Tôi muốn nói về cuốn Hình Ảnh Bảo Đại, Các Chính Khách Quốc Gia Và Hội Nghị Hương Cảng 1947 (HABĐ) của Nguyễn Khắc Ngữ, do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản ở Gia Nã Đại năm 1991. Tôi tình cờ bắt gặp cuốn này tại Thư Viện Martin Luther King của thành phố San Jose (California), trong khu sách tiếng Việt.

Vua Khải Định

Tác giả là một nhà biên khảo Sử Địa quen thuộc tại miền Nam từ trước 1975. Cuốn sách trình bày và chú thích một số hình ảnh do tác giả sưu tầm được về các đề tài như đã nêu ở tựa sách. Sách cung cấp những hình ảnh hiếm thấy, hoặc chưa hề được xuất bản, nên đấy là những tài liệu sống động, rất hữu ích cho các nhà biên khảo lịch sử và xã hội Việt Nam. Điều đáng tiếc là vì một lý do nào đó – có thể là do thiếu tài liệu – tác giả đã chú thích sai lạc, đặc biệt là phần đầu, những hình ảnh về Huế, về triều Nguyễn, rút ra từ những sách báo của Pháp xuất bản trong thời Pháp thuộc.

E rằng điều này sẽ dẫn đến những hậu quả sai lầm dây chuyền về sau nên tôi không ngại kiến thức hạn hẹp, xin dẫn chứng chỗ sai và đề nghị nói lại cho đúng.

Vua Khai Dinh Dung Bua

Hình 4. Vua Khải Định dùng bữa (sách đã dẫn, Sđd., tr.8 )

Nói rằng vua Khải Định đang dùng bữa thì không sai — vì vua đang ngồi tại bàn ăn, có người hầu — nhưng không chính xác, vì tài liệu cho biết đây không phải là bữa ăn thường.

Hình này đã được đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H.), số 2, tháng 4-6 năm 1924, với ghi chú: Planche LV.- Le Quarantenaire de S.M. Khai Dinh: Empereur (Phụ bản 55: Lễ Tứ Tuần Vua Khải Định: Hoàng Đế). Đây là một trong những phụ bản đính kèm bài viết của H. Délétie, Episode des Fêtes du Quarantenaire de S.M. Khai Dinh (Các giai đoạn trong lễ Tứ Tuần của vua Khải Định).

Bài viết cho biết lễ chính thức diễn ra ngày 29/9/1924 tại điện Thái Hòa, nhưng ngày trước đó, vua đã đãi tiệc các quan lớn trong Đại Nội. Ngoài ra, mục Ephémérides Annamites (Lịch Triều đình Huế) của Hồ Đắc Hàm đăng trên B.A.V.H., số 3, năm 1925, trang 203, có ghi rằng: Ngày 28/9/1924, nhằm ngày 30 tháng 8 năm Khải Định thứ 9, vào lúc 10 giờ sáng, vua đãi tiệc các quan tại Điện Cần Chánh.

Như vậy, dù không có chú thích rõ ràng ảnh chụp vào lúc nào trong dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh năm 1924, nhưng những bằng cớ gián tiếp vừa nêu cho chúng ta hiểu rằng đây là hình chụp vua Khải Định đang chủ tọa tiệc khoản đãi các quan lớn của triều đình Huế tại Điện Cần Chánh vào dịp mừng thọ nhà vua được 40 tuổi (Tứ Tuần Đại Khánh). Kèm theo đây là hình chụp cảnh các quan đang dự tiệc vào dịp đó, cũng tại Điện Cần Chánh, để làm mạnh thêm dẫn chứng của tôi.

Về việc dùng bữa của Vua Khải Định, tôi có ghi lại trong bài viết Chuyện Cung Đình nghe kể lại (niên san Tiếng Sông Hương, Dallas, 1997. Phụ lục 1 trong sách này hoặc www.khoahoc.net/baivo/vohuongan/chuyencungdinhnghekelai.htm)dựa vào ký ức của thầy tôi, một Thị Vệ của Vua Khải Định.

Vua Khai Dinh Thi Ve

Tu Cung Hoang Hau
Hình 5. Từ Cung Hoàng Hậu vợ Vua Khải Định (sách đã dẫn. tr. 9)

Chú thích này có hai điểm sai.

Thứ nhất, người trong hình không phải là bà Từ Cung, vợ thứ hai của vua Khải Định, thân mẫu của vua Bảo Đại. Người trong hình là bà Hồ Thị Chỉ, con gái của quan Học Bộ Thượng Thư Hồ Đắc Trung, được Vua Khải Định cưới làm chánh phi (vợ chính) vào tháng 12 năm 1917, và phong ngay làm Nhứt Giai Ân Phi. Người Huế thường gọi là Bà Ân. Bà này không có con. Trong bài viết Chuyện Cung Đình Nghe Kể Lại (Tiếng Sông Hương, Dallas, 1997) tôi có viết vài dòng về cuộc hôn nhân của bà.

Trên website http://nguyentl.free.fr/index.htm, một hình tương tự đã được đưa lên với chú thích ban đầu khá mơ hồ, “Một bà hoàng hậu”, nhưng sau đó, có lẽ nhờ có tin tức mới, nên tác giả đã sửa lại và ghi rõ rằng “Bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ, vợ của Vua Khải Định (theo ông Nguyễn Duy Chính ở Việt Nam)”. Sự cập nhật hóa đó rất đáng quý.

Thứ hai, sai lầm về cách gọi. Nói “Từ Cung Hoàng Hậu, vợ Vua Khải Định“ là không được chỉnh. Lý do sẽ được trình bày rõ ràng khi nhận xét về Hình 12, hình của bà Từ Cung thật.

Tu Cung Vinh Thuy

Hình 12. Hoàng Tử Vĩnh Thụy và mẹ là Hoàng Hậu Từ Cung (Sđd., tr.14)

Về bức hình này, nội dung đúng như chú thích, vì đó là hai mẹ con, nhưng cách gọi thì không chỉnh, như đã nêu trong Hình 5.

Và, một cách chính danh, thì triều Nhà Nguyễn không có nhân vật nào gọi là Hoàng Hậu Từ Cung cả.

Triều Nhà Nguyễn có 13 đời vua, chỉ có hai đời lập Hoàng Hậu, đó là Vua Gia Long (đã lập bà chánh phi họ Tống, mẹ của Hoàng Tử Cảnh, làm Hoàng Hậu vào năm 1806, tức Thừa Thiên Hoàng Hậu) và vua Bảo Đại (lập Nam Phương Hoàng Hậu). Còn các đời vua khác, đều tuân theo qui định của vua Minh Mạng, không lập Hoàng Hậu. Vợ chính thức được phong tới bậc Phi mà thôi, ví dụ bà Ân Phi, vợ chính của vua Khải Định, như đã nói ở trên.

Vua Khải Định khi chưa làm vua, là một ông hoàng với tước Phụng Hóa Công, đã ăn ở với bà Hoàng Thị Cúc, xuất thân bình dân, không cưới hỏi, sinh ra một người con trai vào năm 1913, đặt tên là Vĩnh Thụy. Năm 1916, sau khi lên làm vua, vua Khải Định đã phong cho bà Hoàng Thị Cúc làm Tam Giai Huệ Tân (1917), rồi thăng dần lên Nhị Giai Hữu Phi (1918), và cuối cùng là Nhất Giai Huệ Phi (1923). Bà Hồ Thị Chỉ tuy là kẻ tới sau (đám cưới vào tháng 12 năm 1917) nhưng danh nghĩa to lớn vì xuất thân thế gia, lại được triều đình chính thức cưới hỏi nên được phong ngay Nhất Giai Ân Phi, làm vợ chính.

Chỉ sau khi làm vua (sau1925) vua Bảo Đại mới tấn tôn mẹ làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Đó là tước vị chính thức, còn trong đời sống thường thì giới cung đình cũng như ngoài dân chúng, gọi bà là Đức Từ Cung, hay có khi chỉ vắn tắt là Đức Từ, một cách đơn giản để gọi bà mẹ của ông vua đang tại vị. Điều đó cho ta hiểu rằng chỉ sau khi vua Khải Định mất (1925), danh xưng Từ Cung mới xuất hiện.

Vì vậy, tôi nghĩ, nếu nói về mối quan hệ giữa hai người trong hình, thì nên chú thích: Hoàng Tử Vĩnh Thụy và mẹ là bà Huệ Phi, tức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu sau này (tục gọi là Đức Từ Cung).

Vua Vinh Thuy

Hình 13. Hoàng Tử Vĩnh Thụy ngồi với bà nội, Hoàng Thái Hậu, và vua cha, Hoàng Đế Khải Định (Sđd., tr.15)

Cách chú thích tấm hình này cũng không được chỉnh, sơ suất cũng như trong trường hợp Hình 12 ở trên.

Nên viết: Vua Khải Định, với mẹ ruột, Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu (tục gọi là Đức Tiên Cung) và con là Hoàng Tử Vĩnh Thụy.

Vua Khải Định có hai bà mẹ. Khi lên làm vua, ông đã tấn tôn mẹ đích (vợ chánh của vua Đồng Khánh) làm Khôn Nguyên Hoàng Thái Hậu, thường gọi là Đức Thánh Cung; và tấn tôn mẹ ruột (vợ thứ của vua Đồng Khánh) làm Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu, thường được gọi là Đức Tiên Cung. Khi lên làm vua, Vua Bảo Đại đã tấn tôn hai bà nội lên làm Thái Hoàng Thái Hậu. Do đó, nên lấy vua Khải Định làm chuẩn để chú thích thì nghe thuận tai hơn.

Dong Nhon

Hình 23. Tượng thần bằng đồng (Sđd., tr.20)

Đây là tượng đồng nhân, nghĩa là tượng người bằng đồng, dùng trong lễ Tế Nam Giao của triều Nguyễn, chứ chẳng phải tượng thần nào cả. Hình này đã xuất hiện hai lần trong tập san B.A.V.H., số chuyên đề về Tế Nam Giao (Số 2 năm 1915, và số 1 năm 1936).

Theo điển lệ Nhà Nguyễn, bốn ngày trước ngày tế, Bộ Lễ rước tượng đồng nhân vào hoàng cung hoặc trai cung (nhà tại Đàn Nam Giao để vua tạm trú chờ cử hành lễ tế) để vua bắt đầu một cuộc trai giới ba ngày, giữ mình trong sạch, chuẩn bị lễ tế thiêng liêng. Tượng là một hình người mặc lễ phục, đứng thẳng, hai tay chắp lại, cầm thẻ bài có khắc hai chữ “trai giới”. Trong thời gian trai giới, tượng được để trước mặt vua, có công dụng giúp cho vua tập trung nghĩ tưởng điều trong sạch.

Ky Dai

Hình 25 Kỳ đài khi đoàn Kỵ Binh Hoàng Gia diễn hành (Sđd., tr.21)

Kỳ đài, tức Cột Cờ, như dân Huế thường gọi, là đúng, nhưng tôi tìm hoài mà chẳng thấy cái gọi là “Đoàn Kỵ Binh Hoàng Gia” ở đâu cả. Trên các bản đồ vẽ kinh thành Huế cũng như trên các bài viết, khi nói về Kỳ đài, người Pháp thường ghi là “le Cavalier du Roi”, và đó là lý do có chú thích “đoàn Kỵ Binh Hoàng Gia”.

Tác giả không cho biết trích từ tài liệu nào. Căn cứ vào bài viết về lễ Tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định (1924) cùng những hình ảnh đi kèm đăng trong B.A.V.H., số 2, năm 1925 — như đã dẫn, khi nhận xét về Hình 4 ở trên — có thể nói không sợ sai rằng đó là cảnh dân chúng kinh đô đi xem triển lãm các lễ vật do các quan và các địa phương dâng mừng nhà vua vào dịp lễ Tứ Tuần.

Vào dịp lễ này, quan lại và các địa phương đều có dâng lễ vật để mừng thọ. Nhà vua cho dựng tám cái nhà theo kiểu xưa, chia làm hai dãy, toàn bằng cót nhưng sơn vẽ như thiệt, ngay truớc sân Ngọ Môn (sau Kỳ Đài), để chưng bày các lễ vật đó, và mở cửa cho dân chúng vào xem.

Sau đây là hình toàn cảnh cuộc triễn lãm, trích từ B.A.V.H, trong số báo đã dẫn.

Ky Dai1

Quan Vu

Hình 38. Quân vũ (múa quân) (Sđd.; tr. 30)

Tác giả không ghi xuất xứ tấm hình, nhưng tôi tin rằng đây là hình chụp đội múa võ đang chuẩn bị trình diễn để dâng cúng trong lễ Tế Nam Giao.

Trong suốt mấy chục năm tồn tại trên kinh đô Huế, tập san B.A.V.H. đã hai lần dành hai số cho chuyên đề Tế Nam Giao, do hai cây bút chủ lực là R. Orband và L. Cadière phụ trách. Lần thứ nhất đăng ở số 2 năm 1915, và lần thứ hai tái bản có bổ sung, đăng trên số 1 năm 1936. Bài viết và hình ảnh rất giá trị. Trong các hình ảnh đó có hình tương tự như trên.

Bộ phận ca-vũ-nhạc của Nhà Nguyễn được thành lập, ban đầu gọi là Thanh Bình Thự, sau đổi tên là Võ Can Thự, rồi cuối cùng là Ban Ba Vũ (từ đời Đồng Khánh, 1885-1889, trở đi). Ca-múa-nhạc không phải chỉ để giải trí cho hoàng gia mà còn là một bộ phận không thể thiếu trong nghi lễ của triều đình. Trong Tế Nam Giao, tùy giai đoạn phải có múa võ và múa văn.

“Vũ sinh chia làm hai đội, múa võ trước, múa văn sau. Đội võ 64 người, 8 hàng, người cầm đầu mang cờ Tiết, đội văn cũng chừng ấy người, người cầm đầu mang cờ Mao. Vũ sinh đội võ một tay cầm mộc sơn son thếp vàng, một tay cầm búa (bằng gỗ) vừa hát vừa múa, lên xuống trong vị trí 8 hàng hay di chuyển thành đội hình tám hướng.” (Phương Anh Trang, Vang Bóng Một Thời: Các Điệu Múa Cung Đình, Tiếng Sông Hương, Dallas, 1994, p.114)

Vì vậy, đề nghị nên chú thích rằng: Ban Ba Vũ múa võ trong lễ Tế Nam Giao năm… thì có lẽ rõ ràng hơn là nói rằng “quân vũ” hay “múa quân”, vì chữ dùng không đúng. Hình sau đây trích từ B.A.V.H, cho thấy một vũ sinh trong trang phục múa võ cùng các trang cụ cần thiết.

Vu Mua

Ninh Dien

 

Hình 39. Ninh Điện, nơi bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu ở. Sau điện này bị hư, bà phải sang ở Vạn Thọ Cung (Sđd. tr. 31)

Hình này được chú thích khá dài, chứng tỏ tác giả biết được nhiều tin tức, nhưng sai lầm hoàn toàn về nhiều điểm; thật đáng tiếc.

Thứ nhất, lâu đài trong hình không phải là Ninh Điện, mà là Cung An Định; dòng sông trong hình là sông An Cựu. Nhà nhiếp ảnh đã đứng dưới sông chụp lên để lấy toàn cảnh Cung An Định. Người Huế, nếu quen thuộc cố đô, nhìn bức hình này có thể nhận diện được ngay. Cái tháp nổi trên sông cho phép chúng ta suy đoán rằng hình này được chụp vào một dịp lễ nào đó khá quan trọng nên có trang hoàng cờ xí và có kết thuyền hoa.

Tiền thân của Cung An Định là Phủ Phụng Hóa, do vua Đồng Khánh (1885-1888) xây cho Hoàng Trưởng Tử là Phụng Hóa Công Bửu Đảo. Sau khi trở thành Vua Khải Định (5/1916), nhà vua đã cho xây dựng lại, to lớn, đẹp đẽ hơn, theo kiểu thức phối hợp Âu-Á, với vật liệu và kỹ thuật xây dựng mới du nhập từ Phương Tây, và đổi tên thành An Định Cung, dành cho Đông Cung Thái Tử Vĩnh Thụy.

Thứ hai, trong danh mục các cung điện của cố đô Huế không có một kiến trúc nào mang tên là Ninh Điện hay Vạn Thọ Cung cả.

Chúng ta thường nghe nói đến Tam cung lục viện. Về mặt kiến trúc, triều Nguyễn quả có xây ba cung và sáu viện. Ba cung là Khôn Thái, Trường Sanh và Diên Thọ, trong đó, Cung Khôn Thái cùng sáu viện đều nằm trong Tử Cấm Thành. Sáu viện là Thuận Huy, Đoan Huy, Đoan Tường, Đoan Trang, Đoan Thuận, và Đoan Hòa.

Cung Trường Sanh xây từ đời Minh Mạng (1822), ban đầu có tên là Trường Ninh, sau vua Khải Định đổi làm Trường Sanh.

Cung Diên Thọ xây từ đời Gia Long (1803), ban đầu có tên là Trường Thọ, sau nhiều lần đổi tên (Từ Thọ, Gia Thọ… Muốn rõ, xin xem Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Kinh Sư) qua các triều, cuối cùng mang tên Diên Thọ dưới triều Khải Định. Cung này hiện đang còn nguyên vẹn tại Đại Nội.

Khi vua Khải Định mới lên ngôi, bà Từ Cung, lúc đó mới chỉ là Tam Giai Nghi Tân, chưa đủ tư cách để ở Cung Khôn Thái. Cung Diên Thọ bấy giờ dành cho bà Thánh Cung (mẹ đích của vua Khải Định), Cung Trường Sanh dành cho bà Tiên Cung (mẹ ruột của vua Khải Định). Bà Thánh Cung mất năm 1940, bà Tiên Cung mất năm 1944. Thế có nghĩa là bà Từ Cung chỉ có thể ở Cung Trường Sanh sau năm 1940, và ở Cung Diên Thọ sau năm 1944, theo thời gian mà đuợc đôn lên, khi các người ở trước đã ra đi. Điều tôi biết chắc là sau khi vua Bảo Đại thoái vị vào tháng 8 năm 1945, bà về ở tại cung An Định, sau đó, khi cựu Hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng, bà lại vào ở cung Diên Thọ vào năm 1950, tại lầu Tịnh Minh. Sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại (1955), Cung An Định bị tịch thu, bà Từ Cung xây một biệt thự khác gần đấy để ở cho tới ngày mãn phần. Nói tóm lại, tùy theo từng thời kỳ, bà Từ Cung quả có ở tại các cung Trường Sanh, Diên Thọ và An Định, nhưng chắc chắn không hề và không thể ở Ninh Điện và Vạn Thọ Cung vì không có hai cơ sở đó, dù chỉ là cái tên.

Cung Trường Ninh bị hư hỏng nên được triệt hạ năm 1907, sau đó Bộ Công đã thiết kế để xây dựng lại với tiện nghi mới. Sau khi hoàn tất đâu vào đấy, bà mẹ của vua Duy Tân đã dọn vô ở ngày 1/10/1914 ( B.A.V.H., số 4, 1914, p.333). Có lẽ tác giả biết được nguồn tin này nên mới ghi rằng “sau điện này bị hư” chăng?

Than Binh

Hình 40. Lính Thị vệ canh phòng Hoàng thành Huế. Ở góc là Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài (Sđd.; tr. 31)

Ở góc phải của ảnh, đúng là hình của Thượng Thư Bộ Binh Nguyễn Hữu Bài. Nhưng nói rằng lính thị vệ canh phòng Hoàng Thành Huế là sai hoàn toàn, không biết gì về quy chế thị vệ của triều Nguyễn.

Bằng hiểu biết riêng của tôi thì hình đó là cảnh lính thân binh đang dàn nghi trượng (tàn, lọng, cờ…) trong một buổi lễ long trọng nào đó, có sự hiện diện của vua, tại Huế.

Trong quan chế nhà Nguyễn, không có lính Thị Vệ, vì Thị Vệ thuộc về hàng quan Võ đặc biệt, lập thành một bộ phận riêng trong Đại Nội, gọi là Thị Vệ Xứ. Trong bài viết Chuyện Cung đình nghe kể lại (đã dẫn ở Hình 4), tôi đã có dịp nói về công việc của Thị vệ. Vai trò quan trọng nhất của Thị vệ là bảo vệ an ninh cho vua, ngoài ra, như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 122, cho biết Thị Vệ Xứ đảm nhận công việc đóng ấn, kiểm soát thẻ bài, hầu hạ vua trong công việc cũng như cuộc sống riêng, truyền đạt mệnh lệnh của vua, truyền đưa các phẩm vật, tiếp nhận chương sớ v.v. Thị Vệ có năm bậc, thấp nhất là Ngũ Đẳng và cao nhất là Nhất Đẳng.

Quan chế Nhà Nguyễn chia làm hai ban là Văn và Võ. Mỗi ban lại chia làm 9 bậc, thấp nhất là cửu phẩm, cao nhất là nhất phẩm. Mỗi phẩm lại chia làm hai trật, là chánh và tòng. Ngũ Đẳng Thị vệ là quan Võ, hàng chánh lục phẩm. Đối với quan Văn, do Hàn Lâm Viện trước tác, Đồng Tri Phủ, Tri huyện. Còn Nhất Đẳng Thị vệ là chánh tam phẩm, ngang hàng với Thị Lang, Bố Chính, Phủ Doãn bên Văn. Vì vậy không thể nói “lính Thị Vệ canh phòng Hoàng Thành Huế” được, vì Thị Vệ thuộc hàng sĩ quan, có lính để sai khiến.

Như đã nói từ đầu, vì sợ sự sai lầm này sẽ dẫn đến sai lầm dây chuyền mai sau nên tôi mạo muội lên tiếng. Ước mong có chút hữu ích chung.

Võ Hương An