Trong lịch sử, hoạn quan chỉ được xem là kẻ hạ đẳng phục dịch chốn hoàng cung. Nhưng nếu là thiên tài thì từ hoạn quan vẫn có thể trở thành anh hùng kiệt xuất. Trong sử Việt đã xuất hiện một người như thế, đó chính là Lý Thường Kiệt.
1. Thiên tài được báo trước
Cháu 5 đời của Ngô Quyền là Ngô An Ngữ làm tướng quân dưới thời vua Lý Thái Tổ. Gia đình ông ở phường Thái Hòa, ngay trước cửa Tây Hoàng thành Thăng Long.
Trong quyển sách “Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam” có ghi chép rằng:
Một hôm vợ của Ngô An Ngữ là bà Hàn Diệu Chi gặp một ông lão. Nhìn thấy Hàn phu nhân, ông lão mừng rỡ nói rằng: “Đêm trước lão xem thiên văn thấy một ngôi phúc tinh sa xuống khu vực này nên định bụng sáng ra đi xem, nay gặp phu nhân lão đã hiểu rõ sự tình. Xin chúc mừng phu nhân. Phu nhân sắp có tin vui rồi. Nhìn sắc mặt, dáng vẻ và cốt cách của phu nhân, lão đoán chắc phu nhân sẽ sinh quý tử. Đây là một con người tuấn kiệt, uy danh lừng lẫy không chỉ mang lại vinh quang cho dòng họ Ngô mà còn là phúc tinh của nước Nam này nữa.”
Đang nói chuyện vui vẻ bỗng ông lão ngập ngừng vẻ khó nói: “Duy chỉ có một điều…” Hàn phu nhân gặng hỏi mãi ông lão mới nói rằng: “Duy có 1 điều e rằng lại không có con nối dõi”. Nói xong, sợ Hàn phu nhân buồn bã, ông lão an ủi: “Nhưng dù chẳng có người nối dõi thì tiếng thơm muôn thuở cũng không dòng họ nào sánh kịp”. Hàn phu nhân ngẩn ngơ với những lời của ông lão, ngoảnh lại đã thấy ông lão đi mất rồi.
Không lâu sau, Hàn phu nhân có mang rôi hạ sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú. Chỉ vài ngày sau khi sinh đứa bé đã nhận biết được cha mẹ, lại rất lanh lợi. Ngô An Ngữ quý lắm, đặt tên cho con trai là Ngô Tuấn với mong muốn sau này con sẽ trở thành người tài ba tuấn kiệt.
2. Tinh thông binh thư kim cổ
Năm Ngô Tuấn 13 tuổi thì mất cha, được người chú rể là Tạ Đức đón về nuôi nấng, học tập đầy đủ cả văn lẫn võ. Ban ngày thì học cưỡi ngựa bắn cung, lập doanh bày trận; đến tối lại nghiên cứu các binh thư kim cổ cùng sách Nho gia, Phật gia đủ cả. Yêu mến đứa cháu có chí hướng, Tạ Đức còn đem cô cháu gái tên là Tạ Thuần Khanh gả cho Ngô Tuấn.
Năm 17 tuổi thì Ngô Tuấn mất mẹ, sau đó con đường sự nghiệp được khởi dầu bằng chức Kỵ mã hiệu úy – một chức quan nhỏ trong lực lượng kỵ binh của quân đội.
Dù đã có vợ nhưng Ngô Tuấn suốt ngày nghiền ngẫm binh thư, nên ít có thời gian để ý đến vợ, vì thế mà suốt mấy năm liền vẫn chưa có con.
3. Diện kiến nhà Vua
Càng lớn thì ai cũng thích được chơi với Ngô Tuấn vì dáng vẻ khôi ngô và sự tài giỏi. Năm 1041, vua Lý Thái Tông trong khi đi săn đã tình cờ gặp chàng kỵ mã Ngô Tuấn. Vua lấy làm yêu mến tài năng của Ngô Tuấn nên rất muốn ông nhập cung hầu cận, nhưng nếu như thế thì phải “tự yếm”.
Nhưng biết Ngô Tuấn đã có gia đình nên nhà Vua nói: “Ta thấy ngươi hình dung mạo tuyệt vời, lại cưỡi ngựa bắn cung giỏi, ta rất muốn bổ ngươi vào ngạch thị vệ để luôn hầu cận bên ta. Nhưng muốn vào cung ngươi phải tự yếm. Tuy nhiên ta biết ngươi đã có gia đình. Vậy ngươi hãy tự quyết chứ ta không ép”. Ngô Tuấn xưa nay rất chăm chỉ học hành, nghĩ rằng đây là dịp tốt để có cơ hội dùng đến tài năng và kiến thức mà ông đã có được nên bằng lòng với Vua.
Ngô Tuấn về bàn với vợ, quyết định vào cung, còn vợ sẽ đi tìm hạnh phúc khác. Tạ Đức khi biết tin cũng giận dữ, nhưng nghĩ lại là ý Vua cũng khó từ chối, nên ông cũng đứng ra giúp đỡ Ngô Tuấn giải quyết chuyện với vợ mình để nhập cung. Và từ đó Ngô Tuấn trở thành thái giám trong cung đình.
4. Đổi sang họ Vua
Ban đầu Ngô Tuấn chỉ là một thái giám làm việc lặt vặt hầu cận bên Vua. Nhưng với tài năng của mình, ông đã lập được nhiều công lao và nhanh chóng chiếm được cảm tình trong hoàng tộc nhà Lý. Vì thế mà nhà Lý quyết định đổi ông từ họ “Ngô” sang họ “Lý” (tức mang họ của Vua) với tên gọi là Thường Kiệt. Bắt đầu từ đấy Lý Thường Kiệt đã ghi dấu tên tuổi của mình vào lịch sử
Với tài năng kiệt xuất, ông nhanh chóng được thăng đến chức Bổng hành quân hiệu úy – một chức võ quan cao cấp của triều đình. Năm 1053 ông được phong làm Nội thị sảnh đô tri khi 35 tuổi.
5. Những chiến công rạng danh lịch sử
Phía Nam đánh Chiêm thành, bắt vua Chiêm
Năm 1061 người Mường ở biên giới Thanh Hóa, Nghệ An quấy rồi, Lý Thường Kiệt được lệnh đi dẹp loạn. Thế nhưng ông chủ trương không dùng bạo lực, mà cố gắng thu phục nhân tâm. Từ đó ông đã thu phục được dân Mường, giúp ổn định vùng biên giới phía Nam.
Năm 1064, vua Chiêm Thành là Chế Củ (tức Rudravarman III) xây dựng quân đội mạnh mẽ, liên minh với nhà Tống tiến đánh Đại Việt. Lúc này Đại Việt gặp nguy khi phía Bắc bị Tống uy hiếp, phía Nam Chiêm Thành cũng lăm le xâm phạm. Để phá thế liên minh Tống – Chiêm, vua Lý Thánh Tông quyết định đem binh tiến đánh Chiêm Thành trước.
Tháng 2/1069, vua Lý Thánh Tông dẫn 5 vạn quân theo đường thủy tiến đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt được cử làm tướng đi tiên phong. Mọi việc ở nhà giao cho Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính, thái sư Lý Đạo Thành trợ giúp.
Thủy quân vua Lý đến Nhật Lệ thì gặp quân Chiêm Thành đánh chặn nhưng bị quận Đại Việt đánh bại. Quân Việt không đổ bộ vào Nhật Lệ mà theo đường thủy tiến thẳng vào kinh đô Chiêm Thành là thành Phật Thệ (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay).
Quân Chiêm trên sông Tu Mao chặn quân Đại Việt. Tướng tiên phong Lý Thường Kiệt cho quân tiến đến đánh bại quân Chiêm. Tướng chỉ huy quân Chiêm cùng 3 vạn quân bị tiêu diệt.
Thừa thắng, Lý Thường Kiệt đem quân tiến thẳng vào kinh thành, đang đêm vua Chế Củ bỏ trốn vào phía Nam. Quân Đại Việt chiếm được kinh thành, Lý Thường Kiệt đưa quân đuổi theo vua Chiêm.
Vua Chiêm chạy trốn đến biên giới với Chân Lạp thì không dám vượt sang vì có hiềm thù với Chân Lạp, nên phải đầu hàng Lý Thường Kiệt. Sau đó Vua Chiêm phải dâng 3 châu cho Đại Việt.
Sau chiến công này Lý Thường Kiệt được phong Phụ quốc thượng tướng quân tước Khai quốc công. Không lâu sau lại được thăng lên Thái úy, nắm toàn bộ binh quyền cả nước.
Phía Bắc tiến sang đất Tống, đánh đến tận Ung Châu
Sau khi Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi mới 7 tuổi, thái hậu Ỷ Lan nhận được tin từ Khu Mật Viện báo quân Tống chuẩn bị kế hoạch đánh Đại Việt, quân lương tập trung ở Ung Châu.
Thái hậu Ỷ Lan nghĩ rằng phải tiến đánh Ung Châu trước khi quân Tống tiến sang. Bà bàn việc này với Lý Thường Kiệt và được ông ủng hộ. Kế hoạch đánh Ung Châu được tiến hành và đặt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.
Năm 1075 quân triều đình của Lý Thường Kiệt cùng quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số tiến đánh sang đất Tống.
Tiến đánh Ung Châu được xem là một trong những chiến công hiển hách nhất trong sử Việt, lấy tấn công trước để phòng thủ, quân Đại Việt chiếm nhiều Châu Trại trên đất Tống như Khâm Châu, Liêm Châu, Lộc Châu, Bạch Châu, Ung Châu. Quân Tống đại bại, hàng chục tướng nhà Tống bị tử trận.
Chiếm được Ung Châu rồi, quân Việt thiêu hủy kho lương, phá hủy các căn cứ quân sự, lấy đá chặn tuyến đường giao thông trên sông rồi rút quân.
Trận đánh của Lý Thường Kiệt khiến nhà Tống mất mặt đến mức quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt để phục thù.
Cuộc chiến bảo vệ giang sơn
Đầu năm 1077 tướng Tống Quách Qùy dẫn 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, trong đó có 10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen. Lý Thường Kiệt chỉ huy toàn quân Đại Việt bước vào cuộc chiến bảo vệ giang sơn.
Quân Tống chia hai đường thủy bộ tiến đánh. Đường thủy, quân Tống dùng hàng trăm chiến thuyền tiến sang Đại Việt, khi đến Đông Kênh thì bị thủy binh Đại Việt mai phục sẵn tiến đánh, hàng trăm chiến thuyền quân Tống bị đánh chìm, hàng vạn quân Tống bị tiêu diệt. Tướng Tống là Dương Tùng Tiên phải cho các thuyền còn lại quay đầu bỏ chạy để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Lý Thường Kiệt dùng quân chủ lực chặn quân Tống tại sông Như Nguyệt, đây là con sông kéo dài chắn ngang đường tiến xuống phía nam, ông đã tính rằng quân Tống không còn thủy binh thì sẽ khó qua sông.
Quách Quỳ chờ thủy binh không được đành tự đóng thuyền rồi cho quân vượt sông, nhưng lần nào cũng bị đánh bại, phải ra lệnh không vượt sông nữa, cố thủ chờ thêm viện binh.
Lý Thường Kiệt chờ cơ hội chín muồi thì cho quân vượt sông đánh Tống và thắng lớn. Lúc này quân Tống bị tiêu diệt quá nửa, lương thực đã cạn. Lý Thường Kiệt liền cho người mang thư tới nghị hòa, quân Tống đang tuyệt vọng nên đồng ý và rút quân về nước.
Trong cuốn “Nhị Trình di thư” của nhà Tống có ghi chép về việc này rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?” Như vậy đủ thấy tình trạng của quân Tống lúc bấy giờ.
Sau khi quân Tống về nước, kiểm lại binh mã thì 10 vạn quân chủ lực chỉ còn lại 23.400 lính; 20 vạn phu phen còn lại chưa đầy một nửa.
Cuộc chiến của Lý Thường Kiệt và quân dân Đại Việt đã đập tan ý chí Nam tiến của quân Tống, khiến nhà Tống từ đó không dám ngó ngàng dải đất phương Nam nữa.
6. Cúc cung tận tụy đến chết mới thôi
Năm 1104 vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân tiến đánh, chiếm lại các vùng đất mà vua Chế Củ đã nhượng lại cho Đại Việt trước đây. Lý Thường Kiệt lúc này đã 86 tuổi vẫn cố sức gượng dậy, đưa quân về phía Nam đánh bại quân Chiêm Thành. Chế Ma Na phải nộp lại đất cho Đại Việt. Sau chiến công này, sức khỏe Lý Thường Kiệt giảm nhiều do tuổi già, một năm sau thì ông mất.
Lý Thường kiệt sinh thời trong bối cảnh Đại Việt bị kìm kẹp giữa liên minh Tống – Chiêm, giang sơn có thể bị mất bất kỳ lúc nào. Thế nhưng sự xuất hiện của ông vào đúng thời điểm lịch sử này không chỉ giúp giang sơn Đại Việt được giữ vững, mà những cuộc tấn công “bình Chiêm, phạt Tống” của ông khiến bờ cõi được mở mang, Chiêm Thành quy phục, Tống triều phải nể sợ.
“Đây là 1 con người tuấn kiệt, uy danh lừng lẫy không chỉ mang lại vinh quang cho dòng họ Ngô mà còn là phúc tinh của nước Nam này nữa”
Câu nói của vị cao nhân biết quan sát thiên tượng ngay trước khi Lý Thường Kiệt sinh ra đã trở thành sự thật. Trong thời điểm khó khăn, Thiên thượng đã để ông giáng sinh ở nước Nam để ghi lại dấu ấn lịch sử xán lạn cho con dân Đại Việt.
Trần Hưng
trithucvn