Trong 12 con giáp (Thập nhị chi) thì Sửu là con giáp đứng thứ hai, sau Tý trước Dần. Ở Việt Nam, người tuổi Sửu thường tự nhận là tuổi con trâu, song điều này hoàn toàn không đúng. Sự ngộ nhận này kéo dài đã quá lâu, đơn giản vì nhiều người tin chắc rằng Sửu là ngưu, mà ngưu chính là…con trâu (!).
Xin nhắc lại: “ngưu” (牛) không phải là trâu. Từ này có nghĩa chính xác là con bò, còn trâu trong Hán ngữ là “thủy ngưu” (水牛), học giả Đào Duy Anh đã khẳng định điều này trong Hán Việt từ điển giản yếu (Nxb Đông Ba, năm 1932, tr. 53). Lâu nay phần lớn chúng ta thường nghĩ rằng nhân vật Ngưu Ma Vương (牛魔王) trong truyện Tây Du Ký là do con trâu hóa thân, còn cung thứ 2 trong Hoàng Đạo là Kim Ngưu (金牛) – biểu tượng của con trâu… Xin thưa, tất cả đều không phải. Ngưu ma vương đích thực là do con bò hóa thành, còn cung Kim Ngưu có biểu tượng là bò đực chứ không phải trâu.
Trở lại khái niệm tuổi Sửu. Chúng ta biết rằng Thập nhị chi là 12 con vật theo Hoàng đạo của Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc thì chi ‘Sửu’ (丑) là nói về con bò chứ không phải con trâu.Tương tự như vậy, những nước ứng dụng Thập nhị chi như Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho rằng chi thứ hai trong Thập nhị chi là con bò (Nhật: Sửu = ushi うし, viết theo Kanji là 牛) = con bò; Hàn Quốc: Sửu = chug (축) = con bò)…
Tóm lại, xét về từ ngữ thì tuổi Sửu chính là tuổi con bò, điều này cũng tương tự với cách hiểu tuổi Mão (mèo) của Việt Nam so với Mão (thỏ) của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Vì sao người Việt xưa chọn con trâu làm biểu tượng cho chi Sửu?
Có nhiều cách giải thích, song theo chúng tôi, mấu chốt vấn đề nằm ở ngữ âm. Cha ông ta đã dựa vào cách phát âm chữ ‘Sửu’ (丑) trong tiếng Trung Quốc để gọi ‘sửu’ là…con trâu! Bởi vì, chữ ‘sửu’ (丑) đọc theo tiếng Quan Thoại là chǒu/chou3 (Bính âm); tiếng Quảng Đông là cau2 (Việt bính); tiếng Khách Gia là chhú (Tứ huyện khang); phiên âm quốc tế là tʂʰou˨˩˦…
Tương tự như vậy, từ ‘trâu’ trong tiếng Việt thời Trung cổ được viết là tlâu (Từ điển Việt – Bồ – La), từ ‘sửu’ (丑) trong tiếng Trung Quốc thời Trung cổ được phát âm là /ʈʰɨuX/. Xa hơn nữa, ta thấy rằng ‘sửu’ (丑) trong tiếng Trung Quốc thời Thượng cổ có những cách đọc như sau:
– /*[n̥]ruʔ/ (theo 2 nhà ngôn ngữ học Baxter và Sagart).
– /*n̥ʰuʔ/ (theo nhà ngôn ngữ học Trịnh Trương Thượng Phương/鄭張尚芳).
Trong khi đó, chữ ‘trâu’ được phát âm là *c-luː (Proto-Vietic); là *krpiʔ ~ *krpiiw ~ *krpuʔ ~ *(kr)puh (Proto-Mon-Khmer); là *k.r.pu.y (Proto-Austroasiatic).
Tóm lại, ‘từ ‘sửu’ (丑) trong tiếng Trung Quốc có cách phát âm gần với âm ‘trâu’ trong tiếng Việt hơn là âm ‘bò’, do đó người Việt xưa gọi Sửu là con trâu, cho dù trên thực tế thì ‘sửu’ lại là…con bò!