng đắm trần lao, mỗi lúc mỗi vương nghiệp thức. Chẳng hiểu biết sự viên minh của một tính, chỉ buông tuồng cái tham dục của sáu căn. Công danh rất mực chỉ là một giấc mộng to, phú quý hơn người cũng khó tránh vô thường hai chữ. Cậy mình cậy nó, rút cục thành không; khoe giỏi khoe tài, cuối cùng chẳng thực.
Gió lửa tan tành kể chi già trẻ,
Núi khe mòn mỏi biết mấy anh hùng.”)
( ibid.,tr.64 )
Để hiểu rõ ý của Thái Tông trong đoạn trích dẫn trên, và trong toàn văn của “Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm”, trước hết hãy nhìn chính tự thân của Thái Tông vừa nuôi dưỡng đạo tâm vừa lo việc triều chính, đánh giặc ngoại xâm Nguyên – Mông, vừa sống với cái thân ngũ uẩn phiền lụy, nên lập luận của Người không nhằm đẩy con người vào tâm lý lo âu, nhàm chán, tiêu cực, mà nhằm nhắc nhở người đời nghiêng về một chọn lựa giữa hai dòng vận hành của tâm lý:
a/ Dòng tâm lý ngã tưởng nuôi dưỡng lòng tham dục sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp) kéo theo các tâm lý tiêu cực: vị kỷ, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh ghét, kiêu ngạo, bỏn sẻn, lười biếng , hưởng thụ dục lạc… Dòng tâm lý nầy sẽ làm khổ mình và khổ người.

b/ Dòng tâm lý của giác tỉnh pháp tính vô ngã tính (hay Phật tính) có mặt khắp hiện hữu, kéo theo tâm lý tích cực: vị tha, khoan dung, nhân ái, tư duy vô sân, vô dục và vô hại, tinh cần, không đắm trước vật dục, tự chủ, giác tỉnh. Dòng tâm lý nầy dẫn đến sự sáng suốt, an lạc, làm lợi mình và lợi người ở cấp độ phổ biến, và dẫn đến thiền định, trí tuệ và các năng lực tâm lý siêu nhiên (các thần thông), giải thoát, ở cấp độ phát triển cao. Hành giả sống không trốn lánh xã hội, mà cũng không bị nhận chìm, cuốn trôi vào dòng vật dục, sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho mình và người. Hành giả thường khởi lên các tâm niệm như thế!

5. Nói rộng về một con đường tiến lên (“Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ”):

– Nguyên văn: xem “Thơ Văn Lý Trần”, ibid., tr.73-75.

– Bài “Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ” bao gồm nhiều phần, nhiều ý mà Thái Tông muốn truyền đạt, đánh thức, hộ trì hành giả, vì thế hành giả cần đọc kỷ nhiều lần để khắc ghi sâu vào tâm ý.

– Những vùng phát triển tâm thức để “ngộ” và “đạt” – hay chứng ngộ và chứng đạt – mà hành giả phải đặt chân đến sau thời gian hành giác tỉnh để nuôi dưỡng Tuệ như là:

a/ Vấn đề hướng thượng, đi sâu vào tâm thức, không phải bằng tham cứu ngữ nghĩa, bằng ngôn ngữ, diễn đạt dù bằng các hình thức ngoài ngôn ngữ, bởi vì các cấp độ tâm thức và thực tại nầy ở ngoài sự ghi nhận của sáu căn, sáu trần và sáu thức, điều mà Thái Tông bảo là:

” đầu đặt thêm đầu, đuôi nối thêm đuôi; trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu”.
Đó là các công phu mà tự hành giả cần thức tỉnh sâu hơn, quán sát tâm thức mình để cắt lìa các tập quán, tập khí cũ như :
– Thân kiến ( thấy có tự ngã; thấy 5 uẩn là tự ngã )
– Nghi ( nghi ngờ, không rõ pháp hành đang hành đi tới )
– Giới cấm thủ ( khép mình vào các giới cấm sai lạc )
– Dục ( còn vương tập khí ham muốn thế gian )
– Sân ( còn vương tập khí vội vàng, nóng nảy, không bằng lòng các sự việc xảy đến)
– Hữu ái ( còn tâm ưa các cảnh giới tâm thức tế nhị, đẹp đẽ, trong sáng của cõi Sắc, cảnh Thiền)
– Vô hữu ái ( tâm dù không dính mắc cõi Hữu, cõi Sắc, nhưng vẫn mong muốn rời xa cõi Sắc, và ưa muốn ở ngoài hiện hữu của cõi Sắc )
– Mạn ( còn thấy niềm tự hãnh về tự ngã, dù rất tế, như thấy có tự ngã chứng đắc, và đối tượng tự ngã chứng đắc )
– Trạo cử ( còn lòng nóng vội, bồn chồn muốn đi thẳng ngay vào Trí giác, chạy vạy để thể nhập Trí giác… )
– Vô minh ( hành giả đang bị vướng mắc vào các tập khí trên mà tự mình không biết)

b/ Để vượt qua các tập khí trên khi đang bị vướng mắc, nếu không có các bậc Thánh, các đại thiền sư ( đã chứng đắc ) ở bên cạnh soi thấy và vận dụng phương tiện đánh thức, khai ngộ, thì hành giả khó vượt. Đây là điểm mà Thái Tông bảo:

” Một con đường hướng lên nghìn Thánh nếu không truyền, thì kẻ theo học mệt xác như loài vượn bắt bóng”.

c/ Nơi đặt chân đến rốt cùng gọi là đáo bỉ ngạn là lúc mà tâm, tuệ của hành giả hoàn toàn thanh tịnh, sạch hết chấp thủ, dứt bặt tham ái, là lúc mà Thái Tông bảo:

” Hoàng hoa uất uất vô phi bát-nhã chi tâm, thúy trúc thanh thanh, tận thị chân như chi lý”.
( “Rỡ rỡ hoa vàng, hết thảy là tâm bát-nhã; xanh xanh trúc biếc cũng đều là lý chân như”)
Đây là điểm mà Kinh Kim Cương Bát Nhã gọi là :” Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” (Hết thảy hiện hữu đều là Phật pháp, đều là pháp của Phật, đều thuộc cảnh giới của Phật), và Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Nhất thiết pháp vô phi Phật pháp” (Hết thảy hiện hữu đều không ngoài pháp của Phật, của cảnh giới Phật). Điều này có nghĩa nếu tâm hành giả sạch hết chấp thủ, sạch hết tham ái thì thế gian là cảnh Phật, là chân như, là thật cảnh như Đức Thế Tôn Gotama đã dạy: “Khi Ta thanh tịnh, Ta thấy thế giới thanh tịnh”. – Nikàya -. Bấy giờ hành giả sẽ hành xử như Thái Tông viết:
“…Phóng chi tắc bát tự đả khai; bả chi tắc nhất môn tuyệt há.Quỷ quật lý tại dã thị Di Lặc lâu đài; Hắc sơn hạ cư bất dị Phổ Hiền cảnh giới. Xứ xứ đại quang minh tạng; cơ cơ bất nhị pháp môn. Trực nhiên ám khứ minh lai; quản thậm vân già nguyệt tế. Minh châu tại chưởng, thanh ánh thanh, hoàng ánh hoàng; cổ kính tương đài Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán. Khởi quan huyễn thể, tận thị pháp thân. Bất lao đính thượng phóng quang; bản cụ lục thông thần dụng. Dược đảo ma vương cung điện; tịch khai ngoại đạo tâm can. Biến đại địa tác quốc giới hoàng kim, lãm trường hà vi nhân thiên tô lạc. Tị khổng lý pháp luân thường chuyển; mi mao hạ bảo sát hiện tiền, Ba gian thạch nữ vũ bà sa; xuy địch mộc nhân ca khoãn đãi…”

(” Buông ra thì tám chữ mở tung; nắm lại thì một cửa khép kín. Hang quỷ ở là lâu đài Di Lặc; núi Hắc Sơn đâu khác cảnh Phổ Hiền. Chốn chốn là tạng đại quang minh; cơ cơ là pháp môn bất nhị. Mặc sức mờ đi tỏ lại; ngại chi trăng phủ mây che. Hạt trai sáng ở tay, xanh ánh xanh, vàng ánh vàng; gương cổ đặt trên đài, Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán; Can chi huyễn thể; thảy đều pháp thân. Chẳng nhọc trên đầu tỏa sáng; vốn xưa đủ sáu thần thông. Đạp đổ cung điện ma vương; mở toang tâm can ngoại đạo. Biến đất lớn thành quốc gia vàng quý; kéo sông dài làm sữa ngọt cho người. Trong lỗ mũi thường chuyển pháp xa; dưới lông mày hiện ra tháp báu. Cô gái đá múa thướt tha giữa sóng; chàng trai gỗõ thổi khúc tiêu đón đưa…”)

Với thấy biết trên, với trí tuệ trên, Thái Tông đã ngầm nói với kẻ hậu lai rằng: khổ, sầu không phải đến từ thân ngũ uẩn, từ cuộc thế vô thường, mà đến từ tâm chấp mê của hành giả; hạnh phúc, an lạc, giải thoát không phải ở cõi nước Dược Sư, Di Đà, hay bên kia thế giới, mà ở ngay tại tâm ta, tại thế gian nầy, nếu ta phát triển được tâm và tuệ giải thoát: chỉ cần ở lại cuộc đời nầy, tại vị trí của mỗi người trong xã hội mà thực hiện rời xa vọng niệm, rời xa các cấu uế của tâm.

d/ Thái Tông, qua bài “Phổ Thuyết Nhất Lộ Hướng Thượng”, đã xử dụng bút pháp của Thiền học Trung Quốc mà nói ra cái sở ngộ của mình, giới thiệu đầy đủ một lộ trình giải thoát cho kẻ hậu học Việt Nam. Hẳn là Thái Tông đã có cái Tuệ tỏ ngộ. Riêng phần chứng đạt thì thật khó có thể phát biểu.

Lộ trình giải thoát dẫn đến “Rỡ rỡ hoa vàng, hết thảy là tâm bát nhã; xanh xanh trúc biếc đều là lý chân như” chỉ dành riêng cho căn cơ đại tuệ. Với căn cơ trí tuệ bậc trung, chỉ có thể nuôi dưỡng giác tỉnh, tác ý đúng pháp để dần dần thành tựu từng chi phần từ Niệm giác chi đến Khinh an giác chi đem lại nhiều lợi lạc cho mình và người. Với quần chúng bình dân, có được giác tỉnh vô ngã, hay chánh kiến, hằng ngày cũng đủ để hướng dẫn cuộc sống mở rộng tâm vị tha, khoan dung và lòng nhân ái xây dựng tốt đạo đức xã hội.

Thái Tông thực sự đã có cái nhìn riêng của mình, và mở ra một hướng sống đạo cho hậu thế hướng về chân lý trong bối cảnh xã hội của mình.

6. Bàn về Giới, Định, Tuệ
(ibid., tr.79-80)
– Xem nguyên văn “Giới Định Tuệ Luận”, ibid., tr.79.
– Xem nguyên văn “Thụ Giới Luận”, ibid., tr.81.
– Xem nguyên văn “Tọa Thiền Luận”, ibid., tr.87.
– Xem nguyên văn “Tuệ Giáo Giám Luận”, ibid., tr.89.

Các Kinh, Luận của các bộ phái Phật giáo đều giới thiệu con đường Giới, Định, Tuệ dẫn đến Tâm và Tuệ giải thoát. Qua kiến thức Phật học sau nhiều năm nghiên cứu, đến tuổi 30, và qua kinh nghiệm tự thân, Thái Tông đã tóm lược chuẩn xác về Giới, Định, Tuệ học và viết thành các bài luận nêu trên. Về giới, nó là bước đi căn bản cho mọi hành giả. Trên nền tảng thành tựu giới, hành giả có điều kiện để phát triển Định và Tuệ. Giới có công năng “Trừ ác cấu”, “trừ ác thú”. Định có công năng “trừ triền cấu” của ngũ dục lạc. Tuệ có công năng “trừ sử cấu” và “nhất thiết hữu” là đích đến của tu tập. Thái Tông tại đây đã giới thiệu con đường giải thoát rất truyền thống của Phật giáo từ thời nguyên thủy. Phần công án và ngữ lục mà “Khóa Hư Lục” ghi lại là phần chịu ảnh hưởng của Thiền tông Trung Quốc qua thiền phái Tỳ ni-đa-lưu chi và Vô Ngôn Thông, Thảo Đường mà Thái Tông đã vận dụng như là phần để trắc nghiệm trí tuệ giác tỉnh của các thiền giả, và hộ trì công phu phát triển trí tuệ dập tắt các ngã tưởng. Phần nầy có thể đem lại rối rắm nếu người hỏi và đáp chưa tỉnh mộng hữu ngã. Vì thế bài biên khảo nầy không đi vào tìm hiểu phần công án, ngoài việc nêu ra một mẫu đối thoại Thiền tiêu biểu giữa Thái Tông và Đức Thành – một thiền sư Trung Quốc – để giới thiệu sự ứng xử bén nhạy của trí tuệ của Thái Tông như là kết quả của kiến thức Phật học uyên bác của Thái Tông, mà không phải là sở đắc, sở chứng về thực tại tối hậu.

Tại chùa Chân Giáo, miền Bắc Việt Nam, thiền sư Đức Thành hỏi Thái Tông:

– ” Đức Thế Tôn chưa rời khỏi Đâu Suất đã giáng xuống Vương Cung, chưa lọt lòng mẹ đã độ hết chúng sinh, là thế nào?”
( ” Thế Tôn vị ly Đâu Suất dĩ giáng vương cung; vị xuất mẫu thai, độ nhân dĩ tất thời như hà?”) (ibid.,tr.106)
– Thái Tông đáp :
” Muôn sông có nước trăng muôn sông,
Vạn dặm không mây, trời vạn dặm”.
( Thiên giang hữu thủy Thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân, vạn lý Thiên )
(ibid.,tr.104)
Câu hỏi của sư Đức Thành là cái bẫy của ngã không gian và ngã thời gian:
– Từ Đâu Suất đến vương cung là có một khoảng cách, và có đến có đi.
– Từ lúc chưa lọt lòng mẹ đến lúc hoàn tất việc độ sinh là có một khoảng thời gian cách biệt, và có sinh có diệt.
– Chưa rời Đâu Suất mà đã độ xong chúng sinh là việc làm nghe ra phi lý và nghịch lý. Cõi chân thật và Như Lai thì vô ngã: không đến, không đi; không sinh, không diệt; quá khứ và tương lai, hiện tại là một; kia và đây là một; cõi thật ấy là siêu lý, vượt ra ngoài tình, lý thế gian.

Từ giác tỉnh vô ngã, Thái Tông đã trả lời bằng “sự ” của “sự sự vô ngại pháp giới” của Kinh Hoa Nghiêm: trăng chiếu muôn dặm sông, không gian ở khắp chốn.

Đây chỉ là sự biểu thị tuệ tỉnh giác của Thái Tông, mà không phải là tuệ thể nhập thực tại. Tuệ tỉnh giác chỉ là Thắng tri (abhijànàti) mà không phải (hay chưa phải) là Liễu tri (Parijànàti).

7. Sáu thời sám hối lục căn
(ibid.,tr.222)

– Sám hối là hình thức phản tỉnh, hằng ngày thức tỉnh tâm thức đi ra khỏi vùng tập quán tâm lý bất thiện, tối tăm và hướng về giác tánh. Tự mình trách nhiệm về cái đúng, cái sai, khổ đau và hạnh phúc của mình trong quá khứ và trong hiện tại. Tự mình soi sáng tâm mình, lập chí lập nguyện mở nguồn tâm. Đây là công phu trực tiếp, thiết thực và hữu hiệu mà Thái Tông tự mình thực hành, và mong hậu thế làm theo.

– Sám hối vừa là công phu hộ trì các căn, “Phòng hộ đoạn trừ lậu hoặc”, vừa là công phu tác ý đúng pháp: một phần của công phu ” tu tập đoạn trừ lậu hoặc”, và một phần của công phu “Tri kiến đoạn trừ lậu hoặc ” trong bảy công phu đoạn diệt lậu hoặc mà đức Thế Tôn đã dạy (Kinh số 2, Trung bộ kinh, Kinh tạng Nikàya): Tri kiến đoạn trừ, Phòng hộ đoạn trừ, Thọ dụng đoạn trừ, Kham nhẫn đoạn trừ, Tránh né đoạn trừ, Trừ diệt đoạn trừ, và Tu tập đoạn trừ.

– Sám hối lục căn là quán sát, giác sát địa bàn mà từ đó con người đi vào sinh tử hoặc đi vào giải thoát. Thấy rõ sự thật của 6 căn và 6 đối tượng của nó là thấy rõ sự thật của pháp giới. Xoá tan hết tham, sân, si (trong phần sám hối ý căn) từ lục căn là xóa tan những ngăn che tâm thức làm nhòa thực tánh, sẽ giúp hành giả mở lớn đôi mắt tuệ. Đây cũng là công phu hỗ trợ cho việc phát triển trí tuệ.

– Sám hối lục căn là bước thực hành “chư ác mạc tác” (không làm các điều ác) theo lời đức Phật dạy:”chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, và tự tịnh kỳ ý” (không làm các điều ác, làm các điều lành, và giữ tâm ý thanh tịnh). Hình thức thực hành nầy vừa khế hợp với tâm lý tín ngưỡng, vừa cùng lúc thức tỉnh các căn, thức, chế ngự đồng thời tâm lý hôn trầm và trạo cử.

Nói tóm, đây là pháp môn tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý khá thiện xảo, rất đáng được hậu thế tiếp tục thực hiện – dễ tiếp thu và thực hiện hơn pháp môn thiền định; và tích cực, giác tỉnh mạnh hơn pháp môn tịnh độ (hay trì niệm danh hiệu Phật). Đặc biệt ở mỗi thời sám hối đều có tụng kệ vô thường tăng cường duyên thức tỉnh, giúp hành giả sớm trực ngộ vô thường: thấy rõ vô thường, vô ngã, khổ, không của các pháp là thấy rõ pháp; thấy rõ pháp là thấy Phật, thấy đạo vậy.

III. Kết luận về các pháp hành mà Thái Tông giới thiệu qua “Khóa Hư Lục”
Qua các phần khảo sát trên, con đường tu tập giải thoát mà Thái Tông giới thiệu tựu trung nổi bật một số nét đặc biệt sau đây:

– Con đường thực hành là Giới – Định – Tuệ rất truyền thống, và nhận thức về nội dung của Giới – Định – Tuệ cũng rất phù hợp với giáo lý truyền thống từ nguyên thủy (Phật giáo Thượng tọa bộ)

– Công phu tỉnh giác không thủ trước bất cứ gì ở đời (trong tâm và ngoài cảnh) trong mọi oai nghi là công phu ách yếu đi vào tâm giải thoát và tuệ giải thoát, rất sát với lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya và Kinh tạng phát triển.

– Công phu giác sát thân sắc – hay sáu căn, sáu trần và sáu thức – là công phu biểu hiện sắc thái rất tích cực, nhân bản, hiện thực, và trí tuệ. Thái Tông đã bàn rộng về Sắc thân, về đích điểm của công phu nầy.

– Thái Tông, trong hầu hết các sáng tác của Người, luôn nhấn mạnh đến sự giác tỉnh vô thường và chủ tâm đoạn trừ lòng dục. Đây là công phu phát triển tâm và tuệ giải thoát, phản ánh trung trực giáo lý truyền thống. Kết hợp với cái nhìn trí tuệ về sự thật Duyên Sinh-Vô Ngã, công phu nầy trở nên rất thiện xảo, khỏi phải cậy đến các công án Thiền.

– Pháp sám hối lục căn mà Thái Tông tự mình vạch vẽ, thực hiện và giới thiệu là pháp tu nhiếp tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý rất riêng và rất thiện xảo trong việc tẩy sạch các cấu uế của tâm hỗ trợ cho sự thành tựu Giới học và Định học.

Với năm điểm trên, con đường tu tập giải thoát mà Thái Tông để lại cho hàng hậu học hiện rõ nét chừng mực, hiện thực, rất người, rất xã hội và rất trí tuệ Phật giáo. Tại đây, người viết thấy rõ Phật giáo đời Trần là một Phật giáo Việt Nam nổi bật ba nét chính:

1. Chừng mực và trí tuệ trong nếp sống gắn chặt với đời sống gia đình và xã hội của Thái Tông.
2. Trang nghiêm, mô phạm và trí tuệ của nếp sống phạm hạnh xuất thế của Điều Ngự Giác Hoàng.
3. Tự tại, tích cực nhập thế và rất trí tuệ của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Phật giáo Việt Nam của đời Trần là Phật giáo thực hiện trực tiếp Giới, Định, Tuệ gồm đủ ba nét nổi bật trên, và được mỗi cá nhân tự mình nhận rõ con đường và tự mình thực hiện con đường. Đó là một nền Phật giáo phát triển mạnh và có sức sống mạnh đáng được hậu thế suy gẩm.

31/ 3/2003
Trúc Lâm Thiền Viện-Paris

Tỷ Kheo Thích Chơn Thiện

Theo Chim việt Cành Nam