Hai câu thơ ngắn dưới đây đã ghi sâu vào lòng dân tộc:

 “Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt mãi đến ngày hôm nay vẫn còn rất mù mờ, vì có rất ít nghiên cứu sâu xa về nguồn gốc dân tộc. Những bộ sử giáo khoa chỉ tạo thêm màu không khí buồn thảm, mặc cảm, cho những ai muốn đọc lại hay tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc Việt. Các bộ sử Việt do các học giả người Việt phần lớn ghi lại khởi điểm từ thời Triệu Ðà đánh An Dương Vương, thời gian sau khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, được xem như là thời điểm quá muộn màng đối với lịch sử về nguồn gốc dân tộc Việt.

Nếu bạn muốn hiểu nguồn gốc dân tộc Việt, điều kiện tiên quyết bắt buộc là phải hiểu nguồn gốc dân tại vùng Thái Bình Dương cùng những biến chuyển thay đổi về khí hậu, địa lý tại vùng nầy. Ðây là phần chuyển nhập trước khi vào truyền thuyết họ Hồng Bàng. Nếu không hiểu phần chuyển nhập nầy, thì khó mà thông hiểu truyền thuyết họ Hồng Bàng.

Phần chuyển nhập nầy cho chúng ta hiểu sự di chuyển của người Ðông-Nam-Á trong đó bao gồm tiền nhân người Việt vào thời trước khi hình thành dân tộc, đã từ vùng đất liền Ðông-Nam-Á đi qua Phi-Luật-Tân và xuống tận Úc Châu, đồng thời đi lên tận phía Bắc Trung Hoa đến Nhật Bản. Những điều ghi trên đã được tôi trình bày và chứng minh trong một số bài viết, qua khảo cổ như chứng minh xương súc vật của vùng Ðông-Nam-Á đã lên đến tận phía Bắc Trung Hoa mà các nhà khảo cổ đã tìm được chung với các loại sọ người Công Vọng Linh 公望玲( Kung-wang-ling ) nằm không xa người Lam Ðiền 藍田人(Lantian man) ở tỉnh Thiểm Tây và người Bắc Kinh (Peking man) ở tỉnh Hà Bắc của Trung Hoa.

Ðồng thời tôi cũng chứng minh qua những nhận định của các nhà khảo cổ Trung Hoa như ông Hoàng Vạn Ba 黃萬波 (Huang Wanbo) thuộc viện cổ sinh vật học của viện khoa học Bắc Kinh, nhà khảo cổ Bình Thái Hạo (Ping Ti-Ho) đều cho biết rằng người Lam Ðiền và người Bắc Kinh là những người từ phía Nam đi lên, cũng như những sọ tìm được tại nền văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao) là loại sọ từ Ðông-Nam-Á tức là từ phía Việt-Nam đi lên. Ngoài ra tôi cũng cho thấy ông J.Y. Chu với dẫn chứng về di truyền học mang tên “Genetic Relationships of Population in China” đăng trong tờ Tạp Chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ, đã cho biết rằng, nguồn gốc của người Trung Hoa nói riêng và người Ðông Á (bao gồm người Nhật, Triều Tiên, Trung Hoa) nói chung là do giống người từ Ðông-Nam-Á đi lên.

Ngoài phần khảo cổ và di truyền học, tôi cũng dẫn chứng qua “dân tộc học” dựa vào những truyền thuyết của các giống dân tại vùng Thái Bình Dương như truyền thuyết của bộ lạc ở vùng Banaue của Phi-Luật-Tân cho biết tổ tiên của họ từ vùng Ðông-Nam-Á qua; cũng như truyền thuyết của thổ dân người Úc cho biết tổ tiên của họ từ Ðông-Nam-Á đi xuống.

Sau phần chuyển nhập, tôi vào phần phân tích truyền thuyết họ Hồng Bàng. Phần nầy gồm có định nghĩa Hồng Bàng, minh chứng khởi điểm của họ Hồng Bàng bằng cách so sánh sự phát triển dân tộc Việt đi song song với sự phát triển các dân tộc trên thế giới qua Nhân chủng và Khảo cổ học. Sau họ Hồng Bàng, tôi còn dẫn chứng cho thấy Phục Hi và Thần Nông là những lãnh tụ phát xuất từ miền Nam Trung Hoa đã bị các học giả Trung Hoa coi là “ngoại lai”, tức là không thuộc Trung Hoa vì lý do là không thuộc vùng Trung Nguyên. Cuối cùng tôi còn định nghĩa về nước Văn Lang cũng như dẫn chứng về sự hiện diện của Hùng Vương qua chứng tích “cái qua” được các nhà khảo cổ tìm được ở Hồ Nam có khắc tên vị vua Hùng thứ 14 tên là Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao.

Tóm lại tôi đã định nghĩa, phân tích và giải thích truyền thuyết họ Hồng Bàng qua văn tự chữ Nho, qua dân tộc học với các truyền thuyết khác nhau, qua khảo cổ và nhân chủng học với các xương sọ người và súc vật, cũng như di truyền học của ông J.Y Chu, qua cổ thư Kinh điển, cổ sử là bộ Sử Ký Tư Mã Thiên, tất cả đã được tổng hợp lại để đưa ra một cái nhìn tổng quát cũng như chi tiết về truyền thuyết họ Hồng Bàng, một truyền thuyết duy nhất nói lên nguồn gốc dân tộc Việt, và được xem là có thể tin được qua sự chứng minh của khoa học, cổ thư và cổ sử nói trên.

Bài viết nầy là một tiếp nối tìm hiểu cội nguồn dân tộc để coi ai là những vị tổ sáng lập ra dân tộc, phát triển cũng như bảo vệ và bành trướng dân tộc Việt, mà chúng ta cần phải nhớ tới ngày Giỗ Tổ để ghi ơn các Ngài.

Trước khi dẫn đến kết luận ai là tổ của dân Việt, tôi thiết nghĩ nên trở lại truyền thuyết họ Hồng Bàng.

Trong ngành Nhân chủng và Khảo cổ học, khi tìm hiểu về khởi điểm cũng như phát triển của con người, người ta nhận thấy sự phát triển của con người được chia làm hai thời điểm quan trọng:

  1. Thời chưa định cư tức là thời điểm còn ở các hang động do sự hình thành của thiên nhiên.
  2. Thời định cư và trồng trọt dẫn đến ý hướng thành lập dân tộc và quốc gia.

Hai thời điểm này sẽ được giải thích qua định nghĩa dưới đây về danh xưng Hồng Bàng.

Định nghĩa danh xưng Hồng Bàng

Truyền thuyết họ Hồng Bàng chứng minh cho thấy dân Việt cũng phát triển song song với các sắc dân cùng khắp thế giới. Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng có đưa ra hai thời điểm kể trên qua sự định nghĩa văn tự “HỒNG BÀNG  hoặc .

Ở đây chúng ta thấy có hai chữ Bàng:

  • Chữ Bàng : chữ Bàng đi với bộ Hán tức là sườn núi, nơi nhô ra mà con người có thể trú ở được, hay là các hang động ở núi.
  • Chữ Bàng  đi với bộ Nghiễm tức là cái mái nhà.

Chữ Bàng  gồm có bộ Hán 厂 (sườn núi ) và chữ Long 龍 có nghĩa là Rồng. Ðây là thời kỳ còn là bộ lạc, bộ lạc Bàng  ở các hang động thiên nhiên và lấy Rồng làm biểu tượng; đây là thời kỳ săn bắn và thu lượm, người chồng đi săn thú, bắt thú, người vợ đi hái trái rừng hoặc đào các củ ở dưới đất, thời kỳ nầy dân Bàng đi theo con mồi để sống; súc vật tức là con mồi thì đi theo mùa màng, khí hậu; ở đâu có khí hậu ấm áp, điều hòa thì súc vật tới, và cũng từ đó dẫn con người theo tới.

Chữ Bàng đi với bộ Nghiễm tức là cái mái nhà. Đây nói lên thời định cư của dân Việt, để rồi sau đó chuẩn bị cho thời lập quốc.

Từ thời rất xa xưa, tiền nhân của dân Việt qua hai họ Hồng và Bàng đã biết dùng biểu tượng: họ Hồng  dùng biểu tượng Chim (bộ Ðiểu 鳥 ) và họ Bàng  dùng biểu tượng Rồng tức là bộ Long 龍.

Một số học giả Việt (xin cho phép tôi không nhắc tên) cho rằng biểu tượng Rồng 龍 là của người Trung Hoa, điều nầy không đúng. Họ Hồng Bàng đã xuất hiện từ triệu năm cho đến trước mười ngàn năm (10.000 năm) trước Tây Lịch, đây là thời kỳ chưa định cư; trong khi đó Hoàng Ðế xuất hiện từ 2 đến 3 ngàn năm trước Tây Lịch (sử Trung Hoa xác định là năm Giáp Tý 2637 trước Tây Lịch), có nghĩa là sau họ Hồng Bàng quá xa; thế thì làm sao có thể nói rằng biểu tượng Rồng của họ Hồng Bàng là lấy từ Hoàng Ðế? Làm sao có thể nói rằng biểu tượng Rồng của tiền nhân người Việt lấy từ người Trung Hoa? Nói như thế là không đúng vì nó sai về thời gian tính.

Thời kỳ chưa định cư, còn là bộ lạc rày đây mai đó, ngành Khảo cổ gọi là thời kỳ Canh Tân (Pleistocene), nếu nói về thời tiết dựa vào địa chất học, còn nếu nói về đồ đá thì gọi là thời Cựu Thạch (Paleolithic). Thời kỳ nầy xuất hiện vào khoảng triệu năm cho tới trước 10 ngàn năm. Ðó là thời kỳ của họ Hồng Bàng. Các nhà khảo cổ đã đào được xương và sọ cùng với xương súc vật tại Việt Nam, tại Trung Hoa, tại Mã Lai, Nam Dương v.v… những loại người cổ xuất hiện từ triệu năm về trước rất phù hợp với truyền thuyết họ Hồng Bàng. Ðồng thời ngành khảo cổ còn tìm được các người cổ đi từ vùng Ðông-Nam-Á đi lên Trung Hoa, Nhật Bản, Triều tiên chứng minh qua khảo cổ và di truyền học, ăn khớp với truyền thuyết họ Hồng Bàng!

Tại vì chúng ta không hiểu truyền thuyết họ Hồng Bàng, nên coi nó như là một huyền thoại có pha tính chất thần thoại, rồi đi đến kết luận là khó tin. Ngày hôm nay, qua dẫn chứng của khoa học, cho thấy rằng truyền thuyết họ Hồng Bàng là “khả tín”, tức là có thể tin được.

Ðến vào khoảng 10 ngàn năm trở đi thì các bộ lạc bắt đầu định cư và trồng trọt. Thời kỳ nầy nổi bật nhất là các lãnh tụ Phục Hi, Thần Nông và Nữ Oa. Phục Hi tượng trưng cho thời chăn nuôi và Thần Nông tượng trưng cho thời trồng trọt. Ðiều trớ trêu ở đây là các học giả Trung Hoa coi Phục Hi, Thần Nông và Nữ Oa là các lãnh tụ phương Nam tức là không thuộc vùng Trung Nguyên, và theo Mạnh Tử thì Thần Nông là người “ngoại lai”, tức là người không thuộc vùng Trung Nguyên, như thế không thuộc dân tộc mà các sử gia Trung Hoa tự nhận là “dân Trung Hoa thuần túy”. Qua “chủ thuyết Trung Nguyên” các học giả Trung Hoa cho rằng chỉ có dân tộc thuần túy Trung Hoa phát xuất từ vùng Trung Nguyên, còn các sắc dân khác nằm ngoài vùng Trung Nguyên thì bị xem là bán khai, phải nhờ ánh sáng văn minh của Trung Nguyên mới khai man được.

Các học giả Trung Hoa chia văn hóa Trung Hoa làm hai: vùng Trung Nguyên và vùng ngoài Trung Nguyên.

Vậy vùng Trung Nguyên ở đâu và bao gồm những khu nào?

Theo nhà khảo cổ Trương Quang Trực (Kwang Chih Chang) của Trung Hoa, trong quyển “The archaeology of ancient China tức là Khảo cổ vùng đất cổ Trung Hoa) thì vùng Trung Nguyên được định nghĩa như sau: “In the history of China no other place has been granted the supreme historiographic importance of the Chung-yuan, the Central Plains, at the river basin formed by the confluence of the Yellow River, the Wei-shui River, and the Fenhe River, where the modern provinces of Honan, Shensi, and Shansi join together as the cradle of Chinese civilization”.

Tạm dịch: Trong lịch sử Trung Hoa không có một nơi nào được công nhận quan trọng về sử liệu và địa lý bằng vùng Trung Nguyên, nơi hợp lưu của hai con sông Vị và sông Phần, là chi nhánh của sông Hoàng Hà, mà ngày nay bao gồm các tỉnh Hà Nam, Thiểm Tây và Sơn Tây nhập lại và được xem như là cái nôi của nền văn hóa Trung Hoa. (Xin xem bản đồ).

Chủ thuyết Trung Nguyên được phát triển mạnh mẽ khi các nhà khảo cổ Trung Hoa khởi sự tập trung khai quật, đào móc các vùng phía Bắc Trung Hoa.

Ðến thập niên 1980, với chủ trương chính sách cởi mở, các cuộc đào quật bắt đầu tiến xuống các vùng phía Nam của Trung Hoa, thì người ta nhận thấy chủ thuyết Trung Nguyên khởi sự rúng động và từ từ các học giả nhận thấy chủ thuyết đó không còn đứng vững nữa, sau những khám phá mới ở miền Nam Trung Hoa.

Ở phần sau tôi sẽ trình bày cho bạn thấy chủ thuyết Trung Nguyên phải nhường bước cho văn hóa của tiền nhân người Việt.

Trở lại truyền thuyết; sau thời Thần Nông thì đến Ðế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, ông có hai người con là Ðế Nghi và Lộc Tục. Ðế Minh phong cho Ðế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam lấy hiệu là Kinh-Dương vương. Trong bài “Truyền thuyết và nguồn gốc dân tộc Việt” tôi có chứng minh rằng học giả Trung Hoa khi viết về truyền thuyết của Hoàng Ðế có xác định rằng Hoàng Ðế có đụng trận với nhóm của Thần Nông ở phía Bắc là đế Du Võng (tức là cháu của Ðế Nghi) tại Bản Tuyền (nay thuộc Huyện Trác Lộc, tỉnh Hà Bắc). Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng có ghi như sau: “Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Du (tức là ế Du Võng), cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền..” (trích Lĩnh Nam Chích Quái – do Lê Hữu Mục dịch, trang 44) điều nầy cho thấy truyền thuyết họ Hồng Bàng nói đúng có nhóm Thần Nông phía Bắc.

Ðiểm chính mà tôi muốn bàn trong bài nầy là nhóm Thần Nông ở phía Nam, khởi điểm là Lộc Tục xưng là Kinh Dương vương.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG

Trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, do Nhượng Tống dịch trang 33 có ghi như sau:

KINH DƯƠNG VƯƠNG

Húy là Lộc Tục, dòng dõi họ Thần Nông. Nhâm-tuất năm đầu.

Ðây là lần đầu tiên trong truyền thuyết họ Hồng Bàng xác định rõ năm lên ngôi của một vị vua đầu tiên là Kinh-Dương vương vào năm Nhâm-tuất mà các sử gia người Việt đã tính ra là 2879 trước Tây Lịch.

Trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông Ngô Sĩ Liên xác định rằng sở dĩ ông lấy thời điểm Nhâm-tuất là vì Lộc Tục đồng thời với Ðế Nghi. Ông viết như sau: “Trở lên triều họ Hồng Bàng từ Kinh-Dương vương, thụ phong năm Nhâm-tuất, đồng thời với Ðế Nghi…”( trích Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên do Nhượng Tống dịch trang 39).

Ðiểm làm chúng ta chú ý là trong truyền thuyết, họ Hồng Bàng, Phục Hi và Thần Nông không có xác định thời gian tính. Sở dĩ chúng ta biết được thời gian xuất hiện của họ Hồng Bàng, Phục Hi và Thần Nông là nhờ ngành Khảo cổ và Nhân chủng học, chứ trong truyền thuyết không có xác định thời gian khởi điểm.

Ðến Lộc Tục thì có sự xác định rõ ràng là ông lên ngôi cầm đầu dân tộc Việt vào năm Nhâm-tuất trước Tây lịch. Ðiểm xác định thứ hai là vùng đất ông cai trị là Kinh châu và Dương châu. (Xin bạn coi bản đồ 9 châu trong đó có Kinh châu và Dương châu).

Tài liệu duy nhất nhắc đến Kinh châu và Dương châu là kinh Thư ở phần Hạ Thư  chương Vũ Cống  phần Thượng  có để cập đến việc vua Vũ dựng ra 9 châu gồm có: ( xin coi hình ở trên)

  1. Kí Châu 冀 州,
  2. Ung Châu 雍 州,
  3. Duyện Châu 兗 州,
  4. Thanh Châu 青 州,
  5. Từ Châu 徐 州,
  6. Dự Châu 豫 州,
  7. Lương Châu 深 州,
  8. Kinh Châu 荊 州, 9. Dương Châu 揚 州.

Sau đây tôi xin ghi nguyên văn về Kinh châu và Dương châu, thuộc nước XíchQu của Lộc Tục, trích từ Kinh Ðiển phần Thượng Thư. Dưới đây là Dương châu được ghi như sau:

DƯƠNG CHÂU

淮 海 惟 揚 州.
Hoài hải duy Dương Châu
Dương Châu nằm giữa sông Hoài và biển

Chú thích: Dương Châu phía Tây giáp với Kinh Châu, phía Bắc giáp với sông Hoài và Từ Châu, phía Ðông giáp biển, phía Nam giáp với Mân (Phúc kiến) và Lưỡng Quảng ( tức Quảng Ðông, Quảng Tây).

彭 蠡 旣 豬.陽 烏 攸 居.
Bành Lãi ký trư. Dương điểu du cư.
Hồ Bành Lãi chứa rất nhiều nước. Chim hồng nhạn thường đến tụ tập từng đàn.

Chú thích: Ngày xưa hồ mang tên hồ Bành Lãi, ngày nay hồ mang tên là hồ Bà Dương 鄱陽 湖 (Poyang lake). Tên Bà-Dương là tên của một đảo nhỏ ở giữa hồ gọi là Bà-Dương Sơn 鄱 陽 山,và người ta lấy tên này đặt làm tên hồ.

陽 烏 Dương điểu: Dương 陽 là mặt trời. Ở đây dịch dương điểu là chim hồng nhạn.

三 江 旣 入. 震 澤 底 定.
Tam giang ký nhập. Trấn Trạch để định.
Ba con sông chảy vào. Hồ Trấn Trạch cũng bình định xong.

Chú thích: Ba con sông là sông Tùng giang 松 江,sông Lâu giang 婁 江 và sông Ðông giang 東 江.Ba con sông nầy chảy vào hồ Bành Lãi.

Hồ Trấn Trạch ngày nay gọi là Thái Hồ 太 湖(Great lake) nay ở Tây Nam huyện Ngô tỉnh Giang Tây, rộng 800 dặm.

篠 簜 旣 敷 厥 草 惟 夭,
Tiểu đãng kí phu, quyết thảo duy yểu,
Trúc tiểu và tre đãng mọc đầy khắp nơi, cỏ mọc xanh tốt.

Chú thích: Tiểu 篠 là tên một loại trúc nhỏ dùng làm thân của cây tên để bắn vì nó rất cứng.

Ðãng 簜 là một loại tre rất dài.

Yểu 夭 có nghĩa là dáng dấp đẹp đẽ tươi tốt.

厥 木 惟 喬, 厥 土 惟 塗 泥.
Quyết mộc duy kiều, quyết thổ duy đồ nê.
Cây cối cao to, đất đai ẩm ướt

Chú thích: Ðồ nê 塗 泥 ẩm ướt: vì đất mềm xốp ẩm ướt nên cây cối dễ phát triển.

厥 田 惟 下 下, 厥 賦 下 上,上 錯.
Quyết điền duy hạ hạ, quyết phú hạ thượng, thượng thố.
Ruộng thì thấp, mà lợi tức thu thuế thì xen kẽ từ thấp lên cao.

Chú thích: Ông James Legge, người dịch Kinh điển nhận định rằng: ruộng ở đây được xếp vào hạng chín, thuế khóa thuộc loại bảy hay loại sáu.

Xin chú ý: đây là Hạ thư thuộc thời vua Vũ đời nhà Hạ dựng nên chín châu. Thời Kinh Dương vương có trước, cách nhà Hạ rất xa. Vì không có tài liệu Kinh điển nói đến thời Kinh Dương vương, chỉ có tài liệu Kinh điển trong phần nói về nhà Hạ có giải thích Kinh châu và Dương châu, vì đó tôi dùng làm tài liệu để cho thấy sự trù phú, mầu mỡ của hai vùng nầy. Vì lý do đó mà ở đây bạn thấy có vấn đề đóng thuế lợi tức của ruộng cho nhà Hạ, hay nói đúng hơn là phải triều cống cho nhà Hạ.

Cũng cần nhắc lại người lập ra nhà Hạ là vua Vũ, là tiên tổ của Việt Vương Câu Tiễn, và ở trên đất Trung Hoa chỉ có dân Việt ở vùng Chiết Giang của Việt Vương Câu Tiễn là thờ vua Vũ mà thôi.

厥 貢 惟 金 三 品.
Quyết cống duy kim tam phẩm
Dâng cống kim loại tam phẩm

Chú thích: Kim tam phẩm gồm có ba loại: thứ nhất là vàng được xem là nhất phẩm, kế đến là bạc được xem là trung phẩm và thứ ba là đồng được xem là hạ phẩ m.

瑶 琨 篠 簜, 齒 革 羽 毛 惟 木,
Dao côn, tiểu đãng, sĩ cách vũ mao duy mộc,
Ðá quý, tre trúc, ngà voi, da thuộc, long chim trĩ, lông và các loại gỗ mộc.

Chú thích: Dao côn 瑶 琨 là loại đá ngọc, đá quý, được xem là loại ngọc quý nhất, đẹp nhất mà ngày xưa còn gọi là “mỹ ngọc 美 玉”.

島 夷 卉 服, 厥 篚 織 貝,
Ðảo Di hủy phục, quyết phỉ chức bối,
Người Di ở đảo cống hiến một loại thảo có thể dệt làm quần áo, họ để các loại vải lụa dệt hoa văn trong các chiếc sọt.

Chú thích: Ở đây Kinh điển gọi là Ðảo Di tức là người Di ở đảo. Trong khi đó Sử Ký Tư Mã Thiên thì gọi là Ðiểu Di 鳥 夷. Tôi không biết Ðiểu Di 鳥 夷 có sự trùng hợp với huyền thoại người Chim (Bird man) tại vùng các đảo của Thái Bình Dương hay không, nhưng khi nghiên cứu các sắc dân tại đây thì có huyền thoại người Chim. Ông James Legge thì cho rằng Ðiểu Di là người Di mặc đồ lông chim, tôi tin rằng ông có lý.

Chức bối 織 貝 là loại vải cẩm, ở đây là loại vải có hoa văn.

厥 包 橘 柚 錫 貢.
Quyết bao quất dữu tích cống.
Các loại quýt bưởi (cũng cho vào sọt) để đợi lệnh triều cống.

沿 于 江 海, 達 于 淮 泗.
Duyên vu giang hải, đạt vu Hoài Tứ.
Theo giòng sông Trường Giang (sông Dương tử) ra biển, rồi từ biển đi vào sông Hoài và sông Tứ.

Chú thích: Vì ngày xưa con sông Trường Giang (sông Dương Tử) và sông Hoàng Hà chưa thông với nhau, cho nên để đi nộp cống người ta phải theo sông Trường Giang ra biển, rồi từ đó đi vào sông Hoài và sông Tứ xuôi đến đế đô.

KINH CHÂU

荊 及 衡 陽 惟 荊 州.
Kinh cập Hoành dương duy Kinh châu
Từ núi Kinh (Kinh sơn) và phía Nam của Hoành sơn là Kinh Châu.

Chú thích: Kinh châu về phía đông giáp với Dương châu, phía Tây giáp với Lương châu, phía Nam giáp với Hoành sơn, , phía Bắc là nơi tiếp giáp giữa Kinh sơn và Dự châu.

江 漢 朝 宗 于 海.
Giang Hán triều tông du hải.
Sông Trường giang và sông Hán hòa thông chảy ra biển.

九 江 孔 殷. 沱 灊 旣 道.
Cửu giang khổng ân. Ðà Tiềm kí đạo.
Cửu giang hợp lại. Sông Ðà và sông Tiềm là như con đường (dẫn chảy vào sông Trường giang).

Chú thích: Cửu giang tức là chín con sông gồm có: sông Hàng, sông Tiêm, sông Nguyên, sông Thần, sông Từ, sông Dậu, sông Tương, sông Tư, sông Lễ. Chín con sông nầy bắt nguồn từ mỗi ngọn núi riêng biệt, chảy hợp lại và tạo ra Hồ Ðộng Ðình.

雲 土 夢 作 乂.
Vân thổ Mộng tác nghệ.
Ðất của Vân Mộng nhờ bồi đắp có thể canh tác,cấy trồng.

Chú thích: Ở đây Vân Mộng tách ra làm hai chữ: cái đầm lớn ở phía Bắc sông Trường giang gọi là Vân, và cái đầm ở phía Nam của sông Trường giang gọi là Mộng. Ðúng ra ngày xưa hồ Vân Mộng rất lớn, sau đó khô dần, rồi mới chia làm thành hai cái đầm lớn. Ðất của hồ Vân Mộng cũ nhờ vào sự bù đắp của các con sông nên rất màu mỡ, tốt trong việc canh tác.

厥 土 惟 塗 泥, 厥 田 惟 下 中, 厥 賦 上 下.
Quyết thổ duy đồ nê, quyết điền duy hạ trung, quyết phú thượng hạ
Ruộng đất ẩm ướt, ruộng thuộc thấp trung, thuế thuộc thượng hạ.

Chú thích: Ruộng đất ở đây ẩm thấp, phù hợp với việc trồng lúa nước. Ruộng ở đây thuộc lớp hạ trung tức là hạng tám, thuế khóa thuộc lớp thượng hạ tức là hạng ba.

厥 貢 羽 毛 齒 革,惟 金 三 品
Quyết cống vũ mao sĩ cách, duy kim tam phẩm
Về cống nạp gồm lông chim trĩ, lông, ngà voi, da thuộc, vàng, bạc và đồng,

杶 榦 栝 柏, 礪 砥 砮 丹,惟 箘 簵 楛,
Suân, cán, quát, bách, lệ, chỉ,đế, nỗ, đan, duy khuẫn, lộ, hộ,
Cây suân, cây cán, cây quát (cây cối), cây bách, đá giáp, đá mài, các loại đá làm đầu tên bắn,các loại chu sa, tre khuẫn, tre lộ, cây hộ,

Chú thích: Suân, cán, quát, bách là bốn loại cây. Cây suân: dùng để làm đàn (nhạc), hay làm gọng xe; cây cán dùng để làm cung. Cây quát thích hợp cho việc làm mũi tên. Lệ, chỉ, đế, nỗ là bốn loại đá trong đó có đá nhám và đá mịn để mài dao, ta thường gọi là đá mài. Nỗ là thạch nỗ là một loại đá rất cứng, có thể xuyên thủng cả sắt, thường làm tên đá.

Ðan tức là chu sa, có nhiều màu sắc, dùng để nhuộm.

Tre khuẫn và tre lộ là những loại tre rắn chắc nhỏ dài làm thân của tên và cây hộ để làm đầu mũi tên.

三 邦 底 貢 厥 名,
tam bang để cống quyết danh,
là những đồ vật triều cống nổi tiếng của tam bang

Chú thích: tam bang tức là bao gồm tất cả các nước trong Kinh châu gồm ba loại: nước lớn, nước trung và nước nhỏ.

包 匭 菁 茅, 厥 篚 玄 纁 璣 組,
bao quỹ tinh mao, quyết phỉ huyền huân cơ tổ,
Cây sả được bỏ trong tráp, chuỗi hạt ngọc màu đen và màu hồng được bỏ trong thúng hay rương có nắp. 1

Chú thích: Cây sả dùng vào việc cúng tế, ngâm rượu nên phải bỏ vào tráp để giữ hương thơm.

九 江 納 鍚 大 龜.
Cửu giang nạp tích đại quy
Cửu giang theo lệnh cống nạp rùa lớn

Chú thích: Cửu giang là chín con sông chảy vào Hồ Ðộng Ðình. Trong các dòng sông này có giống rùa lớn, nghe nói giống rùa nầy sống ngàn năm. Loại rùa nầy rất quý nhà vua dùng trong việc bói rùa hay còn gọi là bói sấm.

Tóm lại: Tôi đưa hai châu tức là Kinh châu và Dương Châu để cho bạn thấy sự trù phú của hai châu mà Lộc Tục cai trị xưng hiệu là Kinh-Dương vương, vua nước Xích-Quỷ.

Sau đây tôi làm bản liệt kê về tài nguyên và đặc sản của 9 châu để từ đó bạn có thể truy cứu:

Tên Tài nguyên
1. Kí châuThỗ nhưỡng Ký châu mềm xốp và có màu ngà ngà. Không thấy tài nguyên. Chỉ có câu: 島 夷 皮 服 Di đảo bì phục dịch là người Di ở đảo đem cống áo da. Bạn chú ý, câu nầy lấy lại câu nói về người Di ở Dương Châu, chứ người Di không ở Kí châu vì Kí châu là đế đô. Trong phần Hạ Thư không có nói đến tài nguyên của Kí châu, hoặc Kí châu không có tài nguyên gì quý báu!
2. Ung châuÐặc sản gồm có ngọc quý và đá quý.
3. Duyện châuÐất thích hợp với việc trồng dâu nuôi tằm, chuyên về vải vóc và trồng cây sơn.
4. Thanh châuÐất Thanh châu màu trắng, có bờ biển dài có thể làm muối. Tài nguyên gồm có muối, vải the, loại tơ lụa,đai, chì, gỗ thông, và đá quý ở núi Thái sơn.Chú ý: Dân ở đây là người Di gọi là Ngu Di.
5. Từ châuÐặc sản gồm các loại lông chim trĩ trên núi Vu Sơn, loại đá quý có thể làm khánh, và loại ngọc trai là sản phẩm của sông Hoài.Ðiều đáng chú ý là dân ở đây là người Di, thuộc vùng sông Hoài nên gọi là Hoài Di. Vùng Dương châu, Thanh châu và Từ châu do một giống dân người Di cư ngụ.
6. Dự châuRuộng đất ở đây thích hợp việc trồng ngũ cốc.Ðặc sản gồm có sơn, các loại dây gai bố, các loại vải làm từ sợi gai và loại đá dùng để gõ tạo nên âm thanh , thời xưa gọi là “khánh tích”.
7. Lương châuÐặc sản gồm ngọc quý, sắt, bạc, các loại gang dùng để đúc đồ dùng, đá để làm tên và đá để làm khánh, ngoài ra còn có gấu, gấu ngựa, cáo, mèo rừng, các loại da thuộc và thảm.
8. Kinh châuRuộng đất ở đây ẩm thấp, phù hợp với việc trồng lúa nước.Ðặc sản gồm lông chim trĩ, lông, ngà voi, da thuộc, vàng, bạc và đồng. Bốn loại cây: cây Suân, cây Cán, cây Quát, cây Bách. Cây suân: dùng để làm đàn (nhạc), hay làm gọng xe; cây cán dùng để làm cung. Cây quát thích hợp cho việc làm mũi tên.

Bốn loại đá: Lệ, chỉ, đế, nỗ là bốn loại đá trong đó có đá nhám và đá mịn để mài dao, ta thường gọi là đá mài. Nỗ là thạch nỗ là một loại đá rất cứng, có thể xuyên thủng cả sắt, thường làm tên đá.

Các loại chu sa dùng để nhuộm.

Tre khuẫn và tre lộ là những loại tre rắn chắc nhỏ dài làm thân tên và cây hộ để làm đầu mũi tên.

Cây sả và rùa lớn vua dùng trong việc bói sấm.

9. Dương châuÐặc sản: Vàng, bạc và đồng. Ðá quý, tre trúc, ngà voi, da thuộc, lông chim trĩ, lông và các loại gỗ mộc.Tre tiểu và tre đãng. Tre tiểu 篠 là tên một loại trúc nhỏ dùng làm thân của cây tên để bắn vì nó rất cứng.

Người Di còn có một loại thảo có thể dệt làm quần áo, và các loại vải lụa dệt hoa văn; ngoài ra họ còn có loại quít, bưởi là loại hiếm của thời đó. Ðất mềm xốp ẩm ướt nên cây cối dễ phát triển.

Sau khi xem bản liệt kê trên, chúng ta nhận thấy Kinh châu và Dương châu về tài nguyên và đặc sản, vượt xa hơn bảy châu còn lại trên đất Trung Hoa. Vùng Kinh châu thì có người Man ở và vùng Dương châu thì có người Di ở. Ðiều làm chúng ta ngạc nhiên sau khi coi lại bản liệt kê, chúng ta thấy vùng Dương châu, vùng Từ châu và Thanh châu đều là nơi cư trú của người Di, điều nầy nói lên sự bành trướng của người Di. Vậy có thể thời Kinh Dương Vương vùng Dương châu rất lớn, là nơi cư trú của tất cả người Di mà thời nhà Hạ họ vẫn còn đó.

Khi nói đến người Việt thì người ta gọi là “Man-Di” tức là dân của hai vùng Kinh châu và Dương châu hợp lại; dân Man ở Kinh châu và dân Di ở Dương châu, là vùng do Kinh-Dương vương là Lộc Tục cai trị. Vì vậy mà vị vua Hùng thứ sáu là Hùng Cừ 熊 渠 trị ngôi vào năm 886 trước Tây lịch, tuyên bố một cách dõng dạc rằng (xin coi phần Sở Thế Gia trong Sử Ký Tư Mã Thiên):

熊 渠 曰.我 蠻 夷 也. 不 與 中 國 之 號 謚.
Hùng Cừ viết. Ngã Man Di dã. Bất dữ Trung Quốc chi hiệu thụy.
Hùng Cừ nói rằng: Ta là người Man Di, Không cùng thuỵ thiệu (tên họ) với Trung Quốc.

Vua Hùng Cừ, vị vua Hùng thứ sáu, tuyên bố một cách hãnh diện rằng mình là người Man Di. Vậy chữ Man Di khởi thủy không có nghĩa là mọi rợ, sau nầy học giả Trung Hoa đưa nghĩa mọi rợ vào.

Người đời thường nói: “Giàu sang sanh lễ nghĩa”, vùng Kinh châu và Dương châu là hai vùng trù phú, cho nên mới sanh ra những bậc tài giỏi. Vị vua Hùng thứ 17 là Hùng Thông lấy hiệu là Vũ Vương có tuyên bố với vua của nước Tùy rằng (xin coi phần Sở Thế Gia trong Sử Ký Tư Mã Thiên):

吾 先 鬻 熊. 文 王 之 師 也
Ngô tiên Dục Hùng. Văn Vương chi sư dã.
Tiền nhân của ta là Dục Hùng. Là thầy dạy của Văn Vương (nhà Chu).

Có lẽ bạn ngạc nhiên chứ gì? Sử Ký Tư Mã Thiên ghi rõ ràng, tôi không có bịa ra, bạn tin hay không là tùy ở bạn, là quyền của bạn, nhiệm vụ của tôi là ghi lại để chứng minh đâu là sự thật.

Nhà Chu (còn gọi là nhà Châu) xưng họ là “Thiên tử” tức là “con Trời”, ấy thế mà chỉ xứng đáng là học trò của tiền nhân của dân Việt! Văn Vương là người làm ra “Chu dịch” học từ Dục Hùng, vì đó toàn bộ Kinh Dịch, khởi đầu từ Phục Hi, nằm trong đám con cháu của họ Hồng Bàng, đã lập ra Kinh Dịch, cho tới Văn Vương là học trò của Dục Hùng ( một trong các vị tiền nhân của dân Việt), viết bộ Chu Dịch, tôi xin hỏi Tư Mã Thiên, được coi là “đại sử gia” của Trung Hoa, khi ông viết những điều nầy ông không ngại sao? Làm sao Thiên Tử mà chỉ là học trò của người mà sử Trung Hoa gọi là Man-di đồng nghĩa với “mọi rợ”!

Xin bạn cho phép tôi ngừng ở đây để phân tích câu nói của vua Hùng thứ sáu là Hùng Cừ 熊 渠 trị ngôi vào năm 886 trước Tây lịch. Câu nói đó viết như sau:

熊 渠 曰.我 蠻 夷 也. 不 與 中 國 之 號 謚.
Hùng Cừ viết. Ngã Man Di dã. Bất dữ Trung Quốc chi hiệu thụy.
Hùng Cừ nói rằng: Ta là người Man Di, Không cùng thuỵ thiệu (tên họ) với Trung Quốc.

Câu nói nầy rất quan trọng vì nó tiết lộ cho chúng ta danh từ “TRUNG QUỐC”.

Các sử gia cùng các nhà nghiên cứu của Trung Hoa coi vùng Trung Nguyên là “cái nôi” của nền văn hóa Trung Hoa. Vậy Trung Nguyên 中原 có nghĩa là gì? Trung 中 có nghĩa là giữa, chính giữa; còn nguyên 原 có nghĩa là cánh đồng chỗ đất bằng, vì đó Trung nguyên là nơi đất ở giữa cả nước gọi là Trung nguyên (xin xem tự điển Thiều Chửu, trang 74), từ đó danh từ Trung nguyên được chuyển sang thành danh từ Trung Quốc, tức là nước ở giữa mà gốc của nó chỉ là một cánh đồng ở giữa vì chung quanh là núi!

Bạn coi hai bản đồ ở trên, bạn thấy Trung Nguyên mà sau nầy được gọi là Trung Quốc và China là khác nhau. Vậy nếu dịch danh từ China là Trung Quốc, thì đó là sai hoàn toàn, chứng minh người dịch không biết gì về cổ sử của Trung Hoa! Vì đó phải dịch China là nước của Tần và Chinese là dân của Tần, thì mới đúng. Nhiệm vụ của tôi là sửa lại cho nó đúng để từ đó mọi người mới hiểu được văn hóa Việt, một nền văn hóa chính yếu đã tạo ra văn hóa của vùng Trung nguyên.

Những điều tôi viết ở đây, từ từ rồi tôi sẽ chứng minh cho bạn, để rồi bạn sẽ biết đâu là sự thật trên vùng đất Cổ Việt bao gồm Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam.

Muốn hiểu nền văn hóa Trung Nguyên, bạn phải biết chi tiết về văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao) và văn hóa Long Sơn (Lungshan). Tại sao tôi dùng chữ “chi tiết” ở đây? Thưa là vì các nhà khảo cổ Trung Hoa không tiết lộ đầy đủ cho bạn về hai nền văn hóa đó, có nghĩa là họ không hoàn toàn nói đúng sự thật về hai nền văn hóa đó!

Khi nghiên cứu lại tiền sử của dân Việt, chúng ta nhận thấy rằng tiền nhân của người Việt rất giỏi, Dục Hùng là vị thầy đầu tiên trên đất Cổ Việt (bao gồm Trung Hoa và Việt Nam) dạy cho Văn Vương là vua của nhà Chu mà sử Trung Hoa gọi là Thiên Tử.

Kế tiếp dưới đây tôi xin nói qua về sự liên tục, nối dài của sử Việt.Thưa bạn, lịch sử của dân tộc Việt là một trang sử nối dài, liên kết từ họ Hồng Bàng đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, xin bạn xem tiếp thì sẽ rõ.

Sự tiếp nối từ Hồng Bàng đến Lạc Long Quân và Âu Cơ

Trở lại truyền thuyết, Kinh-Dương vương lấy Long nữ, là con gái của chúa Ðộng Ðình, sanh ra Sùng Lãm lấy hiệu là Lạc Long Quân khi lên làm vua. Vùng hồ Ðộng Ðình nằm trong vùng Kinh châu, ngày nay là tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ở Trung Hoa; Hồ Bắc có nghĩa là phía Bắc của hồ Ðộng Ðình, và Hồ Nam tức là phía Nam của hồ Ðộng Ðình.

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm trứng tức là trăm người con, trong số đó có các vị vua Hùng.

Trong bài “Truyền thuyết và nguồn gốc dân tộc Việt” tôi có định nghĩa và phân tích Lạc Long Quân và Âu Cơ 鷗 姬 cho thấy Lạc Long Quân lấy biểu tượng là Rồng qua chữ Long , và Âu Cơ lấy biểu tượng là Chim qua bộ Ðiểu . Ðiều nầy cho thấy Lạc Long Quân và Âu Cơ qua biểu tượng Rồng và Chim, là sự tiếp nối của họ Hồng Bàng vì Hồng lấy biểu tượng là Chim và Bàng  lấy biểu tượng là Rồng với bộ Long . Qua cái nhìn của Dân tộc học, dưới hình thức của biểu tượng, cho thấy biểu tượng Chim và Rồng tiếp nối và tồn tại từ họ Hồng Bàng đến Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Chẳng những thế, còn một sự tiếp nối thứ hai, là sự tiếp nối từ nước Xích-Quỷ qua nước Văn Lang. Xin bạn xem tiếp thì sẽ rõ.

Sự tiếp nối từ nước Xích Quỷ qua nước Văn Lang

Khi vua Hùng dựng nước Văn Lang thì nước ấy phía Ðông giáp biển Nam, phía Tây tới Ba-Thục, phía Bắc gồm hồ Ðộng Ðình, phía Nam giáp với nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành (trích Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên do Nhượng Tống dịch, trang 35).

Có một điểm quan trọng làm chúng ta chú ý, là khi Lộc Tục tức là cha của Lạc Long Quân, làm vua cai trị hai châu là Kinh châu và Dương châu, và nước của Ngài mang tên là Xích-Quỷ. Về Kinh châu gồm phía đông giáp với Dương châu, phía Tây giáp với Lương châu, phía Nam giáp với Hoành sơn, phía Bắc là nơi tiếp giáp giữa Kinh sơn và Dự châu (xin coi lại bản đồ của 9 châu ở trên). Còn Dương Châu phía Tây giáp với Kinh Châu, phía Bắc giáp với sông Hoài và Từ Châu, phía Ðông giáp biển, phía Nam giáp với Mân (Phúc kiến) và Lưỡng Quảng (tức Quảng Ðông, Quảng Tây).

Lộc Tục làm vua nước Xích-Quỷ, rồi kế tiếp Lạc Long Quân tiếp tục thay cha trị nước (trích Lĩnh Nam Chích Quái, do Lê Hữu Mục dịch, trang 43). Điều này cho thấy Lạc Long Quân cũng tiếp tục làm vua nước Xích-Quỷ.

Sau đó Lạc Long Quân phong cho người con cả là Hùng Vương nối ngôi vua (trích lại Việt Sử Ký Toàn Thư- do Nhượng Tống dịch, trang 34).

Điều này cho thấy Hùng Vương nhận nước Xích-Quỷ từ cha là Lạc Long Quân, sau đó đổi tên nước Xích-Quỷ thành nước Văn Lang.

Khi đến các vua Hùng dựng nước Văn Lang thì nước Văn Lang bao gồm Hồ Ðộng Ðình ở phía Bắc, phía Tây tới Ba-Thục, phía đông giáp biển Ðông, phía Nam tiếp nước Hồ Tôn tức là nước Chiêm Thành, có nghĩa là nước Văn Lang bao gồm Kinh châu và Dương châu, vùng Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay. (Xin xem bản đồ nước Văn Lang).

Như vậy cho thấy các vị vua Hùng đã mở rộng bờ cõi của đất Việt. Trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên có nói nước Văn Lang phía Bắc gồm tới hồ Ðộng Ðình tức là tỉnh Hồ Bắc ngày nay, nhưng ngành Khảo cổ còn đi xa hơn một bước.

Khảo cổ cho thấy nước Kinh, do vua Hùng cai trị, đã chiếm tận đến đế đô của nhà Chu nằm tại Hà Nam thuộc sông Hoàng Hà. Trong quyển “The World Atlas of Archaeology (Bản đồ Khảo cổ thế giới) xuất bản bởi Mitchell Beazley International Ltd, năm 1985, ở trang 264 và 265 có viết như sau: “For a long time the Chinese believed that the plain of Yangtze river did not have its own culture; the people of the Chu Kingdom were called barbarians or “ Manyi”.

Tạm dịch: Ðã từ lâu người Trung Hoa cho rằng vùng đồng bằng sông Dương Tử không tự có một nền văn hóa của chính mình; người dân của vương quốc Sở (chú thích: trước là nước Kinh sau mới gọi là Sở) bị xem như là mọi rợ hay còn gọi là “Man-Di”.

Tài liệu cho biết, khảo cổ đã đào 3,500 ngôi mộ của nước Sở, trong đó có ngôi mộ số 1 và ngôi mộ số 2 nằm ở tận tỉnh Hà Nam thuộc vùng sông Hoàng Hà. Tác giả của The World Atlas of Archaeology viết tiếp như sau: “With the exception of Tomb No 2 from Xiaxi in Henan, dated to about the middle of the 6th century BC, and far removed from the political centre of the Chu…”

Tạm dịch: Với trường hợp ngoại lệ, ngôi mộ số 2 (của nước Sở) nằm tại địa điểm Hạ Tây 夏西(Xiaxi) thuộc tỉnh Hà Nam, chôn vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, một địa điểm ở rất xa trung tâm chính trị của nước Sở…”.

Trong The World Atlas of Archaeology tác giả còn ghi thêm như sau: “Tomb No 1 at Leigudun, situated in the heart kingdom, illustrates the size of the problem.By its irregular plan, its unique layout and its grave goods, this tomb exhibits both Chu influences and profoundly original features”.

Tạm dịch: Ngôi mộ số 1 tại địa điểm Lôi Cổ ôn 擂鼓墩 (Leigudun),(thuộc tỉnh Hà Nam ) nằm tại trung tâm đế đô (ở đây tôi không dịch kingdom là vương quốc mà dịch là đế đô, vì lý do là vào thời vua Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao là vị vua Hùng thứ 14, ở ngôi được 20 năm (khảo cổ đã đào được cái qua có khắc tên vua Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao nầy), thì lúc đó Chu Âu Vương của nhà Chu bị rợ Khuyển Nhung giết, cho nên nhà Chu dời đô qua phía Ðông, và đây là thời Ðông Chu. Vì ngôi mộ số 1 của nước Kinh (Sở), nằm ngay trung tâm của vương quốc nhà Chu, vì đó coi như nằm ngay giữa đế đô), đưa lên tầm quan trọng của vấn đề. (Xin coi hình bản đồ về địa điểm các ngôi mộ). Với lối cấu trúc khác thường và riêng biệt (của ngôi mộ của nước Kinh (Sở), và những đồ đạc khi chết mang theo, ngôi mộ nầy cho thấy ảnh hưởng của nước Kinh (Sở) và đặc tính riêng biệt sâu sắc của nó”.

Ðiều nầy cho thấy các vị vua Hùng đã mở rộng nước xuống phía Nam tới biên giới Chiêm Thành và bung lên phía Bắc, chiếm tới trung tâm đế đô của nhà Chu ở sông Hoàng Hà.

Ngoài ra trong bản đồ, ở trang 265 (ở trong sách ) còn cho thấy rằng những thành lũy kiên cố của nước Kinh (Sở) do các nhà khảo cổ đào được, cho thấy đã đóng tận Hà Nam ở vùng sông Hoàng Hà.

AI LÀ TỔ CỦA DÂN VIỆT

Lịch sử hình thành dân Việt được chia làm hai giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn tiền sử trước khi hình thành dân tộc.
  2. Giai đoạn hình thành dân Việt, mở mang bờ cõi đất nước Việt.

1. Giai đoạn tiền sử trước khi hình thành dân tộc.

Vào thời xa xưa, khi còn thời bộ lạc ở các hang động, chưa định cư và cất nhà, những bộ lạc từ Ðông-Nam-Á theo con mồi đi lên tận miền Bắc Trung Hoa đến Triều Tiên và Nhật Bản. Họ định cư và sống ở đó. Thời gian nầy không có sự phân chia dân tộc nầy, hay chủng tộc khác; không có sự phân biệt người Mã Lai, hay Nam Dương hoặc Việt Nam hay Trung Hoa hoặc Chàm v.v… Họ phát xuất từ vùng Ðông-Nam-Á. Họ sống bằng nghề săn bắn và thu lượm, chồng đi bắt hay săn thú, vợ đi đào củ hay hái trái rừng. Họ sống thành từng nhóm, rải rác khắp nơi. Trong số những người đi lên phía Bắc đó thì có hai bộ lạc lớn họp lại với nhau, một bộ lạc mang tên là Hồng lấy Chim làm biểu tượng, và một bộ lạc mang tên Bàng lấy Rồng làm biểu tượng. Hai bộ lạc nầy xuất hiện từ thời gian nào, chúng ta không biết; họ ra sao, chúng ta cũng không rõ. Nhờ vào ngành Khảo cổ và Nhân chủng học hợp với sự phân tích và định nghĩa văn tự Hồng và Bàng cho chúng ta biết họ xuất hiện trước thời định cư, tức là trước 10 ngàn năm, có nghĩa là trong thời Canh Tân (Pleistocene) hay còn gọi là thời Cựu Thạch (Palaeolithic), kéo từ triệu năm đến 10 ngàn năm. Nguồn gốc dân Việt khởi điểm rất xa xưa qua họ Hồng Bàng. Có thể nói họ là “Sơ tổ” của dân Việt.

Từ Hồng Bàng cho tới Đế Minh là một khoảng trống rất lớn, xảy ra rất nhiều vấn đề trong đó, và trong phạm vi nhỏ bé của bài viết này, tôi không thể nào đưa hết tất cả mọi vấn đề ra ở đây được, tôi chỉ có thể đưa một phần rất nhỏ liên quan đến truyền thuyết họ Hồng Bàng mà thôi, xin bạn thông cảm!

Sau đó đến thời chăn nuôi, định cư và trồng trọt bắt đầu từ khoảng 14 ngàn năm trở về sau nầy, chúng ta thấy xuất hiện Phục Hi, Nữ Oa và Thần Nông. Chúng ta cũng không biết họ như thế nào. Chúng ta chỉ biết Phục Hi tượng trưng cho chăn nuôi và Thần Nông tượng trưng cho trồng trọt qua Khảo cổ và Nhân chủng học. Họ ra sao chúng ta cũng không biết, chỉ biết là họ thuộc vùng Kinh nằm dọc sông Trường Giang (Dương Tử) được xem là miền Nam Trung Hoa. Họ bị các sử gia và học giả Trung Hoa xem như “ngoại lai” tức không thuộc vào dân tộc Trung Hoa.

Rồi đến Ðế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông. Ông lấy Vụ Tiên nữ ở vùng Ngũ Lĩnh còn gọi là vùng Lĩnh Nam. Ông có hai người vợ, người vợ đầu truyền thuyết không nhắc tên, bà sanh ra Đế Nghi; và người vợ sau là Vụ Tiên nữ sanh ra Lộc Tục.

Đế Minh chia vùng đất Cổ Việt bao gồm Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam cho hai người con là Đế Nghi và Lộc Tục. Ðế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam.

2. Giai đoạn hình thành dân Việt, mở mang bờ cõi đất nước.

Lần đầu tiên truyền thuyết họ Hồng Bàng xác định vua đầu tiên là Lộc Tục lên ngôi vào năm Nhâm-tuất, các sử gia của chúng ta tính ra là 2879 trước Tây Lịch. Ðây là thời điểm xác nhận sự hình thành dân tộc với sự xuất hiện của vị vua đầu tiên là Lộc Tục lấy hiệu là Kinh-Dương vương tức là làm vua hai châu gộp lại là Kinh châu và Dương châu. Tên nước của Lộc Tục là Xích-Quỷ. Lộc Tục lấy Long Nữ sanh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sanh 100 trứng nở ra 100 người con, và người con cả trong đó nối ngôi cha dựng nước gọi là Văn Lang tiếp tục cai trị bởi 18 đời Hùng Vương.

Trong phần phân tích ở trên cho thấy Lộc Tục xác định thời lập quốc của dân tộc Việt và Hùng Vương bành trướng đất nước Việt. Bạn và tôi, chúng ta chỉ biết tới đó mà thôi. Câu hỏi được đặt ra ở đây: Ai được dân tộc Việt thờ kính?

AI ĐƯỢC DÂN TỘC VIỆT THỜ KÍNH

Một hôm anh bạn của tôi mang đến cho tôi một quyển sách dày trên 400 trang với tựa đề “Văn hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương”, trong đó có một bức ảnh chụp Lăng Kinh Dương Vương và cho biết có thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lăng nầy hiện ở làng Á Lữ, thuộc Luy Lâu. Nay là Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (xin xem hình).

A. GIỚI THIỆU LĂNG KINH DƯƠNG VƯƠNG, LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ

Tôi xin chép lại nguyên văn trong sách như sau:

“Tương truyền, lăng được xây dựng từ thời Trịnh – khoảng thế k 17. Cũng tương truyền, lăng được sửa đổi nhiều lần.

Bia ở lăng đề: “Minh Mệnh, nhị thập nhất niên” 1840. Có lẽ năm ấy có sự trùng tu quan trọng.

Trong lăng có hai câu đối:

“ Nghĩa Lĩnh cổ kinh thành Ðức Giang kim lăng miếu”

Tức là:

Ở núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) có kinh thành cổ.

Ở sông Ðức Giang (còn gọi sông Ðuống, thuộc Bắc Ninh) có lăng miếu mới.

Khu đất của lăng dài trên 800 thước, rộng 80 thước, hình thoi. Lăng được xây theo kiểu cổ diềm 8 mái, có đao đối, chung quanh có tường chắn.

Từ bãi, phải đi lên chín bậc mới đến sân lăng. Hai bên cửa ra vào có hai con rồng (xây bằng vôi cát). Giữa có lối đi thẳng vào chính tâm. Xung quanh lăng là rừng cây cối tốt tươi.

Lăng rộng mỗi bề 10 thước, bốn gốc có bốn cột trụ, cửa vào có hai cột.

Tại lăng có đôi câu đối:

 “Vạn cổ giang sơn tư tụy tổ Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi”

Tức là:

Từ vạn cổ cả nước non này đã suy nghĩ về ngọn nguồn tiên tổ.

Một nấm mồ nhỏ thôi nhưng trải bao mưa gió vẫn sừng sững một tấm bia hồng.

Trên trán lăng có hai đại tự (chữ lớn) “BẤT VONG” (KHÔNG THỂ MẤT).

Sau đây lời tùy bút của ông Nguyễn Phan Hách viết tiếp trong bài “Lăng mộ thiêng liêng” ở trang 418 – 426, khi ông đi thăm Lăng Kinh Dương Vương. Tôi xin tóm lược như sau:

Suốt dọc các làng tiếng trống hội xuân râm ran. Nơi Chùa Bút Tháp ô tô từ Hà Nội về văn cảnh tấp nập. Tôi dừng lại một nơi cách Bút Tháp 2 cây số trước tấm biển

“Di tích lăng mộ Kinh-Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ”.

Trước mắt tôi, một bãi cát ngoại đê bát ngát. Những lùm cổ thụ gạo và xà cừ. Vòng qua tấm bia “Hạ Mã”, tôi bước vào khu Lăng Mộ. Không gian vắng hoe. Chỉ có mình tôi với chiếc lá vàng và những bông gạo đỏ rụng sớm.

Khu di tích đơn sơ. Một cái lăng nhỏ rêu phong giống hình cái miếu, trong có bia đá chữ Nho ghi rõ đây là di tích mộ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ – THỦY TỔ NƯỚC NAM.

Mộ trước cửa lăng xây nổi hình một cái hương án. Tất cả chỉ có thế. Còn lại là cỏ xanh…

Lòng rưng rưng tôi thắp nén nhang. Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh bọc 100 trứng, trứng nở 100 trai, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển… không một người Việt Nam con Rồng cháu Tiên nào không biết. Và hôm nay, đến đây, lẽ nào tôi quên!

Tôi chỉ muốn bật khóc trước cảnh hiu quạnh. Tiếng trống hội mùa xuân các làng dọc triền đê nao nức thế. Sao riêng đây vắng lặng. Tôi đi nhặt những chiếc lá vàng rơi quanh Mộ, nhặt những bông hoa gạo đỏ, và ngắm làn khói nhang mong manh.

Một bé gái cắt cỏ mom men đến gần xem tôi chụp ảnh.

-Ðây là Lăng Mộ gì cháu nhỉ? Tôi giả vờ hỏi.

– Kinh Dương Vương

– “Ông ta” là ai thế?

– Cháu biết đâu đấy!

– Cháu có biết chuyện cổ tích: “Lạc Long Quân Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng”?

– Có chứ. Truyện học trong sách giáo khoa.

– Ðây chính là di tích của truyền thuyết ấy đấy!

Cô bé cười ngờ vực, chả tin.

Tôi đến bên một bà già đang xới ngô ngoài bãi.

– Khu Lăng, nhiều người thăm viếng không bà?

– Hồi tôi còn bé ở đây có miếu đền to lắm! Hàng năm có tế lễ hội hè. Nhưng rồi đền bị thực dân Pháp đốt trụi chỉ còn thế này. Bây giờ thỉnh thoảng có các cụ trong làng ra thắp hương.

– Bà đi lễ đền Hùng lần nào chưa?

– Có chứ. Ðền Hùng lớn lắm. Ðấy là đất Tổ của nước Nam mình. Phải về lễ Tổ chứ.

– Nhưng thưa bà, Ðức Kinh Dương Vương ở quê mình đây sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm con. Hùng Vương là con trưởng. Như vậy đây cũng là đất Tổ chứ. Sao vắng hoe thế nầy?

Bà lão chớp mắt thoáng buồn:

– Thỉnh thoảng tôi cũng thấy có vài người từ tỉnh về chụp ảnh lăng mộ, nhặt mấy cái lá vàng, mấy bông hoa gạo đỏ, hỏi dăm ba câu chuyện, như anh, rồi sau đó đi, thế thôi…

Bà già đưa tôi qua đê vào làng Á Lữ, cách đó chừng 500 thước.

– Ngoài đê là Lăng Mộ Ngài. Còn trong nầy là đình làng tôi thờ Ðức Ngài – Bà nói.

Trước mắt tôi là khu sân gạch rộng có vẻ như là sân kho thời Hợp tác xã. Không có vẻ giống sân đình, vì quanh đó có thềm nhà văn phòng Ủy ban, hay Hợp tác gì đó…

Còn Ðình và Chùa liền nhau, một dẫy nhà ngói đơn giản như nhà dân. Không phải kiến trúc đình chùa. Không mái cong. Không đắp hình Rồng Phượng. Tôi mở cửa bước vào. Hai cậu thợ mộc đang đục đẽo cạnh đấy bảo:

– Chú đừng vào. Các Ngài ở đây thiêng lắm. Các Ngài sẽ “quở”, sẽ “vật” chú ốm đấy! –

– Tao là đứa con hiếu thảo của Ðức Thủy Tổ. Tao vào để quỳ lạy Ngài chứ tao làm gì mà “vật” tao ốm!

Bọn thợ mộc cười khì:

– Thì cháu tưởng chú vào nhâng nhâng nháo nháo chụp mấy kiểu ảnh rồi tếch thẳng như bao người khác!

Bao người khác là ai? Lòng tôi chợt gợn buồn. Tại sao hàng ngàn làng khác đình miếu nguy nga (mà thần phả bình thường). Còn ở đây Thành hoàng là hẳn THUỶ TỔ NƯỚC NAM, là “ông nội”, là cha và mẹ của Vua Hùng, thì đình chỉ là ngôi nhà ngói vài gian?

Tôi bước vào. Những bức hoành phi câu đối vẫn còn ghi rõ, giải thích rõ ý nghĩa lớn lao thiêng liêng của ba vị tổ tiên dân tộc này. Ðặc biệt là bức Ðại tự “NAM TỔ MIẾU” khá cổ kính.

– Ngày xưa đình cũng nguy nga lắm. Nhưng cũng lại bị Pháp đi càn đốt cháy. Dân đây còn nghèo, nên chỉ tu tạo lại được thế này thôi -Mấy cậu thợ mộc nói.

Phải. Ðâu ai dám trách dân sở tại. Ðây là di tích cả nước phải lo, chứ đâu phải của riêng một làng…

… Mở sách “Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư”, thấy Ngô Sĩ Liên viết: “Kinh Dương Vương là vua bắt đầu được phong của nước Ðại Việt ta, cùng với Ðế Nghi cùng thời, cho nên trong sách này tôi chép Năm Ðầu ngang năm đầu của Ðế Nghi”.

Nếu nói lịch sử nước ta đã trải qua 4000 năm, thì những cái Năm đầu đó phải chăng là thời của Kinh Dương Vương.

Tôi không hiểu nhiều lắm về cổ sử. Mà “vụ này” nào mấy ai đã biết rõ! Chỉ biết nơi đây có lăng, có mộ, có hoành phi “NAM TỔ MIẾU” … nhưng tất cả chưa được tu tạo thỏa đáng.

Và cả tôi nữa. Bây giờ tôi mới giật mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Mão Ðiền – cách Lăng Kinh Dương Vương chỉ 3 cây số. Tôi là nhà văn, trước đó là “nhà nghiên cứu văn hóa” của Ty văn hóa Hà Bắc. Tôi đã đi thăm vài chục ngôi chùa, di tích lịch sử khắp nơi mọi miền đất nước, nhưng bây giờ, đây là lần đầu tiên trong đời tôi đến thắp hương trước Lăng Mộ KINH DƯƠNG VƯƠNG – THUỶ TỔ NƯỚC NAM.

Thế là thế nào? Không còn hiểu ra làm sao nữa?

Tôi có nên buồn không? Và có lo Ðức Ngài quở như mấy cậu thợ mộc ở Ðình Kinh Dương Vương nói không?

Sở dĩ tôi ghi lại bài tùy bút của Nguyễn Phan Hách, cốt ý trước là để chúng ta tự suy nghĩ, sau là để cho chúng ta thấy rằng đến ngày hôm nay không ai để ý đến và cũng không biết đến Lăng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là gì! Các Ngài là những vị “THUỶ TỔ NƯỚC NAM”.

Tôi ước mong bài viết nầy sẽ giúp thêm cho chúng ta hiểu thêm vể Tổ, để đến ngày Giỗ Tổ, các cộng đồng người Việt ở khắp nơi, biết rằng “THUỶ TỔ NƯỚC NAM” bao gồm KINH DƯƠNG VƯƠNG – LẠC LONG QUÂN – ÂU CƠ – VÀ CÁC VUA HÙNG.  

Từ trước đến giờ, chúng ta mỗi lần mừng giỗ tổ chỉ nhắc đến các vị vua Hùng mà thôi, chứ chúng ta không biết rằng dân Việt đã thờ Kinh Dương Dương – Lạc Long Quân – Âu Cơ từ lâu. Trong quyển “Văn Hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương” có ghi là có 138 đình và miếu trên nước Việt Nam thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhưng chỉ có làng Á Lữ thuộc Luy Lâu xưa, nay là Thuận Thành, thuộc tỉnh Bắc Ninh là có lăng Kinh Dương Vương nơi đó thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân và Âu Cơ.

B. ĐỀN HÙNG

Ðền Hùng ở xã Hy Cương, Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.

Khu di tích lịch sử ở trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175 thước.

Ðền với kiến trúc hiện nay về đại thể được tổng đốc Nguyễn Bá Nghi đứng ra xây dựng năm 1874 theo sắc dụ của vua Tự Ðức. Những lần tu sửa đáng kể là vào các năm Duy Tân 6 (1912), Khải Ðịnh 7 (1922) và 1962.

Từ chân núi theo bậc lên cổng đền, qua tam quan, đến đền Hạ, rồi đền Trung và cuối cùng là đền Thượng nơi đó thờ các vị vua Hùng.

Dưới chân núi có đền Giếng thờ hai con gái vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Qua. Ðền có Giếng Ngọc.

Hội đền Hùng tổ chức trọng thể vào ngày 10 tháng 3.

Hai lăng: Lăng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu cơ cùng với Lăng Hùng Vương (Ðền Hùng) là những chứng tích cho chúng ta thấy ai là THUỶ TỔ NƯỚC NAM. Chúng tôi mong đợi trong những ngày Giỗ Tỗ sắp tới chúng ta sẽ nhận định rõ ràng về những vị tổ của dân tộc Việt.

Có lẽ bạn thắc mắc, tại sao dân trong nước không biết gì về Kinh-Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu-Cơ, bạn nói với tôi rằng người Việt tự hào là “Con Rồng cháu Tiên” mà, vậy thì họ là con của ai và là cháu của ai?

Lạc Long Quân lấy Âu-Cơ sinh ra trăm trứng tượng trưng cho 100 người con trai và truyền thuyết gọi là Bách Việt, tức là trăm giống Việt. Trong danh xưng Lạc Long Quân thì có chữ Long có nghĩa là Rồng. Trăm giống Việt đó có người Cha là Lạc Long Quân lấy biểu tượng là Rồng, vì đó gọi là “con Rồng” tức là con của Lạc Long Quân.

Cha của Lạc Long Quân là Lộc Tục và mẹ của Lạc Long Quân là Long nữ. Ông nội của Lạc Long Quân là Đế Minh và bà nội của Lạc Long Quân là Vụ Tiên nữ. Cháu tiên có nghĩa là cháu của bà Vụ Tiên.

Vậy “con Rồng cháu Tiên” có nghĩa là con của Lạc Long Quân và cháu của bà Vụ Tiên. Tất cả những điều này đều nằm trong truyền thuyết, vì đó khi dân Việt nói họ là “con Rồng cháu Tiên” là họ nói theo truyền thuyết họ Hồng Bàng.

Nếu xưng mình là “Con Rồng cháu Tiên”, thế thì tại sao ngày Giỗ Tỗ lại gạt bỏ Lạc Long Quân và Vụ Tiên nữ, không mừng Giỗ của các Ngài?

Ai đã chủ mưu làm cho dân Việt không biết đến tiền nhân trong ngày Giỗ Tỗ? Ai đã chủ ý cắt bỏ truyền thuyết họ Hồng Bàng ra khỏi các bộ sử của Việt Nam? Ai đã cố ý dẹp bỏ truyền thuyết họ Hồng Bàng để dân Việt không còn biết đâu là cội nguồn?

Thưa bạn, đây là một đề tài phức tạp và rộng lớn, cần phải chứng minh và phân tích đầy đủ, để cho dân Việt hiểu tại sao văn hóa và nguồn gốc bị phá hủy tận gốc. Tôi thiết nghĩ bài viết nhỏ bé nầy không phải là chỗ dành cho một đề tài rộng lớn như vậy, xin bạn thông cảm.

Trước khi kết thúc, tôi xin chứng minh cho bạn, điểm vượt trội của văn hóa Việt trên văn hóa Trung Hoa, xin bạn đọc tiếp phần dưới đây:

TRUNG HOA BỎ VĂN HOÁ TRUNG NGUYÊN VÀ CHẤP NHẬN VĂN HOÁ CỦA TIỀN NHÂN NGƯỜI VIỆT

Vào năm 1998, tờ báo Beijing Review số 41 ngày 23-3-1998, là tờ báo của chính quyền Trung Hoa, ở trang 31 có đăng một bài với tựa đề “Archaeology finds give clues to 10,000 year Chinese history (dịch: những khám phá của khảo cổ cho biết lịch sử Trung Hoa lên tới 10,000 ngàn năm)”. Tác giả của bài báo viết như sau:

“Chinese history can now be dated back 10,000 years. This conclusion is drawn by Chinese historians across the Taiwan Straits, disproving the common belief that

China has a 5,000-year civilization which first originated along the Yellow River”

Tạm dịch: “Ngày nay sử Trung Hoa đã được minh định thời gian lên tới 10,000 năm. Ðây là kết luận của các sử gia Trung Hoa qua tới Eo Ðài Loan, bác bỏ niềm tin thông thường rằng nền văn minh Trung Hoa chỉ có 5,000 năm, khởi điểm bắt nguồn từ sông Hoàng Hà”.

Câu kết luận trên đưa ra những thay đổi tận gốc sử và văn minh Trung Hoa:

  1. Bác bỏ nền văn hóa của sông Hoàng Hà trong đó có nền văn hóa Trung Nguyên, và nếu nói rõ hơn là chối bỏ “chủ thuyết Trung Nguyên” mà trước đây học giả kể cả sử gia Trung Hoa, cho rằng vùng Trung Nguyên là văn minh nhất, là “cái nôi” của văn hóa Trung Hoa, vùng nầy đã đem ánh sáng văn minh đến cho tất cả các vùng bán khai chung quanh, bị coi là “man di mọi rợ”.
  2. Chối bỏ “Truyền thuyết Hoàng Ðế được xem là gốc phát xuất dân tộc Trung Hoa, vào khoảng trên hai ngàn năm trước Tây Lịch, khởi điểm từ vùng sông Hoàng Hà.

Nếu đưa 10,000 năm vào thì ai sẽ là tiền nhân của dân Trung Hoa? Chỉ có truyền thuyết họ Hồng Bàng chứng minh được mà thôi!

Câu hỏi ở đây là khảo cổ Trung Hoa tìm được cái gì và ở đâu để đưa văn minh Trung Hoa lên tới 10,000 năm?

Bài báo cho biết vào cuối mùa đông năm 1998, khoảng 50 thành viên là những nhà chuyên môn nghiên cứu về sử Trung Hoa (gồm cả Trung Hoa và Ðài Loan), đã hợp lại tại đảo Hải Nam thuộc lãnh thổ Trung Hoa (Hải Nam, một hòn đảo của Trung Hoa ngày nay nằm gần Việt Nam), đã cho rằng Sử Ký Tư Mã Thiên không đủ để đưa ra một hình ảnh trung thực về sử liệu. Và họ kêu gọi duyệt lại những lời kết luận của sử gia Tư Mã Thiên.

Họ cho rằng các nhà khảo cổ đã tìm được lụa, định tuổi vào khoảng 6,000 năm tại vùng Giang Tô và Chiết Giang (tức là vùng Dương châu, nếu dưa theo truyền thuyết họ Hồng Bàng). Nhưng quan trọng hơn hết là những đổ nát, tàng tích là di tích văn hóa ở địa điểm Bành Ðầu Sơn (Pengtoushan) tại tỉnh Hồ Nam (tức là vùng Kinh châu, nếu dưa theo truyền thuyết họ Hồng Bàng), chứng minh một nền văn hóa cổ có trên 9,000 năm. Ngoài ra các nhà khảo cổ cũng tìm được những đống xương của cá ông và cá mập cùng với các mái chèo đào được tại Hà Mỗ Ðộ (Hemudu) thuộc tỉnh Chiết Giang (tức là vùng Dương châu nếu nói theo truyền thuyết họ Hồng Bàng) và được định tuổi thời gian là 7,000 năm.(Xin coi bản đồ).

Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, cho biết Lộc Tục tức là Kinh-Dương vương làm vua hai vùng Kinh châu và Dương châu, đồng thời là nguyên quán của Lạc Long Quân. Kinh điển gồm có Thượng Thư chứng minh rằng hai vùng Kinh Châu và Dương châu là trù phú, mầu mỡ hơn các vùng khác của 9 châu, về tài nguyên cũng như đặc sản. Bộ Sử Ký Tư Mã Thiên gọi hai vùng là Kinh Man trong phần “Ngô Thái Bá thế gia”. Bộ Trúc Thư Kỉ Niên tìm được trong mộ của vua nước Ngụy gọi hai vùng nầy là Việt (hay là nước Việt). Ngày nay sử gia Trung Hoa gọi hai vùng nầy là nền văn minh lâu đời nhất dẫn tới 10,000 năm, kiến tạo ra văn hóa Trung Hoa!

Tôi xin viết tiếp nguyên văn lời kết của tờ Beijing Review như sau: “These prove that China, instead of being a simple agrarian nation centered on the Yellow River area, is a melting pot of multi-cultures with a history of about 10,000 years”

Tạm dịch: “Tất cả những điều trên chứng minh rằng Trung Hoa, không chỉ là một quốc gia nông nghiệp tập trung ở sông Hoàng Hà, mà còn là một địa điểm pha trộn của nhiều văn hóa khác nhau cùng chung một lịch sử của khoảng 10,000 năm”, điều nầy truyền thuyết họ Hồng Bàng đã chứng minh từ trước!

Hôm nay ngày Giỗ Tổ, tôi đã trình bày cho bạn thấy tầm quan trọng của truyền thuyết họ Hồng Bàng, trong đó họ Hồng Bàng được coi là “SƠ TỔ” của thời chưa lập quốc của dân Việt. Đến giai đoạn lập quốc, thì Lộc Tục cùng cha là Đế Minh và mẹ là Vụ Tiên nữ, cùng vợ là Long nữ, và con là Lạc Long Quân, dâu là Âu Cơ cùng đám cháu là các vị Hùng Vương là “THỦY TỔ” của thời lập quốc, vì đó chúng ta gọi là “Quốc Tổ”, tức là Tổ của thời lập quốc. Đây là Gia phả của dân Việt, mà sau nầy nếu có dịp tôi sẽ bàn đến chi tiết và mở rộng hơn.

Bất cứ một cuộc nghiên cứu nào cũng còn những điểm thiếu sót, bất cứ một việc làm nào cũng cần có những bổ túc, và sửa sai. Thời gian là tư liệu lấp đầy những lỗ hổng, là căn bản trám vào những khuyết điểm, thưa bạn, tôi cần rất nhiều thời gian học hỏi cũng như nghiên cứu thêm để bổ túc những khuyết điểm trong bài viết nầy. Vậy nếu bài viết nầy có gì sơ xuất xin các bậc cao thâm thông cảm và thứ lỗi, tôi xin thành thật rất cám ơn.

Lĩnh Nam ẩn sĩ
Tranh minh họa: Lĩnh Nam chích quái – Tạ Huy Long.

Theo luocsutocviet