Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao bố vợ lại là người dắt tay cô dâu ra lễ đường trước khi trao cô ấy vào tay chú rể không?
Có lẽ mọi người sẽ nghĩ rằng vì việc đó vốn dĩ là như vậy, tại sao lại phải hỏi. Tuy nhiên, đám cưới vốn là một dịp trang trọng được xếp vào hàng nghi lễ. Mà mọi thứ trong nghi lễ đều tồn tại những lý do và ý nghĩa của riêng nó. Chỉ là khi một thứ đã tồn tại quá lâu, mọi người thường không còn nhớ về ý nghĩa của chúng nữa.
Để giải thích cho câu hỏi này, chúng ta nên bắt đầu từ khía cạnh về tình cảm của bố và con gái.
Một người làm bố, với con trai, họ có thể kỷ luật và hà khắc đến tàn khốc, vì hơn ai hết, đàn ông hiểu rằng cuộc sống không hề nhân từ chút nào với sự yếu đuối. Thế nhưng, với con gái, người bố ấy lại luôn yêu chiều và mềm mỏng hơn rất nhiều. Chẳng phải tự nhiên mà trong tiếng Việt lại có một từ riêng là “con gái rượu” để nói về những cô con gái được bố yêu thương như vậy.
Cha mẹ thì chẳng bao giờ muốn con cái phải thất vọng về mình ở điều gì cả. Nhưng giữa bố với con gái, thứ trách nhiệm ấy còn mãnh liệt hơn rất nhiều. Con gái giống như một phần tuổi thơ của mẹ mà bố muốn bảo vệ nhất. Trong mắt con gái, một người bố tốt cũng chính là hình mẫu siêu anh hùng đầu tiên của họ, là hình ảnh đáng tin cậy mà họ sẽ còn luôn tìm kiếm trong tất cả những người đàn ông sau này.
Thế nên, người đàn ông có trách nhiệm lớn nhất tới cuộc đời của cô dâu trước khi kết hôn chính là bố. Hơn ai hết, ông ấy là người quyết định chàng trai nào đó liệu có đủ phẩm chất để mình tin tưởng chuyển giao sứ mệnh cao cả này hay không.
Hình ảnh này cũng gần giống với nghi thức đổi gác tại các địa điểm đặc biệt trang nghiêm trên thế giới.
Nếu bạn biết tới nghi lễ đổi gác ở tượng đài Người Lính Vô Danh tại Mỹ hoặc của kỵ binh tại điện Buckingham Anh Quốc, thì có lẽ bạn đã biết rằng một người lính để được tuyển chọn cho vị trí này phải trải qua một quá trình huấn luyện vượt ngoài sức chịu đựng của người bình thường. Hơn ai hết họ phải hiểu được tầm quan trọng của thứ mình đang bảo vệ và đây không phải là một nhiệm vụ dạng “đứng canh” đơn thuần.
Việc bố vợ trao con gái cho chú rể, ở một góc nhìn, cũng chính là một hành động trang nghiêm như thế. Điều đó còn có ý nghĩa rằng, vì hạnh phúc của cô dâu, chú rể cũng phải yêu thương cô ấy nhiều như cách bố cô đã bảo vệ cô, và như cách mà sau này anh ta sẽ chăm lo cho con gái mình.
Hôn nhân không giống với tình yêu. Yêu là giai đoạn để chúng ta tìm hiểu về một người. Còn hôn nhân là thứ mà người ta làm khi bắt đầu muốn xây dựng một gia đình.
Thời đại này mọi người hay bị tẩy não bởi chủ nghĩa lãng mạn trong các câu chuyện cổ tích và những bộ phim ngôn tình. Thế nên họ không biết rằng đám cưới không phải là bước tiếp theo của hạnh phúc, cũng chẳng phải là nấm mồ của tình yêu.
Đám cưới giống như một nghi lễ trưởng thành của cô dâu và chú rể, để từ giờ trở đi họ sẽ sống bằng nhiều trách nhiệm hơn, với bản thân, với vợ chồng, với con cái và với những tình cảm cùng ý chí mà cha mẹ họ đã dùng để nuôi lớn họ như ngày hôm nay.
mannup